Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 48: Hội đua thuyền (1)




Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

"Mùa đông, tháng 10, ngày Bính Ngọ là sinh nhật của vua, lấy tre làm một ngọn núi nhỏ, ban yến cho các quan."

Thời tiết thật biết chiều lòng người, khó có thể tìm được một ngày đông nắng đẹp như hôm nay.

Bình minh vừa lên, kinh thành Hoa Lư chìm trong nắng mai trong vắt nhẹ nhàng. Sương đã tan hết, khắp đường to ngõ nhỏ của Hoa Lư người người đổ ra xem xa giá chúa thượng. Thánh tiết là ngày lễ lớn để chung vui cùng quần thần và dân chúng khắp nơi. Voi của Long Đĩnh đi trong tiếng nhạc cùng tiếng reo hò của già trẻ gái trai. Sự nô nức lẫn niềm hân hoan chào đón thánh tiết đầu tiên của vị vua trẻ khó có thể giấu trên gương mặt của người dân khắp thành.

Voi của Long Đĩnh chậm thật chậm diễu hành trên dọc đường dẫn đến cung điện. Lúc đến nơi toàn sân rồng trước sau người đã chật như nêm, sắp hàng thẳng tăm tắp từ cổng vào đến tận cửa điện Bách Bảo Thiên Tuế. Tôi đã từng nhìn thấy cảnh thượng triều của Long Đĩnh ngày y trở về từ trận Cùng Giang nhưng so ra thì lễ Thánh tiết này vẫn hoành tráng hơn rất nhiều.

Các quan đội mũ tiến hiền(1), mặc áo cổ bẻ, tay rộng, dưới có đường lan can ngang, thắt đai da, đi hia đen, đeo túi ngư đại. Quan tam phẩm trở lên mặc áo màu tía, ngư đại thêu cá bằng chỉ vàng. Quan ngũ phẩm trở lên mặc áo màu đỏ, thất phẩm trở lên mặc áo màu lục, cửu phẩm trở lên mặc áo màu xanh, tất cả trên ngư đại đều thêu cá bằng chỉ bạc(2). Thật may mắn, chí ít hôm nay tôi cũng mặc một bộ "quần áo đẹp" đến đây. Nếu đi dự tiệc mà tuềnh toàng như mọi khi thì chắc sẽ bị đuổi từ ngoài cửa.

Long Đĩnh bước xuống, Bạch Vỹ nối gót theo sau. Tôi líu ríu đi kế tiếp Bạch Vỹ. Bỗng dưng Long Đĩnh đi chậm hơn, quay lại trầm giọng bảo:

"Đi sát ta."

Tôi với Bạch Vỹ nhìn nhau.

Thì biết là phải đi sát nhưng ai đi sát mới được?

Bạch Vỹ hất hàm ám chỉ tôi, tôi tự trỏ tay vào mặt mình nhưng cũng không dám ý kiến gì. Long Đĩnh sớm nắng chiều mưa trưa sương mù, cứ nghe lời Bạch Vỹ vẫn hơn. Tôi nhích lên một chút, Bạch Vỹ đi bên trái, tôi đi bên phải, cách Long Đĩnh đúng hai bước chân.

