Nam Quốc Sơn Hà

Chương 20: Thái-tử Càn-đức




Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ bẩy, mùa Xuân tháng giêng ngày 26; bên Tống là niên hiệu Trị-bình năm thứ ba đời vua Anh-tông (1066). Khắp giải đất Đại-Việt đều như rung động lên. Vì pháo nổ, pháo thăng thiên, ngựa phi, trống đánh, chuông khua. Trên đường phố ngựa trạm chạy như bay để đem chỉ dụ đến các trấn, các châu, các quận khẩn cấp. Trong chỉ dụ, nhà vua loan báo cho toàn dân biết, Ỷ-Lan phu nhân sinh hoàng nam. Chiếu chỉ gồm ba điều chính: một là mở rộng nhà tù đại xá thiên hạ, bất kể tội đã thành án hay chưa. Hai là xá thuế một năm, cùng tha thuế cho những người nợ từ những năm trước. Ba là kể từ ngày 25 tháng giêng giờ Hợi, cải nguyên là Long-chương Thiên-tự thứ nhất.

Khắp các đền, chùa, miếu mạo đều tổ chức lễ tạ Trời, Phật, chư Liệt-tổ Đại-Việt, Tiên-hoàng triều Lý đã cho nhà vua một hoàng nam.

Rồi những huyền-thoại về thái-tử Càn-Đức được người người thi nhau kể:

«... Đêm 25 tháng giêng, giờ Hợi, vô tình tôi ra sân nhìn trời, thì thấy hào quang sáng rực, có tiếng nhã nhạc vang lừng, mùi hương thơm ngào ngạt. Rồi từ cõi trời cao thăm thẳm, Thanh-y đồng tử đang cỡi con rồng vàng, có hàng trăm hàng nghìn thiên binh, thiên tướng bay theo phò tá. Rồng vàng đáp xuống cung Ỷ-Lan trong Hoàng-thành. Đúng giờ đó Ỷ-Lan phu nhân sinh hoàng nam. Mô Phật, thì ra Thái-tử giáng sinh đúng như giấc mộng hai mươi năm trước của Hoàng-thượng. Thái-tử là người nhà trời, thì sau này sự nghiệp thực không nhỏ. Nghe đâu người đỡ đẻ cho Ỷ-Lan phu nhân là tiên-nương Lê Thiếu-Mai...”

Ngay ngày hôm sau, nhà vua đặt tên hoàng tử là Càn-Đức, ngài ban chỉ phong cho hoàng tử làm hoàng-thái tử. Ỷ-Lan phu nhân được phong làm Ỷ-Lan thần phi. Thái-tử Càn-Đức trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối.

Các sử gia đã phê bình ngài như sau:

Đại-Việt sử ký toàn thư:

«...Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí huệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp, người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý...»

Nguyên văn:

«... Đế nhật giác, long nhan, thủ thụy quá tất, minh triết thần võ, duệ trí hiếu nhân, đại úy, tiểu hoài, thần trợ nhân ứng, thông âm luật, chế nhạc ca, tục chúng, phú thứ, thân chí thái bình, vi Lý triều chi thịnh chúa...»

(Đại-Việt sử ký toàn thư, Lý kỷ, Trần Kinh-Hòa chú giải, Đông-kinh đại học Đông-dương văn hóa nghiên cứu sở, xuất bản tháng 3 năm 1959, trang 1156).

Việt-giám thông khảo của Lê Tung:

«...Nhân-tông tính trời nhân hiếu, có tiếng đức tốt. Trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi tiến sĩ, có quan hầu kinh diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khoá, ít phu dịch, cho nên thân được hưởng thái bình, dân trở lên giầu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi nối đời thái bình vậy...»

Nguyên văn:

«...Nhân-tông thiên tư nhân hiếu, xưng vi thịnh đức. Trọng danh thần chi tuyển, trí tiến sĩ chi khoa, thị kinh diên chi hữu kỳ quan, khai ngôn lộ chi hữu kỳ chiếu, cầu hiền nạp gián, bạc phú khinh dao, cố năng thân chí thái bình, tục trần đọan phú, túc vi thừa bình chi lệnh linh chúa dã...»

(Lê-Tung, Việt-giám thông khảo, mùa Thu năm Giáp-Tuất, niên hiệu Hồng-Thuận thứ 6 (1514), Trần-kinh-Hòa chú giải, sách đã dẫn trên trang 88).

Xin mời độc giả hãy cùng thuật giả xét số Tử-vi của thái-tử Càn-Đức, sau là vua Lý Nhân-tông, một vị vua thông thái, có máu nghệ sĩ; trong cai trị làm cho dân giầu, hạnh phúc; ngoài ngài đánh Tống, bình Chiêm, lập chiến công huy-hoàng nhất trong lịch-sử Đại-Việt.

Mệnh lập tại Mão, vô chính diệu, Đào-hoa, Thiên-hỉ thủ mệnh, ngộ Tuần. Đào-hoa thì nước da trắng, Thiên-hỉ thì nước da hơi hồng. Như vậy da trắng hồng, tươi thắm, đẹp trai. Đào, Hỉ thì vui vẻ, dễ tính; nếu không là họa sĩ, thì cũng là thi sĩ, nhạc sĩ. Sử chép ngài rất giỏi âm nhạc, đã sáng tác nhiều ca khúc. Tiếc rằng thất truyền.

Cung quan Thiên-đồng, Cự-môn ngộ Hóa-lộc. Cung tài Thiên-cơ, ngộ Văn-xương, Hóa-quyền, Hóa-khoa. Quyền ở cung tài chủ tiêu tiền rất rộng rãi. Khoa, Xương ở tài chủ dễ kiếm tiền, và cho tiền người dễ dàng. Như thế thời ngài cai trị, nước Việt giầu có súc tích cũng phải. Ngài lại dễ dàng trong việc ban thưởng cho công thần. Cung Thiên-di, Thiên-hình miếu địa, ngộ Thái-dương, Thiên-lương. Tử-vi kinh nói: ”Thiên-hình Dần, Thân, Dậu, Tuất thủ mệnh hoặc cư di, đắc cách anh hùng cái thế, tính trầm ngâm, mưu trí tuyệt vời”. Tuy nhiên Thái-dương tượng trưng cho cha, Hình tượng trưng sát phạt, thương đau. Tuần, Triệt ở mệnh chủ thời thơ ấu khổ sở; trong số của ngài Hình ngộ Thái-dương ở Di, thêm mệnh ngộ Tuần nên phụ hoàng sớm quy tiên. Tất cả việc giáo huấn của ngài do Ỷ-Lan thần phi cả. Có thể nói, Ỷ-Lan thần phi là người tạo ra xác và hồn của vua Nhân-tông.

Theo cổ lệ của tộc Việt, khi đứa trẻ đầy năm, được cha mẹ tổ chức cho một lễ mừng, để cúng ”mụ”. Mụ là một bà thần dạy dỗ đứa trẻ từ ăn, uống, ngủ, cười, đi, đứng. Sau lễ, đứa trẻ được thử xem lớn lên sẽ có năng khiếu gì. Lễ này rất quan trọng.

Thời gian trôi mau như ngựa câu qua cửa sổ. Thoáng một cái, Càn-Đức đã đầy năm. Bấy giờ đã sang năm Long-chương Thiên-tự thứ nhì (1067).

Lễ mừng thái-tử Càn-Đức đầy năm được tổ chức cực kỳ long trọng tại điện Càn-Nguyên. Chính nhà vua, hoàng-hậu, Ỷ-Lan đứng ra làm lễ. Hoàng thân, quốc thích, công chúa, phò mã đều phải tới tham dự. Còn các quan, bao gồm tất cả đại thần. Thành ra số người dự tới trên năm trăm.

