Mạn Thiên Hoa Vũ

Quyển 2 - Chương 56: Phúc bất trùng lai




Tính ra, tôi và Đông Ly sẽ phải ở lại Quy Hoá cho đến hết mùa hè.

Thời gian chưa bao giờ trôi chậm đến vậy, một ngày tựa thiên thu, nói gì tới ba tháng.

Cuộc sống "điền viên" giữa hoa cỏ, sáng dậy thấy chim kêu vượn hót, đêm về nghe gió quật rừng cây thì cũng hay đấy, nhưng chỉ nên kéo dài trong một thời gian ngắn thôi.

Đến khi ngày nào cũng lặp lại như vậy, tâm hồn trẻ trung của chúng tôi nhất định sẽ bị ăn mòn. Vì sao ư? Chỉ nội việc suy nghĩ xem hôm nay làm phải làm những gì cũng đã đủ đau đầu rồi!

Thời gian trước đây một mình Đông Ly phải đảm đương tất tần tật các thể loại việc không tên, từ nội trợ bếp núc cho đến dọn dẹp nhà cửa nên lúc nào cũng luôn chân luôn tay, bận rộn từ sáng sớm tới tối mịt. Nhờ vậy mà một ngày trôi qua rất nhanh, Đông Ly gần như không có cả thời giờ để mà suy nghĩ chán chường. Hiện tại, do sức khoẻ của tôi và Triêu Lộ đều đã hồi phục bảy, tám phần nên cũng bắt tay vào giúp đỡ con bé được kha khá, bỗng dưng lại thành cả ba cùng rảnh rỗi.

Phải công nhận rằng được Dương Gia đích thân thăm khám là một trải nghiệm khác hoàn toàn so với Phạm Bân. Tôi không hề phủ nhận rằng phu quân yêu dấu của Đỗ Chi rất có tài, nhưng rõ ràng thầy của hắn ở một đẳng cấp cao hơn nhiều.

Người ta thường nói "mát tay hơn hay thuốc", chỉ sau gần hai tháng mà cơ thể tôi đã quay trở lại khỏe khoắn như thường, dù có bê vác đồ nặng, leo trèo nhảy nhót thì cũng không vấn đề. Chỉ là không biết vì lý do gì mà Dương Gia lại không cho phép báo tin về kinh thành, vẫn bắt tôi chăm chỉ uống thuốc, chẩn mạch mỗi ngày.

Đông Ly bớt việc, dạo gần đây đã có thêm thời gian ngủ trưa, bắt đầu hình thành thói quen nướng một giấc dài tới cả canh giờ.

Trong lúc ấy, tôi và Triêu Lộ thường ngồi trên chõng tre trước nhà, cùng châm trà hàn huyên, càng trò chuyện lại càng thấy hợp nhau.

Hạ Chí đã qua, thời tiết dần trở nên dễ chịu.

Khác với vẻ bề ngoài, tính cách Triêu Lộ vô cùng mạnh mẽ, lại càng không hề giống những thiếu nữ khuê các bị nhốt trong lồng son chờ ngày bị gả đi. Đại khái, người con gái này đã từng trải qua một thời thanh xuân cực kỳ "máu lửa".

Triêu Lộ bị gia đình ép cưới, sau đó lại bị người thương lợi dụng, cuối cùng chỉ còn cách quay lưng lại với cả dòng họ, phải bỏ lại tất cả phía sau để đổi lấy những năm tháng được sống bình yên.

Cho đến ngày hôm nay...

Tôi khẽ liếc nhìn Triêu Lộ, thấy vẻ mặt nàng bình tĩnh như không liền hỏi: "Vậy là cuộc hôn nhân ấy không thành phải không ạ?"

"Đương nhiên rồi." Nàng bật cười khúc khích. "Cũng mất một thời gian lằng nhằng với nhau, nhưng rốt cuộc thì chị cũng dứt bỏ được! Đời người chỉ có một, chị muốn sống thật hạnh phúc."

Tư duy vô cùng tiên tiến.

Chỉ tiếc là giờ đây Triêu Lộ chỉ còn một mình trên cõi đời này.

Như thấy được biểu cảm tiếc thương quá đỗi rõ ràng từ tôi, Triêu Lộ cất tiếng:

"Nhật xuất hoàn tương một,

Thân phù hựu phục trầm.

Lão lai ngu dữ trí,

Tử khứ cổ hoà câm." (1)

Nàng dõi mắt nhìn xa xăm, như tự nói với mình: "Người đi rồi, cũng là thoát khỏi bể trầm luân..."

Tôi cố gắng không bỏ qua bất cứ một thay đổi nào dù là nhỏ nhất trên gương mặt của Triêu Lộ. Đúng là có đau buồn, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy được biểu cảm của một người có chồng vừa mới qua đời.

Như thế này... liệu có hơi bình tĩnh quá rồi không?

Triêu Lộ lại nói: "Chồng chị... vốn không yêu chị, mà chị cũng chẳng hề có tình cảm với chàng."

Một lời tâm sự hoàn toàn ngoài dự tính của tôi.

