Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 23: Học lễ học nghĩa




"Bẩm Đô chỉ huy sứ, còn bao lâu nữa đến nơi ạ?" - Tôi một tay xách buồng cau một tay xách vò rượu khệ nệ chạy phía sau Lịch Vũ.

"Qua hai con phố nữa là tới." - Lịch Vũ đưa tay cầm hộ tôi vò rượu nếp cẩm thơm nức còn riêng cau thì tôi nhất định phải tự tay mang đến nhà Giáo thụ Trần Uy.

Từ trận đánh Cùng Giang tôi đã theo xa giá về kinh được hơn năm ngày, hôm nay phải qua nhà bái lạy Trần Uy. "Tôn sư trọng đạo" là truyền thống ngàn năm của người Việt. Học trò muốn nhập môn phải mang buồng cau qua lạy yết kiến thầy hai lạy. Ở chiến trường tình thế cấp bách, mọi lễ nghi thường tình đều có thể du di cho qua nhưng đã quay về thì phải tỏ lòng kính trọng, một bước cũng không thể thiếu.

Từ sáng sớm tinh mơ con nhài(1) đã đi chợ, mua về buồng cau to nhất, quả đều chắc mẩy, xanh rì, rửa sạch sẽ đặt lên khay đồng, lại thêm năm lá trầu têm cánh phượng, cài thêm vài ba bông ngọc lan trắng xinh thơm ngát. Tôi ăn mặc nghiêm chỉnh, tóc tai gọn gàng đứng trước cửa thư phòng đợi Lịch Vũ. Trước khi đi Lịch Vũ sai người đặc biệt đào thêm một vò rượu nếp cẩm hạ thổ dưới giàn thiên lý, mang đến cảm tạ Trần Uy đã cứu mạng tôi ở trận Cùng Giang.

Tôi vốn tưởng nhà của Giáo thụ - người đứng đầu Thái y ty Đại Cồ Việt phải bề thế lắm nhưng không. Từ bên ngoài nhìn vào chẳng khác là mấy so với những căn nhà tôi thấy dọc hai bên đường tới đây. Nói khiêm tốn một chút thì là kém vài phần, nếu nói thẳng thắn ra thì là không bằng một góc. Thật khó hiểu tại sao một danh y được hai đời vua trọng dụng lại lựa chọn sống cuộc đời cần kiệm thế này?

"Chí ít thì Giáo thụ cũng phải xây một cái cổng chứ" - Tôi chép miệng nhìn hai cây núc nác(2) Trần Uy trồng bên ngoài thay cổng, chỉ biết thở dài rồi theo Lịch Vũ đi vào.

Trần Uy đang dạy học cho môn đồ, người đón tôi và Lịch Vũ là cô Lê Nhạc Hà, vợ thầy. Cô Nhạc Hà là một người đáng mến, khiến người đối diện cảm thấy thoải mái dễ chịu từ lần gặp đầu tiên. Lịch Vũ ngồi thong thả thưởng trà, tôi đứng phía sau tỏ vẻ khúm núm. Dù đã tốt nghiệp đại học hai năm nhưng cảm giác lần này tới đây cùng Lịch Vũ cũng không khác khi cùng bà nội đi thăm giáo viên dịp hai mươi tháng mười một mỗi năm là bao.

Trần Uy vừa tới ngồi ở ghế chính giữa nhà. Tôi theo lời chỉ dẫn bê khay đồng đến dùng hai tay dâng lên, lạy hai lạy bái sư. Trần Uy rất tự nhiên đón lấy, đoạn bảo:

"Ta và con đã là thầy trò. Từ nay mỗi buổi sáng học chữ, buổi chiều học y. Nếu có việc gì chưa hiểu con hãy hỏi trưởng tràng."

"Trưởng tràng?" - Tôi tròn mắt.

Lịch Vũ ôn tồn:

"Trưởng tràng là người đứng đầu, chuyên việc coi sóc môn sinh."

Trần Uy mỉm cười, vuốt râu:

"Chẳng phải con rất thân với trưởng tràng đó sao?"

Tôi ngạc nhiên. Tôi á? Chính là tôi thân thiết với trưởng tràng á? Làm gì có chuyện đó nhỉ? Tôi nào biết người có vai vế kia là ai đâu?

"Bẩm Giáo thụ, cây hoàng bá nam đã đến mùa thay vỏ. