Mạn Kim Sơn

Chương 34: Ép buộc lôi kéo đến bạc đầu




Sau khi lột da xong Bạch Tố Trinh đã có thể nói chuyện nhưng vẫn chưa thể biến thành hình người được. Mấy ngày đầu nàng còn hiền lành, chỉ là chạy loạn khắp rừng, khắp sơn động mà thôi, rảnh rỗi lại tới chỗ dòng suối nhỏ ở núi soi gương, có vẻ rất hài lòng với lớp da rắn sáng óng của mình.



Còn thiền sư Pháp Hải ngày ngày đều ngóng trông “về nhà”, hắn bắt đầu nhớ Bạch phủ với cây cối rậm rạp và đám hoa thủy tiên trồng cạnh giếng cạn rồi. Nhưng mà cả ngày Bạch Tố Trinh chỉ biết chạy lung tung khắp nơi, lại thêm việc yêu lực của nàng chưa hổi phục hẳn, còn chưa hóa về hình người được nữa, chỉ đành tạm thời dừng chân ở đây vậy thôi.



Thiền sư Pháp hải cũng từng nghĩ tới việc cứ đi về, ngặt nỗi, nhìn màu xanh trải dài kín tầm mắt, lại liếc nhìn chóp núi bên cạnh, Ông Trời ơi, hẳn là bọn họ đã rơi vào khu vực núi Trường Bạch* mất rồi, đi từ núi Trường Bạch về ư? Vậy phải đi đến ngày tháng năm nào đây?



(Núi Trường Bạch: thuộc ba tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.)



Vì thế, thiền sư Pháp Hải chỉ có thể chờ bà Bạch khôi phục yêu lực mà thôi. Những lúc ưu sầu hắn thường ngồi niệm kinh thế này.



Nhưng mà Bạch Tố Trinh ngoại trừ cả ngày đều “chạy như điên” khắp núi, thì buổi tối luôn lấy cớ trời lạnh mà quấn lấy hắn, khiến đa phần thời gian thiền sư Pháp Hải đều rất ưu sầu, kinh cũng ngày càng đọc nhiều hơn.



Hôm nay mưa gió bên ngoài vần vũ, đống củi khô đốt trong sơn động bị gió núi thổi gần tắt. Thiền sư Pháp Hải đành dùng rất nhiều cành cây che phủ ngoài động, lại dùng cả đất đá che chắn, lúc này mới chắn được ít gió.



Hiện giờ Bạch Tố Trinh vẫn là hình dạng rắn, hắn bèn xếp giữ lại cho nàng một cái “cửa nhỏ” rộng bằng hai ngón tay xòe để nàng có thể tiện ra vào.



Hôm nay trời không đẹp nên Bạch nương nương cũng không có hứng thú ra khỏi động. Nàng cuộn tròn thành một bó, chỉ thích hơ lửa bên cạnh thiền sư Pháp Hải, cái đuôi nghịch ngợm tỏ rõ vẻ muốn trêu chọc sự “thờ ơ” của hắn.



Nàng thấy thiền sư Pháp Hải cứ niệm kinh suốt, bèn trườn lên cuốn sách kinh mà uốn éo, thiền sư Pháp Hải lật sang trang nàng cũng không di chuyển, để kệ hắn kẹp mình trong sách. Hắn gấp vào, nàng lật ra, gấp vào, lại lật ra.



Hắn dứt khoát mặc kệ nàng, mắt không thấy tim không mệt mà trở lại chỗ đống cỏ ngủ. Lại nhắc tới đống cỏ này, chính là do Tố Trinh “rong chơi bên ngoài” tha về. Nàng luôn nói đây là phần thể lực dồi dào mà nàng cần phải trút ra, bảo tiểu hòa thượng cứ để mặc nàng.



Nhưng thiền sư Pháp Hải lại thấy nàng vì tha đám cỏ này mà mệt đến nỗi thở không ra hơi, cuộn tròn nằm im thở hổn hển.



Là nàng lo hắn bị lạnh mà thôi.



Hắn biết chứ, thế nên mỗi nửa đêm Tố Trinh âm thầm cuộn tròn ngủ bên cạnh hắn, mặc dù hắn vẫn bắt nàng ngủ cách hắn xa một chút, nhưng phần lớn số quần áo đắp trên người hắn đều lặng lẽ đắp hơn nửa cho nàng. Hắn là người ngủ không sâu giấc, sao lại không biết chuyện nàng toàn thừa dịp hắn ngủ mà len lén nhích lại gần chứ?



Chỉ là hắn cũng sợ nàng bị lạnh thôi.