"Chị gặp chàng vào đúng thời điểm bản thân tàn tạ nhất, cả hai đến với nhau cũng chỉ để có người bầu bạn bên đời mà thôi." Mi mắt nàng khẽ rủ, giọng nhàn nhạt. "Nếu duyên đã đứt, cũng chẳng hẹn kiếp sau."

Nàng mới hai mươi lăm, nếu Triêu Lộ sống ở thời hiện đại thì đây vốn có thể trở thành độ tuổi rực rỡ nhất. Chỉ có điều Triêu Lộ lại được sinh ra dưới thời phong kiến, số phận bị người ta tuỳ ý định đoạt, tuy đã tìm cách thoát ra nhưng cũng không hề có được hạnh phúc trọn vẹn.

Tôi len lén thở dài, rót thêm trà nóng vào chén rồi mời Triêu Lộ. Tình huống lúc này mà có chung rượu thì chắc sẽ hợp lý hơn nhỉ?

Nàng gật đầu, nhấp môi: "Em gái à, ai cũng biết rằng tìm được một người yêu thương ta và ta cũng có tình cảm với họ là một chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng theo chị, đó mới chỉ là khởi đầu. Liệu tình cảm có đủ nhiều để người vì ta làm tất cả, hay ta có nguyện chịu đựng mọi gian khổ vì người hay không?"

Suy nghĩ sâu xa đến mức này... đúng là tôi chưa từng có.

Triêu Lộ ngẩng đầu lên, đưa tay che đi tia nắng vừa xuyên tán lá, lại cười bảo: "Có thứ tình yêu trong an bình, mới có chút sóng gió ập tới liền không chịu nổi mà lìa xa. Nhưng cũng có những mối tình có thể cùng nắm tay đi qua bão tố, đến khi trời yên bể lặng lại chẳng thể ở bên nhau. Tâm, em xem, yêu có dễ dàng không?"

Người có kinh nghiệm nói chuyện cũng thật khác bọt.

Tôi nghẹn lại hồi lâu, cuối cùng chỉ có thể đáp lại bằng bốn chữ: "Em không biết nữa."

Nàng quay sang phía tôi, khẽ vỗ vào tay tôi mấy cái: "Em còn trẻ, hãy cứ tận hưởng hiện tại. Sau này dù có bất kỳ quyết định nào thì cũng phải nhớ, đừng để bản thân mình hối hận là được."

"Chị đang hối hận sao?"

Nghe câu hỏi từ phía tôi, Triêu Lộ khẽ giật mình, gương mặt bình thản vốn có tựa như đang xuất hiện những vết nứt mờ mờ.

"Ừ." Không ngờ nàng lại thừa nhận một cách dễ dàng như vậy. "Nhưng mà... hôn phu ngày ấy và cả bản thân chị đều có mục đích của riêng mình, đây là kết quả tốt nhất rồi."

Triêu Lộ rời khỏi Quy Hoá trước tôi mười ngày, từ chối lời đề nghị cùng quay về kinh thành với nhóm chúng tôi.

Vốn khi xưa Triêu Lộ cũng sống tại Thăng Long, hơn nữa tuy không rõ Trần Thuyên sẽ mang theo bao nhiêu người đến nhưng có thể khẳng định chắc chắn sẽ an toàn hơn là một thân con gái giữa dặm đường, bởi vậy tôi mới đề nghị nàng cùng trở lại kinh đô.

Khi nói lời từ biệt, Triêu Lộ hứa sẽ tới Thăng Long tìm gặp tôi, còn hóm hỉnh đùa rằng muốn một lần được "dựa hơi" chị gái quan lớn trong triều.

...

Hàng cây hoa trắng đã rụng hết hoa, chỉ còn lại lác đác vài chiếc lá úa.

Dương Gia mừng muốn phát điên, tự tay vặt lông, làm thịt hẳn hai con gà, mở tiệc tống khứ tôi và Đông Ly ra khỏi nơi này.

"Cuối cùng ta đã có lại những ngày bình yên." Ông vừa tu ừng ực chung rượu, vừa sảng khoái cười nói.

Tôi nhận của Dương Gia mấy bọc thuốc, một lá thư dành riêng cho học trò Phạm Bân của ông ta, ngoài ra còn có thêm lời dặn dò có chút gì đó kỳ lạ: "Nhớ... để ý sức khoẻ."

Dương Gia ho húng hắng, vẻ mặt vô cùng mất tự nhiên. Xem ra đã rất lâu rồi ông ta không nói được câu nào tốt đẹp với người khác.

Đông Ly chen vào, bĩu môi: "Ông Gia quan tâm mỗi cô nhà con vậy, con vô hình chắc!"

Dương Gia muốn nổi khùng, quát Đông Ly một trận: "Mày khoẻ như vâm mà còn so sánh với con ranh yếu ớt này à. Thích đòi hỏi không? Ông lại nhét nắm rễ Hồ Mạn Trường vào mồm bây giờ!"

Ai chứ tôi thì không dám quên, Hồ Mạn Trường chính là lá ngón.