Sau khi nhà vua lễ tạ liệt tổ Đại-Việt như vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng... tiên đế Lý triều. Ỷ-Lan thần-phi bế thái-tử Càn-Đức đặt lên chiếc sập chạm rồng, xung quanh sập chỉ nhà vua, hoàng hậu, các bà phi, công chúa mới được đứng gần. Thường-Kiệt là nghĩa tử của nhà vua, nên cũng được đứng vòng trong sát sập. Trên sập để sách của Nho-gia, kinh Phật; bút nghiên, kiếm cung, đàn sáo, nông cụ, vàng bạc, sỏi đá v.v. Tùy theo thái-tử chọn thứ nào, người ta suy ra tương lai của Càn-Đức. Việc chọn lựa này cực kỳ quan trọng. Trăm quan, dân chúng căn cứ vào đó mà biết tương lai đất nước.

Giây phút quyết định, liên hệ đến vận mạng Đại-Việt đang chờ đợi. Hàng nghìn con mắt đều hướng vào Càn-Đức. Trong điện có hơn năm trăm người, mà không một tiếng động.

Tục ngữ Việt tộc có câu nói sau đây trong khoa dạy các bà mẹ nuôi con: « Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy chơi ». Càn-Đức tuy mới một năm, nhưng nhờ di sản cơ thể Ỷ-Lan còn trẻ, lại luyện tập nhiều, nên chín tháng đã biết đi, đầy năm thì chạy chơi rất vững, chạy nhảy, chơi đùa rất nhanh.

Vừa được mẹ để ngồi xuống, là Càn-Đức bò tới đám vật dụng, tay cầm đất, sỏi, đá lên xem, làm Ỷ-Lan phát run. Vì nếu Thái-tử chọn đá đất thì e sau này tài không quá anh thợ cầy, thợ cấy. Nhưng Càn-Đức quan sát ba cục sỏi, đất, đá một lúc rồi lại bỏ vào đúng chỗ cũ. Ỷ-Lan thở phào nhẹ nhõm.

Càn-Đức lại cầm lấy thỏi vàng, thỏi bạc đưa lên ngắm nghía một lát, rồi đứng dậy chạy thẳng tới chỗ chị là công chúa Thiên-Ninh, trao cho công chúa. Thiên-Ninh cầm vàng bạc bỏ vào túi. Càn-Đức ôm lấy cổ công chúa, cười như nắc nẻ. Không ai hiểu ra sao?

Như vậy Càn-Đức vẫn chưa chọn vật gì, tay buông cổ chị bước lại đám vật dụng, từ từ ngồi xuống, bò rất khoan thai lại chỗ để kinh Phật, cầm lấy quyển kinh Kim-cương rồi đứng dậy chạy đến bên Ỷ-Lan, trao cho nàng. Ỷ-Lan vừa tiếp sách, thì Càn-Đức cười khanh khách, rồi cầm lấy thanh kiếm nhỏ đưa lên ngắm nghía, tay chống kiếm đứng nhìn một lượt những người quanh sập, khi thấy Lý-thường-Kiệt thì trở cán trao cho ông. Thường-Kiệt cung kính đỡ kiếm, cúi đầu vái tạ.

Càn-Đức lại đưa mắt nhìn phụ hoàng, các quan, bò đến cầm bộ Luận-ngữ, tay mở ra nhìn, miệng cười khúc khích, cuối cùng cặp sách vào nách rồi chạy lại ôm chầm lấy phụ hoàng.

Nhà vua bế bổng thái-tử lên mà hôn. Thái-sư Lý Đạo-Thành hỏi tiên nương Bảo-Hòa:

– Tiên-nương. Từ xưa đến giờ, đứa trẻ chỉ chọn một thứ trong những dụng cụ bầy ra. Nay thái-tử lại chọn, rồi trao cho người khác. Tiên-nương là người nhà trời, tiên-nương biết rộng, xin tiên-nương ban chỉ dụ.

Công-chúa Bảo-Hòa mỉm cười:

– Từ trước đến giờ, những buổi lễ như thế này thường linh ứng kỳ lạ. Như hồi vua bà Bình-Dương đầy năm, người đã chọn thanh kiếm với viên đất. Nay ứng vào việc người giỏi kiếm thuật, dùng kiếm bảo vệ Bắc-biên. Hồi Thường-Kiệt đầy năm, đã chọn thanh kiếm với cây cung, nay ứng vào việc Kiệt là võ quan bậc nhất của triều đình. Đến Thiên-Ninh, thì Ninh nhi chọn thanh kiếm với thỏi vàng. Nay Ninh nhi võ công cao, lại có tài tổ chức thuế má, canh nông, quản trị quốc sản, tức là ứng vào kiếm với vàng vậy.

Công chúa bồng Càn-Đức lên hôn vào hai má, rồi nói:

– Càn-Đức cầm đất trước tiên, lại bỏ về đúng chỗ cũ, sẽ ứng vào việc trọn đời nhất quyết lấy việc bảo vệ đất tổ làm đầu. Thứ đến trao vàng bạc cho Ninh nhi, có nghĩa sau này Ninh nhi sẽ là bà chúa kho của Đại-Việt như Khất hoà thượng dạy. Càn-Đức trao cuốn kinh Kim-cương cho thần-phi thì ai cũng hiểu rồi, bởi thần-phi luyện Vô-ngã tướng Thiền-công, là yếu chỉ rút trong kinh Kim-cương.

Bà nhìn Thường-Kiệt:

– Hồi Thường-Kiệt mới đầy năm đã ứng việc chọn võ nghiệp. Nay Càn-Đức cầm gươm trao cho Kiệt, thì ứng vào việc sau này khi lên ngôi, Càn-Đức sẽ trao cho Kiệt làm tổng đốc binh mã. Cuối cùng Càn-Đức cầm lấy bộ Luận-ngữ mở ra xem như người biết chữ, chắc chắn sau này Càn-Đức sẽ dùng Nho trị dân.

Mọi người đều vỗ tay. Nhà vua ban yến cho tất cả thân vương, triều đình cùng dự, để gọi là ăn mừng. Ỷ-Lan bế Càn-Đức trên tay, lại cỗ dành cho nàng. Tuy Dương hậu phạm nhiều tội, không được nhà vua đoái tới, nhưng bà vẫn là hoàng-hậu, là đích mẫu của Càn-Đức. Nên trong mọi cuộc yến tiệc bà ngồi bên trái nhà vua. Còn Ỷ-Lan thì ngồi bên phải. Ỷ-Lan bế Càn-Đức đến chỗ ngồi của Dương hậu, khi qua chỗ công chúa Động-Thiên đứng, Càn-Đức ôm lấy cổ chị, không chịu buông ra. Công-chúa Động-Thiên bế em, ngồi vào tiệc.

Nhã nhạc cử bản Thiên-diên (Yến tiệc nhà trời), một trăm nữ ca vũ, vừa múa vừa hát theo dàn nhạc bẩy mươi hai nhạc công:

Thiên húc lệ thiên xương,

Tề vu tự, túc uyên hàng.

Kim lô niểu niểu bích vân hương,

Bảo tọa huy huy ngọc tảo quang,

Quan thân xâm liệt, hành bội tương tương.

Thiên tử thùy y thường, vận vọng khuê chương.

(Bóng thiều sớm mai rực cung khuyết,

Trăm quan vào hàng, nghiêm chỉnh.

Lư hương tỏa khói tầng mây biếc,

Trên ngai vàng, mũ ngọc lóe hào quang,

Văn võ hàng hàng, ngọc bội vang vang.

Y thường thiên tử như ngọc khuê chương)

Nhạc dứt, thái-sư Lý Đạo-Thành đại diện bách quan dâng lời chúc tụng nhà vua, cảm tạ nhà vua ban yến.

Ỷ-Lan ngồi xuống, cầm chiếc bát bằng vàng, úp trên chiếc đĩa bằng bạc dành cho nàng. Vừa cầm lên, bỗng nàng ngẩn người ra, vì trên cái đĩa có bông sen bằng ngọc đỏ chói; cuống, lá bằng ngọc xanh biếc. Cạnh bông sen, còn có con chó cũng bằng ngọc mầu trắng. Nhà vua, cùng Dương hậu cũng đã trông thấy con chó với bông sen. Ngài hỏi viên tổng-thái giám ty Thượng-thiện:

– Ai dọn tiệc này?

Viên tổng thái giám xanh mặt:

– Ban nãy cung nữ dọn yến xong, chính thần kiểm soát lại... dưới bát không có gì. Thực lạ lùng, chả biết ai đã bỏ những thứ này vào đĩa rồi úp bát lên.

Thấy sự lạ, công chúa Thiên-Ninh chạy tới cầm bông sen với con chó lên xem, dưới ánh sáng của những ngọn nến lớn hơn cổ tay, nàng đọc được hàng chữ khắc trên cánh hoa sen « Thanh cao như liên hoa » (chúc thái tử thanh cao như hoa sen). Trên lưng con chó có chữ « Bách Việt trung dữ thái-tử như khuyển dữ chủ » (chúc thái tử được trăm họ tộc Việt trung thành như chó với chủ). Nàng bật cười:

– Tâu phụ hoàng, tổng thái giám vô tội, bởi người đem chó ngọc, sen ngọc mừng đầy tuổi của Càn-Đức là Đại-từ Liên-hoa, và Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng. Hành sự của hai ngài, thì có trời mà kiểm soát.

Bấy giờ nhà vua với Ỷ-Lan mới đổi từ giận sang vui mừng. Long tâm mở rộng. Quần thần, hoàng tộc lại chúc mừng nhà vua. Nhà vua thấy vắng bóng vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái; công chúa Thiên-Thành, phò mã Thân Cảnh-Long, ngài hỏi hỏi công chúa Kim-Thành:

– Thưa chị, chị Bình-Dương với cháu Thiên-Thành sao lại không về dự?

Công chúa Kim-Thành nháy mắt ra hiệu cho nhà vua rồi nói:

– Hôm nay là ngày vui của nhà ta, cũng là ngày vui của Đại-Việt, thế mà vua bà Bình-Dương với công chúa Thiên-Thành không về, ắt có gì cản trở. Thần đã sai chim ưng đi hỏi, lát nữa có tin, thần sẽ tâu với bệ hạ sau.

Nhà vua biết vụ bà chị với con gái vắng mặt, ắt có điều gì liên quan đến quốc sự, nên công chúa Kim-Thành không nói ra trước mặt mọi người. Cho nên trong suốt buổi yến, long tâm không yên.

Yến tiệc tàn, nhạc cử bản Long-hồi:

Kỳ nghi bất thắc,

Túc ung hòa minh. (đã chép ở

Nhà vua, Ỷ-Lan về cung. Công chúa Động-Thiên bế Càn-Đức theo sau. Một tay Càn-Đức ôm cổ chị, một tay bẹo tai, vuốt mặt. Thượng-Dương hoàng hậu đứng ngơ ngẩn, xuất thần nhìn theo, hai mắt bà đỏ ngầu, hàm răng nghiến chặt, rồi rít lên nho nhỏ. Bà quay lại, thấy Thường-Kiệt đang đứng gần đấy. Bà vẫy tay:

– Thiếu-bảo. Thiếu-bảo hãy theo ta.

Khi đi xa mọi người, bà thở dài, nói nho nhỏ:

– Thường-Kiệt đại ca! Đại ca có còn nhớ những ngày tại rừng núi Bắc-biên xưa kia không? Chắc đại ca quên rồi?

Thường-Kiệt cúi đầu:

– Chuyện ấy đã gần ba mươi năm qua, lệnh bà chẳng nên nhắc làm chi. Cái thân của thần bị gian nhân làm hại, e còn thảm thiết hơn lệnh bà nữa.

– Lắm lúc muội nghĩ, giá như hồi ấy muội làm vợ đại ca thì thực là hạnh phúc biết bao? Cái chức hoàng-hậu hữu danh vô thực của muội này thực không bằng đứa con gái bán rau ở chợ. Này đại ca. Nếu như muội tìm ra thủ phạm hãm hại đại ca, thì đại ca báo đáp muội như thế nào?

– Thần sẽ làm bất cứ điều gì lệnh bà sai bảo.

– Đại ca sẽ hành tội kẻ thù như thế nào?

– Thần sẽ xẻo từng miếng thịt của y để quẳng cho chó ăn.

Hoàng-hậu nhìn theo bóng nhà vua:

– Nếu như giữa muội với con tiện tỳ Yến-Loan tranh thắng nhau, thì đại ca sẽ giúp ai?

Thường-Kiệt rùng mình:

– Tâu lệnh bà, thần-phi lúc nào cũng tôn kính lệnh bà, thì sao có việc tranh dành được?

Hoàng-hậu nổi cáu:

– Thì ra bây giờ đại ca lại nghiêng theo nó hẳn? Đồ bạc tình. Ta...ta sẽ chặt cái đầu củ chuối rẻ tiền của mi, xem mi có còn nịnh hót nó nữa không? Mi cút đi cho khuất mắt ta.

Nói rồi bà tung mình phóng về cung Thượng-Dương. Thường-Kiệt ngây người nhìn theo, bất giác ông thở dài:

– Tội nghiệp! Tội nghiệp!

Năm Mậu-Thân (1068) nhằm niên hiệu Long-chương Thiên-tự thứ nhì, đời vua Thánh-tông nhà Lý, mùa Xuân, tháng hai, giờ Tỵ, ngày 18, Ỷ-Lan thần phi lại sinh hoàng tử thứ nhì, vua đặt tên cho là Chí-Nhân. Ba ngày sau, sắc phong là Minh-Nhân vương. Nhà vua lại ban chỉ đại xá thiên hạ, tha một nửa tô thuế cho toàn dân.

Hôm ấy vào một buổi hoàng hôn, mùa Thu, tháng 8. Nhà vua với Ỷ-Lan cùng công chúa Thiên-Ninh ngồi xem công chúa Động-Thiên đùa với Càn-Đức. Nhà vua tận hưởng cái hạnh phúc bên người yêu, bên những giọt máu của ngài. Khi mặt trời vừa lặn, không gian biến thành mầu tím, bỗng công chúa Thiên-Ninh tỏ vẻ lắng tai nghe, rồi nói:

– Dường như có ngựa phi khẩn cấp tới đây.

Thiên-Ninh vừa dứt lời, thì vó ngựa đã dừng gần cửa cung. Ỷ-Lan khen:

– Thiên-Ninh là học trò của tiên nương Bảo-Hòa có khác, nội công cao thực. Cô chưa nghe thấy gì, mà Thiên-Ninh đã phân biệt được. Nào Động-Thiên, cháu thử biện biệt xem người tới đây thuộc loại nào?

Công chúa Động-Thiên lắng tai nghe tiếng chân người đi trên sỏi, rồi nói:

– Người này chắc là to lớn lắm, vì tiếng giầy trên sỏi trầm trọng. Nội công y thuộc dương cương, cực kỳ cao thâm, nên không có tiếng sỏi sột soạt, dường như là nội công Tản-viên thì phải. Xét trong triều, ngoài đại huynh Thường-Kiệt ra không ai có nội công Tản-viên cao như vậy.

Đến đó tiếng giầy ngừng lại, rồi Thúy-Hoàng bước vào:

– Tâu bệ hạ, có Thái-bảo Lý Thường-Kiệt xin cầu kiến.

Nhà vua bẹo má công chúa Động-Thiên, tỏ ý khen ngợi võ công của nàng, rồi bảo Thúy-Hoàng:

– Mời Thái-bảo vào.

Thường-Kiệt vừa lên đến bậc thầm, thì Ỷ-Lan đã nói lớn:

– Sư huynh chẳng nên đa lễ. Không biết có việc gì khẩn, mà nhọc lòng sư huynh phải tới đây giờ này? Thiên-Ninh, cháu rót chén sâm thang mời thái-bảo uống.

Thường-Kiệt bưng chén sâm thang uống xong cúi đầu:

– Đa tạ thần-phi ban thưởng.

Ông hướng nhà vua:

– Tâu, vua bà Bắc-biên, sư phụ thần với Ngũ-long công chúa, ngũ vị phò mã về kinh, xin họp Tinh-triều khẩn cấp.