Thiền sư Pháp Hải không phải là người giỏi biểu đạt tình cảm, hắn có thể cảm nhận được Tố Trinh đối tốt với mình nên hắn cũng muốn đối tốt với nàng. Hắn không biết loại tâm tình này thực sự là gì, lúc tĩnh tâm lại hắn sẽ tự ám thị bản thân rằng, đây vốn là lẽ thường trong nhân gian mà thôi. Người gửi ta quả đào, ta biếu lại quả mận.* Nhưng hình như thiền sư Pháp Hải đã quên mất rằng, mình là kẻ ngoại lệ, vốn chẳng hề tuân theo cái gọi là “lẽ thường” trong nhân gian này, ấy thế mà giờ đây hắn lại giả bộ hồ đồ thế đấy.



(Câu gốc là: “Đầu ngã dĩ đào, báo chi dĩ lý”, đây là một câu được trích dẫn trong Kinh thi. Đại ý là. bạn cho người khác thứ gì, người khác sẽ tặng lại bạn thứ tương đương, đây là điều thường tình trong cuộc sống.)



Hắn cũng không muốn tìm tòi nghiên cứu xem rốt cuộc điều này là gì nữa.



Sau khi ăn hết cả bánh bao rồi, một tăng một yêu bước vào trạng thái ‘hết đạn cạn lương thực’. Thiền sư Pháp Hải đành mang theo Bạch Tố Trinh đi khắp núi tìm quả dại ăn tạm.



Ngọn núi này vắng tanh vắng ngắt, có lẽ là cũng có vài con yêu quái hay mãnh thú gì đó, nhưng vì cảm nhận thấy hơi thở của một bán tiên với một đại yêu, e là bọn chúng đã trốn biệt, chỉ hận không bỏ nhà đi được mà thôi.



Thiền sư Pháp Hải xuất gia từ nhỏ, cuộc sống tha phương dầm sương dãi gió, hái quả rừng lót dạ hắn cũng trải qua nhiều rồi, thế nên cây nào kết trái cho quả ngon ngọt hắn đều có thể tìm được rất chuẩn.



Dường như hắn rất hứng thú đối với việc đút ăn cho Bạch Tố Trinh như thế này thì phải, như kiểu bỗng nhiên hắn nuôi thêm một con vật cưng vậy. Thậm chí hắn còn có phần vui vẻ vì hiện giờ Bạch Tố Trinh vẫn trong hình dạng rắn, là rắn thì không tính là gần nữ sắc đâu nhỉ.



Thiền sư Pháp Hải nghĩ như vậy, còn tự nhận là bản thân rất có lý nữa. Bạch Tố Trinh cũng đâu coi mình là rắn đâu, ngươi thấy đấy, ngày ngày nàng ta đều soi mình bên suối, quay đầu vẫy đuôi, cuối cùng còn dứt khoát dùng tấm áo thiền sư Pháp Hải cho nàng mà buộc thành một cái “áo choàng”, buộc chắc chắn ở “cổ”, phần còn lại kéo dài mãi tới tận đuôi, mỗi lần ra ngoài “tuần núi”, chiếc “áo choàng” cũng tung bay, nàng tự thấy như vậy rất có tiên khí.




Nhưng mà mấy ngày gần đây bà Bạch có vẻ không hài lòng với khí sắc của mình lắm. Về lý mà nói, Tố Trinh là con rắn trắng, lúc đang trong hình dạng rắn thì cả người chẳng phải đều là màu trắng sao? Chỗ nào nhìn ra được khí sắc chứ? Thế mà lão Bạch tự khăng khăng rằng dạo này mình ăn quá nhiều hoa quả, cần chút thịt để tẩm bổ. Thiền sư Pháp Hải không lạ gì với phản ứng của nàng, chính là nàng thèm ăn thịt mà thôi, người nào đó đừng tưởng hắn không biết ý nghĩ của nàng.



Nói cũng khéo, ngày thứ hai, bà Bạch đang nóng nảy chải răng, ngay lúc bọn họ đang tìm trái cây giữa sườn núi thì tình cờ bắt gặp một chân giò lợn đã được nướng chín.



Trước đó Bạch Tố Trinh cũng đã nói, tuy trong núi này không có hơi người, nhưng có yêu trú ngụ. Thường ngày Bạch Tố Trinh đều bị tiểu hòa thượng đút cho canh suông quả dại, không được ăn thứ gì khác cả. Không biết tảng thịt này là của con yêu tinh nào nướng làm rơi ở đây, thiền sư Pháp Hải chỉ coi như không hề nhìn thấy, kéo áo choàng của Bạch Tố Trinh đi sâu vào rừng.



Dạo gần đây hắn đang định bụng tập cho nàng ăn chay. Phật ngữ nói, người ăn mặn tính cách dễ nóng này, ăn chay thường xuyên thì tâm tính sẽ lành hơn. Nhưng nào ngờ nàng dứt khoát không cần áo choàng, chộp lấy tảng thịt rồi nuốt chửng khiến cả người bị nghẹn ứ ở cổ.



