Mãi Mãi Khắc Ghi - Lê Trấp Tiểu Lệ

Chương 3




Sĩ quan Hàng không thời Dân Quốc x Sinh viên ngành Y xuyên khôngChương 3: Hạ cánh

Editor: Chu
“Tôi đột nhiên xuất hiện ở năm Dân quốc thứ 20 mà không hề nhận được dấu hiệu báo trước, như thể ông trời đang nói với tôi, đừng quan tâm nhiều quá, ngươi đến đây chỉ vì một người mà thôi.”

Năm 1928, Chính phủ Nam Kinh Dân Quốc sáng lập Đội Hàng không Trung ương.

Năm 1932, Trường Hàng không Trung ương Kiển Kiều chiêu sinh tại Hàng Châu.

Cũng trong năm đó, tôi mơ màng xuất hiện tại thời đại này.

Một người phụ nữ mặc trang phục lộng lẫy thông báo với tôi, “Tiểu Tri, cha con đã thay con sắp xếp ổn thỏa chuyện xuất ngoại, sau khi học y xong cũng không cần trở về.”

Tôi ngây thơ gật đầu.

Trước lúc được cha đưa lên thuyền, tôi và một chàng trai trẻ bất ngờ cọ vai nhau.

Hành lý của anh rất đơn giản, một cái vali da, động tác vội vã, còn tôi thì lảo đảo một cái, tay buông lỏng, hành lý rơi trên mặt đất.

“Ngại quá.”

Anh xin lỗi rồi đi tiếp về phía trước, sau khi nghe thấy tôi té ngã, anh đi ngược lại, đỡ tôi dậy.

“Cảm ơn.”

Tôi vừa cầm lấy hành lý, vừa nhẹ giọng cảm ơn.

Đầu hạ, cánh tay lộ ra vài vết xước, anh tinh mắt nhìn thấy, sự áy náy trong mắt càng rõ hơn.

“Tôi đưa cô lên thuyền.”

Tôi không miễn cưỡng, gật đầu đồng ý.

“Chờ tôi một chút.”

Anh xoay người chạy ra khỏi bến tàu, không biết đưa hành lý cho ai trông hộ rồi nhanh chóng quay trở lại.

Từ phía đối diện đi đến, anh đưa lưng về phía ánh mặt trời, tôi quan sát vẻ ngoài của anh, cảm thấy có chút quen thuộc, hình như đã từng xuất hiện trên báo sách của thế kỷ 21. Nhưng khác với những tấm ảnh lưu lại cho hậu thế, gương mặt của anh bây giờ vẫn còn sự non nớt.

Trong lòng tôi cực kỳ chấn động, miệng lẩm bẩm, tên của anh nghẹn lại nơi cổ họng như sắp được thốt ra.

Tuy nhiên đối với anh, tôi chỉ là một người lạ.

Tôi giữ vững lý trí, khi anh xách hành lý đi về phía trước, tôi bước theo sau lưng, thử hỏi anh.

“Anh… Cũng tới đăng ký ở Trường Hàng không Kiển Kiều hả?”

Trường Hàng không chiêu sinh, những thanh niên có đầy khát vọng cùng đổ xô về Hàng Châu, nên hỏi như vậy cũng không có gì kỳ lạ.

Anh mỉm cười, đường nét sắc sảo trở nên dịu dàng hơn, khi ánh mắt quét qua tôi, ngừng một lát rồi thu về: “Đúng vậy.”

Tôi nghẹn lại vài giây.

Lúc đó chẳng ai ngờ rằng, vị thiếu niên trước mắt tôi sau này sẽ vẽ ra những kế hoạch vô cùng vĩ đại trên bầu trời xanh.

Tôi lại nghe anh hỏi như đang tán dóc: “Cô nương đi du học vì muốn học ngành gì?”

Tôi đáp rằng: “Khoa học Tây y.”

Anh hơi bất ngờ rồi cảm thán: “Tôi mưu cầu vì nước, cô mưu cầu vì dân, thật ra cuối cùng đều là trăm sông đổ về một biển.”

Tiếng còi hơi của tàu thủy vang lên, tôi xoay người bước đi, bỗng bị anh ngăn lại.

Tôi thấy sự ngại ngùng trong mắt anh, có thể trong lòng đang nghĩ điều gì đó, do dự nói: “Cô nương học xong… Sẽ về nước chứ? Mạo muội hỏi họ tên cô, sau này… Có duyên sẽ gặp lại.”

Hai má tôi bất giác ửng hồng, tôi liếc nhìn anh, cảm thấy xấu hổ, trong lòng lại kinh hỉ không thôi, vô vàn cảm xúc hóa thành một câu: “Tôi họ Lâm, tên là Tiểu Tri.”

Nhưng anh còn chưa kịp đáp lại tên mình thì thuyền viên đã mất kiên nhẫn đuổi anh xuống. Tiếng còi hơi tàu thủy ồn ào lẫn với những tiếng khóc than vì sự chia lìa, tôi nhăn mày, không nghe rõ lời anh nói,

“Bách Lan Tinh.”

Tôi đã biết họ tên anh từ lâu.



Ở thế kỷ 21, tôi sống trong thời đại hòa bình.

Trong khoảng thời gian nhàn rãi ở trường đại học Y, tôi từng xem qua một quyển sách nói về Không quân thời Dân quốc.

Dưới một tấm ảnh đen trắng, là một cái tên in bằng chữ Khải —— Bách Lan Tinh.

“Sinh vào tháng 3 năm 1914, mất tháng 12 năm 1937, Phi công xuất sắc đầu tiên của đất nước.”

Họ Bách, có nghĩa là cây tùng cao lớn.

Lan là hoa lan, Tinh trong lá cờ che khuất bầu trời.

Tâm hồn anh cao quý và tinh khiết như tùng bách, chứa đựng sự mềm mại của Giang Nam và hào hùng của Bắc Cương, nhưng lại hài hòa kỳ lạ.

Nét mặt anh sắc sảo và sáng sủa, nói chuyện khiêm tốn lễ độ.

Trong bức ảnh trắng đen truyền lại cho thế hệ sau, anh mặc bộ quân phục, dù màu nền xám đen nhưng vẫn không giấu được sự kiên nghị trong mắt.

Năm ấy anh hy sinh vì đất nước khi mới ở độ 23, ngoài sự kinh ngạc, tôi còn vô cùng kính trọng anh.

Nếu có cơ hội, có thể gặp được một lần thì quá tốt.

Tại Nghĩa trang Không quân ở Nam Kinh, vẫn còn ngôi mộ chôn di vật của anh.

Trong một dịp được nghỉ, tôi đã đến đó viếng thăm một mình.

Dòng chữ màu xanh trên bia đá, chỉ ghi lại một cách đơn giản về những sự kiện trong đời anh. Cả một cuộc đời cuối cùng hoá thành một nấm mộ xanh cỏ. Tôi im lặng không nói gì, lau dọn sạch sẽ bụi bẩn.

Đi một đoạn đường vắng vẻ không người, đi ngang chỗ người gác cổng, tôi không nhịn được mà hỏi thăm.

“Ông ơi, có nhiều người đến nơi này thăm viếng không ạ?”

Ông cụ từ trong tờ báo ngẩng đầu lên, đẩy mắt kính, âm thanh khàn khàn, cười nói: “Đều là chuyện thuộc về quá khứ hết rồi, có thể còn bao nhiêu người nhớ rõ.”

“……”

Vì tôi nhớ rõ.

Thế nên trời cao đã đưa tôi đến gặp anh.