Nhà vua giật mình, vì chỉ có việc đại khẩn cấp, mới khiến tất cả tướng soái Bắc-biên về Thăng-long. Ngài ban chỉ:

– Thái-bảo cho đánh trống họp Tinh-triều tại điện Uy-viễn ngay.

Thường-Kiệt bái, rồi lui ra. Nhà vua bảo Thúy-Hoàng:

– Thúy-Hoàng với vú Liên coi Càn-Đức. Còn Ỷ-Lan với hai công chúa theo ta thiết triều.

Ngài với Ỷ-Lan thay y phục, rồi cùng hai công chúa lên kiệu tới điện Uy-viễn. Từ cung Ỷ-Lan tới điện Uy-viễn hơi xa. Quan vũ-vệ hiệu úy cung Ỷ-Lan dàn thị vệ canh gác cung. Còn quan tổng-lĩnh thị-vệ Đỗ-Oanh dàn thị vệ dọc đường hộ vệ nhà vua. Kiệu tới điện Uy-viễn, thì các quan đã tề tựu đủ. Vì thiết triều khẩn cấp, lại thuộc cơ mật lên không có nghi vệ, cùng âm nhạc. Chỉ có cung nga, thái giám đem bánh, hoa quả, nước trà bầy trước mỗi bàn ngồi của các quan.

Lễ nghi tất.

Từ ngày Ỷ-Lan nhập cung, nàng được dùng như một đại học sĩ, nên hầu hết các cuộc thiết triều nàng đều tham dự. Buổi thiết Tinh-triều hôm nay, ngoài thân-vương, tể-tướng, phó tể-tướng, lục vị thượng thư, lục vị tham tri, quản Khu-mật viện, đô đốc thủy quân, tổng-trấn Thăng-long, tổng-lĩnh thị vệ, tổng lĩnh Ngự-lâm quân, tổng lĩnh Thiên-tử-binh... còn có vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái, trưởng đại công chúa Bảo-Hòa, Ngũ-long công chúa, cùng ngũ vị phò mã trấn thủ Bắc-cương. Đặc biệt lần này còn có thêm các hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn và các vương phi; công chúa Động-Thiên, phò mã Hoàng Kiện; công chúa Thiên-Ninh; Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản và phu nhân Ngô Cẩm-Thi.

Ghi chú,

Sử chép rằng thời vua Thánh-tông là giai đoạn thịnh trị nhất của Đại-Việt kể cũng không sai. Vì nhà vua là người nhân từ, mở đường lối cho luật pháp. Trong triều, ngoài biên đầy những đại thần văn mô vũ lược; hỏi sao nước không thịnh?

Tể-tướng Lý Đạo-Thành đứng dậy cung tay:

– Thần, kiểm hiệu thái-sư, Long-thành tiết độ sứ, đồng-bình chương sự, Khu-mật viện sứ, lĩnh Chiêu-văn-quan đại học sĩ, giám tu quốc sử, Sơn-Nam quốc công xin tâu.

Nhà vua vẫy tay:

– Miễn lễ. Xin thầy an tọa.

– Tâu bệ hạ, vì có nhiều biến chuyển ở Tống, ở Chiêm, nên vua bà Bắc-biên cùng các tướng soái trấn biên cương về xin thiết triều khẩn cấp. Thần xin để quốc công Thân Thiệu-Cực tấu trình.

Một đại thần, da ngăm đen, gương mặt cực uy-vũ đứng dậy:

– Thần, Hữu-kim-ngô thượng-tướng quân, lĩnh Đại-tư-mã Bắc-biên, tước Lạng-châu quốc công Thân Thiệu-Cực.

Nhà vua lại vẫy tay:

– Xin biểu huynh an tọa trình bầy được rồi.

– Tin Tế-tác cho biết, Trị-bình hoàng đế bên Tống băng hà ngày Đinh-Tỵ, tháng giêng, vừa qua.

Nhà vua bật lên tiếng kêu:

– Ái chà! Ông ta còn trẻ, sao mà đã chết vội vậy? Dường như năm nay ông ta mới ba mươi sáu tuổi thì phải! Cái tuổi mà khí huyết sung thịnh, ông ta lại luyện võ. Võ công ông ta là võ công Hoa-sơn, sau có học thêm võ công Đông-a. Thế mà sao lại chết? Không lẽ ông ta bị ám sát hay đầu độc?

– Tâu, dù Trị-bình hoàng đế đã băng hà, triều đình đổ tội cho thái-y bất tài; mà các thái-y còn cãi nhau, chưa tìm ra căn bệnh. May nhờ U-bon vương đang ở Biện-kinh, vương đã giải rõ chứng bệnh nhà vua, các thái-y mới không bị tội. Nguyên từ ngày Trị-bình hoàng đế Nam du trở về, thì lâm bệnh, khi khỏi, khi tái phát, không bao giờ dứt. Cho đến năm ngoái, là năm Bính-Ngọ, niên hiệu Trị-bình thứ ba (1066), tháng mười một, ngày Mâu-Ngọ, hoàng-đế đột ngột lâm bệnh nặng. Ba ngày sau là ngày Tân-Dậu, nhà vua ban chiếu tha cho các tử tội, còn những người tội lưu thì được tha... để cầu phúc. Sang tháng chạp, bệnh vẫn không giảm, triều thần sai sứ đi tìm Yên-vương nguyên phi Lê Thiếu-Mai để mời phi về trị bệnh. Nhưng vương phi vân du không có tin tức. Ngày Ất-Mùi, bệnh càng nặng. Tể tướng Hàn Kỳ tâu xin thái hậu làm lễ cầu trời đất, cầu tông miếu, cầu xã tắc, rồi lập trưởng tử là Húc làm hoàng thái tử để an nhân tâm. Bệnh vẫn không thuyên giảm, hoàng-hậu sai sứ sang Xiêm thỉnh U-bon vương Lê Văn. Vương lên đường vừa tới nơi thì nhà vua băng. Quần thần tôn hiệu là Thể càn, Ứng lịch, Văn võ, Thánh hiếu hoàng đế, miếu hiệu là Anh-tông.

Thiệu-Cực ngừng lại uống nước, rồi tiếp:

– Ngay ngày Đinh-Tỵ, quần thần cùng hoàng hậu tuyên đọc di chiếu tôn hoàng thái tử Húc lên ngôi vua, lấy hiệu là Hy-Ninh. Ngày hôm sau Mậu-Ngọ, đại xá thiên hạ. Ngày Đinh-Mùi, tôn hoàng-thái hậu làm Thái-hoàng thái hậu. Tôn mẹ là Tuyên-nhân Thánh-liệt hoàng hậu Cao Thái-Vân làm Thái-hậu. Trao cho tể-tướng Hàn Kỳ làm sơn lăng sứ để xây lăng vua. Truyền tống giam tất cả thái-y để điều tra vì nghi rằng Anh-Tông bị thuốc chết. May mắn U-bon vương vẫn còn tại Biện-kinh. Thái-hậu thỉnh vương vào chẩn đoán xem tại sao Anh-Tông băng. Sau khi chẩn đoán, Vương cho biết hồi Anh-Tông Nam du, bị muỗi độc đốt, truyền độc chất vào người. Cho nên suốt mấy năm qua, cứ cách nhật lên cơn sốt một lần. Đúng ra các thái-y biết rõ căn bệnh, thì chỉ ba thang thuốc là khỏi. Đây vì các thái-y là người phương Bắc, chưa từng nghe, từng học về bệnh do muỗi độc Nam-phương, nên tưởng rằng nhà vua bị cảm, cho uống thuốc cảm mạo phát mồ hôi. Khi mồ hôi càng phát, thì chính khí càng thoát ra nhiều, người càng yếu, độc muỗi càng có cơ gia tăng. Cuối cùng nọc muỗi làm gan sưng lên thành báng, da vàng ủng, rồi băng hà.