Đông Ly cười khanh khách, giả bộ sợ hãi mà trốn sau lưng tôi.

Chỉ xem cách xưng hô là biết con bé với Dương Gia vô cùng thân thiết, không chừng ông ta đã coi Đông Ly như con gái rồi ấy chứ.

Tờ mờ sáng, Trần Thuyên đã đến nơi. Lần này tới đón chúng tôi, ngoài anh và Đỗ Quân thì còn một Dạ Hành nữa tên là Võ Duy Kính.

Người này dáng dấp cao lớn vạm vỡ, mặt chữ điền, hai mày sâu róm, mắt thì một mí. Ấn tượng đầu tiên về hắn có chút gì đó khó gần nhưng thực tế Võ Duy Kính cứ cười một cái là tít cả mắt lại, trông giống một ông chú hay ngại ngùng hơn.

Hỏi ra mới biết Võ Duy Kính này vừa qua hai mươi bảy, coi như bằng tuổi với Trần Thuyên. Tôi cảm thấy hơi tội lỗi, cứ tưởng hắn còn già hơn cả Thái thượng hoàng Trầm Khâm ấy chứ.

Mục đích Võ Duy Kính xuất hiện tại nơi này chỉ để làm mấy việc lặt vặt như đánh xe, gọi thuyền. Tuy nhiên, hắn không hề tỏ ra phiền não chút xíu nào, thậm chí còn hồ hởi xách đồ giúp Đông Ly nữa.

Dương Gia đúng là vui quá hoá khùng, bỗng chốc không còn giọng điệu nghênh ngang bố đời nữa mà ôm quyền chào hỏi Trần Thuyên rất đúng lễ nghĩa, chỉ hận không thể bảo anh mau đưa chúng tôi cút đi thật nhanh.

Do có tôi là người bệnh nên chuyến đi này kéo dài hơn bình thường một chút.

Di chuyển bằng xe ngựa rồi chuyển sang thuyền nhẹ, sau hơn hai ngày rong ruổi thì nhóm chúng tôi cũng đã đặt chân trở lại Thăng Long.

Thời gian chúng tôi ở trên thuyền không quá dài, chừng hơn nửa ngày. Trong suốt mấy canh giờ ấy, Trần Thuyên chỉ giữ rịt tôi ở bên trong, không cho phép bước ra ngoài mạn thuyền dù chỉ một lát.

Tôi rất muốn nói với Trần Thuyên rằng việc tôi gặp nạn vốn không hề liên quan tới vùng sông nước, có chăng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên nhưng rõ ràng là anh sẽ không chịu nghe rồi.

Hơn nữa, nói một câu thì dễ, để có thể giải thích được hàng vạn câu hỏi kéo theo phía sau thì còn khó khăn gấp bội.

Về tới nơi, vừa bước vào cổng đã thấy cả nhà họ Đoàn kéo nhau ra đón tôi, không hề nhốn nháo mà đứng thẳng một hàng, vô cùng trật tự.

Đại khái có lẽ mọi người đều biết thanh niên đang đứng sau lưng tôi chính là hoàng đế Đại Việt. Do đã được dặn dò trước rằng hoàng đế đang thường phục vi hành nên cả nhà tôi được miễn một màn quỳ gối dập đầu rắc rối, đây cũng là một đặc ân hiếm có.

Ngoại trừ Đoàn Nhữ Hài vẫn ung dung bình tĩnh thì những người còn lại đều mang vẻ mặt gượng gạo, đến cả thở mạnh cũng không dám.

Tôi được Đông Ly cẩn thận đỡ tay bước đi như thể bệnh tật yếu đuối lắm, tranh thủ liếc mắt thật nhanh qua những gương mặt quen thuộc.

Mẹ chấm chấm khoé mắt, muốn bước lên phía trước nhưng lại ngại Trần Thuyên nên chỉ dựa vào Dư Nương nói câu gì đó. Đứng ngay sau bà là Dần, mấy năm không gặp mà thằng bé lớn vọt lên, thân mình dài như cái gậy, cũng đỏ hoe hai mắt mà mừng rỡ nhìn tôi.

Sau ba năm, gương mặt thằng nhãi Đoàn Nhữ Hài không thay đổi là mấy, vẫn gợi đòn như thế. Chỉ có cô em dâu Vân Phi có chút đằm thắm hơn, trở thành một người phụ nữ dịu dàng hết mực.

Dưới gấu váy Vân Phi có một đứa nhóc đang bám chặt, chăm chú nhìn tôi với ánh mắt dò xét.

Xoẹt một cái, bóng dáng lũn chũn ấy chạy ngang qua tôi rồi được Trần Thuyên nhấc bổng lên mà bế vào lòng.

"Vũ của bác dạo này có ngoan không?" Anh cười ha hả, đưa tay lên nựng má đứa nhỏ.

Xưng là "bác" cũng trơn cái miệng lắm cơ.

Nhờ cháu trai Lâm Vũ của tôi mà không khí thoải mái được đôi phần.

