Tôi gật đầu răm rắp, cũng chẳng có chuyện gì mà tôi cần phải ra ngoài hôm nay cả. Bà chủ quán đang thoăn thoắt làm bỗng dưng khựng lại, cầm con cá trỏ vào tôi:
"Chứ anh là em của anh mô trong hai anh nứ? Nhà có anh lớn được chiều hầy."
Tôi cười nhăn nhở. Bảo tôi là em của một người ưu tú như Chỉ huy sứ thì tôi không dám; nói là em của Lê Long Đĩnh thì tôi lại càng không có "diễm phúc" đấy. Tôi mon men đến gần, thỏ thẻ hỏi:
"Sao chị lại nghĩ vậy? Không thấy tôi giống người hầu hơn à?"
"Úi chao." - Bà chủ quán trề môi tỏ vẻ như tôi vừa nói ra điều gì điêu toa lắm - "Người hầu mô mà mặc đẹp lại còn được đi hài như ri? Người hầu mô mà đêm được mang thêm mấy lớp chăn lót dưới hử?"
Tôi nghe đến đây cũng ngạc nhiên không kém, vốn dĩ tôi còn tán dương việc khách quán này làm ăn chu đáo ngoài sức tưởng tượng. Giường êm ái đến mức tôi ngủ tít mít không vẫy tai, thành ra lúc dậy mọi người đã đi hết cả. Tôi ngồi sát lại, định hỏi xem ai là người đã gọi lấy thêm chăn thì bà chủ đột nhiên có khách, đứng phắt dậy đon đả chạy ra cửa. Tôi tiu nghỉu như mèo cắt tai, tha thẩn chơi một lúc thì đi chuẩn bị thuốc cho Long Đĩnh trước khi y quay lại.
Sắc thuốc tới lui cả một buổi sáng cuối cùng tôi mới nhận ra thuốc thì có đủ song lá trầu không thì hết sạch. Tôi hỏi bà chủ xem có cách nào xoay sở được không, thường thì trong vườn nhà ai ở thời này cũng có một giàn trầu với đôi ba cây cau, tiếc là bà chủ nói đợt lũ vừa rồi đã khiến giàn trầu đổ sạch, thậm chí nhiều nơi ở Mai Vị cũng lâm vào cảnh "khát trầu" y như "khát gạo". Giờ muốn có lá tươi chỉ có thể ra chợ mua lại với giá cắt cổ.
Tôi đổ túi của mình ra, mấy đồng xu còm cõi va vào nhau vài tiếng "leng keng" buồn bã. Số tiền tôi còn chẳng đáng là bao nhưng nghĩ đến việc Long Đĩnh phải rửa mắt cũng cần kíp nên đành bấm bụng, xuống tay đi mua với tất cả "gia sản" còn lại. Coi như tiền này tôi cho y nợ, nhất định tôi sẽ tìm dịp để bắt phải trả lại cả gốc lẫn lãi.
Tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ trước tình hình phức tạp bên ngoài nhưng trộm nghĩ mình là người thật thà ngay thẳng, không chống phá chính quyền, không kích động bạo loạn thì chẳng có lí do gì để người ta bắt tôi cả.
Hừ, thật là tuổi trẻ chưa trải sự đời.
Trong đời tôi có vô số lần hối hận muốn quay ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm; giả như việc đã đấm vỡ mũi bạn học nên tuột mất giải nữ sinh thanh lịch, uống say bí tỉ đêm mình xuyên không hay gần đây nhất, trước khi làm bạn với mấy đồng "coin" Thiên Phúc này tôi đã không ghim đôi chục bitcoin kể từ khi nó hãy còn là một thứ mơ hồ trên mạng.
Không được làm phú bà cũng ân hận thật đấy nhưng bị đánh đập tả tơi lại còn sắp bị thích chữ lên mặt, đày đi khổ sai thì mới là tận cùng của đau khổ.
***
Mai Vị vốn đang trong cơn bạo loạn, cả thành vô cùng hỗn độn nhưng không vì thế mà con người ta có thể ngừng ăn, ngừng uống hay ngừng sống được. Ai còn gì bán nấy, có tiền thì mua mua bán bán không có tiền thì xếp dãy dài dằng dặc trước cổng quan phủ chờ nạn cứu viện. Tôi chắp tay phía sau, vừa thong thả đi vừa ngó nghiêng cẩn thận. Nếu tính kỹ lại hẳn trước đây đất Mai Vị này là một nơi nhộn nhịp đông đúc lắm. Ngay cả trong cơn can qua(2) việc kinh doanh buôn bán ở vẫn có thể coi như khá khẩm hơn những huyện tôi từng lui tới.
"Chỗ trầu này chị bán bao nhiêu?" - Tôi dừng lại trước gánh gần như lá còn tươi nhất, nguyên vẹn nhất cả chợ.
"Một đồng hai lá." - Người bán đáp, thái độ chẳng có vẻ mặn mà gì mấy.
Tôi trố mắt, cái gì mà một đồng chỉ được hai lá trầu?
Ngày thường hay ngày rằm có đắt lắm cũng phải một đồng năm, bảy lá. Một đồng hai lá - chị ta định cắt cổ tôi chắc?
Tôi ngồi xổm xuống, tay lựa chọn những lá trầu dày, già, xanh đậm. Trầu để ăn người ta thích trầu đã ngả vàng xuộm, riêng để làm thuốc thì ưu tiên hàng đầu của tôi vẫn cứ là tươi xanh cái đã.
"Bán chi đắt rứa chị hầy! Một đồng ba lá đi tôi lấy nửa chỗ ni." - Tôi cố gắng giả giọng dân bản địa để không bị chém giá.
Chị ta nhìn tôi, phẩy tay:
"Nỏ bán được, trả thêm thì bán."
"Rứa hai đồng bảy lá thì răng?"
Chị bán trầu lườm tôi một cái sắc lẹm còn hơn dao cau khoét vào mỏm đá:
"Lấy nửa chỗ ni thì để giá nứ, nhanh nhanh tôi còn đi có việc."
Chưa đợi tôi đồng ý, bà chị nhanh tay gói trầu vào lá chuối, vẻ mặt sốt ruột nhìn đứa con đang nằm ngủ bên cạnh. Tôi hơi tò mò hỏi lại:
"Chị có việc gì à?"
"Đưa thằng cu ra thầy lang, nỏ biết mấy bữa ni bị răng."
Biết là mình phải sớm quay lại khách quán nhưng tôi cũng không thể cứ thế mà nhắm mắt cho qua được. Xét cho cùng việc tôi tới Hoan Châu này chẳng phải là để cứu người hay sao?
Tôi bỏ lại mấy lá trầu đang chọn trên tay xuống mẹt, quay sang nhỏ nhẹ:
"Thế thì không cần phải vội, chị để tôi chẩn mạch cho cháu."
Bà chị nghe được có phần hơi bất ngờ liền trố mắt nhìn tôi:
"Cậu là ai, khám được không đó?"