Nam Ai

Chương 4: Hồi 4: Mai trúc




Một tuần liền thoáng chốc thoi đưa, vậy là cô gái lai Pháp-Nam Sa đã trở nên quen mặt hơn đối với gia trang nhà họ Cao, dần dà ai nấy đều đã chấp nhận sự hiện diện của nàng chính là lẽ dĩ nhiên. Dẫu vậy, chỉ có mỗi bà hội là coi bộ vẫn còn chướng mắt, suốt tuần qua bà giận Dạ Lý bất kể nàng lẫn ông hội có nhỏ nhẹ bảo ban. Nhưng tính Dạ Lý xưa nay vẫn vậy, phàm việc chi ả muốn làm thì nhất định sẽ làm cho bằng thoả mới thôi dù công khai hay lén lút.

Nam Sa là con nhỏ biết điều biết chuyện, việc này người ăn kẻ ở lẫn Dạ Lý đều thấu tỏ, nàng biết bà hội không ưa thích gì mình nên ra sức mần lụng chu đáo tất cả để tránh bị càm ràm khiến cô hai càng thêm khó xử, ừ thì Nam Sa nghĩ rằng Dạ Lý sẽ khó xử vì nàng, cái suy nghĩ có ngây thơ quá không cơ chứ?

Nhưng cũng nhờ thế mà bà hội dù liếc lườm bao nhiêu vẫn không thể mượn chuyện nặng nhẹ rầy rà nàng.

...

Bữa nay, mưa như trút nước, không khí rét lạnh hẳn đi, Dạ Lý bởi vì ngại sình lầy mà bó gối ru rú trong nhà chớ nếu không ả đã dự định ra chợ sắm sửa thêm mấy cây vải mới.

Ngồi vắt một chân lên ghế, ả lười nhác dòm làn khói trắng toả ra từ tách trà hoa cúc, bên ngoài mưa vẫn nặng hạt chẳng có dấu hiệu dừng. Nam Sa cùng bé ba đang xắn tay áo phụ vài chị khác lau chùi tủ thờ, mấy cái tủ này được đóng từ gỗ quý, màu lên bóng lưỡng lại còn được cẩn xà cừ, giá trị không chỉ nằm ở tiền bạc mà còn nói lên gu thẩm mỹ rất chi là khéo của chủ gia.

Bà hội đồng-Nguyễn Thị Quý ngồi đối diện Dạ Lý, miệng chóp chép nhai trầu đỏ lòm, dòm Nam Sa mà trong lòng không khỏi chán ghét. Mái tóc bạch kim của nàng, làn da trắng sứ của nàng, sóng mũi cao cao, dáng người mảnh khảnh, tất thảy đều không có gì vừa mắt.

Ngón tay Nam Sa mân mê trên từng đường nét xà cừ lấp lánh, những mảnh này được chạm khắc thành hình trúc mai thanh tao và nhã nhặn. Nàng thích nó, không phải bởi vì giá trị xa hoa, mà do tính Nam Sa vốn yêu hoa cỏ, nàng nhìn thấy mai đẹp thì mê, trúc xinh thì thích, đơn thuần cũng chỉ có vậy.

Chợt, nàng buộc miệng, lời khen ngợi một cách vô thức thốt ra.

"Đẹp quá..."

Tiếng cảm khái lọt vào tai bà Nguyễn Thị Quý càng khiến bà thêm phần ghét bỏ.

"Có mắt nhìn, và nó không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa ý nghĩa sâu xa."

Không phải giọng bà hội.

Người vừa nói lời ấy chính là ông hội đồng Cao Phỉ đang từ ngoài cửa lớn bước vào. Vạt áo the đen huyền còn vương nước mưa ẩm ướt, ông vung tay phủi phủi nó đi tựa hồ đang phủi cho sạch lớp bụi đeo bám và ánh nhìn thì dán chặt trên người Nam Sa, khoé mắt in hằn vết thời gian của ông nheo nheo lại không khác gì một con quạ đen đang chực dòm mồi.

Đồng loạt, Nam Sa cùng những gia nhân khác liền ngưng tay đứng dậy thẳng thóm cúi đầu kính cẩn trước ông chủ của mình. Bé ba theo quán tính, bả vai run lên bần bật trong khi mặt nó cúi gằm chẳng dám ngó nghiêng.

