Hoá ra là Lê Long Đĩnh.
Hoá ra là Lý Công Uẩn...
Cho dù Lịch sử không phải là thế mạnh song mấy ai ở tầm tuổi tôi có thể quên được năm ấy sự kiện kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội đã diễn ra hoành tráng tới mức nào? Bây giờ Lý Công Uẩn vẫn đang là Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, nghĩa là chỉ ít lâu nữa thôi ông ta sẽ lên nắm quyền, chấm dứt nhà Tiền Lê lập ra nhà Lý huy hoàng thịnh trị kéo dài hơn hai trăm năm.
Nhưng chắc gì tôi đã có thể chờ đến ngày Lý Công Uẩn lên ngôi? Chỉ tính riêng việc Lê Long Đĩnh được ghi chép trong lịch sử tàn bạo đến mức nào đã khiến cho tôi hoảng loạn, tự hận chính bản thân mình đã ngông nghênh ngu ngốc dây vào ổ kiến lửa. Ừ thì tôi cũng không muốn sống lắm, nhưng thế không có nghĩa là tôi muốn bị người khác tra tấn tàn bạo. Ừ thì đúng là tôi đã từng muốn tự tử, nhưng nếu Lê Long Đĩnh kia lại muốn dóc mía trên đầu tôi thì sao? Phải làm thế nào bây giờ? Có khi nào y cũng nhốt tôi vào chuống gỗ rồi thả xuống nước để giao long cắn hại? Nhưng giao long là con gì mới được?
"Đam! Đam!" - Lịch Vũ cất tiếng hỏi cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi.
Tôi cố gắng bình tĩnh lại dù hai tay và cả hai chân nữa đang thi nhau run lẩy bẩy. Tôi sượng sùng cười với Lịch Vũ:
"Không! Đam chỉ vô tình nghe tiếng tăm của ngài ấy thôi. Ha...ha...ha.... người... sẽ không xem đó là thật chứ?"
Lịch Vũ còn chưa trả lời thì bên ngoài vọng lên tiếng đàn ông vô cùng gấp gáp:
"Cấp báo!"
"Cho vào!"
Một người đàn ông bạc nửa đầu rầm rập chạy vào. Tôi nhận ra ngay, y là La Đạc, người bị rắn cắn dạo trước. Giọng nói rõ ràng vả lại tác phong nhanh nhẹn như vậy hẳn Đạc đã khoẻ hẳn rồi.
"Có chuyện gì?" - Lịch Vũ hỏi, nét vui vẻ đã biến mất hẳn, thay vào đó là sự nghiêm nghị lạnh lùng đến đáng sợ.
"Bẩm Đô chỉ huy sứ, giặc Cử Long(1) cướp phá, nay đã đến cửa biển Thần Đầu(2)."
Lịch Vũ đăm chiêu, tay gõ nhịp nhịp xuống mặt bàn. La Đạc tiếp lời:
"Còn một tin nữa."
Lịch Vũ phẩy tay ra hiệu cho Đạc nói tiếp.
"Tin từ nội ứng trại Phù Lan gửi về, trong thành xuất hiện bệnh dịch, tình hình vô cùng nguy cấp!"
"Bệnh gì?"
La Đạc lắp bắp, thở không ra hơi:
"Dạ..a thưa, là ma chẩn!"
Tôi lẩm nhẩm lại cái tên "ma chẩn" trong miệng, nghe quen quá nhỉ? Đã lâu không đụng đến thuốc thang bệnh tật nên nhất thời không nhớ ra được đây là bệnh gì. Vừa vặn Bạch Vỹ tới, truyền chỉ chúa thượng cho vời Lịch Vũ đến nghị sự. Tôi biết chắc tin báo kia cũng đã tới tai Long Đĩnh nên dù không được truyền vẫn muốn đi theo thử vận may xem sao. Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi miến như vậy để làm sao để hoá nguy thành an, vừa dẹp được giặc ở Thần Đầu vừa đối phó với người ở trại Phù Lan thì rốt cục bạo chúa Lê Long Đĩnh sẽ làm như thế nào?
Y đánh đàn!
Lúc tôi theo chân Lịch Vũ bước vào thì đại khái cảnh trước mặt là như thế này: Long Đĩnh ngồi chơi cổ cầm, trước mặt để một lư trầm, sau lưng Bạch Vỹ đang dùng quạt lông ngỗng trắng muốt phe phẩy điệu bộ vô cùng thư thái. Nhìn cảnh nhàn nhã này tôi không nhịn được mà gật gù: Giữa chiến sự căng thẳng thế này còn đàn được, bảo sao không mất nước.
