Phù Lan đã trở thành ổ dịch khổng lồ!
Tôi và La Đạc bị "giam lỏng" trong một túp lều đến cửa còn không có, xung quanh là bốn tấm phên bạc phếch gió bấc thổi nhẹ cũng đủ làm chao đảo, trên đầu là lớp gianh thủng lỗ chỗ nhìn thấy cả nền trời xám xịt. Theo lẽ đương nhiên, quân trại Phù Lan chẳng buồn canh cửa làm gì. Thôn Nam Ninh được bao bởi lớp tường đất nhỉnh hơn đầu người một chút nhưng đấy không phải nguyên nhân mà người dân "ngoan ngoãn" ở trong. Cao vượt lên trên màu nâu vàng của đất là những thanh gươm sáng quắc, nhọn hoắt của lớp lớp binh lính canh phòng. Tôi biết chắc đừng nói đến sứ giả, dù bất cứ ai trong "trại nhốt người" này có ý định xông ra ngoài thì sẽ chết không toàn thây.
Tôi và La Đạc có thể đi lại tự do phía bên trong, dù gì binh lính cũng sợ ma chẩn khiếp vía chẳng có ai dám ở lại. La Đạc kia là một kẻ vô tư lự. Y nằm thẳng cẳng trên sàn, đầu gối lên tay, chân bắt chữ ngũ, mắt nhắm lim dim. Tôi biết nếu bây giờ mình có lo lắng hay sợ hãi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Kết cục đã định sẵn. Tôi chết ở Việt Nam một nghìn năm sau hay ở Đại Cồ Việt một nghìn năm trước có gì khác nhau chứ?
Ừ thì tôi đây cảm thấy cực kỳ ấm ức.
"La Đạc, anh có ngửi thấy mùi gì không?" - Tôi khịt mũi, cảm giác buồn nôn tựa như cơn thuỷ triều dần dâng lên phía bên trong mình.
La Đạc không mở mắt mà chỉ ra sân, theo hướng có cột khói đen ngòm phía xa.
"Ngửi thấy, là mùi thịt người cháy."
"Thịt... người cháy?" - Tôi nuốt nước bọt, dằn xuống thứ chất lỏng đang trực chờ phun ra bất cứ lúc nào. La Đạc gật đầu. Lúc này tôi mới dám xác nhận mùi cháy khét, ngai ngái, tanh tưởi kia rốt cục là gì. Chính xác là thịt người, tương tự như mùi tôi từng ngửi thấy ở các đài hoá thân hoàn vũ.
"Ban nãy lúc anh chẩn mạch cho đứa bé thì tôi thấy ở bên mé cổng thôn người ta đẩy một xe chất đầy thây người." - La Đạc nói thêm.
Tôi ngồi yên, hai ngón tay bấm chặt vào với nhau, lúc sau mới hỏi La Đạc:
"Vậy những người ở thôn này sẽ ra sao?"
"Chờ chết thôi. Chết rồi thì sẽ hoả thiêu. Mục đích của thôn Nam Ninh là vậy, tránh lây bệnh dịch cho thân vương và quan lại."
Tôi trừng mắt:
"Cái gì mà thân vương quan lại? Mạng dân không phải là mạng là?"
La Đạc cười nhếch môi chua xót:
"Phù Lan bị phong toả, Ngự Bắc Vương không dám mở cổng thành. Nếu mạng ai cũng là mạng thì làm gì nên nỗi?"
Tôi hiểu rất rõ những lời La Đạc nói có nghĩa là gì.
Tất thảy người ở đây chỉ có một con đường duy nhất: ĐƯỜNG CHẾT!
Bấy giờ là phong kiến, mạng người như cây cỏ. Dù cho tôi không quen cũng phải chấp nhận sự thật. Người dân ở đây bị vây lại cho chết dần chết mòn, đến một lúc nào đó chỉ e Ngự Bắc Vương kia sẽ hạ lệnh cho một mồi lửa, cứ thế tiễn tất thảy con dân cùng bệnh dịch ma chẩn lên đường.