Người tiếp theo vỡ oà là mẹ, sau khi nắn bóp tay tôi một lúc thì bà bắt đầu nức nở: "Con ơi là con, ốm đau thế nào mà đi suốt mấy năm, không chịu viết cho mẹ một chữ!"

Nguyên lai là do mỗi lần mẹ hỏi đến thì đều là Đoàn Nhữ Hài đỡ lời, giả vờ giả vịt nhận được lời nhắn của tôi từ nơi xa gửi đến.

Tôi lựa lời an ủi bà và cả Dư Nương đang rơm rớm nước mắt bên cạnh. Trong lòng tôi không khỏi xúc động, hoá ra mọi người đều thật sự quan tâm tới đứa con gái này.

Trần Thuyên dặn dò tôi mấy câu rồi cùng Đỗ Quân, Võ Duy Kính phất áo rời đi. Sau bốn, năm hôm di chuyển liên tục, anh không có nhiều thời gian rảnh rỗi nữa mà phải trở về cấm cung ngay lập tức để giải quyết chính sự.

Công vụ bận rộn đến vậy mà Trần Thuyên vẫn sắp xếp mọi thứ ổn thoả để có thể thoải mái lượn lờ bên ngoài, có lẽ đây cũng là một loại tài năng ẩn giấu của hoàng đế chăng?

...

Tôi ở nhà được một tháng, Đoàn Nhữ Hài bắt đầu tung tin chị gái Niệm Tâm bệnh nặng lâu ngày mới khỏi, cuối cùng cũng trở lại kinh thành sống cùng gia đình.

Không ngạc nhiên, kéo theo sau tin tức ấy là những lời hỏi thăm, quà cáp không ngớt từ các mối quan hệ quan trường của cậu ta. Tôi ở sau "hậu trường" nhận được bao vị thuốc quý, vải vóc trang sức các kiểu, phúc này cũng là nhờ Đoàn Nhữ Hài cả.

Đỗ Chi và Phạm Bân dẫn con gái tới thăm tôi, bắt đầu nung nấu ý định trở thành thông gia với Đoàn Nhữ Hài và Phạm Vân Phi. Trông cái cách mà Đỗ Chi dỗ dành Huệ đi theo Lâm Vũ là có thể thấy được ánh mắt của một bà mẹ vợ tương lai, vô cùng yêu thương con rể rồi đây.

Phạm Bân chăm chú đọc lá thư của thầy gửi thông qua tôi, trầm tư đến mức tựa như đang giam mình vào trong một chiếc kén vô hình, tự tách bản thân ra khỏi thế giới xung quanh.

Hắn lầm lì tiến lại gần tôi, đầu tiên là ra hiệu cho Đông Ly thay tôi ẵm Lâm Vũ, sau đó tiến hành chẩn mạch ở cổ tay trái và tay phải của tôi, mất một lúc thì nét mặt cau có mới giãn dần ra.

Tôi nhíu mày, lo lắng hỏi: "Sao thế? Tôi lại bị bệnh à?"

Phạm Bân hơi giật mình, vội đáp: "... Không. Thầy chỉ dặn ta chú ý tới sức khoẻ của cô hơn thôi. Nhớ uống thuốc đầy đủ nhé."

Thái y đã dặn dò như vậy, tôi chỉ còn cách ngoan ngoãn tuân theo.

Chỉ có điều, rõ ràng là Phạm Bân đang nói dối. Còn nói dối cái gì thì tôi không quan tâm.

Tôi cũng không tò mò về chuyện mà Dương Gia và Phạm Bân đang lén lén lút lút trao đổi với nhau.

Theo những thông tin của Quỷ Dẫn Đường cung cấp, cơ thể này của Đoàn Niệm Tâm vốn đã chết từ lâu, chẳng qua nhờ linh hồn của tôi mà "sống" lại. Nếu sức khoẻ tôi có vấn đề thì cũng không có gì quá ngạc nhiên cả.

Cứ giống như hai năm trước, chăm chỉ luyện tập, ăn uống bồi bổ thì mọi chuyện sẽ đều ổn cả thôi.

...

Tính ra tôi quen biết và trở thành chị gái của Đoàn Nhữ Hài đã năm năm.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, đáng lẽ con người cũng phải trưởng thành lên, ngờ đâu tôi và cậu em trai hờ này vẫn giữ vẹn nguyên được một mối quan hệ tốt đẹp vô cùng: Cứ nói với nhau được ba câu là lại gây gổ.

Vân Phi giao Lâm Vũ cho Dư Nương, chỉ yên lặng ngồi uống trà và nghe tôi đấu khẩu với Đoàn Nhữ Hài.

"Cậu dám nói thêm thì tôi cũng dám mách Quan gia!" Trình độ cãi lộn của tôi kém Đoàn Nhữ Hài tới vạn dặm nên để tránh việc mình giận quá mà thổ huyết, tôi quyết định sử dụng Trần Thuyên làm tấm khiên chắn bất cứ lúc nào.

Đoàn Nhữ Hài nghe tôi nhắc tới Quan gia liền nhụt chí, cổ rụt cả lại, mặt mày méo mó tới đáng thương.

