Nam Ai

Chương 12: Hồi 12: Tái ngộ




Bà hội đồng Nguyễn Thị Quý, vợ ông hội Cao, ngồi trên phảng ngó ra sân mà lòng dạ bồn chồn. Chuyện là đã hai ba ngày nay con gái bà vẫn chưa có dấu hiệu về nhà, nhìn đám gia đinh đi qua đi lại mần việc bà thấy tâm bức rức hết sức.

Miếng trầu đỏ au trong miệng nhai tới nhai lui sớm đã lạt nhách nhưng bà quên bẵng luôn việc nhổ ra nhai miếng khác.

Như thường lệ, ông hội Cao ra ruộng thăm lúa từ hồi sáng bửng, ở nhà chỉ còn lại mỗi bà, đơn chiếc như vậy khiến không khỏi nhớ xa nghĩ gần đủ thứ chuyện vẩn vơ. Gần đây nhất là dịp tham dự tiệc rượu nhà ông tri phủ, ngó bộ chắc bẳm vợ chồng ông phủ này có ý mần chuyện sui gia, muốn để cho con trai trưởng nhà họ nên duyên cùng con gái một nhà bà, lời lẽ đã tỏ tường lắm rồi.

Cậu thanh niên kia xuất thân gia giáo, tuy chưa đến mức hiển hách như Dạ Lý có ông ngoại làm đốc phủ sứ nhưng nhà này của ăn của để thừa mứa chất chồng, cậu ta cũng bảnh bao lễ độ, sơ qua đối với Dạ Lý không đến nỗi khắc kỵ mặc dầu bà chưa coi qua sanh thần bát tự cậu ta. Dẫu vậy, thiệt lòng thì Nguyễn Thị Quý chưa ưng cho lắm, bởi bà muốn gả Dạ Lý cho người Tây, còn phải là quan Tây quyền cao chức trọng, chớ bằng như trai xứ này thì bà thấy chẳng xứng.

Đương ngồi gác cằm suy nghĩ thì thằng Thỉ từ ngoài cửa lật đật chạy vào thưa chuyện, nó trình rằng.

"Dạ bẩm bà, ngoài cửa có cô nào nói giọng Trung bảo là con của nhà thơ Hữu Thịnh ngoài Huế bạn ông, hôm kia mới gặp ông bà ở nhà quan tri phủ, được bà mời nên hôm nay ghé thăm."

Vừa nghe đến danh con gái nhà thơ Hữu Thịnh ngoài Huế, Nguyễn Thị Quý đang uể oải lập tức ngồi thẳng lưng dậy, mắt bà tròn lên sáng rỡ, bèn hối thúc thằng Thỉ mau mau dẫn cô ấy vào. Lại hướng phía bà người hầu của mình sai đi nấu nước pha ấm trà mới đãi khách, trông bà vui vẻ thấy rõ.

Dưới nắng ban trưa đứng bóng, từ ngoài khoan thai đi vô gian đầu là một người con gái trẻ trung tóc mây đen huyền như dòng suối dài tới thắt lưng, cô này vận áo ngũ thân màu tím hoa sim, dưới mặc quần nhiễu đen, chân lại xỏ hài nhung, dáng dấp nhã nhặn dịu dàng nhấc chân bước qua ngạch cửa tiến tới khoanh tay chào Nguyễn Thị Quý.

Cô rằng.

"Thưa thím con mới qua, ba và mạ con đương có chuyện gấp làng bên nên đi từ sớm, biểu con sang ni thăm chú thím trước, tản chiều ba mạ con liền qua, hy vọng chú thím bỏ lỗi cho nhà con chậm trễ..."

Nói đoạn, Nguyễn Thị Quý bèn tươi cười nắm tay kéo cô ngồi xuống kế bên mình, cô này nụ cười càng sâu lại xoay sang nhỏ hầu theo sau ra hiệu rồi lại nhìn về bà nói tiếp.

"Nhà con không có chi đắt giá, chỉ có mấy thứ đặt sản ni mang từ Huế vô Nam gửi biếu chú thím ăn lấy thảo."

