Mùa Xuân, tháng Hai, Hoan Châu có nạn đói to.
Kể từ khi vua Lê Đại Hành chém Bê Mi Thuê(1), đã lâu lắm Đại Cồ Việt mới có nơi xảy ra nạn đói.
Trận chiến ở sông Cùng Giang đã dẹp tan ý đồ dòm ngó bờ cõi của quân Man Cử Long, dẫu vậy người dân sinh sống ở các châu lân cận vẫn thường xuyên bị quấy phá, cướp bóc. Tháng Mười Một ngăm ngoái Hoan Châu đón bão lớn, nghe đâu có nơi nước dâng lên tận xà nhà, mùa màng mất sạch cả.
Nạn đói xảy ra, dân chúng rơi vào cảnh không nhà cửa, không lương thực, bệnh dịch hoành hành, lầm than không sao kể xiết. Long Đĩnh không chần chừ hạ chỉ xuất quốc khố, sai Lịch Vũ tức tốc ngày đêm chi viện đến Hoan Châu. Mười ngày sau toàn bộ người của Thái y ty cũng lĩnh chỉ rời Hoa Lư, theo đường thuỷ tới Hoan Châu giúp dân trị bệnh.
Tôi nằm vắt vẻo trên lưng lừa, mắt không thể mở nổi.
Chỉ có trời mới biết Hoan Châu lại xa tới thế. Tôi vốn dĩ nghĩ rất đơn giản, Hoa Lư rồi đến Ái Châu, Hoan Châu; theo bản đồ hiện đại sẽ là Ninh Bình rồi đến Thanh Hoá, Nghệ An. Nhưng tại sao không ai bổ sung kiến thức địa lý để tôi biết rằng Thanh Hoá và Nghệ An đất lại rộng tới vậy? Rộng tới mức gấp ba gấp bốn lần một châu khác. Đấy là còn chưa kể đi suốt mấy ngày đêm, hết đi thuyền rồi lại cưỡi lừa, rồi tiếp tục đi thuyền, thân thể vốn không lấy gì làm khoẻ mạnh của tôi hưởng trọn đủ combo say sóng, đau lưng, mỏi gối, tê tay... Lúc lên thuyền thì nôn thấy mật xanh mật vàng, lúc cưỡi lừa thì không rõ ai là lừa ai là chủ. Tôi nhắm nghiền mắt tưởng chừng mình sắp vĩnh biệt trần thế đến nơi, mặc cho An Tường vừa cưỡi ngựa của y vừa phải dắt dây kéo theo tôi cùng con lừa chậm chạp khốn khổ của mình.
Mất ba, bốn ngày đường chúng tôi mới tới Hoan Châu.
Trời vẫn đương mùa xuân nhưng ở đây đã bắt đầu cảm thấy oi nóng. Một phần là vì vị trí địa lý Hoan Châu có phần gần xích đạo hơn, một phần do khắp nơi đều đốt bồ kết hay lá sả để xua đi mùi tử khí. Hơi nóng bốc lên hầm hập trên mặt đất bất kể ngày đêm.
Bệnh xá của Thái y ty đã được quân lính dựng sẵn, người dân đổ về nằm la liệt. Tôi còn chưa kịp định thần, vừa đến nơi đã nhìn thấy người đông nghìn nghịt, ai nấy rách rưới, hom hem nằm vật vạ từ trên chõng tre đến dưới đất, không nhịn được mà giật giật gấu áo Tường. Tường quay sang nhìn tôi, nhỏ giọng:
"Nếu anh mệt thì có thể về nghỉ, ngày mai quay lại."
Tôi lắc đầu:
"Không cần, tôi uống chút nước cho tỉnh rồi sẽ qua phụ anh."
Tường chẳng nói chẳng rằng đi đến bên yên ngựa, tháo ra hai ống nước bằng tre, mở nút một ống đưa cho tôi. Tôi đưa lên mũi ngửi ngửi, mùi thơm thơm chua chua, thanh mát thực sự dễ chịu. Đồ ngon đến miệng không ăn sẽ bị trời phạt, tôi đón lấy rồi tu thẳng một hơi không suy nghĩ.
"Khà... "
"Có đỡ cảm giác buồn nôn không?" - Tường hỏi.
Tôi gật đầu lia lịa:
"Ngon lắm, uống vào khoẻ ngay. Sao trên đường đi anh không cho tôi sớm hơn?"
Tường nhìn tôi không trả lời. Tôi cười hề hề, bỗng chốc thấy trong mình hừng hực tinh thần đại nghĩa trị bệnh cứu đời. Bao gian truân mỏi mệt dọc đường đã bay đi hết.
Nói là vậy chứ thực chất trong lòng tôi hiểu rõ chuyến này đi đủ chuyện bộn bề, không thể để mình Tường càng đáng. Vốn dĩ phải có Giáo thụ đi cùng nhưng Trần Uy lại không may bị trật khớp cách đây mấy ngày, thành ra người nhận trọng trách không ai khác ngoài trưởng tràng Lý An Tường. Luận y học lẫn y đức, nói không ngoa ngoài Trần Uy người tôi ngưỡng mộ nhất là Tường. Thể theo quan sát của tôi mà nói, con người này hoàn toàn không có chấp niệm gì với danh vọng, càng là một người sùng đạo Phật, ăn chay trường, không có tà niệm. Nếu tính đơn giản vài năm nữa cho dù cha y - Lý Công Uẩn có lên ngôi xưng đế thì cái danh hoàng tử Đại Cồ Việt kia chỉ e rằng đến nhìn một cái Tường cũng không thèm.
***
Chúng tôi chuẩn bị vài thao tác đơn giản rồi bắt tay vào chẩn bệnh. Ở mỗi địa điểm người triều đình sẽ dừng lại bốn ngày bao gồm thời gian phát lương thực cứu đói và chữa bệnh. Có bảy điểm khắp Hoan Châu, người từ Thái y ty được phân ra luân phiên thay nhau túc trực.
Sau trận lũ, đất đai ẩm ướt là môi trường tuyệt vời cho virus, vi khuẩn phát triển. Không ngạc nhiên gì khi người bệnh ở đây lại nhiều đến vậy, hơn nữa còn có khả năng bùng thành dịch, không phải là một bệnh mà là rất nhiều bệnh.
Tôi nhìn người bệnh ngồi trước mặt mình, lòng trắng người nọ đổi sang màu đỏ tươi, sợ ánh sáng, nhiều nước mắt, dử đặc. Quay sang phía bên Tường, bên đấy cũng chẳng khá gì hơn. Người nọ hai mắt sưng to như hai quả đào, nước mắt nước mũi đầm đìa, mặt mày đỏ phừng phừng, xem chừng đã sốt cao lắm. Có lẽ chúng tôi đã đến chậm một bước. Nhìn sơ qua hàng dài người đang đứng chờ đến lượt ở kia thì dễ có đến gần phân nửa người mắt đỏ au, đục ngầu. Đau mắt đỏ tuy không nghiêm trọng tới tính mạng nhưng nếu không chữa ngay thì lòng đen sinh màng, hoàn toàn có thể bị bội nhiễm, tổn thương giác mạc, có nguy cơ mù loà vĩnh viễn. Một khi đau mắt đỏ bùng thành đại dịch thì rất khó kiểm soát.