"Hừ! Chị nhớ đấy!" Cậu ta dậm chân, quay mông bỏ ra ngoài.

Vân Phi đặt chén trà xuống bàn, khẽ khàng lên tiếng: "Chị Tâm..."

Tôi tươi tỉnh quay lại: "Ừ, sao?"

Chắc không phải cô em dâu này muốn lấy lại công bằng cho chồng mình đấy chứ?

Hai vợ chồng Nhữ Hài - Vân Phi về với nhau cũng được ba năm, lại thêm một cậu con trai, có thể nói là một gia đình kiểu mẫu được ngưỡng mộ trong kinh thành.

Trong khi Đoàn Nhữ Hài ở bên phía quan văn, được Quan gia trọng dụng thì Vân Phi cũng không hề kém cạnh, là con gái yêu của Tướng quân Phạm Ngũ Lão - vị quan đứng đầu phía quan võ.

Nhưng ngược lại với suy đoán của tôi, Vân Phi chỉ cụp mắt nói: "Chị trở về rồi... thật là tốt."

Tôi ngửi được mùi cơm không lành, canh chẳng ngọt, vội nghiêng người về phía Vân Phi quan sát kỹ càng. Chỉ thấy khóe mắt em dâu trĩu xuống, mi tâm nhíu lại một đường, miệng mấp máy tựa như muốn nói gì đó.

Trong lòng tôi giật thót: "Nhữ Hài làm chuyện gì có lỗi với em à?"

Vân Phi lắc đầu quầy quậy: "Không ạ. Chàng đối xử với em rất tốt. Chỉ là..."

Hai tai tôi vểnh lên.

"... chàng quá tốt. Tốt đến mức em thấy không còn tốt nữa."

Tôi:?

Người ta vẫn nói rằng rằng tư duy của người phụ nữ rất phức tạp, tôi không ngờ được lại rắc rối đến mức này.

Lẽ nào Vân Phi thích bad boy? Bad boy ain't good but good boy ain't fun ấy hả? (2)

Sao có thể chứ, mồm mép tên Đoàn Nhữ Hài kia không hề kém cạnh bất cứ ai cơ mà. Nếu đã bị cậu ta cho vào tầm ngắm, chỉ cần một bãi nước bọt cũng có thể khiến kẻ khác tức tưởi mà chết! Đâu phải tự nhiên mà Đoàn Nhữ Hài lại được phong chức Trung tán Ngự sử, giữ nhiệm vụ chuyên can gián đàn hặc vua quan.

Đại khái là ngoài em trai tôi thì chẳng ai phù hợp hơn để nhận danh hiệu vựa muối Đại Việt hết.

Vân Phi nắm lấy vạt áo đã nhăn nhúm, dường như đang đấu tranh tư tưởng để có thể mở miệng tâm sự với tôi.

Những người phụ nữ như Vân Phi sau khi về nhà chồng tương đối cô độc, chẳng giống như hiện đại còn có điện thoại để gọi về khóc lóc bố mẹ, chỉ có thể âm thầm chịu đựng một mình.

Tôi vô cùng thông cảm với Vân Phi, liền thể hiện lập trường của mình - một bà chị chồng biết suy nghĩ: "Có chuyện gì em cứ nói với chị. Nếu Hài dám bắt nạt em, chị đảm bảo sẽ túm tóc nó đập cho một trận nên thân. Tưởng mình là quan lớn mà ngon à?"

Xem chừng Vân Phi có chút hoảng vì tôi nói năng chợ búa quá, nhưng cũng nhờ vậy mà cô em dâu này mới thả lỏng, mãi cũng cất lên lời:

"Em... Nhữ Hài... chàng... vẫn đối xử với em giống như khi mới quen."

"Ơ... như thế là tốt chứ sao?" Tôi khó hiểu nhìn Vân Phi

"Cũng tốt... nhưng em mong chàng có thể thoải mái với em hơn... thi thoảng đùa giỡn vài câu, như với chị..." Vân Phi lảng tránh ánh mắt của tôi, cúi gằm mặt, giọng nhẹ như gió bay.

Cả người tôi ớn lạnh, da gà da vịt nổi đầy thân. Ôi chao, đừng nói là Vân Phi đang... ghen với tôi đấy nhé?

Có gì đó không ổn ở đây.

Trong thoáng chốc, trí não tôi tiến hành rà soát lại toàn bộ những lần tiếp xúc của chính bản thân với đôi vợ chồng Phi - Hài.

Nếu để tả về cách mà Đoàn Nhữ Hài đối xử với vợ thì chỉ có hai từ: Dịu dàng và tôn trọng.

À, còn thiếu "lịch sự" nữa.

Hừm... có lẽ là mối quan hệ giữa em trai Nhữ Hài của tôi và em dâu có vấn đề thật rồi.

Vân Phi sợ tôi hiểu lầm nên luôn miệng đính chính, con bé cho rằng có lẽ vì chị gái gặp chuyện nên Đoàn Nhữ Hài mới mệt mỏi suốt thời gian qua, từ đó xa cách với vợ con.

