Nàng Công Chúa Lực Điền

Chương 10




NÀNG CÔNG CHÚA LỰC ĐIỀN - PHẦN 10

Chuyển ngữ: Cá Muối Chuyển Mình

ε=ε=ε=ε=┌(; ̄▽ ̄)┘

10

Chuyện tra xét giáo phái thần bí không hề thuận lợi.

Hình xăm của tín đồ được xăm ở nơi kín đáo trên người, đâu thể bắt ai nấy cởi sạch quần áo ra để kiểm tra được.

Dù cho có làm như thế thật, riêng việc tới từng nhà từng hộ xét người cũng tốn quá nhiều thời gian.

Hơn nữa hành động giống trống khua chiêng như vậy còn rất dễ khiến cho lòng dân hoảng hốt sợ hãi.

Tam ca cho rằng, những thứ tà giáo dị đoan này thông thường đều sẽ có giáo lý và tượng thần chứ không thể nào chỉ có duy nhất một hình xăm.

Nếu như bọn chúng đã ba hoa tuyên truyền về dăm ba cái thần điểu Chu Tước với Nam Minh Ly Hỏa, vậy ắt phải thứ đồ gì đó có liên quan đến những điều này mới phải.

Tam ca đề xuất tra xét trọng điểm vào những thư tịch, giấy tờ, tranh vẽ và tượng có liên quan đến những cái đó.

Cuối cùng, ở trong một nhà in trông có vẻ tầm thường, đoàn người tra xét đã lục soát ra được một cuốn sách tên "Nam Hỏa chân kinh". Đam Mỹ Trọng Sinh

Bên cạnh đó, bọn họ còn phát hiện ra tượng Hồng Điểu nương nương trong một cửa hiệu nằm ở khu vực hẻo lánh của một thợ khắc gỗ.

Hai kẻ này ngay lập tức bị bắt về thẩm vấn, trên người chúng đều có hình xăm của giáo phái.

Hai kẻ này ban đầu rất cứng đầu cứng cổ, cạy miệng không chịu hé răng.

Sau khi bị chiêu đãi bằng đại hình vài lần thì chịu không nổi, đành phải thú tội.

Hai kẻ này là hai trong bốn tên được gọi là tứ Đàn Sử ở Khúc Oai.

Thường ngày chúng đều dùng bồ câu để đưa thư, hiếm khi liên hệ gặp mặt.

Mỗi khi cần trao đổi vật dụng gì đó, chúng sẽ đến một ngôi miếu hoang ở vùng ngoại ô, đặt đồ ở đó rồi rời đi.

Bọn chúng cũng không biết hai kẻ còn lại trong tứ Đàn Sử là ai, trông như thế nào, chỉ biết hai kẻ ấy cũng mang theo tín vật bên người.

Trừ những chuyện này ra, gần đây trong thành còn có một kẻ được gọi là Đại Quang Minh sứ giả ghé thăm, không rõ kẻ đó là ai, chỉ biết thân phận của hắn vô cùng tôn quý.

Khi hỏi bọn hắn về tín vật của hai tên sứ giả là thứ gì, bọn hắn đáp mình cũng không biết rõ, nhưng có khả năng có liên quan đến nghi thức làm lễ.

Khi giáo phải cử hành nghi thức, phải tụng "Nam Hỏa chân kinh", khấu bái Hồng Điểu nương nương, còn phải lập đĩa Thái Dương, uống rượu Chân Hỏa.

Tam ca hỏi, uống rượu Chân Hỏa có cần dùng vật đựng đặc biệt gì không?

Bọn hắn cho hay, phải dùng cốc Oa Đấu.

Oa Đấu* là thần thú trong truyền thuyết chuyên ăn lửa.

(*Hình minh họa Oa Đấu:)



Tam ca đoán chắc, trong hai sứ giả còn lại, một kẻ mang theo đĩa Thái Dương, một kẻ cầm cốc Oa Đấu.

Do đó huynh ấy hạ lệnh tra khảo để biết được hình dáng của hai món đồ này, cho người vẽ lại, sai thuộc hạ tìm đồ dựa theo hình vẽ.

Còn về phần sứ giả Đại Quang Minh, hai kẻ này cũng chẳng nói ra được bao nhiêu thông tin. Hắn là một nhân vật rất thần bí, chẳng có mấy người trong giáo biết rõ thông tin về hắn.

Tam ca hỏi quận thủ Khúc Oai, giáo phái tà đạo này hành động ngang ngược như thế, vì sao ông ta không hề phát giác ra.

Quận thủ đổ mồ hôi như mưa, liên mồm xin thứ tội.

Bình thường ông ta luôn theo dõi rất chặt chẽ những kẻ có thân phận và vẻ ngoài giống với người Nam Đồng, nhưng ông ta hoàn toàn không ngờ đến chuyện người của Đại Kỳ quốc sẽ tin vào mấy thứ giả thần giả quỷ để lừa người của đám người Nam Đồng như thế này.

