Mọi Ưu Tiên Cho Em

Chương 30: Những lời hứa bỏ quên (1)




Lam cứ tưởng Đức cũng giống những bạn con trai yêu vì ngoại hình nên mới "trúng tiếng sét ái tình" lúc gặp nó ở trạm xe buýt. Nhưng Lam không biết, ngay từ khi còn nhỏ, nhỏ xíu, Minh Đức đã mê mẩn nụ cười của nó rồi.

Ngày ấy, bố của Lam vẫn chưa trở thành thương nhân và làm việc ngoài hải cảng, ông thường dành thời gian ở bên nó, tất cả tình yêu đều dành cho nó. Với Lam, năm tháng bên bố chính là mảnh ghép đẹp nhất của ký ức, khi mà nó vẫn còn là một đứa trẻ con, ngây thơ biết mấy, hồn nhiên biết mấy.

Nó muốn nghe cổ tích, bố dành hàng giờ để kể cho nó những câu chuyện đã chẳng bao giờ xuất hiện trong tuổi thơ ông.

Nó muốn ngồi xích đu, bố dành cả buổi chiều để ghép từng ván gỗ, đóng từng chiếc đinh. Ông mỉm cười trước ánh mắt long lanh của nó, dù cả người mệt nhoài.

Nó muốn học đàn, ông liền dẫn nó đến trung tâm âm nhạc nổi tiếng nhất thành phố lúc bấy giờ. Nó phụng phịu:

- Sao bố không dạy cho con ạ?

- Bố cũng chẳng biết đánh đàn, hồi còn nhỏ bố không được học những thứ như thế, Chíp ạ.

Nó tò mò:

- Vậy bố chỉ học chữ thôi à?

- Bố không được đi học.

Nguyệt Lam của lúc ấy không đủ lớn để hiểu những hàm ý mà bố nó gửi gắm. Rằng người lớn cũng chỉ là những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành đã bị bốn chữ cơm áo gạo tiền ghì xuống, bao ước vọng hão huyền cứ thể chìm dưới đất sâu.

Từ phía xa, Lam đã nhìn thấy một đứa con trai tầm tuổi nó đang ngồi góc sân với chiếc đàn piano cho trẻ con, thằng bé ngước nhìn nó rồi lại cúi xuống, dường như chẳng mấy quan tâm. Trong phòng khách, đôi chân nó không yên vị mà đung đưa liên hồi, nó chán nản nghe bố nó nói chuyện, nó không thích cách những anh chị nhìn nó, không thích những câu hỏi từ người bố nó gọi là thầy. Nó bay nhảy xung quanh nhìn ngang ngó dọc, không được vài phút đã tót cẳng chạy ra ngoài. Nó tiến về phía cậu trai đang ngồi, thấy nó, cậu ta khó chịu quay đi:

- Ra đây làm gì?

Đức thấy con bé này thật dễ ghét. Nó mặc chiếc váy chấm bi màu hồng, giày cũng hồng, đầu cũng bím chiếc nơ hồng, lại còn dính cả lá bàng to đùng mà không thèm gỡ ra, nói chung là vừa nhìn đã ghét!

- Bạn biết đành đàn hả?

- Bộ nhìn không biết hay gì!

Nó cười:

- Bạn đánh bài Doraemon cho tớ nghe đi.

Đức giật thót. Rõ là miệng con bé kia chẳng có đủ răng, tóc nó cũng chẳng dài như mẹ Trang, vậy mà nhỏ vẫn dễ thương lạ. Đức lóng ngóng quay đi, tay thằng nhỏ ôm chặt cây đàn, đầu óc bé tẹo của nó hoạt động hết công suất để tìm lý do biện minh.

- Tớ không thích chơi mấy bài trẻ con.

Lam ngơ ngác:

- Ủa mình không phải trẻ con hả?

Đức nhìn Lam đang tròn mắt ngạc nhiên, nó cười cũng đáng yêu đấy, nhưng Đức thấy đáng ghét hơn. Đức tưởng nó nhận "lệnh"của bố để chọc tức cậu, Đức điên cả người, cậu đứng bật dậy định chạy vào nhà, Lam thấy thế cũng hồn nhiên chạy theo, nhỏ với giọng:

- Tớ nói thật á, đánh bài Doraemon cho tớ nghe đi! Để tớ hát cho bạn đánh nè. Từng ngày ta luôn ao ước, tìm một vùng đầy hoa bướm...

