Mẹ Kế Ở Cổ Đại Làm Cá Mặn

Chương 124




Hiện tại học đường trong phủ đã cho nghỉ đông, trước mười lăm tháng giêng, Ôn Nhiên không cần đi học.

Bây giờ ngày nào cô bé cũng dựa theo kế hoạch đã lập ra trước kỳ nghỉ đông để đúng giờ hoàn thành công khóa, thời gian còn lại sẽ ở bên cạnh bầu bạn với Thường di nương.

Ngân Sương đưa thư tới, Kim Kết vừa nghe là thư của Tứ cô nương thì lập tức dẫn Ngân Sương vào phòng bẩm báo với Thường di nương và Ôn Nhiên: "Di nương, Ngũ cô nương, Tứ cô nãi nãi gửi thư nhà."

Trong phòng, Ôn Nhiên đang luyện viết chữ to, Thường di nương ngồi ở bên cạnh thêu thùa chút vật nhỏ để giết thời gian.

Thường di nương vừa nghe thấy giọng nói kích động của Kim Kết thì lập tức buông thêu phẩm trong tay xuống, nhanh chóng bước tới, nhìn về phía Ngân Sương bên cạnh nàng ấy, trong giọng nói có chút kích động: "Ngân Sương cô nương, là thật sao?”

Ngân Sương dâng thư lên và nói: "Hồi di nương, đây là phu nhân lệnh nô tỳ đưa tới Khê Thúy viện, đúng là thư của Tứ cô nãi nãi."

Thường di nương mừng rỡ nhận thư rồi nói: "Đã phiền toái cho Ngân Sương cô nương rồi."

Ngân Sương không nói gì, sau khi đưa thư xong lập tức cáo từ.

Thường di nương cầm thư trở lại, chuẩn bị xem chung với Ôn Nhiên.

Thư rất dài, Ôn Diệp không viết những lời hoa mỹ, chỉ giống như trò chuyện về cuộc sống hàng ngày, nàng viết về những việc mình đã làm trong những ngày qua.

Ôn Diệp nghĩ có lẽ Thường di nương và Ôn Nhiên rất thích nàng dong dài thế này.

Đúng là Thường di nương rất thích, cho dù không cách nào hồi âm, nhưng từ trong câu chữ của nữ nhi, nhìn thấy nàng sống tốt thì bà ấy cũng mãn nguyện lắm rồi.

Ôn Nhiên cũng rất cao hứng, sau khi xem xong thư Tứ tỷ viết, cô bé cảm thấy càng có động lực để đọc thêm sách.

Nhưng dù tâm tính có trưởng thành sớm thì cũng chỉ là hài tử sáu bảy tuổi thôi, trong thư của Ôn Diệp tập trung miêu tả hai ngày sinh hoạt ở điền trang.

Nồi sắt hầm ngỗng đã thu hút sự chú ý của Ôn Nhiên, nhắc đến món ăn này, đôi mắt hạnh của cô bé lập tức sáng lên.

Thường di nương sờ đầu tiểu nữ nhi, mỉm cười nói: "Tỷ tỷ con đã viết cách làm ở cuối thư, ngày mai ta sẽ để phòng bếp nhỏ nấu cho con ăn."

Phòng bếp lớn trong phủ sẽ không cung cấp loại thức ăn này, may mà Khê Thúy viện có phòng bếp nhỏ, muốn ăn cái gì thì tự mình bỏ bạc ra mua, không vấn đề gì.

Sau khi nghe được tin chắc chắn, Ôn Nhiên vui vẻ cười rộ lên, sau đó nói: "Di nương, con tiếp tục luyện chữ đây."

Cô bé phải chăm chỉ luyện chữ, tranh thủ nhận thêm tiên thưởng từ phụ thân, sau đó tích cóp lại.

Tứ tỷ tiêu xài hoang phí, cô bé phải giúp đỡ tích cóp một chút.

Thường di nương xem thư xong cũng có tinh thần hơn, lần nữa cầm khung thêu lên thêu tiếp. Chuyện khác thì bà ấy không giỏi, nhưng khả năng thêu thùa thì không tệ.

*

Quốc công phủ, Tây viện.

Ôn Diệp ngủ một giấc trưa khá dài, lúc tỉnh lại đã sắp giờ thân.

Ôn Diệp chợt nhớ đã lâu không đánh bài, bèn bảo Đào Chỉ đi tìm bài, Vân Chi đã thay nàng ra ngoài làm việc, thiếu một người chơi, Đào Chi liền kéo Liễu Nha vào thay.

Liễu Nha có chút luống cuống, nói: "Nhị phu nhân, nô tỳ không biết chơi."

Ôn Diệp nói với vẻ không để ý: "Không sao, để Đào Chi dạy ngươi."

Đào Chi nhận lệnh, lập tức nói quy tắc cho Liễu Nha, Liễu Nha nghe mà mơ mơ hồ hồ, trên tay lại bị nhét bài vào.

Ôn Diệp lập ra quy củ thắng thua, không chơi ăn tiền, mà chơi dán giấy lên mặt.

Thua một ván dán một miếng giấy.

Tay mơ như Liễu Nha sao có thể thắng được dân chơi lão làng như Ôn Diệp, cộng thêm hôm nay nàng vận khí tốt, ngay cả Đào Chi do chính tay nàng đào tạo cũng bị dán không ít giấy lên mặt.

Trên mặt Ôn Diệp lại chỉ có một miếng dán giữa hai lông mày.

Ba người chơi hơn một canh giờ, Liễu Nha không thắng nổi ván nào, trên mu bàn tay cũng bị dán giấy.

Ôn Diệp bảo Đào Chi gỡ giúp nàng ấy, rồi nói: "Thiên phú của ngươi không tệ, lần sau lại tìm ngươi chơi."

Vân Chi và Đào Chi đều tinh thông hết rồi, chơi với tay mơ như Liễu Nha mới càng vui hơn.