Lịch Vũ thi lễ, tôi bắt trước quỳ rạp xuống theo. Lúc này Long Đĩnh ngừng tay ra hiệu cho chủ tớ chúng tôi đứng lên, ban ngồi cho Đô chỉ huy sứ.
"Trẫm vừa nhận được mật hàm, trại Càn Đà(3) đã bị hạ, nội trong hai ngày nữa Trung Quốc Vương sẽ chạy đến trại Phù Lan(4)."
"Bẩm chúa thượng, trại Phù Lan báo tin trong thành số người nhiễm ma chẩn đã quá nửa, hơn nữa Giặc Cử Long đã kéo đến cửa biển Thần Đầu."
Long Đĩnh chẳng có lấy nửa phần mảy may xao động. Khoé miệng y vẫn nhếch lên vừa như thách thức lại như hài lòng. Những ngón tay thon dài khẽ lướt trên dây đàn, gieo xuống những âm sắc vui vẻ. Long Đĩnh tiếp lời:
"Giặc Cử Long không đáng ngại. Long Kính(5) là kẻ sĩ nay vạn bất đắc dĩ phải nương nhờ Long Cân(6). Tình hình trại Phù Lan cũng chẳng phải tốt đẹp gì để đèo bồng thêm kẻ khác. Chọn người tin tưởng làm sứ giả, sáng sớm mai khởi hành đưa tận tay mật chỉ này của trẫm cho Long Cân."
Long Đĩnh đưa một phong thư đã viết sẵn cho Lịch Vũ. Tôi thương thay cho kẻ đen đủi nào sẽ bị bắt đi làm sứ giả. Đã đến nơi hang hùm miệng gấu thì chớ, ở đấy bệnh dịch còn hoành hành. Một đi chưa chắc đã có đường về.
"Cho vời La Đạc" - Lịch Vũ nói.
Nghe Lịch Vũ gọi tên La Đạc tôi càng trở nên sầu não. Tuổi còn trẻ mà đã bạc trắng đầu, vừa bị rắn cắn khỏi nay lại làm sứ giả tới trại Phù Lan. Không biết ở trong doanh trại này y đã đắc tội với ai mà để ra nông nỗi này?
La Đạc tiến vào, quỳ phục xuống đợi lệnh.
"Ngày mai lúc mặt trời mọc, hãy chuẩn bị hai con ngựa tốt, ngươi hộ tống sứ giả đến trại Phù Lan."
"Tuân lệnh!" - La Đạc hô vang rõ ràng rành mạch từng chữ.
Tôi vừa chấm dứt bài ca buồn não tiếc thương cho La Đạc thì bỗng thấy có điều gì đó không đúng lắm? Khoan đã, hình như người làm sứ giả không phải là La Đạc? Y chỉ "hộ tống" thôi ư? Não tôi tua thật chậm lại đoạn hội thoại ban nãy, bất thình lình Lịch Vũ quay lại, đoạn ấn phong thư vào tay tôi, vỗ vỗ đầy an ủi:
"Đam, ngày mai ngươi vào thành trao tận tay Ngự Bắc Vương thư này."
Hai đầu gối tôi không ai đánh bỗng dưng khuỵ xuống, khoé miệng giật giật liên hồi.
"Ai? Ai là sứ giả cơ?"
***
Thế gian kẻ may mắn nhiều vô số kể, đen đủi như tôi được mấy người?
Đáng kiếp cho tôi, yên lành không muốn lại bỗng dưng chạy đi hóng hớt làm gì? Tôi không hiểu và cũng không có cách nào hiểu được tại sao Lịch Vũ lại đẩy tôi ra đứng mũi chịu sào? Lịch Vũ đã như vậy thì thôi đi, đằng này Long Đĩnh cũng rất vui vẻ hợp tác? Tôi chỉ là một tên chăn ngựa quèn sao bỗng dưng lại nhận "trọng trách" làm sứ giả cơ chứ?
" Đô chỉ huy sứ!" - Tôi chắn ngang đường Lịch Vũ đang trở về lều, hùng hùng hổ hổ chỉ hận không đấm y được một cái thật đau - "Tại sao người bắt Đam đi làm sứ giả?"
Lịch Vũ nhìn tôi, nhướn mày:
"Ngươi không hài lòng ư?"
"Làm gì có chuyện? Ai chẳng biết Phù Lan nguy hiểm đến thế nào chứ?" - Tôi tức đến phát khóc.
