Nếu Đời Anh Vắng Em

Nếu Đời Anh Vắng Em - Chương 3: Huynh đệ cô độc




Có hai loại người. Những người sống vui đùa rồi chết. Và những người chẳng bao giờ làm gì khác ngoài việc giữ thăng bằng giữa hai bờ vực trong cuộc sống. Có những diễn viên. Và những nghệ sĩ đi trên dây.

Maxence FERMINE

Martin lại châm một điếu thuốc nữa mà vẫn không thể nào trấn tĩnh nổi. Lần này chắc chắn có điều gì đó không ổn. Báo động lẽ ra phải kêu từ cách đây một phút rồi.

Từ tận đáy lòng, chàng trai trẻ không cảm thấy khó chịu. Chẳng phải đó chính là điều anh vẫn thầm mong sao: một mình tóm cổ Archibald, chẳng cần sự giúp đỡ của đám bảo vệ hay cảnh sát tư pháp, để có một pha đối mặt không cần ai chứng kiến?

Martin biết rằng rất nhiều đồng nghiệp của anh vẫn ngưỡng mộ các "phi vụ" của Archibald và cảm thấy hãnh diện khi theo đuổi một tên tội phạm như hắn. Đúng là McLean không phải tên trộm thông thường. Từ hai mươi lăm năm nay, hắn đã khiến giám đốc tất cả các bảo tàng toát mồ hôi lạnh và giễu cợt tất cả cảnh sát trên thế giới này. Là kẻ ghiền những phi vụ đẹp, hắn đã biến nghề trộm cắp thành một nghệ thuật và thể hiện biệt tài cùng sự độc đáo trong mọi vụ trộm của mình. Không bao giờ hắn phải dùng vũ lực, chẳng hề nổ phát súng nào và cũng không hề làm rơi một giọt máu. Với vũ khí duy nhất là sự liều lĩnh và ranh mãnh, hắn không hề ngại cuỗm báu vật từ tay những nhân vật nguy hiểm nhất - từ tên trùm mafia Oleg Mordhorov-, bất chấp cả việc bị mafia Nga truy lùng hay bị các ông trùm Nam Mỹ treo giải cho ai lấy được đầu hắn. Martin thường tỏ ra bức xúc về cách giới truyền thông vẫn đưa tin về hắn. Cánh nhà báo đã phác họa Archibald bằng những chân dungđáng ngưỡng mộ và biến hắn thành một nghệ sĩ nhiều hơn là một tên tội phạm.

Ngược lại, cảnh sát lại chẳng biết gì nhiều về Archibald McLean: không một chi tiết về quốc tịch, tuổi tác, AND. Hắn không bao giờ để lại dấu vết. Trên các băng ghi hình, rất hiếm khi thấy được mặt hắn, nếu có cũng chẳng bao giờ cùng một khuôn mặt vì hắn thực sự điêu luyện trong thuật hóa trang. FBI đã treo nhiều món thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin để có thể bắt giữ hắn song vô ích, những thông tin thu thập được luôn mâu thuẫn nhau. Archibald thực sự là một tắc kè hoa, có thể thay đổi hoàn toàn dáng vẻ bề ngoài và nhập vai tài tình như một diễn viên thực thụ. Chưa từng có đồng bọn hay mối hàng nào của hắn chịu tiết lộ thông tin. Tất cả những chi tiết này đều khiến người ta nghĩ rằng Archibald hoạt động độc lập và chỉ cho riêng hắn.

Khác với đồng nghiệp và báo giới, Martin chưa hề để mình bị nhân vật này mê hoặc. Cho dù có lừng lẫy đến mấy thì McLean vẫn chỉ là một tên tội phạm.

Đối với Martin, đánh cắp một tác phẩm văn hóa không hề giống với việc trộm bất cứ tài sản gì khác. Trên cả giá trị thương mại, mọi sáng tạo nghệ thuật đều mang màu sắc linh thiêng và góp phần tiếp chuyển di sản văn hóa được tích lũy qua nhiều thế kỷ. Do đó, đánh cắp một tác phẩm nghệ thuật thực chất là sự xâm phạm nghiêm trọng tới giá trị và nền tảng của nền văn minh chúng ta.

Và kẻ nào dám làm điều đó không đáng được nương tay.