Tôi lại thấy rõ ràng thằng nhóc này đang che giấu chuyện gì đó.

Dường như Đoàn Nhữ Hài luôn cố gắng tạo khoảng cách với Vân Phi, còn em dâu tôi "mang tiếng" là con nhà võ mà lại rón ra rón rén, luôn khép nép đứng một bên, chưa bao giờ dám lên tiếng đòi quyền lợi tình cảm cho mình.

Thương thay Vân Phi về làm dâu mà mấy năm trời đằng đẵng phải chịu đựng sự lạnh nhạt một cách không rõ ràng của chính chồng mình.

Ngoài miệng tôi an ủi Vân Phi đừng quá lo lắng, trong lòng lập quyết định phải tìm hiểu cho bằng được chuyện gì đang xảy ra.

Chậc, xét lại tôi mới thấy mình đã quá vô tâm với gia đình này.

Trước giờ, không biết vì sao tôi lại mặc định Đoàn Nhữ Hài là một người có thể tin tưởng, do đó tôi tự cho rằng không cần lo lắng về cậu ta, chỉ biết cắm đầu chạy theo những cái đâu đâu ở bên ngoài.

Mà đương nhiên, không thể xếp Trần Thuyên vào những cái "đâu đâu" kia rồi.

Một tháng qua dù bận bịu, anh vẫn sắp xếp đến thăm tôi vài ba buổi.

Lần đầu tiên "hẹn hò" sau khi tôi trở về phủ họ Đoàn, vị hoàng đế Đại Việt của chúng ta vẫn xuất hiện vào ban đêm, trèo tường nhà dân như không.

Tôi có chút không hài lòng về chuyện này, than phiền vài câu. Gặp nhau khi trăng đã lên cao nghe thì lãng mạn đấy, nhưng thực tế chẳng khác nào đang vụng trộm.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, còn Trần Thuyên thì suýt bị chó đuổi.

Thành An không có mặt ở Thăng Long nên người đảm nhận công việc hộ tống anh đến nhà tôi là Tả Ngân bài Thị vệ Dương Hữu Bình - người lớn tuổi và trầm tĩnh nhất Dạ Hành. Có lẽ là y suy nghĩ quá chu đáo, muốn tạo không gian riêng cho Trần Thuyên và tôi nên tránh mặt đi hơi xa, lại không áng chừng được thời gian để quay lại.

Không có người dọn sẵn đường, Trần Thuyên sau khi trèo tường trở ra ngoài thì vô ý đạp phải đuôi của một chú chó hoang, phải tung người bay ngược lên bờ tường lớn mà tránh những cú táp trời long đất lở.

Nửa đêm chó sủa tưng bừng, dân chúng xung quanh nơi này không ai tưởng tượng được người gây ra chuyện này lại chính là vị hoàng đế cao quý của họ.

Trần Thuyên đã nắm rõ hậu quả, từ đó không còn đến gặp tôi khi đã qua giờ Hợi nữa. (3)

...

Tôi gục đầu bên bậc cửa sổ, không cả buồn nhìn ra khoảng sân đầy nắng phía sau phòng mình.

Trần Thuyên vừa mới quay trở về cấm cung, để lại nơi này một mối tơ vò.

Tính ra trước giờ Trần Thuyên đã tiêu không ít tiền bạc cho tôi, nhưng để nói về một món quà đúng nghĩa thì đúng là chưa hề có.

Quay đầu lại nhìn chiếc dao găm nhỏ đang đặt trên bàn, trong đầu tôi lại càng mông lung.

Ít ra thì cũng phải là vòng vèo trang sức gì đó, chứ ai đời lại tặng dao cho người thương nhỉ?

Đông Ly nói, đó là do Quan gia lo lắng cho sự an toàn của tôi nên mới tặng dao găm để phòng thân.

Ừ thì cũng có lý, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại... nếu đúng là như vậy thì anh phải đưa nó cho tôi từ rất lâu rồi mới phải. Vì sao lại chờ đến giờ mới trao cho tôi chứ?

Tạm thời bỏ qua vấn đề này, tôi bảo Đông Ly sửa soạn chuẩn bị tới Chương Đức viên thăm hỏi Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân.

Khi biết tin tôi khỏi bệnh, phía Chiêu Văn vương đã cho gia nhân qua phủ họ Đoàn tặng không ít của ngon vật lạ, vì thân phận đặc thù nên họ không thể đích thân tới thăm tôi được.

Nghe đâu trong suốt mấy năm qua, hai vợ chồng Trần Nhật Duật vẫn ở lại kinh đô, gần như chưa từng trở về thái ấp Văn Trinh một lần.

Đông Ly và tôi đến trước Chương Đức viên, từ xa đã thấy Quân Trì một thân viên lĩnh màu tía bước vào trong, chỉ trong chốc lát đã quay ngược trở ra, nét mặt gượng gạo vô cùng. Dường như anh ta đang trốn tránh điều gì đó bên trong Chương Đức viên vậy.