Dứt lời, nhỏ hầu của cô liền trao tay mấy gói quà cáp qua cho bà người hầu kia.

"Mèn ơi, chi mà nhọc vậy không biết, chỗ thân tình anh chị với con gái ghé chơi là chú thím vui lung lắm, quà cáp chi cho tốn kém."

Xong, tự tay Nguyễn Thị Quý rót trà cho cô gái nọ, hai người tỏ ra thân thiết vô cùng, trò chuyện coi bộ rất hợp ý nhau. Cuộc đối thoại cho thấy thiếu nữ này tên là Thu Phượng, năm nay 25 tuổi, hơn Dạ Lý 8 tuổi, cũng là ái nữ độc nhất của nhà thơ nổi tiếng ngoài Huế vốn bạn cố tri từ thời Cao Phỉ còn làm ông giáo làng, đến nay ngót nghét chắc độ hơn chục năm thâm giao.

Nguyễn Thị Quý vừa nói chuyện thăm hỏi vừa âm thầm đánh giá Thu Phượng, cô nàng cử chỉ đoan trang, gương mặt lúc nào cũng tỏ ra thái độ ôn hoà khiến người đối diện cảm mến, mắt mi thanh tú mềm mại đúng kiểu con gái Huế thục nữ nhưng tự bản thân cũng toát ra loại khí chất đặc biệt làm cho người ta phải cảm thấy luyến lưu vương vấn không lẫn vào ai khác. Nét đẹp của cô nhu mì như làn nước sông Hương êm đềm không gợn sóng, buồn man mác giống cánh phượng vĩ ngày hè kéo về nỗi nhớ nhung tiếc nuối.

Đằm thắm đến nao lòng.

Vẻ ngoài ra sao thì cách cô ăn nói cũng y vậy, thốt lời như châu như ngọc, ngôn từ đáng yêu dễ mến thực sự chinh phục được Nguyễn Thị Quý rồi. Bà nhìn Thu Phượng lại bực dọc nhớ về Dạ Lý nhà mình, xem người ta trong ngoài như một, là cái kiểu gia giáo lễ nghĩa, còn ngó lại con mình mà sầu, vẻ ngoài xinh đẹp yếu đuối nhưng tính tâm ngang ngược vô nghì, quả khiến cho người ta lo ngại.

"Chú đâu rồi hở thím? Nãy giờ con không thấy để thưa."

"Ôi dào, lâu ngày gặp con rồi có bao nhiêu chuyện cứ ào ào tuôn ra hết mà quên nói, chú của mày đi thăm ruộng, thường khi giờ này đã về nhưng chắc hôm nay có chi đột xuất mới lâu lắt vậy."

Thu Phượng mỉm cười, cô vén tóc, lại hỏi tiếp.

"Thưa, vậy chớ em Lý đâu ạ? Mấy đợt chú thím ra Huế mà con chưa có dịp tận mặt lúc em trưởng thành, nay mong gặp em lắm ạ."

Nói đến đây, Nguyễn Thị Quý cười cười ra chiều bất đắc dĩ, bà thiệt thà trả lời.

"Nói tới Dạ Lý thì thật ngại, nó lớn rồi mà cứ như trẻ con, hễ giận dỗi là chạy lên Sài Gòn làm mình làm mẩy. Hm...nó đang ở trên đó đấy, tiếc là lại lỡ dịp để hai đứa gặp nhau."

Thu Phượng rũ mi, bày ra dáng vẻ bất đắc dĩ.

"Tiếc thật, chẳng hay em Lý ở trên đó với nhà bà con hay mình ên vậy thím? Sài Gòn là nơi đô hội, đủ thứ loại người, em ở trên đó không ai ngó chừng thì nguy hiểm lắm."

"Ài, nó đi với ông Chơn tài xế và con nhỏ hầu, ông Chơn là tay trong của thím, có điều bị mất dấu nó rồi, ổng đánh điện về bảo là đang tìm nó đó, thiệt tình...chú thím sốt ruột gần chết!"