Mà, cũng chẳng có một ai dám ngó nghiêng cả.

Sự xuất hiện thình lình của hội đồng Cao dường như đã bóp nghẹt không gian, bằng một cách khó hiểu, Nam Sa cảm giác không khí xung quanh mình đang cô đặc lại, và nàng khá là khó thở với điều đó.

"Thưa cha mới về, mưa gió vậy cha không trú tạm ở đâu đó sao? Về trong mưa dễ cảm mạo lắm."

Dạ Lý tươi cười định bỏ chân xuống xỏ guốc chạy lại chỗ ông thì bị Cao Phỉ ra hiệu dừng lại, ông đáp lại ả với chất giọng âm trầm và ôn tồn nhất có thể của một người cha, rằng.

"Ngó trời coi bộ mưa này dầm dề lâu lắt nên cha về luôn cho rồi, mà con ngồi đó đi, mình mẩy cha ướt nhẹp mất công lại vây nước vào con."

Ông nói vậy trong khi vợ mình đang cởi từng cái cúc trên chiếc áo dài vải the thấm ẩm mà ông khoác ngoài.

Gã đầy tớ thân tín của ông thì liếc mắt dòm qua Nam Sa rồi thu gấp chiếc dù lại, xong lủi thủi đi tít ra đằng nhà sau mà chẳng nói một lời nào, gã vẫn luôn như vậy, ít nói đến mức quái gở.

"Tụi bây làm việc tiếp đi chứ, đứng đực mặt ra đó làm gì!?"

Bà Nguyễn Thị Quý ra lệnh và tất cả răm rắp làm theo.

Khi đã an tọa yên vị bên bàn trà cùng một tách trà nóng hôi hổi toả khói ấm áp, người đàn ông trung niên với dáng hình cao gầy cùng vẻ mặt hắc ám đăm chiêu, là ông hội đồng Cao lại lần nữa lên tiếng nói.

"Mày tên Nam Sa đúng không?"

Hai chữ 'Nam Sa' vừa cất lên, ả lẫn nàng đều khựng lại hướng mắt nhìn.

"Dạ, con là Nam Sa thưa ông."

"Mày thích hình khắc mai trúc đó?"

"Dạ...con không dám."

Cao Phỉ nhếch lên khoé miệng.

"Thích hay không thích liên quan gì dám hay không dám, nói, mày thích mai trúc đó à?"

Nam Sa bối rối, ả biết nàng bối rối.

Dẫu vậy, nàng vẫn ngập ngừng, cúi đầu trước ông chủ mà thành thật thưa.

"Dạ, con, con thích thưa ông."

Giọng điệu Cao Phỉ trước nay luôn trầm trầm nhạt nhạt, nghe qua rất khó đoán định tâm tư.

"Biết ý nghĩa không mà thích?"

"Thưa, không ạ..."

Quả nhiên, chẳng kinh ngạc gì, ả thầm nghĩ vậy.

Rồi, cha ả, lại tiếp tục dùng tông giọng ấy để nói chuyện với Nam Sa, ông bảo với nàng những điều hết sức ẩn dụ mà ả không chắc rằng nàng đủ đa tâm để hiểu ra cốt lõi, thậm chí...với cả ả.

"Trúc ba lá nghĩa là tam cương, mai năm cánh chính là ngũ thường. Mai trúc luôn hiện hữu trong gia trang này, khắc không chỉ lên ván gỗ mà còn phải khảm vào tâm can từng người sống và mần việc ở đây..."

Đoạn, ông dừng lại, nâng tách trà lên thổi thổi rồi mới tiếp.

"...đã khảm thì phải khảm cho sâu, lơi lỏng quá để sớm chiều nhạt phai thì đừng oán thán khi người ta ra tay khảm lại thay mình."

Ả biết Nam Sa vẫn chưa tỏ tường gì triệt để, cùng lắm nàng chỉ hiểu nôm na rằng ông chủ đang dạy bảo mình phải hầu hạ cho chu toàn. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng khiến ả phải đau đầu rồi, vốn nghĩ rằng người đay nghiến sự xuất hiện của Nam Sa sẽ là má, ấy vậy mà cha mình mới là người đánh tiếng trước tiên, nhắc nhở nàng phải biết thân biết phận.