Lịch Vũ nhún vai:
"Cũng hết cách. Quân lệnh như sơn, vả lại chúa thượng đã đồng ý, ngươi muốn cáo trạng hãy tìm người."
Cái gì mà tìm Lê Long Đĩnh? Tôi mà có lá gan đấy thì nói làm gì nữa? Trong trại này ai chẳng biết tôi là cái gai trong mắt chúa thượng. Phạm tội tày trời chưa chết chẳng qua đánh chó xấu mặt chủ, nể Lịch Vũ suốt bấy lâu mới tìm được cơ hội ra tay. Tôi giận quá hai chân giẫm thùm thụp trên mặt đất:
"Đô chỉ huy sứ, không phải người từng nghi ngờ Đam là nội gián sao? Đừng dễ dàng tin người như thế chứ?" - Tôi ra sức thuyết phục.
Lịch Vũ quay lại, ném cho tôi đúng 4 chữ:
"Thanh giả tự thanh(7)."
Tôi gào lên:
"Không, không hề. Đam là kẻ lưu manh bỉ ổi nhất. Người đừng tin."
Lịch Vũ đang bước đi bỗng dừng lại, đoạn dùng giọng thật trầm mà bảo:
"Nếu muốn sau này được sống yên ổn, ngươi nhất định phải tới trại Phù Lan!"
Tôi khóc không thành tiếng, đành chỉ biết ngoan ngoãn gật đầu.
Không đi thì bị chặt đầu.
Bỏ trốn vào rừng thì bị thú dữ lăm le ăn thịt.
Tới trại Phù Lan ít ra vẫn còn cơ may quay về. Thật sự là hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai(8).
***
Trời vừa tảng sáng, tôi thấp thỏm không yên ló đầu ra ngoài cửa lều.
Mây hồng tựa một lớp chăn bông khổng lồ, vây chặt đỉnh núi, sà xuống là là mặt đất hoá thành lớp sương mù dày đặc bao quanh doanh trại. Khắp cánh rừng Phù Lan như vừa bừng tỉnh sau một đêm dài mộng mị, rợn ngợp những cành cây xám ngoét bắt đầu nhú chồi xanh mơn mởn. Từ mạn rừng, đâu đâu cũng mọc ra loài hoa dại tím biếc, ngát hương. Những cánh hoa rung rinh trong gió, vươn mình đầy kiêu hãnh đón nhận sương sớm tinh khôi đầu ngày. Cả khu rừng chuếnh choáng trước vẻ e lệ của chúng, trước những bông hoa thoảng hương và cả trước tiếng chim oanh lảnh lót.
Cảnh thì đẹp nhưng trong lòng tôi vẫn không nén nổi bi thương.
Bạch Vỹ mang đến cho tôi một bộ quần áo mới, một đôi hài và một cái mũ. Cái mũ có hai cánh như chuồn chuồn, trông thì vui mắt nhưng đi qua đi lại thì vướng hết bên nọ tới bên kia. Tay áo rộng thùng thình như thể nhét hai lần Đam vào vẫn thừa một khoảng rộng. Tôi thở dài thườn thượt, sửa soạn xong bèn đi bộ ra giưa thao trường. Bấy giờ La Đạc đã chờ sẵn ở đấy, y dúi vào tay tôi dây cương của con ngựa nâu. Tôi tròn mắt lắc đầu:
"Cái gì đây?"
"Thì ngựa của anh đó!" - La Đạc tỉnh bơ.
"Trông tôi giống biết cưỡi ngựa à?" - Tôi dở khóc dở cười. Điệu bộ vừa ngu ngốc vừa đáng thương khiến cho Đạc nhảy dựng lên:
"Cái gì, anh chăn ngựa mà không biết cưỡi ngựa?" - Dứt lời thì biết mình vừa thất thố, dù gì tôi cũng từng là ân nhân cứu mạng, Đạc thu lại vẻ bỡn cợt ban đầu, tỏ ra vô cùng cung kính với tôi.
Tôi bĩu môi:
"Thế anh mặc quần áo nhưng biết cách dệt vải phỏng?"
Đạc im thin thít. Tôi mạnh miệng thế thôi nhưng cũng biết xấu hổ. Đường đường là thư đồng của Đô chỉ huy sứ mà mù chữ thì cũng thôi đi, nay chăn ngựa mấy tháng trời mà không biết cưỡi thì đúng là trò cười cho thiên hạ. Mà cười ai cơ chứ? Tôi chỉ là một tên hầu khố rách áo ôm, có cười người ta cũng cười vị Đô chỉ huy sứ chinh phạt tứ phương, lẫy lừng Đại Cồ Việt kia thôi.