Nguyễn Thị Quý tặc lưỡi, thở dài ngán ngẩm.



Thu Phượng cũng chẳng thuận tiện hỏi sâu thêm nên uống ngụm trà rồi đảo qua chuyện khác.

...

Lại nói về phía Dạ Lý và Nam Sa, hồi sớm lúc Lê Duy qua nhà mang vali cho hai người thay đổi xiêm y và chở nhau đi ăn sáng thì Dạ Lý vẫn còn giận hờn Nam Sa dữ lắm, suốt buổi ả ngó lơ nàng, một lời cũng chẳng chịu thốt ra.

Nhớ lại chuyện đêm qua khiến Nam Sa không khỏi nóng mặt, hai mắt có quầng thâm mờ nhạt vì thiếu ngủ của nàng lại càng thêm nặng trĩu, mà Dạ Lý dĩ nhiên cũng chẳng khá khẩm hơn. Lê Duy dòm qua ngó lại hai người mà nội tâm không khỏi vấn nghi, có điều không khí căng thẳng giữa cả hai khiến hắn vô thức không dám mở lời nhiều chuyện.

Hôm nay, Dạ Lý lại vận áo dài, tóc bới lên cài cây trâm bạc trông thướt tha lắm, Nam Sa thì vận đầm tây màu trắng sữa, mái tóc màu bạch kim của nàng xoã ra buông hờ trên vai, trông không khác gì một tiểu thư đến từ nước Pháp xa xôi. Hai người đều rất đẹp, nhưng không ai buồn ngó nhìn ai, Dạ Lý vì vẫn giận còn Nam Sa thì do hoang mang lẫn ngượng ngùng.

Và nàng cũng sợ nữa, đêm qua sau khi ả đã say giấc nồng, nàng cứ thế mà thức trắng đêm tới sáng, đầu óc mông lung nghĩ về người mẹ ở quê nhà và những lời dạy bảo đáng lẽ phải được khảm sâu tâm thức.

Ấy thế mà nàng lại...

Mãi vẩn vơ suy nghĩ, chiếc xe Huê Kỳ của Lê Duy đã dừng lại trước một rạp hát rất lớn, phía trên biển hiệu to đùng đề mấy chữ vẽ tay, ở hai bên có treo băng ron quảng cáo khắp cả. Trước rạp là mấy gánh hàng rong tụ tập, dù chưa đến giờ khai màn biểu diễn nhưng họ đã ngồi sẵn đây chờ đợi những vị khán giả ghé qua.

Đây là rạp hát mà Dạ Lý đã lén lút ký hợp đồng biểu diễn suốt hai năm qua, rạp Viễn Đông.

Đối với người dưới miền tỉnh lỵ thì rạp Viễn Đông này chỗ nổi chổ chìm, chứ bằng như ở đất Sài Thành hay với những ai thường xuyên lui tới nơi đây ăn chơi tận hưởng đều sẽ biết rõ độ nổi tiếng vang danh của nó. Rạp này biểu diễn hai thể loại chính là nhạc Pháp nhạc Hoa, có cả phòng thu nén thành đĩa nhựa mở bán rộng rãi, ca sĩ ở đây nam nữ đủ cả, đều là những gương mặt nam thanh nữ tú với chất giọng thiên phú, và Cao Dạ Lý là một trong số đó.

Lần này, Dạ Lý đến rạp không phải vì để biểu diễn mà ả là cố ý tìm tới chất vấn ông bầu đoàn, người sơ xuất để lộ hình ảnh thông tin về ả cho cánh báo chí được dịp đăng bài, hại bao công sức giấu che của ả suốt hai năm qua tan thành mây khói.