Tôi hít vào một hơi sâu, nhớ đến hơi ấm trên tay đứa bé mình vừa chẩn mạch, nhớ đến người mẹ thất thần bồng con, nhớ đến những người dân chất phác vì đau bệnh mà nằm ngổn ngang khắp chốn. Không phải máu thịt song nỗi đau của đồng bào, của người với người, làm sao tôi có thể cứ đứng đó giương mắt nhìn người ta chịu chết?
Nhưng tôi có thể làm gì đây?
Trí mọn tài hèn, chút y thuật ít ỏi của tôi sao có thể làm gì cho đời?
Nhưng nếu tôi không làm, giả như mọi chuyện vẫn vậy thì những người ngoài kia phải làm sao?
Tôi quay sang lay người La Đạc, nói nhỏ:
"La Đạc, anh có thể tìm giúp tôi một cái bàn, giấy và mực không?"
Đạc đang nằm yên bỗng mở choàng mắt ra, ngạc nhiên nhìn tôi:
"Anh Đam muốn làm gì?"
Tôi tự nhủ bản thân thật hiên ngang vào, vỗ ngực độp một cái, nói to:
"Chữa bệnh cứu người!"
Y thuật của tôi chỉ là dạng võ mèo cào, học hành lớt phớt nhưng cũng biết được căn bản việc bắt mạch, bốc thuốc, kê đơn. Thôi thì méo mó có hơn không, coi như tôi có gì góp nấy, cố gắng làm chút việc ý nghĩa trước khi lìa đời.
La Đạc đặt niềm tin ở tôi một cách vô tội vạ. Vừa nghe tôi muốn cứu người y đã ngay lập tức hớn hở đi tìm rồi mang về một cái bàn đặt giữa sân. Cái bàn cụt mất một chân, y phải kiếm thêm mấy viên gạch mới kê lên vừa. Cũng chẳng biết Đạc đào đâu ra một cái thanh la, gõ leng keng miệng liến thoắng liên hồi:
"Thầy lang chẩn mạch, thầy lang chẩn mạch miễn phí đây! Bệnh gì cũng chữa, ma chẩn thì càng nên ra!"
Tôi kéo tay:
"Tôi không tài giỏi đến thế đâu. Mà sao anh không mau đi đi, mình tôi ở đây là được nếu không sẽ sớm nhiễm bệnh mất!"
La Đạc phủi tay:
"Ở trong cảnh này thì có gì mà phải sợ? E là ma chẩn chưa kịp phát thì đã mất đầu rồi."
Cả hai chúng tôi cười khổ nhìn nhau. Trong lòng tôi không thôi cảm kích La Đạc. Kiếp nay e là không còn được dài nữa, vậy nếu có kiếp sau tôi nguyện mãi là anh em với y!
***
Tôi dặn La Đạc nói rõ với từng người một trong thôn, tôi không phải là thầy thuốc mà chỉ là người biết chút ít y thuật, có thể giúp ích có thể không, hoặc nếu xui rủi hơn lỡ có bề gì chuyển xấu cũng không thể chắc chắn. Vốn tưởng sẽ không ai đến nào ngờ trước cửa túp lều tranh tồi tàn dân chúng thôn Nam Ninh đã vây kín bưng. Nghĩ cũng phải, bây giờ họ làm gì còn sự lựa chọn khác nữa đâu? Họ đã hoàn toàn bị bỏ rơi bởi chủ thành Ngự Bắc Vương hay ngay cả những "lương y như từ mẫu". Đối diện với ma chẩn, đây đã là đường cùng. Dù cho có một tia hy vọng le lói người ta cũng ra sức mà bám vào.
Tôi dặn La Đạc yêu cầu tất cả mọi người đến đều phải lấy vải che miệng và mũi, khoảng cách giữa mỗi người ít nhất một sải tay, xếp hàng tuần tự. Ai đến trước sẽ được ưu tiên chẩn mạch trước. Tôi còn sợ khung cảnh sẽ trở nên hỗn loạn nhưng xem ra La Đạc là người rất biết cách làm việc, chỉ chốc lát sau đã ổn định được tình hình.