Lam cứ lon ton líu lo bên cạnh Đức, thằng bé quay sang lườm Lam mãi như cách mẹ vẫn lườm cậu mà con bé chẳng thèm để ý. Đức thấy con nhỏ này thật xấu tính, nó nghe bố kể cậu không biết chơi mấy thứ đàn điếc này rồi mà cứ bắt cậu phải thừa nhận để cậu ê mặt. Tức mình, Đức phẩy tay đẩy Lam một cái, Đức thấy cậu đẩy nhẹ lắm, chẳng hiểu sao con bé mất đà ngã dúi dụi, đầu gối nhỏ đập mạnh xuống cầu thang. Đức luống ca luống cuống nhìn quanh, Lam thì vẫn chưa định hình được chuyện gì, con nhỏ đau đớn ôm chân.

Một giây. Hai giây. Ba giây.

- Oaaaaaaaaaaaaa

- Ê ê bị điên hả, đừng có khóc!

Lam cứ gào lên như con búp bê yêu thích nhất của nó vừa rơi xuống cống, Đức lúng túng thổi lấy thổi để vào đầu gối con bé, miệng liên tục kêu con bé nín, vậy mà nó còn khóc to hơn, không biết làm thế nào, Đức bịt miệng con nhỏ lại:

- Cậu mà khóc nữa tôi gọi ông ba bị bắt cậu đấy!

Chắc chắn là câu nói dọa nạt đấy của Đức càng làm cái Lam sợ hãi mà gào to hơn rồi, con nhỏ cắn vào tay thằng nhóc đáng ghét nhất trên đời, Đức giật mình rụt tay lại, cáu tiết, thằng nhỏ định mặc kệ thì đã bị một bàn tay to lớn véo tai cậu đau điếng:

- Ai bảo con bắt nạt bạn nữ thế hả?

Đức ú ớ không kịp phản bác, cậu kiễng chân lên vì cái xoắn tai đau điếng, mặt nhăn nhó, bố cậu thì nghiêm mặt lườm con trai. Thằng bé thấy cái Lam được chú nào đó bế lên, chú cười xuề xòa:

- Bọn trẻ con quý nhau mới trêu nhau thế, thầy cứ kệ chúng nó!

Đức mừng thầm trong bụng, tiếc là bố cậu không đồng ý. Bố cậu thả tai bên trái của Đức rồi lại chuyển sang tai bên phải, lực véo còn mạnh hơn cả lần trước khiến thằng bé cuối cùng cũng không chịu được mà la toáng lên.

- Lần sau bỏ ngay cái kiểu đánh con gái đi, không là mất tai đấy!

Cậu đánh con bé đấy bao giờ! Uất ức đầy một bụng nhưng không dám cãi lại bố, Đức lườm theo bóng dáng cái Lam vẫn đang sụt sịt trên lưng người đàn ông nọ, trộm nghĩ cả đời này cũng không quên được mối hận đó, nó đáng ghét hơn cả việc bố mẹ bắt cậu phải học đàn, đáng ghét hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Ở phía bên này, bé Lam cũng đang có suy nghĩ y chang như vậy. Nó chỉ nhờ thằng nhóc đó chơi đàn thôi, vậy mà cậu ta lại đẩy nó ngã. Nó ôm chặt cổ bố, hai chân đung đưa trên đôi tay bố. Thơm quá, nó yêu mùi của bố nó nhất trên đời.

- Bạn nam đó vừa đánh Chíp của bố thật hả?

Cái Lam định kể tội thằng nhóc đáng ghét đó thì nhớ ra hình như cậu ta đâu có đánh nó. Bố đã cấm nó không được nói dối, nó đành khai thật:

- Bạn đó không đánh con đâu, nhưng bạn đẩy con ngã, thế là hư bố nhỉ?

Bố nói nó kể lại câu chuyện, nó cũng hồn nhiên làm theo. Thế mà bố chẳng bênh nó, ông nghiêm giọng:

- Thế thì Lam cũng không đúng, con đâu thể ép bạn như thế được.