Sải chân bước vào bên trong xuyên qua phòng vé, lướt ngang khán phòng ngập đầy những dãy ghế trống bọc nhung màu đỏ thẫm, ả tiến vào cánh gà, đi thẳng một đường xông vào phòng ban giám đốc. Bên trong có người đàn ông nọ béo ú lùn tịt ngồi trên ghế bành gác chân lên bàn hút xì gà phả khói mịt mù, ông này tên Trọng Khương, là giám đốc kiêm bầu đoàn hát rạp Viễn Đông, khét tiếng trong giới ca nghệ sĩ đương thời.

Đang thả mình phiêu bồng theo làn khói thì nghe tiếng đạp tung cửa, Trọng Khương theo thói quen bất giác chửi đổng mấy câu, ngó lại mới thấy người đến là Dạ Lý gã mới khom vai rụt cổ ra chiều ấp úng.

"C..Cao tiểu thư..."

Dạ Lý sấn tới, cau mày nhìn vào đôi mắt ti hí của gã hỏi tội.

"Ông đã hứa những gì? Ông nói rằng sẽ không để bất cứ tên nhà báo nào chụp được hình ảnh của tôi kia mà? Bây giờ ông tính ăn nói sao với tôi đây!?"

"Cao tiểu thư, xin cô hãy bình tĩnh, có gì từ từ nói, tất cả chỉ là sự cố, tôi cũng không ngờ gã thanh niên đó lại là phóng viên..."

"Không ngờ? Rồi bây giờ ông đã ngờ chưa? Ngờ rồi thì sao? Tính sao đây? Cha má tôi đã biết hết mất rồi, sẽ nhanh thôi nếu đến tai ông ngoại tôi, ông chuẩn bị giải thể rạp này đi là vừa."

Phải biết thời ấy có tài chưa hơn được có tiền, mà có tiền lại càng không hơn được có quyền. Nếu đồng tiền là tấm vé thông hành cho kẻ giàu có bước qua mọi chốt chặn cuộc đời thì quyền lực lúc bấy giờ còn hơn cả vậy, nó sẽ giúp ta có được cả một con người, thậm chí quyền hạn sinh sát người đó trong lòng bàn tay.

Mà cô hai Dạ Lý đây chính là người con gái có đủ tiền tài lẫn quyền lực!

Đương khi gã Trọng Khương đang tìm cách xoa dịu cơn thịnh nộ của Dạ Lý thì bỗng dưng ở phía sau vang lên tràng ho khan xen vào, đồng loạt khiến gã và Dạ Lý đều phải ngoái lại nhìn.

Là Nam Sa, nàng đang che miệng lại cố kiềm nén nhưng vẫn không ngăn nổi cơn ho kéo tới.

Dạ Lý liếc qua rồi lại xoay đi, tiếp tục chỉ trích sự thất trách của ban điều hành rạp hát, nói đoạn ả giật lấy điếu xì gà cháy dở trên tay Trọng Khương đơ cứng nãy giờ vứt xuống đất, lại lấy mũi hài giẫm lên chà xát cho nó nát tan trước sự tiếc nuối khốn khổ của gã.

"Đúc kết lại đi, ông định bồi thường thế nào cho tôi? Tiền thì cô hai này không thiếu, quan trọng là thái độ thành kính của ông, xử sự không ra vàm thì coi chừng cả sự nghiệp của ông nát nhừ như điếu thuốc này luôn đấy."

"Ch..chuyện này...ài..."

Gương mặt gã u sầu xụ xuống, hai gò má phúng phính mũm mĩm chảy xệ, Cao Dạ Lý có thiếu gì đâu đồ chơi hiếm lạ trên đời, biết lấy gì bồi thường cho ả đây? Nghĩ tới nghĩ lui trong sự căng thẳng tột cùng, rốt cuộc một ý sáng chói ngời như bình minh cũng đã loé lên cứu sống gã.

"Nghĩ ra rồi! Cao tiểu thư xin hãy nguôi giận, nếu cô chịu cho chuyện này êm xuôi trôi qua đừng làm phiền đến ngài đốc phủ thì Khương tôi sẽ đứng ra tổ chức cho cô một đêm nhạc thật hoành tráng, đảm bảo rực rỡ nhất trong tất cả những đêm nhạc rực rỡ từng được tổ chức ở Sài Thành này, Cao tiểu thư thấy sao ạ?"