Đội bả lệnh(2) đứng dàn nghiêm chỉnh ở sân, âm nhạc nổi lên rước Long Đĩnh đến vị bái. Tôi đi theo đến hàng tam phẩm không quên trộm nhìn một cái. Lịch Vũ đã về tự lúc nào, trên mình vẫn còn mặc nguyên áo giáp từ chiến trường, y cũng đang nhìn tôi. Thấy người quen tôi cười tít, Lịch Vũ nhìn tôi không chớp mắt. Tôi giật mình, mặt dính nhọ nồi chăng? Đến lúc này tôi mới nhớ ra mình không chỉ đang mặc y phục của con gái mà còn đeo một chiếc khăn mỏng che mặt. Thảo nào, chắc là nhận không ra tôi rồi. Biết thân biết phận tôi đành tảng lờ, nghiêm chỉnh nối gót chúa thượng đến vị bái. "Bố vợ hờ" Hoàng Thành Nhã cùng Tuyên uỷ sứ La Lân cũng đã đến từ lúc nào. Ba chúng tôi nhìn nhau cuối cùng cúi mặt, xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Đến vị bái, Long Đĩnh bắt đầu lễ tế, lạy ba lạy, đứng dậy, đứng ngay. Hiến rượu tuần đầu, quan Chấp sự rót rượu cho chúa thượng. Tiếp đó lại đến phân hiến rồi hằng hà sa số quy chế thủ tục, đọc văn chúc, quần thần quỳ lạy, vân vân và mây mây. Cũng may thánh tiết vào mùa đông, thời tiết dễ chịu bằng không chắc nửa số quan lại ở đây sẽ lăn quay ra ngất vì say nắng mất.

Qua đến phần lễ là đến phần hội, lúc này yến tiệc được chuyển đến tổ chức ở một khu đất phẳng sát bờ sông, ngay dưới chân núi. Tôi rất quan ngại, phim ảnh đều cho thấy yến tiệc tổ chức trong cung, cùng lắm là hành cung, hà cớ gì mà nước mình lại dẫn nhau ra sông nhỉ? Thì đúng là vẫn trang hoàng lộng lẫy nhưng tôi cứ thấy lấn cấn trong lòng.

Long Đĩnh ngồi trên cao nhất rồi đến ba vị hoàng hậu hai bên, kế nữa là Sạ và cuối cùng là văn võ bá quan sắp xếp theo phẩm trật(4) từ lớn đến bé. Tôi bắt đầu nóng ruột nóng gan. Hội hè thì cứ hội hè duy chỉ có điều nếu đứng bên cạnh Long Đĩnh thế này tôi sẽ sớm trở thành bia ngắm cho tất thảy mọi người mất. Chẳng riêng gì văn võ bá quan, ngay cả mấy nàng hậu và đám cung nga cũng len lén nhìn tôi rồi xì xào bàn tán. Sạ đương nhiên nhìn liếc một cái đã nhận ra tôi. Nhân lúc này tôi dùng ánh mắt khẩn khoản cầu xin Khai Phong Vương giúp đỡ. Đợi khai tiệc xong Sạ ra hiệu gọi Bạch Vỹ lại gần, hai người thì thầm với nhau gì đó. Lúc sau Bạch Vỹ khúm núm đến tâu với Long Đĩnh:

"Bẩm chúa thượng, điện hạ..."

Bạch Vỹ còn chưa nói hết câu, Long Đĩnh không quay lại nhìn, chỉ phẩy tay:

"Nàng ra chỗ Sạ đi."

______

Chú thích:

(1) Mũ tiến hiền: Mũ bằng vải thâm thời cổ, đằng trước cao 7 tấc, đằng sau cao 3 tấc, dài 8 tấc, dùng khi tế lễ hay triều hội.

(2) Theo "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí".

Lời tác giả: Năm 1006 sau khi Lê Long Đĩnh lên ngôi đã cho đặt quan chế và triều phục giống như nhà Tống. Trang phục miêu tả trong "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" dựa trên "Tống chí".

(3) Bả lệnh: cầm lệnh.

(4) Phẩm trật: Cấp bậc của quan lại.

Ở đây chỉ có ba người bao gồm Long Đĩnh, Bạch Vỹ và tôi. Không phải "nàng" là nói họ thì chắc chắn là nói tôi rồi! Ai biết y ăn nhầm gì hay do mát trời mà bỗng dưng lại dễ tính thế nhưng cơ hội nghìn năm có một này chắc chắn không thể bỏ qua. Tôi giả bộ nhã nhặn cúi đầu lĩnh chỉ nhưng thực chất sau lớp che mặt đang cười ngoác đến tận mang tai. Được thưởng thức yến tiệc của chúa thượng thì có nằm mơ tôi cũng chưa dám nghĩ đến!