Chương 97: Triết học đại đạo, thâm bất khả trắc
(Lưu ý: Trong chương này tác nói nhảm về triết học khá nhiều, nếu mọi người thấy hứng thú với triết học thì có thể đọc thử cho biết, nếu không hứng thú hay bị ám ảnh bởi triết thì chỉ cần đọc sơ qua mấy dòng cuối câu là được, thậm chí skip đến cuối chương cũng được. Ngoài ra thì tất cả mọi kiến thức Triết học trong truyện này đều không đáng tin, đọc để giao lưu cảm ngộ với nhau thì được chứ đừng có mang ra ngoài chém gió, có b·ị đ·ánh mặt thì tác giả xin từ chối nhận nồi, hehe.)
"Nhưng tác giả của "Chân ngã" rất khách quan, nhị nguyên luận của hắn hoàn toàn cân bằng được hai thái cực cơ bản trong triết học của hắn, ở đây là "chân lý" và "góc nhìn" hai thứ này độc lập và tồn tại song song không thể tác động lẫn nhau, và "chân lý" và "góc nhìn" lại chứa đựng bóng dáng của cả triết học duy tâm và duy vật."
"Trong đó, khái niệm "góc nhìn" được tác giả miêu tả là một loại ý niệm quan trắc "chân lý" thứ ý niệm này không thuộc về bất cứ ai, nó là sự khách quan tuyệt đối, là bằng chứng cho sự tồn tại của "chân lý" có thể gọi đó là "ý niệm tuyệt đối" "lý tính thế giới"... dùng ngôn ngữ dễ hiểu và phiến diện thì gọi nó là "Thiên Đạo" cũng được."
Nghe tới từ "Thiên Đạo" Thường Nguyệt chợt trừng lớn đôi mắt.
Vãi chưởng, chỉ nói một tí về Triết học thôi mà sao lại động chạm tới Thiên Đạo rồi, hai con kiến hôi Luyện Khí kỳ bàn luận về "Thiên Đạo" liệu có nên không?
Nhưng khác với suy nghĩ của Thường Nguyệt, Trần Lâm ngược lại không coi Thiên Đạo to cỡ nào.
Dựa theo tư duy logic và quá trình thăm dò của hắn, Thiên Đạo có vài đặc điểm của một cơ sở dữ liệu, là sản phẩm vật chất, nhưng tạm thời hắn không định xoáy sâu vào chuyện này, nếu đã định giúp Thường Nguyệt hình thành tư duy duy tâm thì hắn phải giải thích hướng duy tâm mới được.
"Nói về "ý niệm tuyệt đối" ta không thể không đề cập đến triết học duy tâm khách quan cũng hình thành dựa trên hai khái niệm quan trọng là "đối tượng" và "ý thức" trong khi "đối tượng" là một sự thật, là chân lý được thể hiện bởi "ý niệm tuyệt đối" thì "ý thức" sinh ra từ con người là cái được hình thành sau "Ý niệm tuyệt đối" "ý thức" của chúng ta hình thành từ việc quan trắc và tái hiện hoặc là phản ánh "đối tượng" vào trong đầu mình thông qua quá trình nhận thức "đối tượng"."
"Nói ngắn gọn, ngươi có thể hiểu rằng, thứ chúng ta nhìn, nghe, thấy, nhận biết... đều là gián tiếp, phiến diện, và không khách quan bởi "Đối tượng" rất lớn trong khi "Ý thức" rất nhỏ, chỉ có "Ý niệm tuyệt đối" là thứ đẻ ra "Đối tượng" mới có thể trực quan biết được đâu là "Chân lý" đâu là sai lầm. Ngươi có thể hiểu rằng "Chân lý" được "Ý niệm tuyệt đối" quan sát, "Ý niệm tuyệt đối" nhận thức "Chân lý" và tái hiện lại "Chân lý" để hình thành nên "Đối tượng" trong khi đó phàm phu tục tử thông qua nhận thức và tái hiện lại "Đối tượng" vào đầu của mình để hình thành "Ý thức" chúng ta đều được sinh ra và tư duy nhận thức bằng những thứ "Ý niệm tuyệt đối" cấp cho, thế giới của chúng ta biết chỉ là thế giới được mô phỏng lại từ "Ý niệm tuyệt đối" chứ chúng ta chưa bao giờ được nhìn thẳng vào "Chân lý" chân chính."
Thật trớ trêu thay khi mà "Ý niệm tuyệt đối" toàn trí toàn năng, nó mô phỏng lại thế giới hữu hình, sinh ra "Ý thức" của con người, nhưng bản thân nó lại không có ý thức.
Chỉ là cũng may mắn nó không có ý thức, nếu mà "Ý niệm tuyệt đối" có ý thức thì cảnh tượng ấy chắc là... chậc.
Nghĩ bâng quơ một chút, Trần Lâm lại nói tiếp:
"Dựa theo ý nghĩ của ta, thì bí thuật "Chân ngã" giúp người học có thể "nhìn" được "Chân lý" bằng cách bỏ qua "Ý thức" tầm thường mà đổi sang một "góc độ" khác cao hơn, "góc độ" của "Ý niệm tuyệt đối". Mặc dù biết là lời nói nhảm vì làm gì có "Ý niệm tuyệt đối" nhưng mà nếu giả dụ mà có ấy, thì đứng chung "Góc nhìn" với "Ý niệm tuyệt đối" ngươi sẽ được thấy "Chân lý" thật sự mà không phải bản mô phỏng thành "Đối tượng" nữa. Giống như một bên thì là từ trên trời nhìn xuống, một bên thì là đứng ở dưới nhìn lên vậy, "Góc nhìn" khác nhau sẽ cho ra các mặt khác nhau của "Chân lý"."