Lê Duy đứng sau nãy giờ bất giác bật cười, hắn lên tiếng chế giễu Trọng Khương nông cạn, rằng.

"Ông ngốc à? Đã muốn che giấu mà còn làm ầm ĩ lên, rực rỡ lên rồi cánh báo chí lại ập vào, tới lúc đó có trời cứu ông."

"Chúng tôi sẽ bảo an thật tốt mà! Lần này không để cánh nhà báo nhúng tay vào đâu, hãy tin tôi!!"

Quả nhiên, một đêm nhạc rực rỡ nhất trong tất cả những đêm nhạc rực rỡ từng được tổ chức ở Sài Thành đã đánh trúng trái tim Dạ Lý, ả quả thật không thiếu chi cả trên đời ngoài việc được hát...đứng trên sân khấu và hát bằng cả đam mê trong một đêm nhạc thuộc về riêng mình...

Dạ Lý hắng giọng, gật đầu, bỏ lại một câu xem như thành giao trước khi trở gót rời đi.

"Ừ, ông liệu mà làm cho coi được."

Đợi khi ả khuất bóng rồi, gã Trọng Khương bèn rón rén đi tới đóng kín cửa phòng lại, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm tựa hồ cất được tảng đá đè nặng ngàn cân.

...

Rời phòng ban giám đốc đi ngược ra phía khán phòng, lúc ngang qua cánh màn nhung buông kín thì cả ba đình chỉ bước chân vì mấy lời hai cô gái nào đó đang trò chuyện với nhau đằng sau màn, nội dung coi bộ rất thú vị.

Họ đang bàn tán về một rạp hát bị bỏ hoang ngoài ngoại ô sắp được trùng tu và đưa vào hoạt động, nghe nói rạp này từng lớn và nổi danh hơn cả Viễn Đông. Tuy nhiên vì nơi đây năm xưa xảy ra án mạng thảm khốc nên ít ai dám lui tới nữa, dần dà làm ăn thua lỗ nên nó bị bỏ hoang và rồi kéo theo muôn vàn lời đồn đại ma ám.

Khi cả ba người áp tai vào màn chăm chú lắng nghe thì đột nhiên từ phía sau lưng vang lên tiếng nói đánh động làm đồng loạt cả ba đều giật nảy mình quay ngoắt lại.

Đáng ngạc nhiên thay người nọ không ai khác chính là cô gái váy hồng ở cửa tiệm thời trang trên đường Catinat hôm trước.

Sự tái ngộ bất ngờ này có chút ngoài dự liệu của tất cả.

"Em chào chị Dạ Lý, rất vui vì lại được gặp chị, và...cả hai người bạn của chị nữa."



Cô nói, trong khi ánh mắt đảo sang nhìn về phía Nam Sa, nàng cũng lịch sự mỉm cười khẽ gật đầu chào lại, điều này khiến cô nàng nọ hết sức hào hứng nhưng chỉ dùng một nụ cười nhẹ để khoả lấp đi.

"Chào cô, nhưng Lê Duy không phải bạn tôi, Nam Sa càng không."

"Vậy quý cô với mái tóc óng ả như ánh mặt trời kia thật sự là gì của chị Dạ Lý thế?"

"Là người hầu."

"Chị chắc chứ?"

Chợt, câu hỏi này làm cho Dạ Lý sững người "Là người hầu" "Chị chắc chứ?", Ả có chắc không nhỉ? Nực cười thật, Nam Sa đúng là người hầu của ả kia mà, sao lại còn chắc hay không chắc?

"Sao cô lại ở đây?"

Dạ Lý đổi chủ đề.

Cô gái kia tất nhiên nhận ra điều đó nhưng cũng thuận ý trả lời.

"Ông Khương mời em tới đo may phục trang cho mấy cô ca sĩ ổng vừa nhặt về từ quán bar nào đó, hm...không biết nữa, nhưng em làm xong việc trở ra thì gặp ngay mọi người đang chăm chú đứng nghe chuyện ma."

