Nàng Lọ Lem Và Chàng Hoàng Tử Béo

Chương 3 : Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ




Anh ta mở cổng, đứng chặn lối vào. Thân hình to lớn chặn hết ánh sáng hắt ra từ ngôi nhà, khiến anh ta trông như một cái bóng to lớn trùm kín cả cô gái bé nhỏ trước mặt. Khuynh Diệp run lên bần bật.

- Có chuyện gì vậy?

- Tôi... tôi... - Khuynh Diệp lắp bắp.

Anh ta khoanh tay, đứng im đợi cô nói. Chẳng hiểu sao từ ngữ trong đầu biến đi đâu mất sạch, cô càng cố nói thì càng không biết sắp xếp câu chữ làm sao. Cô sợ anh ta thấy cô thế này sẽ càng nghi ngờ mất thôi. Ôi, chết mất! Khuynh Diệp cố giữ bình tĩnh.

- Nếu không có việc gì thì tôi đóng cổng đây. - Anh ta vừa nói vừa lùi bước, chuẩn bị đóng cổng.

- Ấy, đừng! Tôi... đã ăn cắp tiền của anh.

Anh chàng to béo khựng lại trước câu nói của Khuynh Diệp, hơi nhướng mày ý như chờ cô nói thêm. Khuynh Diệp đầu cúi gằm, hai má nóng ran, nói lí nhí.

- Đúng vậy, tôi đã tiêu tiền của anh. Xin lỗi, tôi xin lỗi. - Cô cúi gập người.

- Tiền nào?

Khuynh Diệp ngẩng đầu, nhưng hai má vẫn bừng bừng.

- Là tiền trong ví anh đánh rơi khi đi mua đồ ở siêu thị, tôi đã nhặt được. - Như nghĩ ra, cô lại luống cuống giải thích thêm. - Không phải tôi cố tình ăn cắp tiền của anh đâu. Đúng là anh làm rơi, tôi chỉ nhặt được thôi! Tôi đuổi theo trả lại anh mà không kịp. Với cả, tôi cũng đợi anh hơn tháng nay, nhưng không thấy anh quay lại.

Người đàn ông nghe xong, không nói gì một lúc lâu, có lẽ anh ta đang cố nhớ lại.

- Cô cũng là khách mua hàng?

- Không, tôi là thu ngân. Hôm ấy anh làm rơi đồ trên giá, anh nhớ không?

Bầu không khí tự dưng đông cứng lại, Khuynh Diệp biết mình đã lỡ lời rồi. Chắc chắn anh ta không thích nhắc lại những chuyện mất mặt như thế.

- Vậy cô nghĩ không thấy người ta quay lại thì cô có quyền tiêu tiền trong chiếc ví ấy?

Khuynh Diệp xua tay lia lịa.

- Không... không phải vậy... Anh hiểu lầm rồi.

Nhưng nói ra câu ấy rồi cô mới thấy anh ta không hiểu lầm. Đúng là cô đã tiêu tiền của anh ta. Càng giải thích chỉ càng làm anh ta thêm nghi ngờ cô đang lấp liếm tội lỗi của mình mà thôi.

- Cô tiêu tiền của tôi rồi đến nói với tôi?

Gò má rồi giờ đến cả hai tai Khuynh Diệp cũng nóng bừng. Trên đời có kẻ ăn cắp nào tìm đến nhà nạn nhân tự thú như cô không?

- Anh nghe tôi giải thích được không? Thực sự tôi không có ý lấy tiền của anh.

Anh ta khoanh tay, đứng dựa vào tường, không nói gì thêm, ý như đợi nghe lời giải thích của Khuynh Diệp.

- Tôi vốn luôn giữ chiếc ví đó, đợi anh quay lại thì sẽ trả. Nhưng đợi mãi không thấy anh đâu, mà tôi lại đang cần tiền quá. Tôi biết, tự ý lấy tiền của người khác là không nên. Nhưng đúng là tôi không còn cách nào khác, chỗ nào vay được cũng đã vay cả rồi, tiền lương cũng đã ứng trước rồi. Bất đắc dĩ lắm tôi mới tiêu tiền trong ví của anh. Tôi cũng định đợi tháng lương sau hoặc khi nào có tiền sẽ bù ngay vào đó.