Nước mắt dàn dụa, Ỷ-Lan hỏi:

– Biểu huynh! Thế thái hậu Cao Thái-Vân ra sao?

– Tâu thần-phi hậu vẫn khỏe mạnh.

Ỷ-Lan tâu với nhà vua, trong nước mắt:

– Thồi thiếp còn thơ ấu, làm công quả ở chùa Từ-quang, Trị-bình hoàng đế bấy giờ còn là Tần-vương, với vương phi Cao Thái-Vân đến chùa Từ-quang dạy võ cho thiếp, rồi còn cho vàng bạc. Tuy rằng việc dạy võ có chủ ý không tốt với Đại-Việt; nhưng hoàng đế với hậu cũng là sư phụ khai tâm về võ của thiếp. Xin bệ hạ cho thiếp làm lễ tế vọng và cư tang người như sư phụ.

Nhà vua hỏi thái-sư Lý Đạo-Thành:

– Thưa thầy, xin thầy cho biết việc này có nên không?

– Tâu bệ hạ không những nên, mà còn phải công bố cho toàn dân noi gương. Trị-bình hoàng đế sang Đại-Việt với mưu đồ thôn tính nước ta, nhưng ngài là người Tống, vì Tống mà làm việc ấy ta không thể trách ngài. Còn đối với Thần-phi, ngài và Cao hậu hết sức yêu thương như con, dạy dỗ tận tâm, lại ban cho vàng bạc. Thì cái nghĩa sư, đồ không thể bỏ được.

Triều thần thấy Ỷ-Lan hiếu đễ với sư phụ, trong lòng họ đều cảm phục phi là người ăn ở có hậu.

Khai-Quốc vương tỏ vẻ lo lắng, hỏi Lý-Thường-Kiệt:

– Chính vì hồi còn làm Thái-tử, nhà vua vân du Nam phương, nên suốt thời gian tại vị, người không cho bàn đến Nam xâm. Không biết Thái-tử Húc là người thế nào?

Thường-Kiệt tâu:

– Hy-Ninh hoàng đế là con trưởng của Anh-tông, do Cao hoàng hậu sinh ra. Niên hiệu Khánh-lịch thứ tám, đời vua Nhân-tông, nhằm niên hiệu Thiên-cảm Thánh-vũ thứ năm (1048) đời vua Thái-tông bản triều, sinh tại Bộc-vương phủ, đặt tên là Trọng-Châm. Niên hiệu Gia-hựu thứ tám, đời vua Nhân-tông, bên đại Việt là niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ năm (1063), Anh-tông lên ngôi. Trọng-Châm được nhập Hoàng-thành, ban cho ở cung Khánh-ninh, phong An-châu quan-sát sứ, Quang-quốc công. Ông cực kỳ thông minh, nghe một hiểu mười, lại chăm học. Quan thái phó là Vương Đào vào cung giảng, ông dẫn em là Hạo ra ngoài cửa cung đón; sau buổi học ông thường hỏi Thái-phó về chính sự cổ kim đến quên ăn, quên ngủ. Nhiều lần hỏi tới khi trời sáng. Có đêm đến canh tư, Anh-Tông thấy đèn trong cung Khánh-ninh còn sáng, phải sai thái giám tới truyền cho ông đi ngủ. Các đại thần Đông-cung của ông làm việc suốt ngày, đôi khi cả đêm. Điểm đặc biệt là ông không đồng ý với luật lệ, cùng tổ chức chính sự hiện thời của Tống, ông muốn thay đổi toàn diện. Đại-Việt ta cải tổ binh bị, canh nông thành công, chính ông đã xử dụng Tế-tác để biết rõ. Ông được Nguyễn Bông ghi chép tất cả đem về nghiên cứu hầu sau này bắt chưởc. Ông nói với quan Thái-phó rằng mai này ông lên ngôi, sẽ cải cách nhiều hơn Đại-Việt, để cho nước giầu, dân mạnh. Về nhân sự Tống, ông để tâm theo dõi từng đại thần trong triều, ghi chép hành trạng mỗi người vào một tập sách riêng: tính tình, gia cảnh, thói quen, văn nghiệp, của cải.

Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản bật lên tiếng khen:

– Hy-Ninh đã thông minh, chăm học, lại biết trọng sư đạo, làm việc cần mẫn, nếu y có sức khỏe nữa thì không phải là điều may cho Đại-Việt ta.

Vua bà Bình-Dương thở dài:

– Điều không hay đó đã xẩy ra rồi. Chính vì thế mà chúng tôi phải từ Bắc-biên về đây xin thiết Tinh-triều ban đêm như thế này. Thôi Thường-Kiệt, con trình bầy tiếp đi.

– Cũng năm Gia-hựu thứ tám, tháng chín được thăng Trung-vũ-quân Tiết-độ-sứ, Đồng trung-thư môn hạ bình chương sự, Hoài-dương quận vương, cải tên là Húc. Ông lại không thích sắc đẹp, năm Trị-bình thứ ba (1066), tháng ba, đã cưới cháu gái cố tể tướng Hướng Mẫn-Trung làm vương phi. Về võ công, Húc học với Chương-Hư đạo nhân, chưởng môn phái Hoa-sơn. Võ công Húc rất cao, nghe đâu ngang với đám sư thúc Triệu Tiết.

Nhà vua nói với Thiệu-Cực:

– Đấy là chuyện cũ, còn chuyện mới xẩy ra thế nào, xin biểu huynh trình bầy rõ chi tiết.

Thiệu-Cực đem một tấm lụa căng lên trên cái khung lớn. Trên tấm lụa vẽ sơ đồ tổ chức triều Tống, dưới mỗi chức vụ, ghi tên người hiện đang lĩnh trọng trách. Ông cầm cây gậy nhỏ bằng gỗ quế, chỉ lên tấm lụa:

– Bởi vì đã nghiên cứu tình hình xã tắc cùng các quan từ trước, nên ngay hai ngày sau lên ngôi, Hy-Ninh thay đổi toàn bộ quan chức trong triều. Tể-tướng Hàn Kỳ thăng lên Tư-không. Tăng Công-Lượng lĩnh môn-hạ thị lang, kiêm Lại-bộ thượng-thư, Anh-quốc-công. Văn Ngạn-Bác, hàm Thượng-thư tả bộc xạ, Kiểm-hiệu tư-đồ kiêm Trung-thư-lệnh. Phú Bật phong Vũ Minh-quân tiết-độ-sứ, Kiểm-hiệu thượng thư tả bộc xạ. Âu Dương-Tu, Triệu Khái thăng Thượng-thư tả thừa, tham-tri chính sự. Trần Thăng-Chi lĩnh Hộ-bộ thị lang. Lã Công-Bật lĩnh Hình-bộ thị-lang. Doãn Bật, Doãn Lương gia thái-bảo. Tháng hai, phong Hướng thị làm hoàng-hậu. Sang tháng ba, ngày Nhâm-Tý, phong Tào Dật làm kiểm-hiệu thái-úy kiêm thị-trung. Cho mở ân khoa, lấy đậu 461 tiến-sĩ.

Nhà vua suýt xoa:

– Khiếp, mới lên ngôi vua có ba tháng, mà Hy-Ninh đã làm một cuộc sắp xếp lại toàn bộ quan lại. Qua cuộc tân phong này trẫm nhận thấy: Tống triều đang thời cực thịnh, toàn những đại thần văn mô vũ lược, lại trong sạch. Đời Anh-Tông thì các quan chia làm hai phe, phe theo Hàn Kỳ chủ gây chiến ở Nam phương. Phe theo Văn Ngạn-Bác chủ hòa. Bây giờ Hy-Ninh mới lên ngôi mà đã bổ nhiệm người nào đúng tài người đó, như vậy thì thực từ đời Đường đến giờ chưa có triều nào hơn được. Không biết y có xóa nổi cái hố giữa hai phe không?