Cô lại mỉm cười, khẽ nhún vai, nụ cười dường như được dán sẵn trên mặt, nếu ai tinh tế chú ý sẽ thấy nó giả tạo vô cùng.

"Chúng tôi chỉ là vô tình nghe được thôi, giờ thì phải đi rồi, tạm biệt."

Dạ Lý lách người định lướt qua cô ta nhưng vừa hay bị chặn lại, không, người bị chặn lại không phải ả mà chính là Nam Sa!

"Tôi vẫn chưa giới thiệu nhỉ? Tôi là Kiều Trang, con gái nuôi của chủ cửa tiệm hôm trước cô ghé đến ủng hộ. Cô tên Nam Sa phải không? Cái tên thật đặc biệt, cô cũng đặc biệt nữa, Nam Sa mấy tuổi vậy? Để mình tiện xưng hô, có duyên với nhau quá chúng ta trở thành bạn bè được chứ?

Một tràng những lời lẽ thân thiện có phần hơi quá khích của Kiều Trang nhất thời áp đảo Nam Sa, nàng vô thức lui về sau một bước thì ngược lại Kiều Trang trong tà váy áo màu hạt dẻ lại tiến lên một bước, cứ như cố ý muốn cùng nàng đứng thật gần gũi.

"...Em năm nay mới 15 thôi."

Nam Sa bối rối.

"Vậy nhỏ hơn chị một tuổi, chúng ta xưng hô chị em cho thân thiết nhé?"

Bỗng, Dạ Lý chen ngang, đứng chăn ngay trước mặt Nam Sa đối diện cùng Kiều Trang, mặt ả lạnh tanh không chút biểu cảm, nói.

"Để hôm khác trò chuyện sau đi, giờ chúng tôi đang bận rồi, phải đi đây."

Đoạn, ả nhìn sang Lê Duy nheo mắt.

"Chúng ta đang bận rồi phải không anh Duy?"

"Hả? À ừ phải rồi! Chúng tôi bận mất rồi."

Dứt lời, Dạ Lý nắm tay Nam Sa kéo đi trong sự ngỡ ngàng còn chưa ngơi dứt của nàng, cổ tay bị Dạ Lý siết lấy đau điếng nhưng không dám giật ra chỉ đành bước vội theo sau.

Ả không quan tâm mình vừa bất lịch sự thế nào với Kiều Trang, ả không cần biết, bởi vì ả ghét tất cả cử chỉ thân thiện quá mức của cô với Nam Sa nên ả phải lôi nàng đi ngay cho khỏi chướng mắt!

Không biết Lê Duy có đuổi theo phía sau hay không, ả không để ý, nhưng rồi ả kéo nàng vào một góc khuất trong con hẻm nhỏ vắng tanh, đứng đối diện với nàng và nghiêm túc nói lời đầu tiên trong ngày hôm nay.

"Ai cho phép mày thân thiết với người khác ngoài tao? Tao mới là chủ của mày!"

Nam Sa vì bị đau buốt nơi cổ tay mà không khỏi nhíu mày, trả lời rằng.

"Con đâu có thân thiết với ai."

"Mày như vậy mà bảo không thân thiết? Mày cười nói với con nhỏ Kiều Trang kia kìa."

"Ơ cô hai, người ta cũng cười nói với cô mà, cô sao vậy?"

"Tao!..."

Ả khựng lại, đôi ba giây trầm lặng mà ngỡ như cả thế kỷ dài trôi qua, rốt cuộc mới bật ra tiếng thở dài dường như mệt mỏi lắm.

"Tao chỉ là muốn mày nhớ rõ, mày là con hầu của tao, là người của tao, mày chỉ nên để ý mỗi mình tao thôi."

"Con vẫn luôn như vậy mà."

Nam Sa chân thành đáp.

"Ừ."