- Sau khi tiêu tiền trong ví của tôi thì cô đến đây, kể những chuyện này cho tôi nghe, mong tôi thông cảm, đúng không? - Anh chàng to béo tỏ vẻ khó chịu.

- Không phải. - Giọng Khuynh Diệp nghe như sắp khóc đến nơi. - Tôi thực sự không biết anh ở đâu. Vừa nãy vô tình tôi nhìn thấy anh...

Anh ta nhìn Khuynh Diệp, không nói gì khiến cô càng cảm thấy oan ức. Rõ ràng anh ta đang nghi ngờ cô. Khuynh Diệp toan giải thích thêm, nhưng chưa kịp mở miệng anh ta đã nói.

- Được rồi, tôi biết rồi, cô về đi.

- Hả?

- Tôi nói cô về đi.

- Nhưng còn số tiền đó?

Anh ta lui người, chuẩn bị đóng cổng lại.

- Tùy cô.

"Tùy cô" nghĩa là như thế nào? Khuynh Diệp vội đưa tay ngăn anh ta lại.

- Tôi biết anh đang rất khó chịu. Nhưng quả thực tôi hết cách nên mới đành làm vậy. Tôi cũng thú thực luôn, gia đình tôi rất khó khăn, tôi không biết khi nào mới có tiền trả anh được nữa. - Mắt cô bỗng sáng lên. - A, hay như thế này đi. Tôi vẫn thường đến khu phố này giúp việc theo giờ. Hay là tôi làm cho nhà anh để trừ nợ, có được không?

Anh ta thoáng nhìn qua ngôi nhà, rồi nhìn Khuynh Diệp.

- Thôi được.

Nói rồi anh ta không đóng cửa mà quay người đi vào trong nhà. Khuynh Diệp biết ý vội chạy theo sau.

- Nhà này, cứ cuối tuần là có người đến lau dọn. Nhưng nếu cô thích, mỗi ngày đến dọn dẹp cho tôi. Không được tự ý động vào đồ của tôi, còn lại cô muốn làm gì thì làm.

Tầng một căn nhà chỉ có một phòng khách liền với bếp. Và bên kia là một cánh cửa khép kín. Anh ta chỉ tay về phía cánh cửa.

- Nếu tôi ở trong đó thì cô không được vào, sẽ làm ảnh hưởng công việc của tôi.

Khuynh Diệp gật đầu. Họ bước lên tầng hai. Khuynh Diệp rất ngạc nhiên trước thiết kế của tầng này. Cả tầng chỉ có duy nhất một căn phòng rộng. Trên tường treo rất nhiều tranh. Ở một phía là mấy giá sách rất lớn, chất đầy sách. Một góc là chiếc piano. Góc khác nữa là chiếc giường ngủ, chăn ga đều màu lam nhạt. Trên đầu giường đặt một chiếc máy nghe nhạc kiểu cổ. Khuynh Diệp liếc nhìn căn phòng, cảm thấy người đàn ông này đúng là kỳ lạ, không giống như những người cô từng gặp. Cô bỗng thở dài. Khoảng cách giàu nghèo đúng là quá lớn. Cả gia đình cô bốn người chen chúc trong căn phòng trọ bé tí, chật chội, ngột ngạt. Còn người đàn ông này một mình sống trong ngôi nhà to lớn thế này. Khuynh Diệp ước mơ ngày nào đó cũng mua được một căn nhà, nhỏ thôi cũng được, nhưng là nhà của riêng cô, để mẹ và hai em không phải chịu cảnh khổ sở như thế này nữa. Nhưng biết đến bao giờ ước mơ mới thành hiện thực được đây?

- Làm luôn đi, khi nào xong thì cứ về. Tôi đi làm việc đây.

- Hả? À, vâng.

Nhìn theo bóng lưng to lớn của anh ta, Khuynh Diệp vẫn cảm thấy chuyện này giống như mơ vậy. Tại sao lại có chuyện trùng hợp đến thế? Đợi cả tháng không thấy anh ta đâu, đúng khi cô vừa lấy tiền của anh ta ra tiêu thì lại vô tình biết được nhà anh ta. Và bây giờ, cô đứng đây, làm giúp việc theo giờ cho anh ta để trả nợ. Chuyện này thật kỳ quặc. Đột nhiên cô nhớ ra, họ còn chưa thỏa thuận xem làm những ngày nào, từ mấy giờ đến mấy giờ, và khi nào thì hết nợ. Đập tay lên trán, Khuynh Diệp thầm trách mình sao lại đãng trí như thế cơ chứ?