Đứng đầu hàng chính là người mẹ bồng con tôi gặp khi vừa mới đến. Tôi kéo đứa bé ra khỏi lòng mẹ, vạch áo lên xem kỹ lưng, cổ, tai, gáy. Quả là có một vài nốt ban đỏ đã xuất hiện. Tôi đưa tay bắt mạch đồng thời xem xét lại một lượt triệu chứng, là bệnh sởi, hơn nữa còn là giai đoạn đầu, sởi chưa mọc nhưng không vì thế mà xem thường được. Chữa càng sớm người bệnh càng có khả năng phục hồi nhanh. Suy nghĩ một hồi, cách tốt nhất bây giờ cho đứa trẻ này là tuyên thấu giải độc (giải cơ thấu biểu, tân lương giải biểu) để đưa tà ra ngoài da làm mọc nhanh các nốt sởi.
Tôi lấy giấy bút toan thảo một thang thuốc thì nhận ra vấn đề mới xuất hiện:
TÔI KHÔNG BIẾT CHỮ!
Còn chưa kịp nghĩ đối sách thì La Đạc đã nhanh nhẹn tiến lên một bước, giành lấy tờ giấy trên tay tôi. Hiểu được y muốn giúp đỡ tôi chỉ biết gật đầu đầy cảm kích, Đạc tảng lờ không nói gì.
Tôi hỏi người mẹ:
"Trong thôn này có thể mua được thuốc chứ?"
Người đàn bà cỡ ngoại tứ tuần, nước da sạm đen, đưa tay lên lau những giọt nước kẹt lại nơi nếp nhăn khoé mắt:
"Dạ bẩm, khó lắm thưa thầy."
Chị ta chưa nói hết câu phía sau có người đàn ông phân bua:
"Từ lúc chiến sự xảy ra thuốc bị thương nhân gom về, bán với giá cắt cổ. Nay thành bị phong toả, bệnh dịch nên càng muôn phần khó khăn."
Tôi trầm ngâm.
Chữa sởi có nhiều bài thuốc nhưng nếu dược tính không đủ thì sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí không khỏi được. Trong "Y âm án" Hải Thượng Lãn Ông từng viết: "Thấy bệnh nhân cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu chữa được, song thầy lại lo người bệnh không đủ sức trang trải mà cho vị rẻ tiền hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh. Đó là Keo kiệt". Keo kiệt là một trong tám tội thầy thuốc cần tránh. Lẽ nào vừa mới hành y ngày đầu tiên tôi đã mắc phải đại tội ư?
Tôi vò đầu bứt tóc nhìn đứa bé đang mệt lả đi trên tay mẹ, lần lượt điểm lại từng bài thuốc có thể dùng. Nói đoạn tôi hỏi:
"Vậy chị thể tìm được lá diếp cá, cam thảo đất và rau dệu không?"
Người mẹ vội vã:
"Có thể, có thể thưa thầy."
Tôi gật đầu, mừng ra mặt, mau mau chóng chóng đọc liều lượng thuốc cho La Đạc chép vào, cuối cùng cẩn thận dặn đi dặn lại:
"Cả ba thứ này sắc lên uống chung, một ngày ba lần. Nếu hai ngày nữa tôi chưa bị giải đi chị nhớ tới tái khám?"
"Tái... khám?" - Người đàn bà băn khoăn hỏi.
Tôi cười:
"Ý tôi là nếu tôi chưa chết, chị mang con tới đây để chẩn mạch lần nữa."
Người mẹ hiểu ra quỳ rạp xuống đất dập đầu thay lời cảm ơn. Cả đời tôi chưa từng nhận "đại lễ" lớn đến vậy của bất cứ ai nên nhào tới đỡ cả hai mẹ con dậy, phủi sạch lớp bụi đất dính trên người, dặn dò thêm phải thường xuyên rửa tay, thay quần áo, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ. Người mẹ quỳ lạy tôi thêm lần nữa rồi nhận đơn thuốc từ tay La Đạc, vội vã bế con rời đi.
Kế đến là một người đàn ông hom hem, trên người chỉ độc mỗi một bộ giao lĩnh phong phanh, nhìn thôi đã thấy rét. Thông thường trẻ dưới năm tuổi dễ mắc sởi nhất nhưng cũng không có nghĩa là người lớn có thể tránh được, đặc biệt giữa lúc đói kém, sức đề kháng suy giảm. Người đàn ông này sốt giảm còn triều nhiệt, ho, miệng khô, lưỡi rêu đỏ ít, đoán chừng đã sắp khỏi bệnh. Tôi đọc một thang thuốc dưỡng âm thanh nhiệt, dặn anh ta dù khỏi vẫn phải hạn chế hết sức việc tiếp xúc với người thân.