Tam ca xem xét kỹ "Nam Hỏa chân kinh" và Hồng Điểu nương nương, đôi mày nhíu chặt.

Ta không hiểu.

Liêu Hoa giải thích lại cho ta, những thứ này quá phù hợp với đặc điểm của triều Kỳ.

Lan Bình và Nam Đồng nằm sát nhau, phong tục tập quán có rất nhiều điểm tương đồng, từ cách ăn vận đến chi tiết trang trí, từ âm nhạc cho đến hội họa cũng có phần giống nhau nhưng cả hai đều rất khác với triều Kỳ.

Mặc dù vương thất của Lan Bình tinh thông văn hóa của người Hán nhưng y phục trang sức vẫn mang nét văn hóa phong tục vốn có của Lan Bình.

Khuôn mặt và thủ thế của bức tượng Hồng Điểu nương nương khác biệt rất lớn với Lan Bình, tạo hình của bức tượng ngược lại còn có nét rất giống với văn hóa của triều Kỳ.

Tuy rằng phần đầu của bức tượng điêu khắc có nét của Nam Đồng nhưng nếu nhìn vào đặc điểm các bộ phận trên mặt, thật sự rất giống với các đặc điểm của Đại Kỳ.

Trong "Nam Hỏa chân kinh" cũng có dấu tích của văn hóa triều Kỳ.

Cũng có thể nói, thủ lĩnh của giáo phái này, khả năng lớn là người của triều Kỳ nhưng triều Kỳ hoàn toàn không hề hay biết gì về những chuyện này.

Như này thì phiền phức rồi đây.

Khúc Oai này trời cao đất rộng, cách xa tầm mắt của hoàng đế, nếu để mặc cho người của giáo phái này thừa cơ trà trộn vào, sớm muộn gì triều Kỳ cũng sẽ gặp rắc rối lớn.

Chẳng may giáo đồ của chúng khởi loạn đánh về phương Bắc, hậu quả không ai có thể tưởng tượng nổi.

Thực ra Chu Tước vốn là một thần thú vô cùng phổ biến, Nam Minh Ly Hỏa cũng là thuyết pháp thường gặp trong điển tịch của đạo giáo.

Có điều, nếu hai thứ ấy bị tà giáo này lợi dụng, sẽ gây ra hậu họa khôn lường.

Tam ca nghĩ rồi lại suy, sau đó ra lệnh cho quận thủ lấy danh nghĩa hoàng tử của mình, dán cáo thị rộng rãi, để truyền bá thông tin đến từng ngõ ngách.

Trên cáo thị cứ viết: Triều đình đã biết trong quận Khúc Oai có kẻ lợi dụng những thuyết giáo tà môn của giáo phái ngoại bang (= nước ngoài), dùng những lời xảo quyệt để dối lừa dân chúng, do đó đặc biệt phái Tam hoàng tử đến đốc thúc tra xét việc này.

Trong dân có ai bị tín đồ của tà giáo mê hoặc, trong thời gian ngắn nhất chủ động tự thú, sẽ không truy xét trách nhiệm và phán vô tội, bằng không, nếu bị tra ra, nhất định sẽ trừng phạt nghiêm minh, không khoan hồng.

Người nào biết manh mối, chủ động báo cáo thông tin, sẽ được thưởng hậu hĩnh.

Tam ca còn cố ý cho người ra trước cửa phủ quận thủ, đánh cồng tập hợp đám đông, huynh ấy ngự trên ghế, lệnh cho người dưới trướng đọc to cáo thị ba lần.

Chu choa mạ ơi, chiêu này đúng là rất hiệu quả, vừa thấy con trai của hoàng đế đích thân đến, mấy tín đồ tầm thường tâm tính nhát cáy vội vội vàng vàng chạy đến nha môn bù lu bù loa, nói rằng bản thân bị lừa gạt.

Đối với những người đến tự thú đầu tiên, Tam ca lệnh cho người của nha môn không được bắt bớ làm khó bọn họ, đã vậy còn phát thưởng hậu hĩnh cho họ.

Dần dần người đến tự thú càng ngày càng đông.



Lúc ấy, Tam ca không phát tiền thưởng nữa, hơn nữa còn răn đe, quở trách bọn họ đến quá chậm trễ, liệu có phải muốn giở trò khôn lỏi, còn nói triều đình đã điều tra ngọn ngành thấu tỏ chân tơ kẽ tóc của chuyện này, nếu còn không chịu ra tự thú, nhất định sẽ bị phạt nặng.

Bấy giờ, số người đến tự thú lập tức nhiều lên giống như bóng tuyết càng lăn càng lớn, càng lăn càng liên đới rộng.