Bỏ lại một lời rồi ả toan xoay lưng rời đi thì bị nàng giữ lại, Nam Sa to gan chủ động nắm lấy vạt áo ả níu kéo. Bằng chất giọng cứ như nghẹn ngào sắp khóc, nàng hỏi.

"Cô hai vẫn còn giận con phải không? Con không biết mình đã làm sai điều gì nhưng suốt nửa ngày hôm nay cô không thèm nói với con lời nào làm con khó chịu lắm."

Dạ Lý ngập ngừng, lần nữa xoay người đối diện nàng, tâm tư ả rối bời, mãi cũng không thốt lên được lời nào. Cảnh tượng đêm qua giữa cả hai chảy tràn trong tâm trí, nó khiến ả vừa giận nàng vừa giận mình mà cũng ngược lại mâu thuẫn không muốn giận nàng.

"Tao cũng không biết mình giận cái gì."



"Nếu có điều gì con làm không tốt, cô hai cứ dạy dỗ, con sẽ nghe lời mà, sẽ không làm cô hai giận nữa đâu!"

Nam Sa rưng rưng khẳng định, ắt hẳn nàng sớm đã muốn khóc kể từ tối qua nhưng nhịn mãi đến tận bây giờ.

"Mày khờ quá à, khờ kiểu này sao làm giàu nổi để lo cho má của mày nữa không biết..."

Đoạn, ả lại tiếp.

"...Chuyện đêm qua, đừng kể với ai hết, đó chỉ là sự cố thôi, d..do...những gì đã thấy, hãy quên nó đi."

"Dạ."

Nam Sa ngoan ngoãn gật đầu.

Nhưng nàng gật đầu thì ả lại không mấy vui, ngộ nghĩnh quá đỗi, Dạ Lý sợ rằng mình sẽ bị điên mất thôi.

Có điều, lần này đến phiên Nam Sa ngập ngừng, nàng thấp giọng hỏi.

"Cô hai ơi, con hỏi xíu chuyện được không?"

"Hỏi đi."

"Về chuyện đêm qua, con hỏi được được không?..."

"Ừm..."

Nàng gãi má, bày ra bộ dáng thực sự ngô nghê thắc mắc, mà ừ thì đúng là nàng không biết thật.

"Đêm qua...cô hai có đau không? Con thấy cô..cô rên như thế...con sợ cô bị đau."

Dạ Lý ho khan trước câu hỏi kì cục này, hoá ra Nam Sa là thắc mắc như vậy, nghĩ cái gì lạ lùng vậy chứ? Nhưng ả vẫn nén thẹn trả lời.

"Không đau."

"Không đau? Không đau sao cô kêu lớn thế? Còn khóc nữa, con thấy cô chảy nước mắt."

Dạ Lý cảm thấy mặt mình nóng bừng như đổ lửa, thẹn quá hoá giận liếc nàng nói mỉa.

"Đã nói không đau là không đau, không tin thì tự mày thử xem rồi biết!"

"Sao con tự thử được?"

Dường như chỉ chờ có vậy, ả khẽ cong môi, nhón chân lên ôm cổ nàng thầm thì sát bên tai rằng.

"Vậy để cô hai giúp cho."

...

Ngay buổi tối hôm đó, không biết là ai đã đánh điện gửi tin tức của Dạ Lý ở Sài Gòn về cho ông bà hội hay, lúc bấy giờ ông bà đang dùng cơm cùng cả nhà ông Hữu Thịnh, bức điện gửi tới khiến cho Nguyễn Thị Quý suýt nghẹn ngụm cơm đang nuốt dở.

Nội dung bức điện tín thế này.

"Tiểu thư Cao Dạ Lý hiện đang ở tại căn nhà số 6 đường Duranton với cô người hầu da trắng và hai người họ đi cùng một thanh niên 30 tuổi. Tiểu thư trác táng không giữ lễ giáo, chẳng những xướng ca vô loài mà còn cùng đàn ông chung đụng.

Ông bà nên cân nhắc việc nghiêm khắc dạy dỗ cô hai."