Từ lúc biết Quân Trì thuộc dòng dõi họ Trần, con trai của Thượng hoàng Trần Khâm, là anh em của Trần Thuyên thì tôi đã cố gắng không quá thân cận, nhưng do anh ta cũng sống ở Chương Đức viên nên tần suất chúng tôi gặp mặt không hề ít. Đại khái gần như lần nào tôi tới nơi này để hàn huyên cùng Chiêu Văn vương cũng đều gặp anh ta.

Hiện tại tôi chỉ có duy nhất một thắc mắc liên quan tới Quân Trì: Liệu Chiêu Văn vương có biết anh ta là con trai của Thái thượng hoàng hay không?

Từ câu hỏi này sẽ dẫn tới: Dù biết hay không, thì đâu là lý do Chiêu Văn vương luôn giữ Quân Trì ở bên cạnh mình?

Gia đình đế vương sở hữu không ít những bí mật kinh thiên động địa, tôi vốn không muốn dính líu đến, chẳng qua chuyện này có liên quan trực tiếp tới Trần Thuyên nên tôi mới để tâm hơn một chút mà thôi.

Tôi kéo Đông Ly nép người sau một bức tường cao, chờ Quân Trì đi khuất rồi mới bước đến gần cổng, nhờ gác cổng thông báo với Chiêu Văn vương một câu là có Đoàn Niệm Tâm tới, xin được gặp.

Sau một lát, tên gia nhân chạy ra, cong eo kính cẩn nói: "Đức ông mời cô Niệm Tâm vào sau vườn ạ. Ông bà nhà con hiện đang tiếp khách, phiền cô chờ một lát ạ."

Tôi cười cảm ơn, tên gia nhân lại cúi đầu dẫn đường cho chúng tôi vòng qua gian phòng khách, đi vào khoảng sân vườn rộng rãi bên trong Chương Đức viên.

Lần cuối ghé thăm nơi này tôi vẫn còn giận dỗi Trần Thuyên, loáng cái đã mấy năm. Với tôi chỉ là một cái chớp mắt. còn thế gian thì đã xoay vần qua biết bao thăng trầm.

Khu vườn không có mấy đổi thay, chõng tre vẫn đặt dưới giàn leo, gia nô trong phủ còn chu đáo mang đến cho tôi ấm trà cùng một đĩa bánh.

Nơi này không phải ở nhà nên Đông Ly chỉ có thể đứng bên cạnh tôi, không dám ngồi xuống vắt chân chữ ngũ, thoải mái ăn bánh uống trà như bình thường.

Tôi rót cho con bé một chén trà, không biết vì sao lại nhớ đến ngày trước, khi Đông Ly đích thân tới Vạn Kiếp chuyển lời đến quận chúa Thánh An.

Nghe Đông Ly kể, sau khi biết được thân phận của Quân Trì thì quận chúa Thánh An cũng không có bất kỳ phản ứng quá khích nào, chỉ lạnh nhạt gật đầu rồi quay vào nhà viết cho tôi vài chữ.

Người phụ nữ thông minh là phải biết khi nào cần buông bỏ, có lẽ Thánh An chính là một người như vậy.

Trong thư Thánh An gửi có nói ngắn gọn rằng cô đang sống rất hạnh phúc, nếu sau này có gì cần giúp đỡ thì cô quyết không từ nan.

Thánh An hiện tại đã trở thành Vương phi, nói gì thì nói, vẫn chỉ là cá chậu chim lồng. Lời hứa này của cô cũng chỉ coi như một lời cảm ơn mà thôi.

Đang miên man suy nghĩ, từ trong gian phòng gần nhất vọng ra tiếng người réo gọi thất thanh, bước chân dồn dập.

Tôi đưa mắt nhìn Đông Ly, tò mò không biết Chương Đức viên đã xảy ra chuyện gì.

Chỉ chừng vài giây sau, có một bóng dáng nhỏ bé từ đâu đó chạy vụt đến gần nơi tôi đang ngồi, do không khống chế được tốc độ nên suýt nữa đã ngã lăn ra đất, may mắn được tôi kịp thời dang tay đỡ lấy.

Là một cậu bé chừng hai, ba tuổi.

Bé con lập tức giãy khỏi tay tôi rồi lùi lại phía sau, giương đôi mắt tròn xoe lên nhìn tôi không chút sợ sệt.

"Cậu tư! Cậu tư!" Tiếng gọi hớt hải bắt đầu kéo đến gần hơn.

Hẳn đây chính là "cậu tư" đang được tìm kiếm rồi.

Cậu nhóc như thể đang đánh giá xem tôi là người tốt hay kẻ xấu, chần chừ trong giây lát rồi ra quyết định trèo lên chõng tre, lẩn ra trốn sau lưng tôi.

Ngay sau đó là khoảng ba, bốn người phụ nữ đứng tuổi xuất hiện, tôi nhận ra một người trong đó là hầu gái hay xuất hiện bên cạnh Trinh Túc phu nhân.

Bà ta cũng nhìn thấy tôi, vội kéo mấy người còn lại hành lễ chào hỏi. Hai mắt bà ta liếc ngang liếc dọc, trông có vẻ như tôi không biết gì nên lại lục đục kéo nhau ra nơi khác tìm "cậu tư".