° ° °

Một không gian yên tĩnh thiêng liêng, không một tiếng động, không một bóng người: bên trong bảo tàng tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Archibald tiến vào các gian trưng bày trịnh trọng như bước vào nhà thờ. Ánh đèn đêm trong bảo tàng, màu xanh ngọc và xanh cô ban, nhấn chìm các gian phòng trong không gian của một lâu đài bị ma ám. Archibald để mình bị cuốn theo khung cảnh. Hắn vẫn luôn nghĩ rằng ban đêm, các bảo tàng có thể lấy lại được sức sống của chúng, trong sự bình yên và bóng tối, tránh xa tiếng ồn ào của đám đông và những ánh đèn máy ảnh của khách du lịch. Vì quá muốn phô ra vẻ đẹp của các tác phẩm, chẳng phải người ta đang dần làm mất đi vẻ tự nhiên của chúng và rốt cuộc sẽ phá hủy chúng hay sao? Giờ đây, mỗi năm, một bức tranh phải hứng lượng ánh sáng có lẽ bằng đến năm mươi năm của thời xưa! Bị soi chiếu nhiều như vậy, dần dần chúng sẽ mất độ bóng, cạn kiệt sức sống và giảm tuổi thọ.

Hắn tiến vào gian đầu tiên, dành cho Paul Cézanne. Từ hơn hai mươi năm nay, Archibald đã "ghé thăm" hàng chục bảo tàng và có trong tay một số kiệt tác vĩ đại nhất; thế nhưng lần nào hắn cũng đều có cùng một cảm xúc, đều rùng mình trước tài năng thiên bẩm của họa sĩ. Một số tác phẩm đẹp nhất của Cézanne nằm trong gian phòng này: Những người tắm, Những tay chơi bài, Ngọn núi Sainte-Victoire...

Tên trộm phải cố dứt ra khỏi phút chiêm ngưỡng mê say. Hắn lôi từ trong thắt lưng ra một sợi dây mảnh bằng titan và gắn chặt nó vào bức tường ngăn cách gian phòng này với gian bên cạnh.

Bởi Archibald không đến vì Paul Cézanne...

° ° °

Martin lấy gót giày di nát đót thuốc lá trước khi chui lại vào trong xe. Đây không phải là lúc lộ mình. Nếu sau mười năm làm việc anh rút ra được điều gì, thì đó là đến tên tội phạm thiên tài nhất rồi cũng sẽ mắc lỗi. Đó là bản tính tự nhiên của con người: sớm hay muộn, sự tự tin cũng sẽ khiến người ta lơ là và sự lơ là đó sẽ khiến họ phạm sai lầm - dù là nhỏ nhất - và chỉ cần thế thôi cũng đủ để bị tóm gọn. Và điều tối thiểu có thể nói được là trong những tháng gần đây Archibald dã liên tục tiến hành những phi vụ động trời, thực hiện một chuỗi những vụ trộm chưa từng thấy trong thế giới nghệ thuật: ngoài một số báu vật khác, có thể kể đến bức Vũ điệu của Matisse ở bảo tàng Ermitage tại Saint-Petersbourg, những bản thảo giao hưởng viết tay vô giá của Mozart tại Thư viện Morgan ở New York, một bức tranh khỏa thân tuyệt đẹp của Modigliani tại Luân Đôn... Và ba tháng trước đây, trong khi đang hưởng kỳ nghỉ cuối tuần trên du thuyền riêng, tỷ phú người Nga Ivan Volynski đã gặp phải một bất ngờ khó chịu khi bị nẫng mất bức tranh nổi tiếng NO 666 của Jackson Pollock, được ông ta đấu giá thành công tại Sotheby's với giá gần 90 triệu đô la. Vụ trộm đã khiến tỷ phú này điên tiết vì - theo người ta đồn đại - ông ta mua bức tranh này với ý định dành tặng cho cô bồ trẻ mới cặp.

Martin bật đèn trần xe và rút từ trong túi áo ra một cuốn sổ nhỏ bìa da thuộc, trong đó anh đã ghi lại những vụ trộm gần đây nhất.