Khuynh Diệp vội chay theo. Nhưng cánh cửa căn phòng dưới tầng một vừa lúc đó đóng sập. Anh ta đã dặn khi anh ta ở trong đó thì không được làm phiền, thôi đành để lần sau nói chuyện này vậy. Ôi, cô còn chưa biết tên anh ta! Mà hình như cô cũng chưa giới thiệu tên mình. Chuyện này thật khó hiểu. Vì từ trước đến giờ, mỗi khi đi làm ở đâu, Khuynh Diệp đều bị hỏi rất nhiều, thậm chí họ còn đòi giữ lại bản photo chứng minh thư của cô. Dù sao thì những ngôi nhà đó cũng có rất nhiều đồ đắt tiền, họ cẩn thận cũng đúng thôi!

Nhưng lần này, cô đến đây làm để trừ tiền đã lỡ tiêu mất, vậy mà anh ta lại chẳng quan tâm tới thông tin về cô. Nếu chẳng may cô nổi lòng tham, ăn trộm đồ đạc giá trị của anh ta thì sao? Khuynh Diệp lắc đầu. Chuyện này đúng là không hiểu nổi.

Bắt tay vào việc dọn dẹp, cô đi loanh quanh một hồi mới tìm thấy máy hút bụi và cây lau nhà. Đầu tiên, Khuynh Diệp đi hút bụi khắp căn phòng. Phòng nhiều sách, tranh nên khá khó dọn dẹp. Cô đành hút bụi ở những khe lớn rồi kiếm một chiếc giẻ mềm, cẩn thận lau bụi bám trên những cuốn sách phía trong và mấy góc tranh trên cao. Sau đó lau nền nhà. Dọn xong trong phòng, cô đi ra ban công xem xét. Nhưng ban công trống không, cũng khá sạch sẽ, cô chỉ cần dọn qua một chút là ổn.

Xong tầng hai, Khuynh Diệp đi xuống dọn phòng khách và bếp. Khi vào nhà tắm, cô phát hiện ra có rất nhiều quần áo bẩn chưa được giặt, Khuynh Diệp liền cho tất cả vào máy. Có lẽ anh ta bỏ đó, đợi cuối tuần có người đến dọn cho.

Xong xuôi hết, Khuynh Diệp băn khoăn có nên vào căn phòng kia dọn luôn không. Nhưng nhớ đến lời dặn của anh ta, cô liền bỏ ý định đó, chuẩn bị ra về. Vừa lúc ấy, cánh cửa phòng bật mở, người đàn ông béo bước ra. Anh ta nhíu mày khi thấy cô đứng giữa phòng khách.

- Cô là ai? Sao đứng đây?

- Hả? Tôi, vừa rồi anh bảo tôi dọn nhà cho anh, anh sẽ trừ số tiền đó cho tôi mà.

Anh ta nhíu mày, rồi gật đầu.

- À, ừ. Vậy đi nấu cho tôi bát mì, tôi đói rồi. Đồ trong tủ lạnh ấy.

- Vâng.

Anh ta đi về phía sofa, ngồi xuống, gục đầu xuống tay, vô thức thở dài. Thấy thế, Khuynh Diệp chỉ nhún vai, quay qua làm việc của mình. Cô mở tủ lạnh, bên trong toàn là đồ ăn sẵn, còn có rất nhiều nước ngọt và bia. Cô lần khắp tủ cũng không có chút rau xanh nào. Khuynh Diệp lắc đầu, thầm nhủ anh ta ăn uống như thế này, không béo phì mới là lạ.

***

Từ hôm ấy, buổi chiều nào sau khi tan làm ở siêu thị mini, Khuynh Diệp cũng ghé qua nhà Phong Lâm để dọn dẹp. Ngày nào cũng dọn nên mọi thứ đều gọn ghẽ, chỉ làm một loáng là xong. Mặc dù hôm nào cũng tới nhưng rất ít khi Khuynh Diệp thấy Phong Lâm vì anh gần như giam mình trong phòng vẽ.