Hơn nửa tảng chân giò bị Tố Trinh nuốt vào.



Thiền sư Pháp Hải thấy vậy cũng không ngăn Bạch Tố Trinh, hắn dứt khoát túm lấy chân giò kia ném xuống phía dưới. Bạch Tố Trinh nhìn theo tảng thịt bị ném xuống, đôi mắt tức giận đến đỏ lựng, phi người nhanh chóng nhặt lại tảng thịt. Thiền sư Pháp Hải tung người nhảy một cái đuổi theo, ngay lúc nàng đang ngoạm xuống lại cầm ném đi, cái chân giò bị ném đến chỗ xa hơn.



Cứ như thế Bạch nương nương hoàn toàn nổi giận, há miệng thật to hung hăng quát hắn.



“Ê! Có phải ngài muốn đánh nhau không hả?!”



Đã nửa tháng nay nàng không được ăn một bữa thật ngon rồi, hắn là hòa thượng đương nhiên không có ý định tìm đồ ăn mặn cho nàng, nhưng nay nhặt được mà cũng không để cho nàng ăn là sao?



Thiền sư Pháp Hải nói: “Cô ăn bánh bao hay quả dại cũng đủ no đấy thôi, cớ sao cứ phải động đến những thứ dầu mỡ này làm gì? Chẳng phải quả dại ăn cũng rất ngon sao?”



“Ngon ấy à?!”




Bạch nương nương vặn vặn thân để cho hắn nhìn đầu của mình.



“Hai ngày nay ta ăn đến bạc cả đầu rồi đây này! Ngài biết tại sao Bạch Mao nữ bị bạc trắng cả đầu không?” Đều là vì ăn quả dại cả đấy!”



(Bạch Mao nữ, hay còn có tên là Cô gái tóc trắng, là một bộ phim nói về nông thôn Trung Quốc trước đây dưới áp bức bóc lột của bọn địa chủ phong kiến. Nhân vật chính là cô gái tên Hỷ Nhi, có người yêu tên Đại Xuân, cả hai cùng đi ở cho Hoàng Thế Nhân, hắn là một tên địa chủ giàu có và gian ác. Toàn bộ tài sản của hắn đều là do bóc lột áp bức nông dân mà có. Thấy Hỷ Nhi xinh đẹp, trẻ trung, hắn rắp tâm chiếm đoạt. Không cam chịu, cô bỏ trốn lên núi, sống trong rừng hoang, ăn rau quả dại. Rồi tóc cô bị bạc trắng, khiến ai nhìn cũng hoảng sợ, họ gọi là Bạch Mao tiên cô. Đại Xuân không chịu được ấm ức, tham gia Hồng quân. Kết phim là quê hương được giải phóng, Hỷ Nhi được đón về kết duyên với Đại Xuân, còn tên địa chủ Hoàng Thế Nhân bị trói lại cho nông dân đấu tố kể tội.)



Thiền sư Pháp Hải không biết Bạch Mao Nữ là thần thánh phương nào, cũng chẳng để ý đến những lời lung tung của Bạch Tố Trinh, mặt không chút cảm xúc nhìn nàng nói.



“Cô là rắn trắng, mặt trắng là điều đương nhiên rồi. Đừng nháo nữa, hôm nay chúng ta đến sườn phía bắc, trái cây bên kia vừa to vừa ngọt đấy.”



Hiếm khi nào thiền sư Pháp Hải lại dỗ dành nàng như thế, nhưng giờ miệng Bạch nương nương nhạt nhẽo, trong lòng chỉ nghĩ đến thịt mà thôi. Nàng biết lại chạm phải tính khi cố chấp của tiểu hòa thượng rồi, chẳng buồn dông dài với hắn thêm nữa, nàng lại đi nhặt thịt.



Trong phút chốc, hai người đánh nhau.



Đã lâu rồi hai người không có động tay động chân với nhau, trận này lại đánh đến hăng say, cuối cùng cũng dâng lên chút tức giận. Nhưng mà hiện giờ công lực của Bạch Tố Trinh mới chỉ khôi phục được ba phần, sức vóc không mấy lớn nên căn bản không đánh lại được tiểu hòa thượng. Thấy hắn lại ném thịt ra xa, nàng tức giận nằm ườn ra đất hét to.



“Ăn miếng thịt chín sẵn rồi cũng chết à? Ngài bức ta chết phải không?! Ta đói hơn nửa tháng nay rồi, hơn nửa tháng chỉ cho ăn trái cây? Ngài cho rằng ta là khỉ núi Nga Mi đấy à? Ngài không cho ta đánh bắt sống, ta nhìn thấy chim trên cây chẳng phải một hai lần, nhưng cũng nhịn không bắt, giờ có thịt đã chín sẵn rồi cũng không cho ta ăn là sao chứ?!”