Lam không phục. Nó tức bố lắm, rõ là bố nó mà chẳng bênh nó. Cho đến khi nó nghe bố ôn tồn giải thích thì nó thấy hình như nó cũng sai thật.

- Giả như bây giờ Chíp bị bạn nào đó bắt làm điều mình không thích thì chắc chắn con sẽ không vui rồi. Con nhớ con từng cắn bạn Bông vì bạn Bông giành búp bê của con không?

Nó vùi mặt vào cổ bố, ông lại nói gì đó nhưng nó không thèm đáp, ông bỗng nhiên thả lỏng tay khiến Lam suýt thì rơi xuống, con nhỏ sợ hết hồn, vội vã trả lời:

- Mai con sẽ xin lỗi bạn ạ.

- Ngoắc tay nhé. - Bố nó nói.

Nó lí nhí vâng lời. Vì lời hứa đó, bé Lam nhà ta phải thập thò cả tiếng giữa trưa nắng, mồ hôi nó chảy nhễ nhại, ướt đẫm cả một mảng váy hoa, nó không dám tiến vào nhưng cũng không dám bỏ về. Cuối cùng ông trời cũng có mắt, nó phấn khích vẫy vẫy Đức đang vô tình đi ngang qua, thấy nó, khóe môi cậu ta giật giật rồi lại sải bước, coi nó như người vô hình. Thôi vậy, Lam đành đánh liều chạy vào kéo tay cậu:

- Mình nói chuyện một chút nha!

Đức lườm nó:

- Giờ cậu về hay tớ thả chó?

Lam hoảng hồn nhìn hai con Husky to đùng đoàng đang chỉ chờ chực dây xích trên cổ bị tháo ra mà lao tới ăn thịt nó, con bé năn nỉ Đức vài câu, bị cậu kéo ra đường. Chân Lam trượt dài trên cỏ, không biết làm gì, nó bắt đầu lấy hơi chuẩn bị òa lên khóc. Đức chợt nhận ra còn bé này có món "bảo bối" vô cùng lợi hại, vội vã bịt miệng con bé lại rồi lôi nó ra ngoài sân. Đức lo lắng nhìn về phía phòng tập của bố, không phát hiện ra nhỏ đã nín khóc từ đời nào.

- Sao bạn cứ khóc hoài vậy?

Lam sụt sịt:

- Tại bạn dọa tớ mà.

Nhìn vẻ mặt ấm ức của Lam, Đức ngẩn người như chân vì ai giữ chặt. Sao nó không nhận ra con bé này đáng yêu như vậy nhỉ? Đức lắp bắp, Lam chìa trước mặt cậu một thứ gì đó:

- Cho bạn nè, mình hòa nha!

Đức không thích Doraemon, càng không thích chiếc băng gạc Doramon trên bàn tay nhỏ xíu của cậu. Nhưng Đức thích nụ cười của nó, dù đó là một nụ cười không đủ răng và đầy nước dãi. Thằng bé để Lam dán miếng băng lên tay, mặc kệ dù nó dán trật lất vết cắn rướm máu.

- Bạn tên là gì vậy?

Con bé này có đôi má phính ác. Tuy nhiên, Đức vẫn lắc đầu:

- Mẹ dạy tớ không được nói tên cho người lạ.

Lam suy tư rồi nhanh nhảu đáp:

- Vậy mình gọi tên ở nhà đi! Tớ là Chíp.

Lam nhìn Đức, nó thấy cậu bạn này cũng không đáng ghét lắm, nó thấy Đức cứ lủi thủi một mình ngoài sân. Chắc tại vì không cho các bạn biết tên nên không ai chơi cùng chứ gì! Nó sẽ hỏi tên nó rồi cho các anh chị trong lớp đàn biết, nói thì dễ nhưng dù có dùng đủ mọi cách thì Đức vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Cái đầu ngây thơ bé tẹo của Lam hoạt động hết công suất, con nhỏ đang phân vân có nên khóc phát nữa cho cậu ta sợ chơi hay không thì phía trong nhà vang lên tiếng gọi lớn:

- Bin ơi vào ăn cơm!

Đức mím môi không đáp, Lam ngơ ngác chưa hiểu gì. Vài phút sau, một cô với chiếc bụng to chạy ra, gọi với:

- Bin vào ăn cơm, có nghe thấy gì không?

Sợ bị đánh đòn, Đức miễn cưỡng trả lời:

- Vâng ạ.