Cô thường nghe người ta nói, nghệ sĩ là những kẻ ưa thích sự cô đơn, sống cô độc để có thể thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng cô không hiểu, một người đàn ông bỏ bê cuộc sống đời của mình để chăm chăm vẽ những bức tranh lạ lùng kia, liệu có đáng không? Có thể với anh, điều ấy chưa bao giờ là nỗi băn khoăn. Nhưng với Khuynh Diệp, những ngày nhìn trời nắng vàng ươm tuyệt đẹp, nhìn cây cối xanh tươi mướt mắt, nhìn cuộc sống đang tươi đẹp thế kia mà anh ấy không hề bước chân ra ngoài tận hưởng, chỉ giam mình trong căn phòng đóng kín ấy thì chẳng có vẻ gì là vui.

Một hôm, dọn tủ lạnh, cầm những gói xúc xích, những hộp trứng cá muối đã hết hạn sử dụng trên tay, có một cái gì đó nhói lên trong lòng cô. Những đứa em của cô chẳng được ăn những món ngon bao giờ. Người đàn ông này tuy có tiền nhưng cũng chỉ ăn toàn đồ hộp, chẳng tốt chút nào cho sức khỏe và thân hình của anh ta. Cô nhìn những gói đồ phải bỏ đi hồi lâu, rồi cuối cùng đưa ra một quyết định.

Hôm sau, Khuynh Diệp mua một ít rau và thịt, mang đến nhà Phong Lâm. Vẫn như mọi ngày, anh đang giam mình trong phòng vẽ. Sau khi dọn dẹp xong, Khuynh Diệp quyết định vào bếp nấu vài món.

Lúc ấy, ở phía sau cánh cửa kia, Phong Lâm đã mấy ngày không ăn không ngủ; anh đang vẽ một bức tranh khổ lớn. Bức tranh là giấc mơ khởi thủy. Tranh của anh mang màu sắc siêu thực, được giới chuyên môn đánh giá rất cao, nhưng với những người như Khuynh Diệp, đó chẳng qua chỉ là những vệt màu loang lổ, lem nhem, kỳ quặc. Khi vẽ, Phong Lâm quên hết mọi khái niệm không gian và thời gian; thậm chí anh quên cả sự hiện hữu của bản thể mình. Lúc đó, anh chỉ còn thuần túy là nghệ thuật, và nghệ thuật cũng là anh. Mỗi mảng màu, mỗi nét vẽ đều là tâm hồn anh trong đó. Để đến khi hoàn thành tác phẩm, khi nét cọ cuối cùng kết thúc, Phong Lâm kiệt sức nằm bệt xuống bên bức tranh. Đây không phải lần đầu anh như thế. Bức tranh này anh phác thảo đã lâu, nhưng không tài nào vẽ tiếp được. Mấy ngày trước, khi đang nằm ngủ, một người con gái mặc váy trắng như nước, đứng giữa hỗn mang đất trời đã đến bên anh. Anh choàng tỉnh, lao ra khỏi giường; và anh vẽ điên cuồng. Vẽ một bức tranh sáng thế được bao phủ bởi sự thuần khiết của nước và tính nữ. Bức tranh đưa anh về với hoang sơ khởi thủy, về với tự do tuyệt đối.

Phong Lâm tỉnh lại, không biết mình đang ở đâu. Đưa mắt nhìn quanh, thấy bức tranh vừa hoàn thành, anh mới nhớ ra tất cả. Và cũng mới nhận thấy hình như có tiếng gõ cửa. Âm thanh ấy gọi anh tỉnh khỏi mê man kiệt sức. Phong Lâm chống tay, gượng ngồi dậy. Ngừng một lát, tiếng gõ cửa lại vang lên. Phong Lâm uể oải bước về phía cửa, mở ra.

Đứng ngoài cửa là một cô gái. Phong Lâm bất chợt rùng mình. Nước. Tính nữ. Khởi thủy. Tất cả sắc màu và khái niệm quay cuồng trong anh.

- Xin lỗi đã làm phiền.

Nghe thấy câu nói đó, Phong Lâm mới định hình lại, thì ra không phải một giấc mơ, và anh cũng nhận ra người con gái đang đứng trước mặt mình. Đó là cô gái đã tiêu tiền trong ví của anh, giờ giúp dọn nhà cho anh để trừ nợ. Đầu đau như búa bổ, Phong Lâm nhíu mày.