NGÀY TRỘM

TÁC PHẨM

TÁC GIẲ

NGÀY MẤT CỦA TÁC GIẲ

3/11

Vũ điệu

MATISSE

3/11/1954

5/12

Bản thảo viết tay

MOZART

5/12/1791

24/1

Người đàn bà khỏathân

MODIGLIANI

24/1/1920

6/2

Chân dung Adèle

KLIMT

6/2/1918

8/4

Gã ăn mày

PICASSO

8/4/1973

16/4

Nàng Maja khỏa thân

GOYA

16/4/1828

28/4

Ba đám tang

BACON

28/4/1992

Có quá nhiều sự trùng hợp nên không thể nói đó chỉ đơn thuần là trùng hợp: giống như một tên giết người hàng loạt, Archibald McLean không hề hành sự vu vơ, mà tuân theo một modus operandi 1 cụ thể. Giống như để tưởng niệm các nghệ sĩ, dường như thời gian gần đây hắn luôn tiến hành các vụ trộm vào ngày mất của các nghệ sĩ mà hắn tôn thờ! Vì kiêu mạn tột cùng hay chỉ là một cách để trêu ngươi cảnh sát và dựng nên một huyền thoại, vụ trộm nào hắn cũng ký tên bằng cách để lại một tấm danh thiếp có trang trí hình Nam Thập Tự. Quả thật, tên trộm này là tay ngoại hạng.

Khi tìm ra phương thức hành động này của hắn, phản ứng đầu tiên của Martin là dò lại tất cả các ghi chép của Interpol, song anh không hề tìm thấy một chút gì giống với những suy luận của mình. Xem ra anh là thanh tra duy nhất trên thế giới đã tìm ra mối liên hệ giữa ngày các tác phẩm bị đánh cắp và ngày mất của các tác giả! Anh cảnh sát trẻ từng phân vân không biết có nên cảnh báo cấp trên, trung tá Loiseaux, giám đốc OCBC hay không. Cuối cùng anh quyết định giữ thông tin này cho riêng mình và hành động đơn lẻ. Do kiêu mạn chăng? Đương nhiên, song đó cũng là do cá tính: Martin là người cô độc, không thoải mái và kém hiệu quả khi làm việc theo nhóm. Khả năng tối ưu của anh chỉ có thể phát huy khi anh được làm việc theo cách của mình. Và đó là cách anh sẽ hành động tối nay, anh sẽ mang nộp cho OCBC cái đầu của Archibald đặt trên một cái khay. Giống như mọi lần, trung tá Loiseaux và đồng nghiệp của anh sẽ vội vàng nhận công trạng về mình, song điều đó không làm Martin quan tâm. Anh chẳng phấn đấu thành cảnh sát để tìm kiếm danh vọng hay sự thừa nhận.

Anh hạ thấp kính chiếc xe hai chỗ cũ kỹ. Màn đêm thật đáng sợ, đầy đe dọa và cũng đầy hứa hẹn. Tít trên cao, qua các ô cửa sổ ở mặt tiền bảo tàng có thể nhìn loáng thoáng những chiếc đèn chùm mang đậm vẻ cổ xưa.

Anh nhìn đồng hồ đeo tay của mình, một chiếc Omega "Speedmaster" phiên bản hạn chế, món quà của một cô người yêu cũ đã bặt tăm từ lâu.

Đã sang ngày 29 tháng Bảy được vài tiếng.

Ngày mất của Vicent Van Gogh.

° ° °

- Chào mừng ngày giỗ, Vincent, Archibald nói khi bước vào gian bên cạnh, trong đó trưng bày một vài tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh: Giấc ngủ trưa, Chân dung bác sĩ Gachet, Nhà thờ Auvers-sur-Oise...

Hắn tiến sâu vào phòng vài bước và dừng lại trước bức chân dung tự họa nổi tiếng nhất của họa sĩ. Mờ ảo trong ánh hào quang bí ẩn, bức tranh có vẻ gì đó ma quái với sắc màu xanh tím và xanh lá lấp lánh trong bóng tối.

Từ trong khung tranh bằng gỗ thếp vàng, Van Gogh nhìn xéo hắn, chăm chăm và lo lắng. Một ánh mắt dường như đang dõi theo song lại cũng như đang trốn chạy. Những nét vẽ ngắt đột ngột làm hiện lên nét mặt ông vừa rắn vừa thô. Mái tóc màu cam của họa sĩ cùng bộ râu đỏ trông như một ngọn lửa đang liếm lên mặt ông, và trên nền bức tranh là những đường uốn lượn đầy ảo giác.

Archibald mê mẩn nhìn bức tranh.

Giống như Rembrandt và Picasso, Van Gogh thường tự lấy mình làm mẫu. Theo dòng những bức tranh, với phong cách không thể nào bắt chước, ông quay cuồng tìm kiếm chính mình. Người ta đã thống kê được hơn bốn chục bức chân dung tự họa của ông: những tấm gương không biết nói dối cho phép quan sát diễn biến bệnh tình của ông cũng như sự xáo trộn trong lòng ông. Song bức tranh này nổi tiếng là tác phẩm mà Van Gogh gắn bó nhất. Có thể vì ông đã vẽ nó trong thời gian bị giam cầm tại nhà thương điên Saint-Rémy-de-Provence, chưa đầy một năm trước khi ông tự vẫn, một trong những thời kỳ sung mãn nhất song cũng đau đớn nhất của cuộc đời ông.

Gần như thông cảm, Archibald cảm thấy thực sự bồi hồi trước gương mặt đau đớn trong tranh. Đêm nay, bức tranh gợi cho tên trộm thấy hình ảnh của một người huynh đệ cô đơn.

Bức tranh này, hắn đã có thể lấy từ cách đây mười hay hai mươi năm. Nhưng hắn quyết định chờ đến đêm nay, nó sẽ là tuyệt đỉnh vinh quang trong sự nghiệp đạo chích của hắn.

Có tiếng bước chân vọng lên từ tầng dưới, nhưng Archibald không thể nào rời mắt khỏi đôi mắt của họa sĩ người Hà Lan, bị hút hồn bởi tài năng của ông, mà suy cho cùng tài năng ấy có lẽ đã chiến thắng cơn điên loạn.

Những quay quắt biểu lộ qua những bức chân dung tự họa của Van Gogh gợi cho hắn những câu hỏi mà hắn cũng tự đặt ra cho chính mình về sự tồn tại của bản thân. Thực sự hắn là ai? Có phải hắn dã quyết định đúng trong những thời điểm quan trọng? Hắn sẽ làm gì trong quãng đời còn lại? Và nhất là, liệu có khi nào hắn đủ dũng cảm đểbước một bước lại gàn Cô - người phụ nữ duy nhất có ý nghĩa đối với cuộc đời hắn - để cầu xin cô tha thứ?

- Thế nào, chúng ta đi chứ, Vincent? hắn hỏi.

Trong ánh sáng huyền ảo, ánh mắt Van Gogh như lấp lánh hơn. Archibald quyết định coi đó như một dấu hiệu đồng tình.

- Được, vậy thì hãy cài đai lưng vào. Có thể sẽ hơi xóc một chút đấy! hắn cảnh báo và nhấc bức tranh ra khỏi vị trí.

Ngay lập tức, chuông báo động đổ dồn và một tiếng còi rú lên vang động khắp bảo tàng.

° ° °

Tiếng báo động vang vọng ra tận ngoài đường.

Đã sẵn sàng chờ đón, Martin chỉ đợi có tín hiệu này để hành động. Anh mở cửa xe và bước xuống vỉa hè sau khi đã lấy súng từ trong hộp đựng găng tay ra: khẩu súng bán tự động Sig-Sauer 9mm, giờ đây hầu hết cảnh sát Pháp đều đã được trang bị. Anh kiểm tra lại ổ đạn mười lăm viên rồi đút súng vào bao.

Mong rằng mình không phải dùng tới nó...

Đã lâu anh không luyện tập. Từ khi chuyển sang OCBC, anh chưa từng bắn một phát súng nào, trong khi hồi còn ở Stups anh sử dụng súng thường xuyên.

Martin băng qua hai làn đường để áp mình vào bức tường bảo tàng nằm vuông góc với sông Seine. Con phố Légion-d'Honneur vắng tanh nếu không kể tới hai kẻ vô gia cư đang ngủ trong túi ngủ ở ngay cửa xuống ga tàu điện ngầm RER C. Viên cảnh sát trẻ nép mình sau một cây cột Morris và tiếp tục theo dõi từ vị trí mới. Ngước đầu lên nhìn mái, qua ống nhòm anh thấy một sợi dây mới được thả dọc bờ tường bảo tàng ròng xuống một trong những ban công tầng hai.

Anh cảm thấy nhịp tim đập dồn dập trong lồng ngực.

Đừng chần chừ nữa, Archie. Tao đây. Tao đang chờ mày đây.

° ° °

Archibald vừa tháo bức tranh ra thì những tấm lưới thép bảo vệ sập xuống cực nhanh ở cả hai bên căn phòng nhốt tên trộm lại và ngăn không cho hắn trốn thoát. Hệ thống bảo vệ kiểu này hiện nay được lắp đặt ở tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới: không tìm cách triệt để ngăn bọn trộm đột nhập vào bên trong song đảm bảo chắc chắn chúng không thể thoát ra ngoài được.

Chỉ vài giây sau, một đội bảo vệ đã đổ ra truy lùng ở tầng trên của bảo tàng.

- Hắn kia rồi, trong gian 34! đội trưởng đội bảo vệ vừa hét lên vừa xông ra hành lang dẫn tới các phòng tranh.

Không hề hoảng hốt, Archibald chụp ngay mặt nạ dưỡng khí vào, đeo đôi kính bảo vệ mắt mỏng màu xanh và lôi từ trong túi ra thứ sẽ giúp hắn "tàng hình".

Đội bảo vệ tiến dần tới, nhanh chóng băng qua các phòng trưng bày tranh ấn tượng. Khi họ tới được bên lưới thép thì vừa kịp đón ba quả lựu đạn đã tháo kíp mới được ném ra sàn. Hoảng hốt, đám bảo vệ đứng trơ ra. Rồi những quả lựu đán phát nổ, xì ra những làn khói màu tím. Chẳng mấy chốc, thứ khói đặc sệt và cay xè tràn ngập căn phòng, nhấn chìm mọi thứ trong không gian mù mịt sặc mùi nhựa cháy.

- Chết tiệt! Hắn hun chúng ta đây mà! Viên đội trưởng hét lên và lùi lại vài bước.

Các thiết bị báo khói phản ứng không hề chậm trễ và lần này còi báo cháy rú lên khiến khung cảnh càng thêm phần hỗn loạn. Ngay lập tức, một màn chắn mỏng bằng kim loại tự động kéo khắp gian phòng, bảo vệ các họa phẩm khỏi các vòi nước phun tự động kích hoạt ngay khi nhiệt độ trong phòng lên quá cao.

° ° °

Cùng lúc đó, trưởng đồn cảnh sát quận VII nhận được ngay những hình ảnh trực tuyến truyền từ các máy quay đặt trong bảo tàng Orsay. Hệ thống bảo vệ từ xa nối liền báo động từ bảo tàng tới các phòng ban ở đồn cảnh sát đôi khi cũng gặp lỗi báo nhầm, song lần này tín hiệu báo động được đánh giá là nghiêm trọng và ngay lập tức, ba xe cảnh sát xuất phát, rú còi ầm ĩ và chạy cấp tốc về phía bảo tàng lừng danh nằm bên bờ tả sông Seine.

° ° °

- Tôi chịu không hiểu nổi hắn đang chơi trò gì! viên đội trưởng đội bảo vệ làu bàu, chiếc khăn mùi soa bịt chặt trên mặt để ngăn khói.

Ông vớ lấy bộ đàm và hét lên ra lệnh cho trực ban:

- Cử ngay một đội gác lên cầu thang thượng. Tôi không muốn chúng ta để mất dấu hắn!

Sau tấm lưới sắt, ông nhìn thấy lờ mờ một bóng người đang di chuyển trong gian Van Gogh. Tranh thủ lúc khói chưa kịp lan đen khắp phòng, ông rà soát toàn bộ gian phòng qua đôi mắt kính hồng ngoại. Thoạt nhìn, chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ tên trộm có thể tẩu thoát: theo những gì ông quan sát được, những song sắt ở đầu kia gian phòng cũng đã sập xuống, chặn mọi đường trốn. Cảnh sát chỉ việc tóm gọn hắn khi chúng ta mở cửa, ông nghĩ và hoàn toàn yên tâm.

° ° °

Điều ông không nhìn thấy là một sợi dây mỏng bằng titan đã ngăn tấm lưới sắt lại cách mặt đất năm mươi phân.

° ° °

Một nụ cười sáng rõ trên khuôn mặt Archibald khi hắn trườn mình qua khe cửa rồi thoát ra khỏi bảo tàngtheo cách hắn đã vào. Toàn bộ hành động kéo dài chưa đầy năm phút.

Chỉ cần năm phút thôi cũng đủ để hắn tháo từ trên tường xuống một bức tranh vô giá.

--- ------ ------ ------ -------

1. Phương thức hành động (tiếng Latin).