Lam nhoẻn miệng cười, nó nhìn cậu bé đang chạy vào, bàn tay có chiếc băng gạc Doraemon vung vảy dưới hoàng hôn rực rỡ.

Năm 5 tuổi, Minh Đức có một người bạn gái đầu đời.

Đức thấy mình bồn chồn hơn hẳn vào mỗi sáng thứ ba và thứ bảy - ngày mà Lam đều đặn nhảy chân sáo đến nhà nó với chiếc cặp hồng trên vai. Nhìn nó được một chút, Đức lại phải chờ tận hai tiếng mới thấy tiếng đàn dừng lại. Lúc nào khi Lam bước ra với ánh nắng đổ đầy sân, nó cũng thấy Đức đang đứng lóng ngóng đá viên sỏi ở dưới chân, vờ như không để ý.

Và bao giờ, Đức cũng ngẩng đầu lên đúng lúc con bé chạy đến với nụ cười tươi rói và ánh mắt lấp lánh.

Lâu dần, Đức không thấy cô bạn học trò của bố dễ ghét nữa. Đức thấy thích chí khi Chíp tò mò nhìn viên bi ve tròn xoe trên tay cậu, khi nó líu lo kể cho cậu câu chuyện về một bạn nào đó tên Thùy Linh tè dầm trong lớp mẫu giáo. Đức mong con bé sẽ ở lại càng lâu càng tốt, nhưng khổ nỗi, cứ mỗi năm giờ là con bé lại thu dọn chiếc cặp hình búp bê chói mắt của nó.

- Tớ mà không về là bác Minh sẽ mắng đấy!

Đức vờ không quan tâm nhưng vẫn níu nó lại. Nguyệt Lam thấy mặt thằng bé buồn thiu, con nhỏ tiếc đứt ruột nhưng vẫn dúi vào tay Đức viên kẹo bạc hà, nó nhe răng cười:

- Tuần sau tớ lại sang chơi với Bin mà, đừng buồn nữa nha!

Cả người Đức đông cứng, cậu chưa bao giờ ở gần con bé như thế, chưa bao giờ đôi mắt cậu nhìn rõ nụ cười của nó như thế, vài lọn tóc của con bé quệt vào mũi Đức, đến tận khi con bé khuất dần sau hàng hoa dâm bụt um tùm, Đức vẫn không sao hoàn hồn được.

Đức nhớ chị Vi đã bảo cậu, nếu không dám nhìn thẳng vào mắt của người nào thì chắc chắn là đang yêu họ.

Đức không biết lời bà chị sún răng của mình có đáng tin hay không, cũng không biết "yêu" là gì. Nhưng rõ ràng ban nãy, Đức đã vội vã tránh đi đôi mắt tròn xoe của Lam. Nếu "yêu" là thích chơi với ai đó, Đức nghĩ mình đã yêu cô bạn của mình rồi.

Đức thích tưởng tượng bàn tay bụ bẫm của Chíp trong tay cậu, đôi chân sáo luôn chạy lon ton với nụ cười tinh nghịch của con bé. Đức thích những lúc con bé ngưỡng mộ nghe mình khoác lác:

- Hôm qua tớ vừa được gặp bác Hồ đấy.

Lam nhảy cẫng lên:

- Thật á! Vậy Bin có được Bác Hồ ôm không, có được Bác cho kẹo không?

Đức nhoẻn miệng cười vì con nhỏ ngốc nghếch này trả lời y chang những gì Đức nghĩ, cậu vỗ ngực:

- Tớ là cháu ngoan mà, tất nhiên là được Bác tặng kẹo rồi.

Lam thắc mắc:

- Nhưng tớ cũng ngoan mà! Tớ biết chào người lớn nè, đi vệ sinh xong biết rửa tay nè.

Đức nghiêm mặt:

- Nhưng mà cháu ngoan đâu có khóc, Chíp khóc hoài như vậy là thành trẻ hư rồi, sao nhận kẹo được!

Lam mếu máo, nó định cãi lại thì nhớ ra đúng là nó khóc nhiều thật. Kiến cắn, vấp ngã hay thấy con ếch ộp thôi cũng đủ làm cho con nhỏ giật mình khóc ré lên.