- Có chuyện gì vậy?

- Tôi có nấu mấy món, mời anh ra ăn tối. - Khuynh Diệp hơi sợ, co người, nói thật nhỏ.

- Ăn tối? Tôi tưởng cô chỉ dọn nhà thôi mà?

- Vâng, nhưng tôi thấy đồ trong tủ lạnh nhà anh toàn là đồ ăn sẵn, lại rất nhiều thứ đã hết hạn sử dụng. Như thế rất lãng phí, mà lại không tốt cho sức khỏe. Nên tôi nấu mấy món nong nóng mời anh ăn.

- Cảm ơn.

Phong Lâm đi ra bàn, đầu óc anh lâng lâng vì kiệt sức. Khuynh Diệp đi theo, sợ hãi trước dáng hình người đàn ông này. Anh cao lớn, râu mọc lởm chởm, đôi mắt thâm quầng, quần áo, tóc tai xộc xệch. Khuynh Diệp khẽ lắc đầu, là nghệ sĩ đều phải luộm thuộm như vậy sao?

Phong Lâm ngồi xuống bàn ăn, anh rất bất ngờ. Cũng không biết bao lâu rồi anh mới ăn cơm cùng người khác. Nửa năm, hay một năm? Anh không nhớ nữa. Thi thoảng anh có về nhà thăm bố mẹ, nhưng rất ít khi ăn cơm ở đó. Không hiểu tại sao nhưng anh cảm thấy mệt với mâm cơm đủ loại món ăn ở nhà. Và bản thân anh cũng không thích ăn cơm với người khác. Mẹ anh đã nhiều lần bảo dì Thanh sang nấu cơm cho anh, nhưng anh ăn uống thất thường, chẳng có giờ giấc gì; nhiều khi từ phòng vẽ đi ra, nhìn mâm cơm đầy ắp thức ăn đã nguội lạnh, anh không thể ăn được. Anh cảm thấy không thích điều ấy nên đề nghị dì Thanh đừng đến nữa. Còn bữa cơm hôm nay cô gái kia nấu cho anh chỉ có rau muống luộc, mấy quả cà con con, đậu nhồi thịt, hết.

- Xin lỗi, tôi không có nhiều tiền nên chỉ làm được mấy món đơn giản này thôi. - Khuynh Diệp nói nhỏ xíu.

Phong Lâm bất giác mỉm cười.

- Cảm ơn cô. Cô ngồi xuống ăn cùng đi.

- Vâng.

Khuynh Diệp nhanh nhẹn xới cơm vào bát cho hai người. Phong Lâm gắp thử một miếng đậu nhồi thịt, rất mềm và thơm, cũng ngon nữa. Đã mấy ngày không ăn, vì vậy Phong Lâm cũng không khách sáo, ăn uống rất thoải mái. Trong khi đó Khuynh Diệp chỉ ngồi nhìn là chính. Cô thấy thương thương người đàn ông cao lớn đang ngồi đối diện kia. Anh ta cứ giam mình suốt ngày, ăn uống không ai chăm lo. Cô đoán một người ở căn nhà lớn như thế này, lại chẳng bao giờ phải đi làm thì không thể nghèo được. Vậy tại sao anh ta không thuê người nấu nướng luôn cho nhỉ?

Phong Lâm ăn xong, ngẩng đầu nhìn Khuynh Diệp, thấy cô đang nhìn mình chăm chú.

- Có chuyện gì vậy?

- À, không, tôi...

- Cảm ơn nhé. Lâu rồi tôi mới ăn cơm.

- Không... không có gì. Tôi dọn nhé.

Khuynh Diệp mang bát vào bồn, xả nước để rửa. Phong Lâm vẫn ngồi ở bàn ăn, nhìn vào khoảng không trước mắt. Anh đang nghĩ đến bức tranh. Cảm giác hoàn thành một tác phẩm vừa hạnh phúc lâng lâng lại vừa có chút gì đó hụt hẫng, hư hao. Đắm chìm trong cảm xúc ấy hồi lâu, anh giật mình khi nghe tiếng nói bên cạnh.

- Tôi về nhé!

- À, ừ, chào cô.