Căn cứ vào đầu mối mà giáo chúng cung cấp, đã mau chóng bắt được hai tên sứ giả còn lại.

Khác với hai tên sứ giả thân phận tầm thường kia, trong hai kẻ giữ đĩa Thái Dương và cốc Oa Đấu, một kẻ là ông chủ quán rượu, một kẻ là ông chủ kỹ viện.

Có lẽ hai kẻ phụ trách chế tác kinh văn với tượng thần kia buộc phải điệu thấp để đỡ bị dòm ngó đến, còn hai kẻ kia phụ trách lôi kéo mời chào tín đồ vào giáo phái bắt buộc phải náu mình ở nơi đông người tấp nập để che mắt người của triều đình.

Lòng dạ của những kẻ này quả thực vô cùng cẩn thận kín đáo.

Đã tra hỏi rất nhiều người về tin tức của sứ giả Đại Quang Minh nhưng vẫn không thu thập được thêm chút manh mối nào.

Thủ đoạn của Tam ca khiến ta phục sát đất, ta chỉ nhìn thôi mà rối hết cả óc, trợn mắt há mồm.

Lúc còn ở trong kinh, Tam ca vô cùng khiêm tốn, đặt giữa các hoàng tử cũng không có điểm gì quá nổi bật.

Hoàng hậu không có con trai, mẫu phi của Đại hoàng tử và Nhị hoàng tử xuất thân tầm thường nhưng hai người họ luôn dốc sức thể hiện tài năng của mình trước mặt phụ hoàng.

Tác phong của Tam ca trước nay luôn luôn làm việc cẩn trọng, không khoa trương, chỉ có điều bề ngoài trông có vẻ như khá chịu khó mà thôi, chẳng ngờ thủ đoạn của huynh ấy lại xuất sắc đến vậy.

Tam ca vỗ vai ta, nói: "Muội muội, bởi vì muội là công chúa, cho nên có những chuyện không hề dạy cho muội, nào đoán được có ngày muội sẽ được làm nữ hoàng chứ. Mấy hôm nay, muội đã học được gì hay chưa? Học nhiều, nghĩ nhiều, như vậy sau này sẽ giúp ích cho việc muội và Liên Hoa cùng nhau trị vì cai quản Lan Bình."

Ta gật đầu như gà mổ thóc.

Lúc trước, ta luôn ngưỡng mộ Tam ca được tự do hơn mình, nhưng giờ ta mới sâu sắc cảm nhận được từ tận đáy lòng, sự khác biệt to lớn về những tri thức mà nam nhân và nữ nhân được dạy.

Biết chút ít võ nghệ thì tính là cái gì đâu, những bản lĩnh về quản lý, dùng người này mới là thứ hữu dụng nhưng nữ tử như bọn ta không được dạy, thế nhân ai nấy đều chê bọn ta vô dụng.

Ta than thở, chẳng rõ ta còn phải học thêm bao nhiêu thứ đây.

Liên Hoa nắm tay ta, nói: "Ta và công chúa cùng học."

Tam ca gật đầu: "Linh Lung là đứa trẻ thông minh. Thân thể muội ấy không có vẻ lung linh tú lệ nhưng muội ấy lại có một trái tim tinh tế thấu hiểu lòng người, cậu nhất định phải đối tốt với con bé."

Tĩnh Nhã nói đúng, ta có một người ca ca tốt.

Trong lúc vô ý, huynh ấy đã cho ta rất nhiều trợ lực, để cuộc sống trong hoàng thành của ta trôi qua càng êm đềm thoải mái hơn.

Ta nói với Tam ca: "Sau này huynh có thể giúp đỡ Tĩnh Nhã nhiều chút, muội đi rồi, muội ấy rất cô đơn."

Tam ca bật cười: "Khó cho muội còn biết lo lắng cho người khác, Tam ca biết rồi."

Ánh mắt Liên Hoa nhìn ta rất dịu dàng.

Ta hỏi hắn vì sao lại nhìn ta như vậy.

Liên Hoa nói: "Đào mận không lời, dưới gốc thành lối*. Công chúa tốt như vậy, cát nhân ắt có thiên tướng."

(*Đào mận không lời, dưới gốc thành lối: nghĩa đen là để chỉ hai loại cây thường gặp là cây đào và cây lê, bởi vì hai loại cây này có hoa rất đẹp, quả ăn lại ngon, nhiều người đến dưới gốc cây ngắm hoa hái quả, lâu dần tạo thành lối mòn, nghĩa bóng là để chỉ người có lòng trân thành, trung thực là có thể làm người khác cảm động. Câu này có xuất xứ từ tác phẩm "Nhất Tiễn Mai - Du tưởng sơn trình hiệp thừa tướng")

Cũng không cần khen ta như thế đâu, ôi ôi, không chịu nổi, không chịu nổi nữa rồi.