Xem chừng, dù để chiều lòng con gái ra sao thì ông bà hội vẫn còn nghi kỵ Nam Sa lắm.

Nàng vẫn vậy, hiểu hay không vẫn gật đầu dạ thưa lễ độ, và đáp lại nàng không gì khác ngoài sự dửng dưng tựa như nãy giờ chỉ là lời nói bâng quơ của ông hội đồng cùng thái độ rất chi hả hê của bà Nguyễn Thị Quý.

Ả không thích cái không khí này, vốn tâm tư ả đang có thừa muộn phiền rồi.

"Con hơi mệt, con về buồng nằm nghỉ lát, chớ ngồi đây mất công quấy nhiễu cha má tâm tình."

Ả nửa đùa nửa thật hướng hai người kia nói.

"Ai cha, coi cái miệng con gái rượu của mình kìa, ăn nói vậy mới chịu đó đa!"

Bà Nguyễn Thị Quý bật cười thành tiếng coi bộ lấy làm vui vẻ lắm, còn ông Cao Phỉ thì cong nhẹ cánh môi bồi thêm cái gật đầu xem như hồi đáp.

Được sự đồng thuận, ả vẫn giữ nguyên nét mặt tinh nghịch ẩn ẩn cứng nhắc của mình với tay vẫy gọi Nam Sa.

"Ra nhà sau rửa tay chân sạch sẽ rồi vô buồng, tao chờ."

Không có thời gian để thắc mắc, Nam Sa đã học được cách khi cô hai nói "Tao chờ" là tuyệt đối không được để ả chờ, bằng không hoặc là nàng phải chịu đựng những lời mỉa mai độc địa, hoặc là bé ba phải chịu phạt thay cho mình như một cách thức để ả trút giận. Nhưng dù có là gì nàng đều không muốn nó xảy ra.

Chỉ kịp cúi đầu chào ông bà chủ rồi Nam Sa bèn nhanh chân chạy ra sau nhà xối nước trong lu rửa sạch tay chân và chạy ngược trở vô buồng phòng cô hai Dạ Lý. Suốt quá trình này vì gấp rút mà nàng đã suýt vấp té mấy lần.

...

"Mình vừa dạy dỗ con Nam Sa đó à? Nhưng em không chắc nó đủ khôn để hiểu."

Sau khi đuổi hết gia đinh xuống nhà sau, bà hội đồng liền nói về Nam Sa bằng giọng điệu miệt khinh.

"Nó không hiểu thì con mình sẽ dạy cho nó hiểu, tôi nói những điều đó lúc có mặt cả Dạ Lý, mình không thấy sao?"

"Dạ, em biết mình luôn có ý tứ riêng mà."

Cao Phỉ gật đầu.

Rồi tiếp nối là khoảng lặng.

Trà hoa cúc bữa nay thơm thì có thơm nhưng hình như vẫn thiếu thiếu thứ gì đó, vẫn luôn thiếu kể từ ngày ấy...

Cao Phỉ trầm ngâm.

Rốt cuộc, Nguyễn Thị Quý vợ ông lại là người mở lời trước.

"Mấy hôm rày em có xử sự lạnh nhạt với mình, là vì em rầu lo cho con gái chúng ta, mình đừng buồn giận em nghen."

Bà đặt tay mình lên bàn tay ông, bàn tay đã điểm vết đồi mồi khác xa so với thời niên thiếu từng nắm lấy, nhưng giờ lại quen thuộc biết bao.

"Tôi biết mình lo cho con, sao buồn giận gì mình được, đừng nghĩ nhiều quá."

Cao Phỉ cũng đặt bàn tay còn lại lên tay vợ mình mà nhẹ nhàng vỗ về. Tình cảm giữa họ tương kính như tân, kéo dài như vậy đã tính bằng mấy chục năm trường kể từ ngày đầu tiên tao ngộ.

Chợt, Nguyễn Thị Quý như nhớ ra gì đó, bà vô thức rút tay lại, có chút hớn hở không che giấu được nói với Cao Phỉ rằng.