Khuynh Diệp bước ra, nhẹ nhàng khép cửa. Phong Lâm ngồi lại, nhìn theo. Cô gái ấy, chẳng có chút nào giống người con gái trong giấc mơ và trong bức tranh anh vừa hoàn thành, vậy tại sao anh có thể nhầm được nhỉ? Có lẽ do quá mệt mỏi mà thôi.

Phong Lâm đứng dậy, đóng cửa rồi đi vào phòng tắm. Bắt đầu từ cạo râu, đánh răng, rồi gội đầu và tắm. Sau khi bước ra khỏi phòng tắm, cảm giác sảng khoái khiến Phong Lâm không thấy buồn ngủ chút nào. Anh đi lên lầu, đứng dựa người vào ban công. Tiếng sáo dìu dặt, u uẩn cất lên.

Khuynh Diệp đứng dưới cổng, lắng nghe tiếng sáo trong đêm. Cô không hiểu gì về âm nhạc, nhưng tiếng sáo sao buồn quá. Nó như nói lên tâm trạng của cô. Cuộc sống quá bức bí, nhìn những đứa em không được bằng bạn bằng bè khiến trái tim Khuynh Diệp lúc nào cũng nặng trĩu. Để quên túi xách nên cô quay lại lấy, vừa lúc nhìn thấy Phong Lâm đang đứng trên ban công thổi sáo. Giống y như ngày cô gặp Phong Lâm sau khi đã trót lấy tiền trong ví của anh. Vẫn giai điệu ấy, Khuynh Diệp đứng dưới nghe hết bản nhạc. Không muốn làm phiền Phong Lâm nên cô quay người đi về, không lấy túi xách nữa.

Giai điệu dìu dặt, mênh mang buồn vấn vương theo từng bước chân Khuynh Diệp. Cô nhớ những tháng ngày thơ ấu, khi cả nhà vẫn còn được quây quần cùng nhau. Đó là đêm Trung thu, trăng rất sáng, cả nhà ngồi trong sân. Hôm ấy có bánh trung thu, có bưởi, có hồng, có cả đèn ông sao. Bố cô đã thổi sáo cho cả nhà nghe. Đã nhiều năm trôi qua, cô không thể nhớ chính xác giai điệu của khúc nhạc năm ấy, nhưng cảm giác đêm nay, khi nhìn người đàn ông đứng lặng lẽ thổi sáo một mình kia khiến cô càng nhớ bố, nhớ da diết. Những giọt nước mắt nóng hổi, mặn chát âm thầm rơi xuống thăm thẳm đêm.

***

Hôm sau, vẫn như mọi ngày, sau khi làm xong, Khuynh Diệp đến nhà Phong Lâm. Vừa bước chân vào, cô giật mình khi nhìn thấy Phong Lâm đang ngồi trên sofa, tay cầm cuốn sách. Khuynh Diệp hơi cúi đầu.

- Chào anh!

Phong Lâm cũng cúi đầu chào lại cô. Khuynh Diệp bắt tay vào hút bụi từ tầng hai. Còn Phong Lâm vẫn ngồi yên trên ghế. Tay cầm cuốn sách nhưng anh không tập trung đọc được. Suốt từ tối qua đến giờ, anh cứ suy nghĩ mãi một chuyện. Liệu có nên hay không? Phong Lâm băn khoăn nhìn khắp căn phòng một lượt. Ánh mắt anh lơ đãng lướt qua bàn ăn. Mọi ngày, mỗi khi muốn ăn gì đó anh sẽ đặt hàng để người ta giao hoặc tự vào bếp nấu. Gọi là nấu nhưng thực ra toàn là những món chỉ cần bỏ vào lò vi sóng một lát là được.

Khuynh Diệp đã dọn xong, cô phủi phủi hai tay vào nhau, mỉm cười.

- Tôi về đây.

- Khoan đã... Ừm... Tôi có việc muốn thương lượng với cô.

- Hả? Thương lượng?

- À, ừm... Tôi muốn nhờ cô một chuyện.

- Gì ạ?

Phong Lâm lật lật mấy trang sách, mắt không nhìn Khuynh Diệp mà nhìn về phía bàn ăn.

- Cảm ơn cô về bữa tối hôm qua.

- Không có gì mà. - Khuynh Diệp cười, xua tay.

- Từ giờ cô nấu cơm tối cho tôi được chứ?