Thiệu-Cực tiếp:

– Nhờ sự bổ nhiệm trên, Hy-Ninh đế phân cho phe chủ hòa thì lĩnh những chức thuộc toà Trung-thư, bộ Lễ, bộ Hình, bộ Hộ, bộ Công. Phe chủ chiến lĩnh bộ Binh, bộ Lại, và Khu-mật viện. Thế là cái hố chia rẽ được xóa đi. Tóm lại phe chủ chiến gồm: Hàn Kỳ, Tăng Công-Lượng, Phú Bật, Triệu Khái, Tào Dật, Ngô Khuê, Vương An-Thạch. Phe chủ hòa gồm: Văn Ngạn-Bác, Trần Thăng-Chi, Lã Công-Bật, Âu Dương-Tu, Vương Đào, Ngô Thân, Trương Phương-Bình. Bề ngoài thì hai phe đang hòa hoãn với nhau. Nhưng bên trong vẫn có một vết nứt âm ỷ. Chỉ chờ nổ tung. Nguyên Hàn Kỳ mấy lần tiến cử Ngô Khuê làm tham-tri chính-sự, nhưng hoàng-đế Hy-Ninh bác, mà bổ Âu Dương-Tu.

Thiệu-Cực tiếp tục: về các tướng cầm quân hiện có hai khu. Chư tướng thuộc khu Bắc đối phó với Liêu, khu Tây đối phó với Hạ. Tướng hai khu này thường ở một phe. Chư tướng đối phó với tộc Việt trấn Nam biên ở một phe. Ngay ngày đầu mới lên ngôi, Hy-Ninh hoàng đế cho mật sứ triệu hồi bọn biên thần chủ chiến như Dư Tĩnh, Tiêu Cố, Tiêu Chú, Lý Sư-Trung, Triệu Tiết, Quách Qùy, Yên Đạt, Tu Kỷ, Khúc Chẩn, Đào Bật, Lý Hiến về họp. Cuộc họp cực mật, Tế-tác của ta mất hơn tháng vẫn không biết rõ nội dung. Sau nhờ một cung nữ làm việc cho ta ở cung thái-hậu, nghe cuộc tranh luận giữa Thái-hoàng thái-hậu (vợ Nhân-tông) và Thái-hậu (vợ Anh-tông) mới biết rõ chi tiết. Hy-Ninh hoàng đế đã xóa được hố chia rẽ của chư tướng thuộc hai khu với nhau.

Thiệu-Cực ngừng lại cho mọi người chú ý, rồi ông nói thực chậm:

– Hy-Ninh hoàng đế cùng bọn chủ Nam xâm quyết định không chịu ở cái thế Bắc bị Liêu ép, Nam bị tộc Việt lấn. Tống phải là triều đại mạnh như thời vua Vũ-đế nhà Hán, vua Thái-tông nhà Đường. Tống phải tổ chức, chỉnh bị binh mã. Trước nhờ Kinh-Nam vương bình Tây-Hạ. Nay Hạ khuất phục, Tống nên vỗ về để an mặt này. Phía Bắc, Liêu quá mạnh, không thể trở mặt với chúng, Tống tạm nhẫn nhịn hòa hoãn, để khỏi phải đối phó với đại địch. Bao nhiêu tinh lực dồn xuống Nam, thanh toán tám nước tộc Việt trước.

Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản khen:

– Phải công nhận Hy-Ninh minh mẫn, có hùng tâm tráng chí. Bọn biên thần mưu trí tuyệt cao. Thế họ định kế sách Nam thùy ra sao?

– Thưa, họ nghị dùng lại Ngũ-lôi. Nỗ lực chính của họ là đánh Đại-Việt trước. Họ áp dụng dương Đông, kích Tây bằng cách giả như đối phó với Hạ, Liêu, nên phải luyện tập binh tướng, mua sắm lừa ngựa, rèn vũ-khí ở những vùng miền Tây, Bắc, cho ta không đề phòng, rồi thình lình kéo xuống đánh Đại-Việt, lập thành quận huyện. Khi Đại-Việt mất rồi thì Chiêm, Lào, Chân, không cần đánh cũng xong. Bấy giờ Xiêm-la, Đại-lý hàng thì thôi, bằng không thì họ dùng tù hàng binh Đại-Việt, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua đánh hai nước này. Thế là họ có cả một miền Nam trù phú, thêm binh lính, lương thực, họ quay lên Bắc, đánh Tây-hạ. Bình Tây-hạ xong, thì Liêu không dám sách nhiễu họ nữa. Hơn nữa họ đủ binh lực quay lên Bắc đánh Liêu. Đây mới là tình hình tính đến giữa tháng ba mà thôi. Nhưng cái rắc rối đã bắt đầu xẩy ra ở Bắc-biên rồi.

Quan đại-tư-mã Quách Kim-Nhật hỏi:

– Phải chăng bọn biên thần Tống ở Nam-thùy lại bắt đầu gây hấn?

– Thưa Tư-mã vâng. Bởi chính bọn biên thần hiếu chiến về triều, hội với Hy-Ninh khởi sự. Vì từ trước đến giờ, chúng biết rằng giữa Nhân-Tông với Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai chủ trương hòa ở Nam phương, để chống Liêu, Hạ. Vì vậy chúng sợ Kinh-Nam vương, không dám gây sự. Nay chúng đã biết chủ ý của nhà vua quyết đánh Nam phương, nên dù chưa có chỉ dụ, chúng cũng chuẩn bị trước, phòng khi có lệnh thì đã sẵn sàng. Chúng nghĩ: khi nhà vua chủ xướng, thì Kinh-Nam vương không dám ngăn cản, làm tội chúng. Mà dù vương có kết tội, thì triều đình cũng ngăn cản.

Nhà vua hỏi:

– Bọn biên thần Nam phương của Tống đã gây những gì với ta?

– Tâu, từ sau khi Nùng Trí-Cao khởi binh, thì Tống có trọng binh đóng ở Ung-châu, Liêm-châu. Từ khi phò-mã Thân Thiệu-Thái, và vua bà Bình-Dương tiến đánh sang Trung-nguyên (1060), Tống nghị hòa. Vua bà bắt Tống chịu ba điều kiện, trong đó có việc cách chức bọn biên thần Tiêu Chú đến giờ bọn biên thần đều kinh sợ ta, không dám gây sự nữa. Nhưng nay chúng đổi thái độ, chúng bắt chước tổ chức Hoàng-nam của ta. Chúng bắt toàn thể đàn ông tuổi từ mười sáu, đến bốn mươi lăm phải luyện tập binh bị, lập thành đội ngũ gọi là Điền-tử-giáp, nghĩa la vừa làm ruộng, vừa tập binh bị. Chúng lại bắt các châu mộ Điền-tử-giáp làm Thổ-binh, các động làm Động-binh. Rồi cứ năm Điền-tử-giáp, chúng bắt một người xung làm Bảo-binh. Nghĩa là bên ta có Thiên-tử-binh thì chúng có Bảo-binh; bên ta có binh các lộ, các huyện, thì chúng có Thổ-binh, Động-binh; bên ta có Hoàng-nam thì chúng có Điền-tử-binh. Khắp các nơi chúng rèn luyện vũ khi, tích trữ lương thảo, mua lừa ngựa, đóng xe, đóng chiến thuyền.

Khai-Quốc vương thấy nhà vua cùng triều đình hiện ra khí sắc lo sợ quá đáng, cần phải nói mấy lời để an tâm vua tôi. Vương vẫy tay cho Thiệu-Cực ngừng lại. Vương tâu nhà vua:

– Tâu bệ hạ, thần thấy giữa hai phe cầm quyền trong triều tuy bề ngoài thăng bằng, nhưng thực ra phe chủ chiến giữ nhiều quyền hơn. Bây giờ thêm các đại thần biên cương, đa số là võ tướng vốn hiếu chiến nữa, thì e rằng phe chủ hòa sẽ bị loại trong sớm tối. Ngược lại phe chủ hòa gồm toàn những danh sĩ, văn gia nổi tiếng, rất được lòng học giới, hương đảng, quần chúng. Thần ước tính, thế nào phe chủ chiến sẽ tìm cách triệt vây cánh phe chủ hòa. Khi họ triệt, dĩ nhiên họ triệt người nào nổi tiếng nhất, để đám kia chùn nhụt. Trong đám đại thần phe này, thì Văn Ngạn-Bác, Âu-Dương-Tu nức tiếng thiên hạ về văn chương, chắc chắn hai người này sẽ bị hại đầu tiên. Trước tình trạng đó, ta phải làm gì?