Một người rồi thêm một người, "bệnh xá dã chiến" của tôi và Đạc càng lúc càng đông, người bệnh nhiều không kể xiết, bất kể ngày đêm đều hiếm khi được ngơi nghỉ. Bởi tôi chẩn mạch không lấy tiền, thôn Nam Ninh cũng toàn người dân lương thiện chất phác, để đền đáp người ta rủ nhau góp rau góp rau góp cơm mang đến bệnh xá. Dù có chút vất vả cực nhọc nhưng xem ra những ngày cuối cùng của tôi khi còn tại thế vẫn còn có ích lắm.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chớp mắt một cái đã đến đêm trước ngày tôi bị hành quyết. Hôm nay người bệnh về sớm hơn thường lệ, trước cửa lều quang đãng chẳng còn ai nữa. Tôi vặn người qua trái rồi lại vặn người qua phải, uể oải vỗ vỗ mấy cái vào bả vai mình. La Đạc mệt quá nên nằm ngủ ngay trên cái chõng tre trước hiên nhà, chả buồn động đậy. Đêm lạnh sương dày, tôi khẽ lay gọi Đạc dậy, bảo y vào trong nhà nghỉ ngơi. Nếu tính kỹ thì đây mới là một kẻ kỳ lạ. Tôi chán sống từ đầu nên mặc kệ chuyện sống chết thì chẳng nói làm gì, đằng này Đạc cũng dửng dưng như thể lệnh kia là chém lợn chém gà chứ chẳng hề liên quan đến y.
Tôi cầm cái thau đi về hướng góc vườn, vận dụng tất thảy sức lực "trai tráng" mình có kéo lên một gàu nước. Phải rửa mặt mũi chân tay thật sạch, chỉ tiếc là không có cơ hội tắm một cái. Sáng hôm nay nghe linh đình người ngựa, binh lính kháo nhau Trung Quốc Vương Long Kính đã đến hội họp cùng Ngự Bắc Vương Long Cân. Tôi biết ngay ngày tàn của mình đã tới. Cái tên Long Đĩnh kia chẳng biết viết gì trong mật chỉ mà vừa không chia rẽ được hai vương đấy vừa khiến tôi phải chịu cảnh đầu rơi máu chảy thế này?
Tôi thầm chửi thề trong lòng. Nếu có một ngày, à không, một kiếp nào đó tôi gặp lại, Lê Long Đĩnh, y nhất định phải nếm khổ đau từ tôi!
Ngoa ngoắt vậy cho lòng nhẹ bớt chứ kỳ thực tâm trạng của tôi cũng chẳng hề tốt hơn chút nào. Tôi không có ý niệm nào cụ thể về cái chết cả. Chỉ thấy rất mơ hồ, rất trống rỗng. Hay bởi tôi đang là "tử tù" nên khác biệt chút ít chăng? Không biết có ai trước khi bị xử tử sẽ thật sự ăn năn hối hận về những điều mình làm không nhỉ? Tôi thì chẳng có lấy nửa phần ân hận. Nếu hận chỉ hận đã đầu quân nhầm người, bị đày ải đến đây còn mất mạng. Tôi thì chả hứng thú gì với cái mạng quèn này nhưng để kẻ khác lợi dụng làm "sứ giả" thì thật là cay cú!
"Sứ giả, sứ giả!" - Có tiếng gọi be bé từ phía hàng rào. Ban đầu tôi còn tưởng mình bị ảo giác nhưng rõ ràng là thật. Tôi nhìn ở cạnh giếng có cái cuốc liền nhanh thay cầm lấy phòng bị, tiến lên phía trước dè chừng. Người bên kia tiếp lời: "Là con đây."
Tôi nghiêng người, dưới ánh trăng nhàn nhạt của một ngày xuân quang đãng, soi rất rõ bóng hình một cậu trai trông khá quen.