"À mình nè, sắp tới nhà ông tri phủ có tổ chức tiệc rượu, quan Tây chức trách tham dự không ít, ổng cũng gởi thiếp mời tới nhà mình rồi. Chừng ba ngày nữa, vợ chồng mình cũng tham dự đi."

Bóp nắm lòng bàn tay trống không, Cao Phỉ bất đắc dĩ cười cười đáp lại.

"Tôi không hợp tánh với quan tri phủ, cũng khó nói chuyện thoải mái, chỗ tiệc tùng cũng không hợp với tôi, mình biết mà."

Thoáng qua, Cao Phỉ thấy được vẻ thất vọng trong mắt vợ.

"Nhưng...mình nè, thỉnh thoảng xã giao một chút cũng có lợi cho chuyện làm ăn, có thêm nhiều mối quan hệ càng tốt chớ hư hại chi đâu mà. Vả lại mấy dịp này là thời điểm phù hợp để tìm mối tốt cho Dạ Lý nhà mình."

"Tôi không muốn đi đến đó." Cao Phỉ đã định thốt ra lời đó, thế nhưng ông lại nuốt xuống kịp tất cả, đành đoạn làm trái ý mình bật ra câu.

"Cũng được, cứ làm theo ý mình đi."

Quả nhiên, bà hội đồng hoàn toàn hài lòng với câu trả lời này, bà tươi cười rạng rỡ và màu trầu đỏ chót lại càng khiến cho nụ cười ấy thêm phần sắc sảo.

...

Ngoài khung cửa, cơn mưa lập Hạ vẫn đổ chéo không ngơi nghỉ, ông trời dường như rất thích thú với thanh âm rào rào rỉ rả này nên chẳng hề muốn ngưng.

Dạ Lý nằm dài trên chiếc giường êm ái của mình, bộ bà ba màu nếp cẩm ả mặc phẳng phiu láng bóng, đôi mắt ả nhắm nghiền và trên khoảng trống giữa đôi chân mày là một nếp nhăn cau có.

Ả nhức đầu, rất nhức...

Tiếng những giọt mưa rơi rớt rồi vỡ vụn, tiếng gió rít ngoài song mang theo lẫn mùi hương hơi đất thoang thoảng giữa không trung, tất thảy đều khiến ả đau nhức quá.

Nam Sa chạy vào buồng, nàng vừa hổn hển thở vừa để cho cảnh tượng suy nhược của ả đập vào mắt mình.

Mon men tới bên giường, nàng quỳ xuống đất cạnh ngay Dạ Lý lo lắng thỏ thẻ hỏi.

"Cô hai, cô hai, cô làm sao vậy?"

Mất đôi ba phút sau ả mới thấp giọng trả lời.

"Tao nhức đầu."

"Ôi! Con nên làm gì đây? Hay là để con chạy đi nói với bà nhé? Cô hai chịu khó chút."

Lúc Nam Sa toan chạy đi thì ả đã kịp nắm lấy cổ tay nàng giữ lại, không hiểu sao mắt ả chẳng hề hé mở mà lại nắm chính xác đến thế.

"Đừng đi, mày không được nói với ai về tình trạng của tao hết!"

"Nhưng mà cô hai..."

"Cãi lời tao đánh mày chết!"

Ả lại độc miệng đe doạ.

"Vậy con biết phải làm sao đây? Làm sao để cô hai hết nhức đầu? Ah! Cô hai có dầu gió không? Để con xoa cho cô."

Từ sâu thẳm, Nam Sa đã từng sợ và hiện thời vẫn chưa dứt nỗi sợ đối với ả, đối với cô hai Dạ Lý, thế nhưng nàng lại mơ hồ ý thức được rằng ả không độc ác như những gì người ta đồn đoán và cả những gì ả đang cố thể hiện.

Có lẽ, ít nhất là đối với nàng...

"Mày xoa đầu cho tao?"

Ả nghi hoặc hỏi nàng.

"Dạ! Để con bắt gió cho cô hai, sẽ đỡ nhức lắm đó."

Ả biết bắt gió là gì chứ, một hình thức thoa dầu xoa bóp để làm cho người ta đỡ đau nhức đầu óc, nhưng ả hơi do dự, Nam Sa bắt gió cho ả sao? Một con hầu lại chạm tay lên vầng trán của ả sao? Có nên cho phép điều đó xảy ra không nhỉ?