- Nhưng tôi chỉ biết làm vài món đơn giản thôi, sợ anh không thích. - Mấy từ cuối, Khuynh Diệp nói rất nhỏ.

- Tôi muốn ăn mấy món đơn giản đó, đừng nấu cầu kỳ. À mà cô tên gì nhỉ?

Khuynh Diệp hơi bất ngờ trước câu hỏi ấy. Hóa ra cô làm cho anh ta cả chục ngày rồi mà họ còn chưa biết tên nhau.

- Tôi tên là Khuynh Diệp.

- Còn tôi là Phong Lâm. Giờ đi mua đồ ăn chắc vẫn còn đúng không?

- Bây giờ? Vâng.

- Đi thôi.

- Tôi đi cùng anh luôn á?

- Ừ, nếu không tôi đâu biết mua gì.

Khuynh Diệp gật đầu, lẽo đẽo đi theo sau. Thấy Phong Lâm lái xe đi qua siêu thị chỗ cô làm, Khuynh Diệp bèn quay qua hỏi anh.

- Siêu thị tôi làm cũng có bán thực phẩm tươi sống đấy.

- Ừ.

- Vậy anh quay lại đi cho gần.

- Không, tôi không thích siêu thị đó.

Khuynh Diệp ngạc nhiên nhìn Phong Lâm, rồi như hiểu ra, cô rụt rè hỏi.

- Có phải vì chuyện hôm ấy?

Phong Lâm không trả lời, chăm chú lái xe, nhưng rõ ràng mặt anh có vẻ căng thẳng hơn vừa nãy.

- Thành thật xin lỗi anh.

- Cô có lỗi gì mà xin chứ.

- Tôi biết anh khó chịu vì thái độ của mấy người kia. - Khuynh Diệp nói rất nhỏ.

- Cô thì hiểu gì chứ?

- Tôi xin lỗi. -Khuynh Diệp chỉ biết cúi đầu khi nói mấy lời này.

- Bỏ đi, tôi không muốn nhắc đến chuyện này nữa.

Nhìn mày Phong Lâm chau lại, Khuynh Diệp không dám nói gì thêm. Vào siêu thị, Phong Lâm đi trước, Khuynh Diệp theo sau.

- Cô biết nấu món gì?

Mấy người khách xung quanh len lén nhìn hai người họ, thì thầm bàn tán. Khuynh Diệp thấy da mặt mình rân rân. Cô biết chắc họ đang bàn tán về thân hình quá khổ của Phong Lâm. Anh rất cao, lại béo nữa nên nhìn rất to lớn, như thể một con gấu vụng về đứng giữa những quầy hàng vậy. Khuynh Diệp thò tay chọn rau, thịt và mấy khúc cá. Cô cố làm ra vẻ không có gì, nhưng đúng là cảm giác bị người ta nhìn ngó khó chịu thật. Khuynh Diệp bỗng thấy thương người đàn ông luôn phải chịu những ánh mắt soi mói như vậy. Cô ngước nhìn Phong Lâm, thấy khuôn mặt anh lạnh như băng, không chút biểu cảm.

Hai người lấy xong đồ cần thiết, đi ra quầy thanh toán. Nhân viên phục vụ nhìn Khuynh Diệp và Phong Lâm, tươi cười nói.

- Hai anh chị là vợ chồng hay người yêu ạ? Siêu thị chúng tôi đang có chương trình tặng vé xem phim cho các cặp đôi yêu nhau hoặc một phần quà là đồ dùng nhà bếp cho vợ chồng nếu cùng nhau đi mua sắm vào ngày này. Hóa đơn của anh chị đủ điều kiện nhận thưởng ạ.

Phong Lâm cau mày, tỏ vẻ khó chịu rõ rệt.

- Của tôi hết bao nhiêu tiền? Chúng tôi không là gì cả.

Nhìn thái độ cộc cằn của Phong Lâm, cô nhân viên vội vàng chìa tờ hóa đơn, liếc nhìn Khuynh Diệp. Phong Lâm mở ví, lấy tiền trả, cũng không đợi nhận tiền thừa, anh xách túi đồ bỏ đi. Khuynh Diệp vội vàng chạy theo sau. Chẳng lẽ bị hiểu lầm là vợ chồng hay người yêu với cô khiến anh ta khó chịu như vậy sao? Khuynh Diệp có chút tức giận. Ngồi trên xe, hai người không ai nói năng gì. Hồi lâu sau Khuynh Diệp mới lên tiếng.