"Sứ giả không nhận ra con sao?"
Tôi "À" lên một tiếng, trong đầu lần lượt điểm quan mặt từng người kể từ lúc tới trại Phù Lan. Hoá ra là người hầu bên cạnh Ngự Bắc Vương, nếu đã là như vậy thì ngươi tới số rồi!
Tôi giơ cuốc lên định bụng tẩn cho hắn một trận nhưng hắn kêu lên khe khẽ:
"Ấy đừng, con là người của Đô chỉ huy sứ!"
Tôi khựng lại, mơ hồ nhớ ra Lịch Vũ và Long Đĩnh từng nói về việc có một "nội ứng" ở trại Phù Lan, hoá ra là hắn sao? Thật không? Hay định lừa tôi cái gì? Tôi thu cuốc lại, mắt gườm gườm:
"Ngươi tìm ta có việc gì?"
"Con chỉ muốn chắc là người vẫn ổn."
"Ổn cái con khỉ khô!" - Tôi quạu, thừa biết hắn chẳng hiểu câu chửi thề kia nhưng cũng phải giải toả ra cho đỡ bực dọc. - "Thấy ai sắp bị chặt đầu thị chúng mà ổn không?"
Tên hầu im re có vẻ hối lỗi, tôi giả vờ ngọt nhạt:
"Ta nghe nói ngươi thường xuyên đưa tin về trại, ta có thể gửi nhờ một bức thư không?"
"Dạ thưa, thư chỉ gửi về định kỳ ngày mười lăm hàng tháng, trừ khi chuyện quân cấp bách."
Tôi lườm một cái cháy mặt tên nội ứng, gầm gừ:
"Sứ giả bị chém chết không phải cấp bách thì là gì? Long Kính vào thành rồi bây giờ không gửi thì bao giờ mới gửi?"
Tên người hầu gật gù cho là phải. Tôi nhanh nhảu chạy vào phòng toan nhờ La Đạc viết thư, nghĩ thế nào lại thôi. Tôi tự tay nguệch ngoạc vài đường cho là dễ hiểu nhất, dúi mẩu giấy vào tay tên nội ứng, nước mắt chứa chan:
"Trông cậy hết cả vào ngươi."
Y nhận lấy mẩu giấy, tay nắm chặt, gật đầu rồi lủi mất trong màn đêm.
Đêm đấy tôi thức trắng.
Ai có thể ngủ được khi biết rằng ngày mai mình sẽ bị chặt đầu? À thì ngoại trừ cái tên La Đạc này. Tôi quay sang lườm kẻ đang nằm ở góc phòng, vô cùng bực dọc hung hăng tiến lại đá vào chân hắn một cái. Nhẽ ra đây là giờ phút chia ngọt sẻ bùi, tâm sự trải lòng trước lúc chết chứ? Thế mà tên La Đạc ngủ say như chết. Tôi nằm thẳng cẳng, tay đặt lên ngực, hai mắt không sao nhắm được. Thành thật mà nói thì không phải do tôi lo lắng quá, chẳng qua hôm nay uống trà xanh liên tục nên đến giờ hai mắt tôi vẫn mở thao láo mà thôi.
***
Tiếng gà văng vẳng đằng xa.
Mặt trời đã mọc. Tôi trở người thức dậy, sửa soạn gọn gàng quần áo tóc tai, sẵn sàng cho một ngày thật bùng nổ.
Hôm nay tôi bị chặt đầu.
Sang giờ Tỵ binh lính đến áp giải tôi cùng La Đạc ra pháp trường. Người dân thôn Nam Ninh sắp hàng dài thật dài tiễn biệt. Tôi điểm lại từng người từng người, vỗ nhẹ vào hai bàn tay nắm chặt của người mẹ và cháu bé tôi gặp khi vừa đến Nam Ninh. Chớp mắt một cái mà đã kết thúc hai ngày cuối cùng của cuộc đời. Thấy đứa bé sắc mặt tốt hơn, đã có thể mè nheo ôm mẹ, tôi nhoẻn miệng cười, rảo bước theo quân lính.
Ít nhất lần này từ biệt trần thế tôi cũng đã từng giúp ích cho đời.
