Miêu Phủ

Chương 56: Nhà này nuôi ma gà




Hai người bịt mũi đề phòng kẻ kia có mê hương. Tiếng bước chân nhẹ nhàng truyền đến rồi dừng lại ở trước cửa ra vào. Hình như kẻ đó đang rình trộm nghe ngóng trong này. Im lặng vài giây, rồi tiếng bước chân lại nhè nhẹ vang lên, nhưng nó đi xa dần. Thật lạ, kẻ rình trộm đó chỉ nghe ngóng có vài giây rồi lại đi mất.

Thế rồi “ruỳnh ruỳnh” mấy tiếng đổ vỡ, hai người nghe thấy rõ tiếng gió gào rít vi vu bên ngoài. Tiếng mèo kêu “ngoéo ngoéo” vang lên, nghe chua lòm chua loét. Thân thể cô hơi cứng đờ, mèo kêu ghê như vậy chứng tỏ nó gặp phải nguy hiểm, hoặc là nhìn thấy thứ gì không sạch sẽ…

A Phủ khẽ ôm lấy cô, vuốt ngực cô trấn an. Sau tiếng mèo chua loét ban nãy, lại tiếp đến tiếng chim lợn kêu eng éc rợn người. Nó lẫn vào tiếng gió hú vi vu kéo dài suốt cả một đêm…

“Không sao, em cứ nằm yên.”

Khao Miêu nghĩ chín phần là có trộm, lúc này nên ra xem như thế nào, nhỡ là trộm thì phải bắt chứ. A Phủ im lặng nhìn cô, rồi khẽ hỏi: “Thế em có thấy người nhà này chạy ra bắt trộm không?”

Khao Miêu ngẩn ra, lạ nhỉ, tiếng động lớn như thế mà người nhà tù trưởng không thấy ai chạy ra bắt tên trộm. Nếu chủ nhà đã không thèm quản, vậy thì cô là khách cũng không nên nhúng tay vào vậy. Có điều cô vẫn tò mò chuyện bên ngoài nên không tài nào ngủ được.



Trời hửng sáng, tù trưởng cho người hầu đến gọi vợ chồng A Phủ thức giấc. Lúc này cậu mới nói nhỏ với cô: “Nhà này có nuôi ma gà để bắt trộm.”

Khao Miêu liền hiểu ra. Người dân tộc thiểu số có hay nuôi ma gà để giữ của trong nhà. Kẻ trộm cắp hay có ý đồ bất chính đi vào những nhà nuôi ma gà đều phải chịu kết cục thê thảm, có thể là hoá điên dại hoặc bị ma gà moi ruột gan ăn.

Cô bước ra ngoài, quả nhiên thấy mọi người đều tụ tập ở sân chính. Nơi đó có một cái xác bị phanh hết cả bụng, ruột gan nội tạng bên trong trống hoác, máu me be bét cả một khoảng sân. Nhìn trang phục cái xác mặc trên người, cô nhận ra đó là quân lính của A Phủ.

“Cậu, kẻ đó hình như là người của mình.”

Đã tá túc nhà người ta mà lại để lính của mình giở thói ăn trộm, chuyện này đúng là khó coi. Nhưng xem nét mặt tù trưởng cũng không nghiêm trọng là mấy, hình như ông ấy cũng giống A Phủ, đã biết trước kết cục của kẻ này.

“Mục đích của tên đó không phải ăn trộm của cải trong nhà. Cái hắn muốn trộm là bí mật quân sự bên ta.”

A Phủ giải thích cho cô hiểu, tên trộm này thực chất là nội gián bên địch cài vào. Cậu đã sớm nhận ra trong hàng ngũ quân của mình có nội gián, cùng với tù trưởng chờ hắn tự mình tới nộp mạng.

“Chỉ có mỗi một tên thì khó tin quá. Khả năng cao hắn còn có đồng bọn.”



“Đúng thế, nhưng trải qua chuyện này đồng bọn của hắn nhất định sẽ cảnh giác. Cách này chỉ dùng được một lần, khi chúng sơ hở thôi.”

A Phủ vừa nói vừa xoa đầu cô: “Con gái con nứa hóng hớt những chuyện thế này ít thôi. Đi ăn sáng.”

Khao Miêu nhìn cái xác phanh lòi bụng được khiêng đi, mặt nhăn nhó: “Sáng sớm thấy cảnh kia, ăn không nổi.”

Cậu trừng mắt nhìn cô: “Đã bảo ngay từ đầu ở yên trong phòng. Đòi ra ngoài xem bằng được, rồi lại viện cớ không muốn ăn! Ăn nhanh còn uống thuốc!”

Cô bị cậu nạt cho bắt ăn cứ như chăm con nít. Con Đậu theo hầu lâu nên đã quen, còn người nhà tù trưởng thấy vậy cứ tò mò nhìn làm cô xấu hổ muốn độn thổ. Cứ như vậy ba ngày trôi qua, vết thương của cô đã đỡ hơn, cuối cùng cũng được về kinh.

Thằng Bờm sau vài câu chào hỏi quan tâm sức khoẻ của Khao Miêu, biết cô không sao thì nó liền đanh mặt nói: “Tại sao mẹ lại tự tiện lên kiệu của người lạ? Dượng đã dặn gì mẹ quên hết rồi à?”

Cô choáng luôn, sao lời của thằng bé với lời A Phủ mắng cô y chang nhau vậy? Cả điệu bộ ông cụ non của nó với điệu bộ tức giận của cậu cũng không khác nhau là mấy. Mồ hôi trên trán cô túa ra căng thẳng, cảm giác này cô trải qua không phải lần đầu tiên.

Cô không hiểu tại sao Trần Long là cha ruột nhưng lại chẳng tìm ra điểm nào giống thằng Bờm, ngược lại với A Phủ, không có quan hệ máu mủ với thằng bé nhưng nhiều lúc lại giống nhau đến chấn động…

A Phủ rất hài lòng nhìn thằng Bờm đanh mặt nói cho cô một trận. Cậu bóp nhẹ cái má bánh bao của nó: “Không cần phải gọi dượng, gọi là cha cũng được.”

“Nhưng… nhưng cha Long dặn không được gọi là cha, phải gọi là dượng…”

Ngày mà thằng Bờm được Khao Miêu đón đi, Trần Long đã dặn đi dặn lại nó không được gọi A Phủ là cha. Khao Miêu liền xoa đầu thằng bé nói:

“Con cứ gọi cha đi, cha A Phủ sẽ yêu thương con không khác gì cha Long cả.”

Mặt thằng bé thể hiện rõ là rất vui, nhưng vẫn chỉ dám nhi nhí gọi “Cha…”. Tại nó chưa tin đây là sự thật, dượng A Phủ sẽ coi nó như con ruột.