Tôi khịt mũi, đưa tay quệt ngang giả bộ bất cần. Ai bảo tôi xuyên không đến một nghìn năm trước làm gì? Nếu đổi lại tới thế kỷ hai mốt tôi chắc chắn sẽ thi triển kỹ năng đạp xe một bánh, bốc đầu, drift... cực cháy còn hơn ở rạp xiếc cho mà xem.
Tôi và La Đạc khoanh tay bần thần nhìn hai con ngựa. Bài toán khó rồi đây. Nếu tôi cưỡi chung một ngựa với La Đạc thì mất hết uy nghiêm của sứ giả, vả lại nếu xui rủi bị y phát hiện ra mình là con gái thì coi như xong. Còn nếu không? Chẳng nhẽ Đạc cưỡi ngựa còn tôi đi bộ? Như thế thì tôi lại trở thành người hầu của La Đạc mất. Ừ thì đúng ở đây tôi là người hầu thật nhưng đã sang trại Phù Lan làm "sứ giả" cũng không nên để người ta khinh thường.
"Còn chưa xuất phát à?"
Lịch Vũ mặc viên lĩnh màu nâu, tay cầm bảo kiếm đi đến. Sáng sớm nào y cũng dậy rất sớm để luyện võ cho đến khi ướt đẫm mồ hôi. Lớp áo mỏng dán chặt vào những cơ bắp rắn chắc, trong lòng tôi như vừa đổ hai hàng lệ cảm thán. Đến lúc lâm nguy vẫn còn được nhìn thấy cảnh tượng đáng giá như vậy thì đúng là ông trời vẫn còn ưu ái tôi lắm. Bất chợt tôi cảm thấy thấy mũi mình có chất lỏng ấm ấm, Lịch Vũ tiến lại chạm vào nhân trung(9) tôi:
"Ngươi chảy máu rồi."
Tôi hớt hải như kẻ trộm bị bắt quả tang, mau mau chóng chóng rút từ trong túi áo ra cái khăn tay bịt lại mũi. La Đạc đứng bên cạnh nhao nhao:
"Chảy máu rồi, mau ngửa cổ lên."
Tôi phẩy tay:
"Không nên ngửa cổ, máu chảy một chút rồi sẽ tự ngưng. Nếu ngửa cổ máu sẽ chảy ngược xuống cuống họng, từ đó chạy qua lỗ thông khí và có thể gây sặc máu."
La Đạc nghe tôi huyên thuyên một hồi có vẻ chẳng hiểu gì nhưng rút ra kết luận:
"Nói được nhiều thế chắc chắn vẫn khoẻ."
Nhân lúc máu mũi vẫn đang ròng ròng tôi liền tranh thủ cơ hội, tỏ vẻ đáng thương trước mặt Lịch Vũ:
"Đô chỉ huy sứ, người xem này Đam vừa không biết cưỡi ngựa, thân thể yếu ớt như thế làm sao mà có thể hoàn thành trọng trách được?"
Lịch Vũ không thèm trả lời câu hỏi của tôi, quay đi bảo người gọi chú Túc mang đến một con lừa to nhất đàn.
"Đây, không cưỡi ngựa được thì cưỡi lừa."
Tôi coi như hết hy vọng, rõ ràng cũng chẳng chèo kéo gì thêm từ tên Lịch Vũ mặt sắt này đành thử trèo lên lưng lừa, tự mình đi lại vài vòng quanh thao trường. Đúng là lừa tính thuần, dễ điều khiển hơn chiến mã rất nhiều. Xác nhận mọi việc ổn thoả, từ trên lưng lừa tôi lễ độ cúi chào Lịch Vũ rồi quay đi, trong lòng bỗng thấy có chút thê lương.
***
La Đạc là một kẻ hướng ngoại, hiếm có khi nào trên đường mà y ngưng nói. Được cái tính tình La Đạc hoà đồng cởi mở, người đi đường cùng có tinh thần như thế tôi cũng được khích lệ ít nhiều. Tôi hỏi thăm qua gia cảnh, y kể qua, đại khái là nhiều đời theo nghiệp binh đao, bảy tuổi đã bắt đầu luyện võ bắn cung. Người tài lại có chí như vậy được trọng dụng dưới trướng Lịch Vũ cũng không lấy gì làm lạ.