Khác biệt lớn nhất chính là tâm thế.
***
Pháp trường là khu đất rộng thênh thang không có lấy một bóng cây. Dù đương độ mùa xuân song thời tiết oi bức đến lạ kỳ. Cũng phải thôi, bao giờ tử tù chẳng bị chém đầu vào giờ Ngọ ba khắc, lúc dương khí cực thịnh. Tôi xem nhiều phim nên biết rất rõ. Nhưng cứ để đấy mà xem. Dương khí thịnh đến mấy bà đây mà hoá kiếp thành ma cũng về kiếm từng người một tính sổ.
Tôi bực dọc nhìn lên. Phía bên trên Long Cân ngồi chính giữa, bên phải còn có thêm một người nữa phục sức xa hoa không thua gì y. Dựa vào vị trí và cách ăn mặc, tôi phỏng đoán người kia chính là Trung Quốc Vương Long Kính. Xung quanh tôi và khắp cả pháp trường, quân lính đứng kín đen như thể đang chứng kiến một sự kiện gì hệ trọng lắm. Lúc sống không ai hay, lúc sắp chết được nhiều người tiễn biệt như vậy quả thực không quen. Tôi cười khổ, đây có được xem là "hạnh phúc của một tang gia" không?
Tôi quay sang nhìn La Đạc đang cùng quỳ với mình trên mặt đất, nhỏ giọng:
"Đã để anh chịu khổ cùng tôi, coi như kiếp này tôi nợ anh."
La Đạc lắc đầu:
"Là anh cứu tôi, cái mạng này là của anh."
Tôi gật đầu:
"Hẹn kiếp sau nếu có gặp lại hi vọng anh không bị con gì cắn nữa."
Lần cuối cùng trong đời, cả hai chúng tôi phì cười.
Giờ Ngọ, mặt trời lên thiên đỉnh.
Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời cuối cùng trong cuộc đời mình, hít hà căng đầy lồng ngực tất cả mùi hương của sự sống. Một ngày nắng đẹp như hôm nay mà tôi lại phải kết thúc sự sống của mình, tiếc thật.
Tên đao phủ chậm rãi tiến tới gần, vỗ thùm thụp vào ngực rồi tu rượu liên hồi. Hắn ta ngậm một ngụm lớn, hít vào một hơi sâu rồi phun lên thanh đao sáng loá. Dưới nắng ban trưa thanh đao ánh lên, lưỡi dao sắc lẹm, tôi thấy nơi cổ mình như đang nhói lên. Cái chết đã rất gần!
Vừa vặn có thêm ba người đàn ông đi tới, đánh trống theo nhịp. Tiếng trống dồn từng hồi từng hồi, lồng ngực tôi cũng căng lên, đập loạn đến mức không thở được. Phía bên kia tên đao phủ nhảy nhót theo điệu nhạc, múa đao quay cuồng. Cuối cùng hắn giậm mạnh chân trên mặt đất, thét lên một tiếng vừa lúc tiếng nhạc ngưng hẳn. Tôi biết thời khắc giã từ cuộc đời đã đến liền cúi đầu, nhắm mắt. Bỗng từ đâu vang lên tiếng động rầm rầm, tiếng vó ngựa dồn dập phía xa. Tôi choàng mở mắt, bụi bay tứ phía. Chưa đợi tôi phản ứng kịp Long Kính sửng sốt đứng dậy thét lớn:
"Mau! Có mai phục!"
"Không phải mai phục" - Long Cân vẫn ngồi ung dung trên ghế thưởng trà. Long Kính vẫn chưa hiểu ra, sắc mặt tái xanh. Long Cân bình tĩnh đặt chiếc ly xuống, chậm rãi - "Là ta ra lệnh mở cổng thành".
Quân lính ồ ạt ùa vào, ai nấy đội mũ đâu mâu(1), trên trán khắc hàng ngang ba chữ, võ bị đầy đủ. Khung cảnh bỗng chốc trở nên vô cùng hỗn loạn. Đám đao phủ và mấy người đánh trống lũ lượt bỏ chạy. Bấy giờ Long Kính suy sụp, ngồi thụp xuống ghế:
"Ngươi... đã phản bội ta? Người đâu!"