Chủ quan quá nó thế, nếu họ chịu mở miệng ra hỏi thì tôi chắc chắn sẽ chỉ ra cậu nhóc đang co rúm người trốn sau lưng mình chứ không hề có chút ý định che giấu nào đâu.

Đám phụ nữ vừa rời khỏi khu vườn, bé con nghịch ngợm kia cũng bám vào vạt áo tôi rồi trèo xuống đất.

Ngoài tưởng tượng của tôi, cậu bé đứng thẳng người, hai tay ôm quyền, cúi đầu nói từng chữ rõ ràng: "Con cảm ơn cô ạ."

Tuy rằng động tác có chút luống cuống, không thuần thục như người trưởng thành nhưng thực tế, hành động này đã quá xuất sắc so với một đứa trẻ con.

Độ hảo cảm của tôi dành cho bé con này từ số không liền tăng lên một trăm lần.

"Con tên là gì?" Tôi mỉm cười, quyết định làm thân với cậu bé.

Đã có thể xuất hiện tại Chương Đức viên, lại khiến cho hầu gái thân cận nhất của Trinh Túc phu nhân phải chạy khắp nơi đến gà bay chó sủa, dù nhóc có là ai thì thân phận nhất định cũng không hề tầm thường.

"Dạ thưa, con tên là Thánh Sinh ạ."

Thánh Sinh?

Từ từ, tôi biết con trai của Chiêu Văn vương là quận vương Thánh Nô, con gái là quận chúa Thánh An. Vậy đứa trẻ này... cũng là con của Chiêu Văn Vương?

Không phải chứ...

Ra là... Chiêu Văn vương cùng Trinh Túc phu nhân vô tình "vỡ kế hoạch" nên phải ở lại Thăng Long nuôi dưỡng con trai nhỏ tuổi?

"Ôi, chị Tâm!"

Lại xuất hiện thêm một người nữa.

Mất một lúc tôi mới nhớ ra cô gái này chính là Diễm Tiên - tức công chúa Huyền Trân. Chúng tôi đã từng gặp nhau một lần.

Tôi vội đứng dậy, ra hiệu cho Đông Ly cùng hành lễ.

"Lâu lắm rồi mới gặp công chúa." Tôi cười cười.

Huyền Trân tỏ ra vô cùng vui mừng, suýt chút nữa đã xông đến ôm chầm lấy tôi nếu như không trông thấy cậu nhóc Thánh Sinh.

Nàng sững người, nhanh tay túm lấy áo của Thánh Sinh trước khi cậu bé chạy mất.

Thánh Sinh dù quẫy đạp như thế nào cũng không thể thoát nổi, cả người ỉu xìu như cái bánh đa ngấm nước, để mặc cho Huyền Trân bế thốc lên, bẹo tới bẹo lui khiến cho một bên má đỏ bừng.

Thằng bé tỏ ra không phục, mặt mũi sưng sỉa như sắp khóc.

"Hoá ra là con trốn ở đây, hay lắm!" Huyền Trân cất giọng trách móc. "Mẫu phi nhớ con quá nên mới nhờ ta tới thăm, vậy mà con còn không chịu ra gặp?"

Sương mù từ từ dâng lên, giăng đầy đầu tôi.

Mẫu phi?

Thánh Sinh bướng bỉnh hét lên một tiếng, nhân lúc Huyền Trân thả lỏng tay liền giãy dụa rồi tụt xuống đất, một đường chạy thẳng tới trốn sau lưng tôi. Hai cánh tay nhỏ bé ôm chặt lấy chân tôi, nhất quyết không chịu buông.

Thật là một tình huống dở khóc dở cười, vô duyên vô cớ tôi lại trở thành tấm khiên cho Thánh Sinh như thế này.

Huyền Trân ngạc nhiên nhìn theo, sẵng giọng quát: "Mạnh! Phụ hoàng mà biết con hư thế này thì sẽ tức giận lắm đấy!"

Phụ hoàng, mẫu phi.

Cậu tư.

Ruột gan quặn lại, không khí như đầy gai nhọn, đâm thẳng vào lồng ngực tôi.

Cậu bé này... chính là Trần Mạnh, tứ hoàng tử của Trần Thuyên?

- --

Phúc bất trùng lai: Ý chỉ may mắn thường đến bất ngờ, không lặp lại lần thứ hai

(1) Trích thơ Thử thời vô thường kệ của Trần Thái Tông

Nhật xuất hoàn tương một,

Thân phù hựu phục trầm.

Lão lai ngu dữ trí,

Tử khứ cổ hoà câm.

Kat dịch thô:

Mặt trời mọc rồi sẽ lặn

Tấm thân này khi nổi lúc chìm

Dù khôn dại thì tuổi già cũng đến

Xưa nay chẳng ai có thể tránh khỏi cái chết đâu.

(2) Bad boy ain't good but good boy ain't fun: Trai đểu thì không tốt nhưng trai tốt thì không vui.

(3) Giờ Hợi: Từ 21h - 23h