La Đạc dù vui vẻ nhưng vẫn rất trọng lễ tiết. Y coi tôi là ân nhân cứu mạng, đối xử rất kính trọng. Tôi không quen lắm, chẳng qua chỉ là người qua đường tiện tay cứu giúp, chẳng ngờ La Đạc lại là con trai duy nhất ba đời độc đinh. Coi như tôi không chỉ cứu La Đạc mà còn cứu cả dòng họ La khỏi cảnh tuyệt tự.
"Ông trời có mắt, người tốt luôn gặp may mắn mà."
"Là sao cơ?" - Tôi quay sang hỏi La Đạc.
"Anh tuy có thiếu sót nhưng được Đô chỉ huy sứ rất coi trọng. Trở thành thư đồng cho ngài ấy là mơ ước của biết bao người."
"Ờ..." - Tôi hờ hững đáp. Ai mơ ước thì mau đến làm hộ đi chứ tôi sắp chết ở trại Phù Lan rồi đây này. Bỗng dưng nhớ ra chuyện quan trọng tôi quay ngoắt sang hỏi Đạc - "Chức quan Đô chỉ huy sứ có to không?"
"To! Ngài ấy thuộc hàng tam phẩm."
"Tam phẩm?" - Tôi há hốc miệng - "Còn trẻ như vậy mà đã làm đến chức tam phẩm ư?"
La Đạc thủng thẳng đáp:
"Ngài ấy có công lớn khi phò trợ chúa thượng lên ngôi. Mà anh biết trong doanh trại đồn gì không?"
"Đồn gì?" - Tôi vừa ngẫm nghĩ lời La Đạc vừa cúi xuống lấy bình nước mang theo tu một ngụm.
"Ha ha, mọi người đều bảo anh trông rất giống con gái."
Bị nói trúng tim đen tôi họ sặc sụa, nước chưa kịp nuốt vào đã phun ra thành dòng, ướt hết cả quần áo. Tôi cởi mũ trên đầu xuống, kẹp vào nách nói đoạn quay sang hỏi lại:
"Anh... nói cái gì cơ?"
"Thì bộ dạng của anh chẳng phải giống con gái lắm ư? Nếu hôm đó anh Đam không cứu tôi thì chắc mọi người vẫn còn đồn anh là nàng hầu của Đô chỉ huy sứ!"
Mặt mũi tôi nóng phừng phừng. Phim ảnh toàn là thứ lừa người, nữ giả nam đều giấu được đến tập cuối mà sao tôi chỉ vừa tập đầu đã lộ tẩy thế này?
Lấy lại bình tĩnh, tỏ ra thản thiên nhất có thể, tôi hỏi:
"Tôi cứu anh với việc là trai hay gái thì liên quan gì?"
"Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Bản lĩnh đấy của anh chúng tôi còn thua xa, nói gì đàn bà con gái."
"Cũng chỉ là chuyện thường" - Tôi thở dài. Ở thời đại này tốt nhất chẳng nên tranh luận về vấn đề trọng nam khinh nữ làm gì.
"Hôm nay anh Đam còn làm sứ giả. Nếu không phải vấn đề tuổi tác, tôi đã nhận anh làm thầy."
"Ấy chết, đừng!" - Tôi ra sức xua tay. Chẳng nhẽ tôi phải nói toẹt ra là mình bị ép, tự nguyện anh dũng gì đâu!
Tính ra việc làm "sứ giả" này cũng chỉ là hữu danh vô thực. Long Đĩnh chỉ cần một người đưa thư truyền tin đến trại Phù Lan. Tìm một người giỏi quá là không cần thiết, vừa là việc không khó khăn đến mức đấy, vừa là nếu tôi có bỏ mạng tại Phù Lan cũng chẳng thiệt hại gì.
Suy cho cùng thì thư này chắc chắn không nhằm mục đích gì ngoài chia rẽ Ngự Bắc Vương Lê Long Cân cùng Trung Quốc Vương Lê Long Kính. Thử đặt giả thiết một chút, ngay từ ngày đầu tiên tôi xuất hiện đã bị nghi ngờ là nội gián. Mang tiếng trở thành thư đồng của Lịch Vũ nhưng tôi đồ rằng đấy chưa hẳn là ý đồ tốt đẹp, rất có thể chỉ là nước thử lòng, đấu trí giữa các bên.