Sau này khi nghĩ lại, ai cũng buồn cười vì khoảng thời gian thơ bé ngây dại đó, không ít đứa tự nhận là mình đã được gặp bác Hồ với vẻ mặt "vênh" cao hơn trời và đầy đắc ý, dù rằng độ tuổi của chúng nó chưa thể hiểu rõ về Bác. Nhưng sâu trong tiềm thức, hoặc bản năng đáng quý của mỗi người dân Việt Nam, Bác vẫn luôn là một người vĩ đại và đáng tự hào. Đứa thì khoe được Bác viết thư, đứa lại khoe được Bác tặng vòng. Cái thời của chúng nó, Bác như một ông Bụt mà ai cũng muốn gặp, muốn được nắm tay Bác chứ không phải qua tranh ảnh và sách truyện. Chúng nó đâu có biết, thật ra Bác vẫn đang ở bên, theo dõi chúng mỗi ngày.

Đức nhìn con bé sụt sịt thề sẽ không bao giờ khóc nữa, không hiểu sao, Đức thích lắm được nhìn thấy đôi mắt to tròn một bọng nước của con bé, cái vẻ lúi húi chùi nước mắt của nó đáng yêu lạ lùng. Ngắm chán, Đức thập thò lấy túi kẹo đang giấu trong túi áo, chìa ra trước mặt nhỏ:

- Thật ra tớ vẫn đang để dành, ăn không?

Lam phấn khích đến nỗi quên bẵng lời hứa ngút trời của mình rằng nó sẽ không bao giờ động vào kẹo để sâu ăn mất răng, con nhỏ gật đầu lia lịa, háo hức nhìn Đức xé lớp vỏ, nó reo lên:

- Tên của gói kẹo này là "Chíp Chíp" nè!

Đức lại được đà ba hoa tán phét:

- Bác có nhiều kẹo ngon lắm, tớ thấy gói này có tên cậu nên chọn đó!

Lam nở nụ cười chúm chím, Đức thích lúc Lam mở đôi mắt to tròn đầy dễ thương của nhỏ, nhưng khi nó cong mắt cười, Đức thấy Lam như một con người khác. Nó thật xinh đẹp, đôi mắt nó khiến Đức liên tường đến vầng trăng khuyết trên vũ trụ bao la.

Đức hí hủi đổ mấy viên kẹo dẻo ra tay, cậu đếm từng còn một, hai đứa nhỏ cứ bỗng chốc lại ồ ầm lên trước những hình thù lạ mắt.

- Con nào cũng đẹp ha, tớ không nỡ ăn đâu.

- Vậy để tớ ăn.

Lam nghe vậy liền giành mất hai miếng rồi cho vào miệng nhai ngon lành, nó nhăn mặt vì chua, quay sang thấy Đức vẫn chưa động vào mấy "em" kẹo gì cả.

- Sao Bin không ăn?

- Để cho đẹp! - Đức đáp.

Lam gợi ý:

- Vậy cậu chọn vài con đẹp nhất thôi, còn lại để ăn, ngon lắm á!

Đức thấy vậy cũng hợp lý, hai đứa tranh cãi ỏm tỏi mấy chiếc kẹo dẻo chẳng khác gì ngoài màu sắc, Lam cáu:

- Tớ đã bảo con màu xanh lá biển này đẹp nhất mà!

- Làm gì có màu xanh lá biển! - Đức gằn lại.

Trẻ con mà, chẳng ai chịu thua ai. Đức mọi khi cố nhường nhỏ lắm luôn mà con bé còn ngang hơn mấy con cua ý!

- Tớ không chơi với Chíp nữa!

Đức định bỏ về luôn, đột nhiên ánh mắt buồn buồn của nó làm Đức xao xuyến lạ lùng, Đức mủi lòng chiều theo ý Lam, nó liền vui vẻ trở lại.

- Tớ là tớ thấy Chíp Chíp màu xanh lá biển đẹp nhất ấy, bạn thì sao?

Đức chỉ tay vào nó:

- Tớ thì thấy Chíp này đẹp nhất.

Vừa dứt lời, Lam chưa hiểu chuyện gì đã thấy thầy dạy nhạc của mình từ trong nhà nói vọng ra:

- Bin ơi, con có thấy gói kẹo dẻo em Vi để trên bàn ở đâu không?