Cả trăm quân lính của Long Kính đang túc trực gần bên giương kiếm chuẩn bị ứng chiến, Long Cân lắc đầu, nói đoạn bảo:
"Không phải ta phản bội ngươi, mà là trung thành với con dân trại Phù Lan."
Lúc này tôi phát giác La Đạc bên mình đã đứng dậy từ bao giờ. Y giơ tay ra hiệu gì đó. Tôi quay người nhìn ra phía sau, cả trăm binh lính người cầm tên, người cầm nỏ đang chĩa thẳng về phía Long Kính. Long Kính như hoá điên, rút kiếm băng băng lao tới chém Long Cân. Có lẽ có nằm mơ Lê Long Kính cũng không bao giờ ngờ rằng có một ngày người anh em cùng mình dấy binh tranh quyền đoạt vị, chống lại Long Đĩnh cuối cùng quay lưng, bắt tay với kẻ thù, vây mình ngay tại thành phù Lan.
Long Kính lao tới, nhằm thẳng Long Cân mà chém. Rất nhanh tên người hầu bên cạnh Long Cân tiến lên, một đao đã khiến Long Kính đầu lìa khỏi cổ.
Cả pháp trường im lặng, một tiếng thở cũng không nghe thấy, âm thanh duy nhất là tiếng đầu của Long Kính lăn lông lốc trên nền đất. Máu bắn lên, vương vãi tứ bề. Mắt Long Kính vẫn còn mở, trừng trừng nhìn lại. Giữa lúc này một ngọn gió thổi tới, cuộn đám bụi đất bay mịt mù tứ tung. Tôi vẫn quỳ phục như thế trên nền đất, tất cả diễn ra quá nhanh, nhanh đến mức tôi vẫn không dám chắc mình có thể sống tiếp hay không.
Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Bóng người uy nghi rẽ màn đất bụi dày đặc mà tiến lại. Tôi dụi mắt mấy bận, nhìn rõ người phía bên trên có đôi vai rộng như che khuất cả ánh mặt trời. Anh ta cưỡi trên con ngựa đen tuyền, tóc búi cao, mặc giáp sắt. Khung cảnh này, con ngựa này, dáng người này... sao quen đến vậy?
Ngự Bắc Vương Lê Long Cân quỳ xuống, hô:
"Bẩm chúa thượng, phản tặc đã chết. Trại Phù Lan xin hàng!"
Toàn bộ binh lính trại Phù Lan đang có mặt tại đó cũng nhất loạt nghe chủ nhân, buông binh khí quỳ phục theo. Người của Long Kính như rắn mất đầu, ngơ ngác nhìn nhau, hồi lâu sau cũng run rẩy quy hàng.
Long Đĩnh thong dong cưỡi ngựa đến trước mặt tôi, nheo nheo đôi mắt đen u ám. Y vứt xuống đất một mẩu giấy, tôi nhìn kỹ lại thì chính là bức mật hàm tối qua. Dù giữa trưa nhưng tôi vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được sự lạnh lẽo u ám cùng khí chất át người của y, không biết phải thanh minh gì.
Long Đĩnh trầm giọng:
"Nếu không biết chữ lần sau đừng viết mật hàm."
Tôi cun cút tiến lại gần quỳ dưới chân Long Đĩnh, nhìn lại bức "mật hàm kia" bỗng chốc cảm thấy thực ra bị chặt đầu vẫn tốt hơn.
Mật hàm:
*Giải mã "mật hàm":
Cua đồng: Đam đang gặp nguy hiểm.
Dao: Sẽ bị chặt đầu.
Mặt trời: Vào sáng sớm mai.
Hình người cuối cùng: Quá rõ ràng rồi, đấy chính là cầu xin người tới giúp.
Trăm ngàn vạn lần tôi không dám tưởng tượng người nhận được bức thư này lại là Lê Long Đĩnh!
Chú thích:
(1) mũ đâu mâu: loại mũ trụ đi cùng với giáp phục.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
"Nhâm Dần, /Ứng Thiên/ năm thứ 9 /1002/, (Tống Hàm Bình năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3...
Xuống chiếu làm mấy nghìn mũ đâu mâu, ban cho sáu quân.