Ỷ-Lan hướng Khai-Quốc vương vái ba vái:

– Tâu Quốc-phụ, thần nhi nghĩ Đại-Việt ta nên hỏi ý kiến Kinh-Nam vương trước đã. Vì dù sao, vương cũng là viên gạch nối giữa tộc Hoa với tộc Việt. Vương lại nắm vững tình hình Tống hơn ta.

Vua bà Bình-Dương đứng lên, bà lắc đầu:

– Hôm qua, tôi nhận được thư Kinh-Nam vương do thần-ưng mang đến. Vương cũng nhờ tôi thỉnh ý kiến triều đình Đại-Việt.

Khai-Quốc vương gõ ngón tay lên bàn, rồi nói:

– Tôi sợ dưới triều đại Hy-Ninh, Kinh-Nam vương sẽ bị mất hết thế lực. Bởi mặt trận Tây-hạ không còn nữa. Chúa Tây-hạ đã chịu sắc phong, tuế cống triều Tống. Còn mặt trận Liêu, thì Tống chịu khuất phục chúng, giữ nguyên biên giới hiện tại. Tống muốn mở mặt trận phía Nam, thì đời nào dùng vương? Kinh-Nam vương là một đại tướng, khi một đại tướng không cầm quân, thì trở thành thừa thãi, giá trị không bằng bọn văn quan. Với lại bọn văn-quan, võ-tướng muốn gây chiến, đa số chức tước nhỏ, chúng muốn có binh sự để lập công rồi leo lên cao. Nhưng chúng ớn vương, nên phải bới lông tìm vết mà hại vương. Triều đình Hy-Ninh thấy Kinh-Nam vương quá nhiều công lao, họ cũng muốn hạ vương, để dễ gây chiến Nam phương. Hà, không biết vương đối phó ra sao đây?

Ỷ-Lan bàn:

– Có hai điều mà ta nên làm. Một là sao cho Tây-hạ với Tống có chiến tranh, tự nhiên Kinh-Nam vương được trọng dụng. Mặt trận Tây-hạ sẽ hút hết tài nguyên,binh lực Tống. Đại-Việt ta được yên. Hai là, ta làm cách nào để phe chủ chiến hại một trong hai danh sĩ phe chủ hòa thì tự nhiên cái hố chia rẽ sẽ nứt lớn ra ngay. Trong đám này Âu-dương-Tu có danh nhất. Thần đã đọc bài « Thanh thu phú » của ông. Thực là trong văn có nhạc, trong nhạc có văn. Âu bị hạ, tất toàn thể dân Tống bất mãn. Họ sẽ đổ tội lên đầu phe chủ chiến.

Nhà vua hỏi Thường-Kiệt:

– Thái-bảo, Khu-mật viện có ghi chú nhiều về Âu Dương-Tu không?

Thường-Kiệt lúng túng:

– Tâu, từ trước đến giờ Tế-tác của ta chỉ chú ý đến chính sự, binh bị của Tống, mà không mấy chú ý đến các văn gia. Bệ hạ muốn biết về văn nghiệp của Âu, thần sẽ cho Tế-tác sưu tầm. Thần nghe, công chúa Động-Thiên với Thần-phi thường ngâm thi, từ của Âu Dương-Tu, chắc hai vị biết rõ về văn nghiệp của y.

Nhà vua hỏi Động-Thiên:

– Thiên nhi! Văn nghiệp của Âu ra sao?

Công chúa Động-Thiên cung kính tâu:

– Âu Dương-Tu, tự là Vĩnh-Thúc, hiệu là Lục-nhất cư-sĩ, người đất Lư-lăng. Ông sinh vào niên hiệu Cảnh-đức thứ tư đời vua Chân-tông, so với Đại-Việt là niên hiệu thứ 14 (1007) đời vua Lê Ngọa-triều, năm nay sáu mươi mốt tuổi. Mồ côi cha từ năm lên bốn tuổi, học khai tâm với mẹ. Thế truyền, nhà nghèo, ông phải dùng cây sậy viết chữ trên đất mà học. Nổi danh về văn tài ngay từ hồi còn niên thiếu. Đậu tiến sĩ đệ nhất danh niên hiệu Thiên-thánh thứ 8 (1030) đời vua Nhân-tông, so với Đại-Việt là niên hiệu Thiên-thành thứ 3 đời vua Thái-tông. Ông thường kết bạn xướng họa với các danh sĩ như Mai Nghiêu-Thuần, Doãn Thù. Về quan trường, ông không nổi danh bằng văn nghiệp. Nguyên Tống triều lập lên đã trên trăm năm, mà các văn gia vẫn còn chuộng lối ủy mị, yếm thế, than mây khóc gió của đời Lục-triều. Ông cực lực bài bác lối văn này, đưa ra lối văn thực tiễn. Nếu nói Triệu Khuông-Duẫn lập ra nhà Tống, thì có thể nói ông là người tạo ra văn phong, văn khí cho Tống triều. Ông là người cương trực, tiết tháo, chuộng hòa bình, không thích binh sự. Đối với các nước lân bang, ông chủ trương đem văn chương, đạo đức truyền sang để cảm hóa. Các nước nhỏ quy phục, triều cống thì tốt. Nhược bằng họ không chịu, thì để yên. Một lần Phạm Trọng-Yêm bị dèm xiểm, bị biếm. Chư đại thần đều can gián vua. Riêng quan tư gián Cao Nhược-Nặc lại hài tội Yêm, cho rằng phải giáng. Ông viết thư cho Nặc, có câu: « Trên đời sao lại có việc đáng hổ thẹn như thế nhỉ? ». Nặc đem thư ấy tâu lên vua, ông bị biếm ra làm chức huyện lệnh Di-lăng. Sau vì Tần-vương Tự-Mai đem quân đại chiến với Liêu, mà biên sự với Tây-hạ trầm trọng, vương tiến cử Phạm Trọng-Yêm trấn phía Tây. Yêm có ý mời ông theo để cùng lo việc. Ông nói: « Việc tôi làm trước kia đâu có phải mưu lợi cho bản thân mình? Lui thì cùng lui, tiến thì không cùng tiến, thế mới là phải ». Thời bấy giờ sư thúc Trần Tự-Mai đang lĩnh chức Trấn Bắc đại nguyên soái, kiểm-hiệu thái-úy, tước Tần-vương, sau khi thắng Liêu, uy quyền nghiêng nước. Vương hồi triều, vua Nhân-tông đãi yến. Trong yến tiệc, nhà vua hỏi: « Trong tiệc này, ngự đệ thấy điều gì vui nhất ». Vương nói: « Điều thần vui nhất là thấy trong các quan lại có một danh sĩ, nói về trung thì ngang với Vũ hầu đời Tam-quốc; nói về văn thì quá Khuất Nguyên nước Sở; nói về trực ngôn, khí tiết thì Đổng Hồ nước Tấn còn thua xa. Người đó là Vĩnh-Thúc tiên sinh ». Sau đó, sư thúc với công chúa thân tới nhà ông thăm đến ba lần, lại mời ông đến dinh Tần-vương giảng về lịch sử cổ kim. Thời bấy giờ vua dùng bốn đại thần danh tiếng là Đỗ Diễn, Phú Bật, Hàn Kỳ, Phạm-Trọng-Yêm. Ông làm gián quan, mỗi sự ông tâu lên, trung thần danh sĩ đều hài lòng, bọn gian thần thì kinh hồn táng đởm. Bởi khi ông hặc tội kẻ gian nào, mà vua không trị, thì y như bị Ưng-sơn song hiệp trị. Đây là giai đoạn cực thịnh của triều Nhân-tông. Niên hiệu Chí-hòa nguyên niên (1054) ông giữ chức Hàn-lâm đại học sĩ, phụ trách soạn bộ sử Tân Đường-thư đến niên hiệu Gia-hựu thứ năm đời vua Nhân-tông (1060) bộ Tân Đường thư xong, ông được phong Lễ-bộ thị-lang, Hàn-lâm thị-độc học sĩ. Nay ông lên tới Tham-tri chính sự (phó tể tướng) mà triều đình phân làm hai phe, lại chủ gây chiến Nam phương, trong khi ông chủ hòa, thân với Kinh-Nam vương, thì e sự nghiệp của ông không bền.