Mắt ả vẫn nhắm chặt, ả đau đến mức không muốn mở mắt ra.

Và trong suốt khoảng thời gian ả nghĩ suy cân nhắc, Nam Sa vẫn lặng lẽ quỳ bên cạnh, kiên nhẫn đợi chờ.

"Thôi được rồi, dầu để trong ngăn tủ, mày lấy xoa cho tao đi."

Ả đành thoả hiệp.

...

Mùi dầu gió xanh nồng nồng xông lên cánh mũi làm ả cảm thấy cay cay, vô thức nheo nheo mi mắt, nhưng rồi mấy ngón tay lành lạnh của Nam Sa chạm vào vầng trán đã làm cho ả dần lãng quên đi.

Thật dễ chịu...

Ôi những đầu ngón tay của nàng, những vết chai sạn hằn trên đó, nó tạo nên một Nam Sa sống đời lam lũ. Tự dưng ả thấy tiếc nuối, tiếc nuối cho đôi bàn tay ấy, đáng lẽ nó không cần phải nhuốm bụi trần cơ cực nhường này.

"Mày quỳ như vậy sẽ mỏi."

"Dạ?"

Câu nói của ả làm nàng ngạc nhiên ư?

Ả lặp lại.

"Mày quỳ như vậy lâu sẽ mỏi."

Bên tai, ả nghe tiếng nàng khúc khích cười, có gì vui vẻ để mà cười nhỉ?

"Không sao đâu cô hai, con không quỳ thì đứng khó bắt gió lắm."

Nàng trả lời trong khi đôi bàn tay vẫn đều đều xoa bóp thái dương ả.

"Tao cũng không kêu mày đứng, ngồi lên giường đi."

Chợt, Nam Sa bỗng dừng tay chừng vài giây ngắn ngủi, chắc nàng lại ngạc nhiên.

"Sáng giờ mần công chuyện làm quần áo con không sạch sẽ, không ngồi lên giường cô hai được đâu."

Nhìn chăn gối trắng tinh tươm, Nam Sa từ chối.

"Kêu mày ngồi thì ngồi, cãi lời tao à?"

"Dạ, con không dám..."

Vẫn là thế, như mọi lần, Nam Sa cũng không thể cãi lại cô chủ.

Nàng ngập ngừng ngồi lên mép giường, sự êm ái ấy làm cho nàng có phần thích thú, thật khác xa so với cái chỏng tre ở nhà mình. Nam Sa thầm ước giá như bản thân cũng đủ tiền bạc để sắm sửa một cái giường giống thế này cho má ngã lưng, chắc hẳn má nàng sẽ có được giấc ngủ ngon trọn vẹn sau những tháng ngày nhọc nhằn.

Nhưng ước mơ có chăng cũng chỉ là mơ ước...

...

Buồng phòng thật an tĩnh, ả thích sự an tĩnh này và cũng thích cả việc Nam Sa ở đây xoa đầu cho ả như thế.

Ngay tại thời khắc này thôi, hãy để ả tạm thời buông xuống nhiễu sự rối lòng kia, hãy thả lỏng...hãy chỉ tận hưởng mà thôi...

...

Mấy đầu ngón tay Nam Sa dần tê buốt cứng đờ, không biết nàng đã ngồi đây bắt gió cho ả bao lâu rồi, chỉ là nàng cứ ngồi như vậy, ả chưa kêu dừng thì nàng cũng rất thành thật mà không dừng tay.

"Mày mỏi tay rồi?"

Ả dường như đã nhận ra.

"Dạ...không có, cô hai cứ ngơi nghỉ đi ạ."

"Đến đây thôi, dừng được rồi."

Ả gạt tay nàng ra, hững hờ xoay lưng hướng về phía nàng, dáng người co ro không biết do nhiễm lạnh hay do ả đang cảm thấy bức rức khó yên.

"Tao muốn ngủ, nhưng sao chẳng thể ngủ được."

Giọng ả nhừa nhựa, nghe như nũng nịu.

Tự dưng Nam Sa cảm thấy cô chủ mình đáng yêu hết sức, nàng đem chiếc mền phủ lên nửa thân người ả, lại luồn tay vào mền vỗ vỗ nhè nhẹ tấm lưng.