Nghe vậy, Thường Nguyệt cái hiểu cái không.
Đột nhiên nàng lại như ngộ ra gì đó liền nói:
"Này chẳng lẽ là "Thân hóa thiên đạo" trong truyền thuyết sao?"
"Ờm, nói vậy cũng được, ta cũng không biết giải thích sao cho hợp lý nhất, chỉ có thể nhìn ngươi nghĩ thế nào thôi."
Uống một ngụm nước để làm dịu thanh quản, Trần Lâm lật quyển sách "Chân Ngã" ra, tới một đoạn nào đó hắn liền chỉ vào nói:
"Chúng ta tiếp tục nào, theo lý thuyết thì đổi "góc nhìn" thành của "Ý niệm tuyệt đối" ngươi đã có thể quan trắc được "Chân lý" rồi, tuy nhiên, "Chân lý" có nhiều cái "Chân lý" lắm, "Ý niệm tuyệt đối" không phân "Chân lý" cao, thấp, rộng, hẹp, to, nhỏ, bởi vì nó không cần, nhưng người thì lại cần, nhìn thoáng qua liền thấy được "Chân lý" của toàn bộ thế giới vật chất có thể khiến ngươi trực tiếp quá tải, trở thành một con mắt khác của "Ý niệm tuyệt đối" dựa theo tác giả giải thích là vậy, nên đây là lúc cần phải đưa triết học duy vật vào, cụ thể ở đây là triết học duy vật siêu hình."
"Trái ngược hoàn toàn với phép "duy vật biện chứng" coi thế giới là một chỉnh thể với các mối liên hệ phổ biến nối liền với nhau, triết học "duy vật siêu hình" coi thế giới là một cổ máy với nhiều bộ phận, linh kiện riêng biệt và mỗi một bộ phận ấy là một chỉnh thể, ngắn gọn thì là ngươi tách bất cứ bộ phận nào của thế giới ra để nghiên cứu thì đều có thể nhìn thấy được "Chân lý" đây được gọi là "phép siêu hình" loại bỏ những "Chân lý" không cần thiết, cô lập những "Chân lý" mà ngươi muốn biết sau đó liền có thể thoải mái nghiên cứu nó mà không cần lo lắng bị quá tải."
"Nói tóm lại, có ba bóng dáng trường phái triết học chính trong quyển bí thuật "Chân ngã" này, đó là phép nhị nguyên, tác dụng là giúp ngươi có một "Ý thức" khách quan nhất không bị cảm tính hóa, thứ hai đó là triết học "duy tâm khách quan" để khẳng định sự tồn tại của "Ý niệm tuyệt đối" và cách thức để đạt được góc nhìn của "Ý niệm tuyệt đối" và thứ ba đó là triết học "duy vật siêu hình" có tác dụng chọn lọc "Chân lý" ngươi muốn biết và cô lập tách rời nó ra khỏi những thứ "Chân lý" lệch lạc không cần thiết."
Nói đến đây, Trần Lâm mới nhẹ nhõm thở dài một hơi.
Học triết học rất đau đầu, nhưng giảng triết học cho người khác hiểu là một chuyện đau đầu gấp bội.
May là cuối cùng cũng xong, hi vọng là Thường Nguyệt hiểu, không hiểu hết thì hiểu bảy phần cũng được.
"Vậy Thường Nguyệt, ngươi có câu hỏi gì..."
Nhìn lại cô vợ trẻ, Trần Lâm liền cứng đờ cả người bởi nàng lúc này thế mà đang nằm ngủ ngon lành, đồng thời dường như còn đang mơ giấc mơ đẹp nào đó, khóe miệng cười đến cong quắp cả lên.
"..."
"Cốp!"
Một tiếng gõ như gõ mỏ thanh thoát vang lên, sau đó đi kèm là tiếng hét thảm của Thường Nguyệt.
Ngồi ủy khuất ôm cái trán đỏ chót như màu tóc của nàng, Thường Nguyệt vì lòng cảm thấy oan ức mà làu bàu:
"Rõ ràng mới nãy còn nói không nỡ đánh ta, rồi là đánh ta thì bản thân sẽ đau, thế mà hiện tại trở mặt nhanh như vậy, phì, đúng là nam nhân."
Nghe vậy, Trần Lâm rất muốn lại nện cho nàng phát nữa, nhưng vì chính sự hắn vẫn kiếm chế lại mà cười nói:
"Không sao, vì tốt cho ngươi, ta chịu chút đau lòng này có là gì đâu, nào, Thường Nguyệt ngoan nói lại ta nghe làm sao bí thuật "Chân ngã" này giúp ngươi biết được đâu là "Chân lý" đâu là sai lầm nào."
Nghe vậy Thường Nguyệt liền cứng đơ người, nàng cố nhớ lại những gì Trần Lâm giảng nhưng chỉ nhớ được vài lời mơ hồ, đại loại như:
"Chân lý blah blah blah... Triết học blah blah blah, Ý niệm blah blah blah..."
Khoan đã, ý niệm gì cơ?
"Là nhờ "Ý niệm tuyệt vời" đúng không!"
Lại một âm thanh gõ mõ thánh thoát vang lên, theo sau đó là tiếng hét thảm chói tai của Thường Nguyệt.