Đến đó Ưng-binh vào trình cho Thường-Kiệt một ống tre. Thường-Kiệt mở ống tre lấy cuộn giấy ra đọc, rồi trao cho Thân Thiệu-Cực:

– Tin từ Biện-Kinh gửi về cho sư thúc. Xin sư thúc đọc.

Thiệu-Cực cầm thư đọc một lượt, rồi mặt tỏ vẻ hớn hở:

– Tâu bệ hạ, đúng như lời ước tính của công chúa Động-Thiên, phe Hàn Kỳ nhân một lỗi nhỏ, dèm xiểm Âu Dương-Tu; bắt bẻ, kết tội Tu, nên ngày Nhâm-Thân, Tu bị cách chức, đổi đi tri Hào-châu. Ngày Qúy-Dậu, Ngô Khuê được thay thế làm Tham-tri chính sự. Sĩ phu trong nước đều công phẫn. Tin tức đó đến tai Thái-hoàng thái-hậu, bà gọi nhà vua vào cật vấn. Nhà vua đổ tội cho Hàn Kỳ. Hàn Kỳ lại đổ tội cho Vương An-Thạch. Nên An-Thạch bị cách chức đổi đi tri phủ Giang-ninh.

Cả triều đình đều vỗ tay. Công chúa Thiên-Thành tâu lớn:

– Cái chí của Hy-Ninh hoàng đế là tạo ra một triều đình chặt chẽ, một lòng, tướng sĩ ngoài biên thương yêu nhau. Nhưng chỉ mới được ba tháng, mà hai phe đã đá nhau hai cước chí tử. Phe chủ chiến đá phe chủ hòa. Ngay trong phe chủ chiến cũng bôi mặt đá nhau, vì Hàn Kỳ hy sinh Vương An-Thạch.

Thiệu-Cực tiếp:

– Tháng tư, ngày Bính-Dần, Ngự-sử trung thừa Vương Đào, Thị-ngự-sử Ngô Thân, Lã Cảnh dâng sớ hạch tội tể tướng Hàn Kỳ chủ mưu đưa Ngô Khuê lên, mà hủy Âu Dương-Tu, lời lẽ nặng nề. Phe Hàn Kỳ dùng số đông áp đảo, cho rằng quan ngự-sử mạ lỵ tể tướng. Kết quả Vương Đào bị đổi đi Trần-châu. Thân, Cảnh bị phạt tiền thực nặng. Còn Ngô Khuê bị bãi chức, đổi đi tri Thanh-châu. Y chưa kịp lên đường, thì phe Hàn Kỳ lại vận động, sáu ngày sau y được phục chức.

Quan Lễ-bộ tham-tri Quách Sĩ-An (thầy đồ Thái) bàn:

– Vương Đào là thầy của Hy-Ninh hoàng đế, còn Ngô Thân, Lã Cảnh là hoạn quan, rất thân tín của Cao thái hậu. Như vậy thì phe Hàn Kỳ hỏng mất rồi, vì đụng tới nhà vua, tới Thái hậu; rồi Vương An-Thạch thù hận, thì e Hàn, Ngô khó ngồi lâu. Bây giờ chúng ta đang ở tháng 8, thần xin bệ hạ chuẩn cho Khu-mật viện làm cách nào đào sâu hố chia rẽ giữa phe hòa, phe chiến; phe chiến với phe chiến; phe hòa với phe hòa; làm chậm kế hoạch Nam xâm. Trong khi đó, ta phải tìm kế hoạch phá Ngũ-lôi của Tống.

Khai-Quốc vương nhìn Sĩ-An gật đầu tán thưởng:

– Quách tham tri luận đúng. Khu-mật viện sẽ làm những điều đó.

Nhà vua hỏi:

– Với kế Ngũ-lôi của Tống, ta phá như thế nào?

Ỷ-Lan hướng vào Thường-Kiệt:

– Xin sư huynh nhắc lại kế hoạch Ngũ-lôi của Tống một lượt.

– Kế hoạch Ngũ-lôi của Tống như sau: một là chia rẽ phe Dương, phe Mai. Chia rẽ phe văn với phe võ. Chia rẽ giữa các môn phái. Chia rẽ giữa triều đình với nội cung. Chia rẽ nội thích với ngoại thích. Hai là gây nội chiến. Ba là dùng người Hoa làm nội ứng. Bốn là giúp gian thần cướp ngôi. Năm là dùng Chiêm đánh phía sau lưng ta. Bấy giờ Tống mới đem quân qua.

Lại-bộ tham-tri Trần Trọng-San, năm trước đi sứ Tống điếu tang vua Nhân-tông, ông làm bài văn tế lời lời thanh tao, được các văn thần Tống khen văn ông không thua Khuất Nguyên, tặng cho ông danh hiệu « Kế tục văn phong Khuất-Nguyên ». Trở về Đại-Việt, ông được tứ quốc tính Lý, vua đồng ý cho gọi ông là Lý Kế-Nguyên. Ông tâu:

– Theo thần, thì nhát búa thứ nhất này trở thành búa giấy mất rồi. Bởi sự chia rẽ giữa Mai với Dương không còn. Giữa văn với võ thì kể từ bản triều kế chính thống đến nay chưa từng có. Trước họ định chia rẽ phái Đông-a với triều đình, với võ lâm, nhưng ta đã khám phá ra, hóa giải xong. Còn giữa triều đình với nội cung, giữa nội thích với ngoại thích, từ sau vụ án Trịnh Quang-Thạch, Dương Đạo-Gia đâu có còn nữa? Ta không sợ nhát búa này.

Triều đình vỗ tay hoan hô.

Kế-Nguyên tiếp:

– Tuy nhiên, âm mưu chiếm nước ta của người Hoa nó như con đỉa cắt làm đôi; không những nó không chết, mà lại biến thành hai con đỉa mới. Điều quan trọng nhất của chúng ta là phải nhớ lời vua Trưng: vua thương yêu dân, coi dân như con. Các quan đối với nhau như ruột thịt. Vua, quan phải nhớ rằng, làm vua, làm quan là được trời trao nhiệm vụ lo cho trăm họ, chứ không phải ngồi trên đầu trên cổ trăm họ mà hưởng thụ. Điều này Đại-Việt ta duy có triều Ngoạ-Triều là không xứng mà thôi. Còn các triều đại khác đều lấy nằm lòng. Cái vũ khí giữ nước của ta là « trăm người như một, trăm nhà như một, trăm làng như một ». Cái hy vọng của Tống, xui một gian thần cướp ngôi, rồi có nội chiến, nay không thể xẩy ra được. Như vậy nhát búa thứ nhì cũng là búa giấy rồi.

Nhà vua nhíu mày lại, rồi hỏi:

– Cái khó khăn của ta nhất là nhát búa thứ ba. Điều này, thời Lĩnh-Nam, Hán đã dùng để đánh mình. Triều đình Lĩnh-Nam không giải quyết được, đó là việc dùng người Hoa làm nội ứng, làm Tế-tác. Từ mấy nghìn năm nay đoàn ngũ người Hoa tuy sống ở đất Việt, được hưởng đủ thứ ưu đãi, họ trở thành giầu có súc tích. Thế mà mỗi khi giữa ta với Trung-nguyên có chuyện, là họ làm nội ứng đánh từ trong đánh ra. Vậy chư khanh có ý kiến gì về việc này?