Nàng thủ thỉ.

"Mỗi khi con trằn trọc, má thường vỗ lưng như vậy, lát sau là ngủ ngay."

Chỉ nghe ả "Ừ" một tiếng rồi im lặng.

Bấy nhiêu thôi là đủ để Nam Sa hiểu ý, nàng tiếp tục ngồi lại bên cạnh Dạ Lý vỗ về tấm lưng thon thả của ả, vỗ về luôn cả giấc ngủ để ả được an lòng.

Có lẽ bên ngoài trời đương lúc lạnh lẽo vô ngần, nhưng ít nhất trong căn buồng này lại ấm áp đủ đầy hơi ấm.

Nam Sa là hơi ấm của ả, là sự tĩnh yên mà lúc này ả đang cần đến.

...

Khi ả thức dậy, buồng phòng chìm trong màu sắc của sự tĩnh mịch, ánh sáng vàng vọt từ chiếc đèn ngủ hắt ra.

Không thấy Nam Sa đâu cả.

Ở góc phòng đằng kia, bé ba ngồi đó đang gà gật, ả tự hỏi sao nó lại ngồi đó nhỉ?

"Bé ba!"

Tiếng kêu thình lình vang lên làm nó giật bắn mình, liền lập tức chạy tới bên giường ả, cách một lớp mùng thấp giọng đáp.

"Con đây cô hai, cô hai dậy rồi sao?"

Ả nhăn nhó gương mặt xinh đẹp, bộ vòng xi men cùng chiếc dây chuyền cấn lên da thịt trong lúc ngủ làm hằn thành mấy vết đo đỏ.

Đưa mắt nhìn quanh, hình như ả đã ngủ liền một mạch đến chiều tối mất rồi.

"Nam Sa đâu?"

Ả hỏi bé ba.

Nó dường khó hiểu, nghiêng đầu đáp.

"Chiều tối rồi nên chị Nam Sa cũng về nhà rồi cô hai, cô quên sao?"

Không, ả không quên, Nam Sa không ngủ lại Cao gia trang như những kẻ gia nhân khác, nàng chỉ ký kết giao ước làm người hầu mần việc chớ không hề bán thân cho ả, ả vẫn nhớ rõ. Chỉ là tự dưng tỉnh giấc lại không thấy nàng đâu làm cho ả ít nhiều bức rức.

Một cô hầu lai Pháp sẽ để lại ấn tượng cho chủ nhân đến thế ư?

"Sao mày ngồi ngủ gục trong buồng tao?"

Ả lại hỏi bé ba.

"Dạ, trước khi về chị Nam Sa biểu con ngồi canh cô hai, chỉ nói cô hai hôm nay khó chịu trong người, kêu con ngồi canh chừng cho cô hai yên tâm ngủ. Vả lại, nếu cô hai thức dậy có sai biểu gì thì cũng liền có mặt con sẵn rồi, cô hai sẽ không phải chờ lâu."

"Con Nam Sa lại chu đáo tận tâm với mình như vậy?" Ả thầm nghĩ.

"Nó về lâu chưa?"

"Dạ về cũng chưa lâu mấy, chỉ đội mưa về, con kêu để ráo hẵng đi mà không chịu, chỉ nói còn má đang ở nhà chờ."

Lắng tai nghe tiếng gió rít mưa gào đằng sau khung cửa, đây đã trở thành cơn giông chớ chẳng còn là mưa chi nữa. Vậy mà Nam Sa lại ngốc nghếch đến mức đương đêm giông tố mà dám một mình băng đồng về nhà, lỡ như xảy ra gì đó thì...sao nhỉ?

"Nhưng đó cũng chẳng phải chuyện của mình, ai bảo nó bốc đồng." Ả lại nghĩ.

...

Trước cổng lớn Cao gia trang, bỏ mặc ngoài tai những lời kêu réo vọng ra từ phía má mình, ả nép thân cho con bé ba che dù rồi cùng ngồi trên chiếc xe kéo để thằng Thỉ gồng mình hứng mưa kéo đi.

Giữa cơn mịt mùng gió táp, chiếc xe kéo bon bon trên con đường đất sình lầy, và đôi mắt ả tựa hồ là cặp sao hôm đang soi tìm một dáng hình thân thuộc.