Giả sử rằng tôi là nội gián, sẽ có những trường hợp sau khiến cả Long Đĩnh lẫn Lịch Vũ đồng ý nước đi này:
Một, tôi là nội gián của Ngự Bắc Vương. Vậy giờ nếu tìm một người đưa thư cho y còn ai phù hợp hơn ngoài tôi nữa? Vừa thực hiện nhiệm vụ của chúa thượng, vừa đường đường chính chính quay về báo tin với người chủ đích thực của mình.
Hai, tôi là nội gián của Trung Quốc Vương. Trường hợp này thì càng không có gì phải lưu tâm. Trại Phù Lan đang một cổ hai tròng, vừa bị bao vây thiếu lương thực vừa xảy ra đại dịch, hơi đâu mà đèo bòng kẻ khác nữa? Giờ đây Trung Quốc Vương cầu cứu, thư kia nếu rơi vào tay y cũng chỉ có một mục đích duy nhất là chia rẽ hai vương đấy. Ếch nào chẳng là thịt, trong sự vụ này mèo nào cắn mỉu nào không quan trọng, quan trọng là kết quả cuối cùng.
Còn nếu tôi không phải nội gián? Tôi chỉ là một người dân bình thường? Cả Lịch Vũ lẫn Long Đĩnh đều là kẻ cẩn trọng, tôi đồ rằng đây là phép thử lòng trung thành. Nghĩ cho kỹ thì đâu phải dễ dàng cứ như thế mà bước lên vị trí thư đồng thân tín của Đô chỉ huy sứ đâu? Nhưng nếu tôi bỏ mạng ở trại Phù lan, một đi không trở lại thì sao? Tôi thở dài, chỉ biết trách mình gây chuyện với ai không gây, lại đi tìm Lê Long Đĩnh, cũng đáng kiếp cho tôi phải làm tốt thí mạng lắm.
Tôi ngồi vắt vẻo trên lưng lừa, trong lòng vừa buồn thương vừa ai oán. Xuyên không đến đây chưa biết đường về, ừ thì tôi cũng chẳng muốn sống hay tha thiết gì chuyện đấy nhưng có phải chết thế này thì nhạt nhẽo lắm không?
"Này La Đạc, Lịch Vũ không biết chuyện mấy anh đồn về tôi trong doanh trại đấy chứ?" - Tôi đột nhiên nhớ ra, quay sang hỏi.
Nét mặt La Đạc bỗng dưng rất khó coi như vừa nuốt phải một con ếch, y gãi đầu gãi tai:
"Lần trước có một đám lính lỡ lời bị Đô Chỉ Huy Sứ tình cờ đi ngang qua nghe được." - La Đạc hồi tưởng lại, vẻ mặt không mấy vui tươi. Nhìn qua có thể đoán ngay được đó là ký ức đau buồn.
"Kết quả thế nào?" - Tôi sốt sắng.
"Ngài bắt cả đám mười ngày liền sáng chạy năm vòng quanh núi, tối gánh nước cho cả trại."
Trong lòng tôi "Ôi" lên một tiếng. Tên Lịch Vũ mặt sắt, thế này không phải càng sửa càng đen sao?
Chú thích:
(1) Cử Long: tên một dân tộc Mán (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).
(2) Thần Đầu: tên cửa biển xưa (nay đã bị lấp) ở xã Thần Đầu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá; đầu thời Lê đổi gọi là Thần Phù, thời Nguyễn (1838) xã Thần Đầu nhập vào huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
(3) Toàn thư chép:
"Trung Quốc Vương, đóng ở Càn Đà huyện Mạt Liên."
Cương mục chú là huyện Tiên Lữ (CMCB1, 27b). Nay thuộc đất huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.
Ghi chú tác giả: Nay là địa bạn thuộc huyện Phù Cừ và Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên.
(4) Toàn thư chép:
"Phù Lan": Cương mục chú là tên trại, sau là xã Phù Vệ, huyện Đường Hào (CMCB1, 27a) nay thuộc tỉnh Hải Hưng.
Ghi chú tác giả: Nay là địa bạn thuộc thị xã Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
(5) Long Kính: Trung Quốc Vương - hoàng tử thứ chín con vua Lê Đại Hành.
(6) Long Cân: Ngự Bắc Vương - hoàng tử thứ sáu con vua Lê Đại Hành.
(7) thanh giả tự thanh: Người ngay thẳng, thật tâm mình thì không cần phải nghĩ bàn, không cần khuếch trương, không cần giải thích.
(8) hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai: vận đen đủi thường dội xuống cùng lúc, điều may mắn không dễ dàng đến hai lần.
(9) nhân trung: phần lõm từ dưới mũi xuống đến giữa môi trên.