- Bị hiểu lầm như thế, anh khó chịu lắm hả?

- Hiểu lầm gì?

- Là người yêu hay chồng của tôi đó.

- À, tôi không quan tâm.

- Vậy tại sao anh lại quát cô nhân viên ấy.

- Cô không thấy có hai cô gái cứ nhìn tôi rồi thì thầm với nhau à?

Khuynh Diệp lắc đầu, đúng là cô không để ý lắm.

- Anh... khó chịu lắm đúng không?

Phong Lâm không trả lời, Khuynh Diệp cũng không dám hỏi thêm gì nữa. Một lúc sau, đột nhiên Phong Lâm nói.

- Cũng quen rồi. Nhưng đúng là vẫn thấy khó chịu.

Khuynh Diệp không biết phải nói gì thêm. Vì nói gì lúc này cũng đều khiến anh ta khó chịu hơn mà thôi. Khuynh Diệp mím chặt môi, ngồi im nhìn đường phố.

Xách đồ vào nhà, Phong Lâm đã lấy lại được vẻ mặt bình thản đến mức dửng dưng thường ngày, anh ngồi xuống sofa. Khuynh Diệp xách mấy túi đồ ăn vào bếp. Cô bắt đầu chuẩn bị nấu ăn. Chẳng mấy chốc, mùi thơm phức đã bốc lên. Phong Lâm ngồi nhìn cô gái bé nhỏ đang chạy đi chạy lại trong bếp. Anh vẫn không tìm thấy cô có nét nào giống với cô gái trong giấc mơ khởi thủy của mình.

Nhưng cảm giác giống nhau ấy không chỉ là tối qua, khi anh vừa bước chân ra khỏi phòng vẽ. Thoạt nhìn thì đúng là chẳng có gì liên quan, nhưng thẳm sâu trong anh, Phong Lâm vẫn cảm thấy có nét gì đó thật mơ hồ, một mối dây vô hình liên kết hai hình ảnh đó lại với nhau. Nhưng chính anh cũng không nắm bắt được. Anh ngồi đây, nhìn cô nấu cơm, chẳng qua cũng là để nhìn cho thật kỹ, để cố nắm bắt sợi dây vô hình ấy.

Khuynh Diệp bưng các món ăn đặt lên bàn, nở nụ cười vui vẻ.

- Mời anh ăn tối.

Phong Lâm bước ra bàn, hôm nay có món canh chua, rau xào, cá kho.

- Anh thích ăn những món gì vậy?

Khuynh Diệp vừa xới cơm cho Phong Lâm vừa hỏi.

- Tôi cũng không biết nữa. Từ nhỏ tôi đã ăn rất nhiều, món gì cũng ăn nhiều. Sau này thì tôi chỉ bỏ thức ăn vào miệng thôi, không quan tâm lắm đến việc thích hay không thích món gì. Mà sao cô hỏi vậy?

- Tại tôi nấu ăn cũng không giỏi lắm nên sợ không nấu vừa ý anh.

- Cứ làm mấy món đơn giản như thế này thôi. Tôi chán nhìn mâm cơm đầy ắp các món rồi.

- Vâng.

Khuynh Diệp gật đầu, nhớ đến bữa cơm đạm bạc ở nhà. Cuộc sống có quá nhiều cách biệt, quá nhiều hoàn cảnh. Người này thì thừa mứa sơn hào hải vị, kẻ kia lại chẳng có đủ cơm ăn. Miếng cơm trong miệng Khuynh Diệp đắng nghét.

- Cô đang nghĩ gì vậy?

- Không, không có gì. À mà từ mai tôi sẽ nấu bữa tối cho anh đúng không?

- Ừ.

- Vậy nấu xong tôi về luôn được không?

Phong Lâm ngước nhìn Khuynh Diệp, ánh mắt anh làm cô hơi sợ.

- Bát đũa anh cứ để đấy, mai tôi rửa, được không ạ?

Phong Lâm buông đũa. Anh nhìn xuống mâm cơm. Rồi bất ngờ, anh đứng dậy, đi thẳng lên lầu, bỏ lại sau lưng câu nói.

- Tôi không ăn nữa.