Tố Trinh nói xong lại cảm thấy vô cùng tủi thân, cả người nằm im lìm trên đất.



Thiền sư Pháp Hải cứ đứng bên cạnh nhìn nàng, nhìn một lúc thì rời bước đi xuống phía dưới.




Bạch Tố Trinh nhìn tiểu hòa thượng rời đi một cái rồi cuộn tròn mình lại, không thèm quan tâm, vừa mất hết cả hứng muốn ăn thịt lại vừa cảm thấy có phần tủi thân.



Ngay lúc nàng đang nghĩ tới việc có nên đi xuống tìm hắn hay không thì lại thấy hắn cầm thịt trở lại. Hắn quay lại thì cũng chẳng nhìn thẳng vào nàng, chỉ đi ra chỗ cách Bạch Tố Trinh mấy bước, rửa thịt ở khe suối nhỏ trong núi, cho đến khi không còn một hạt cát nào nữa mới thôi, lại hái mấy chiếc lá cạnh đó, đặt miếng thịt gọn gàng lên đất xong thì lặng lẽ rời đi.



Bạch nương nương phồng phồng miệng, cũng cảm thấy rất không vui. Nàng vặn người đi đến cạnh miếng thịt, lại nghển lên nhìn bóng lưng tiểu hòa thượng một cái, thè lưỡi rồi há miệng ăn xong xuôi miếng thịt.



Thịt chín sẵn rồi, nàng vẫn muốn ăn.



Lúc mặt trời lặn về tây Bạch Tố Trinh mới từ trong núi trở về. Vì cảm thấy xấu hổ, nàng thò cái đầu vào ô “cửa nhỏ” quan sát bên trong.



Thiền sư Pháp Hải vẫn luôn nhắm mắt ngồi thiền, cũng không biết là đã ăn tối hay chưa nữa.



Nàng cũng hiểu thời gian này hắn phải chăm sóc cho nàng rất khổ cực, thế nên lúc về nàng đặc biệt dùng “áo choàng” bọc theo rất nhiều trái cây.



Mấy trăm năm nàng ở động Phong Vân quát tháo đám yêu tinh nên tính tình cũng có phần ngang ngược. Giờ cãi vã thành thế này thì không biết dỗ dành thế nào, bèn đẩy một quả từ “áo choàng” qua “cửa nhỏ” vào bên trong.



Quả kia lăn vào, đụng phải đầu gối tiểu hòa thượng, hắn biết nhưng lại không thèm động đậy.



Tố Trinh lại đẩy một quả nữa vào.



Vẫn không động đậy gì.



Nàng cặm cụi đẩy từng quả từng quả vào.



Cho đến quả cuối cùng lại đụng vào đầu gối hắn, thiền sư Pháp Hải mới chậm rãi mở mắt. Số trái cây mà Bạch Tố Trinh hái về, quả nào quả ấy đều căng mọng, đỏ chót. Thiền sư Pháp Hải nhìn một hồi, nhặt một quả có vẻ xấu xí nhất ngắm nghía kỹ trong tay.



Đúng lúc ấy thì bỗng nhiên trên mặt ngoài quả rừng kia hiện ra một khuôn mặt cười, giọng mềm mại nói: “Thiền sư Pháp Hải, đừng tức giận mà.”



“Mặt cười” trên quả rừng thực sự là vẽ chẳng ra gì, pháp thuật dùng trên nó cũng ấu trĩ y như trẻ con vậy. Nhưng thiền sư Pháp Hải lại vì trò hề nhỏ nhặt này mà bật cười thành tiếng.



Tố Trinh nghe tiếng thì thò đầu vào, ánh mắt thoáng dừng lại trên khuôn mặt với má lúm đồng tiền và đôi mắt cong cong, rồi vội vàng trườn mình vào trong động, trái tim nhỏ bé đập thình thịch, cũng bật cười theo.



Cuộc đời như giấc mộng, cười đùa cả nửa đời, gặp gỡ một người quần áo trắng với chiếc đèn Phật cổ màu xanh nơi đất khách.



Có nhân duyên gặp gỡ, một khi đã rung động, sẽ bất chấp ngươi là tăng, là yêu, hay là tiên.



Nếu thiếu niên chưa vào cửa Phật, vậy có bằng lòng sa vào hồng trần một lần không?



Tố Trinh suy nghĩ một chút, nếu không muốn, vậy thì dứt khoát ép buộc lôi kéo đến bạc đầu đi.



Ai bảo nàng vốn là “thổ phỉ” cơ chứ.



Hết chương 34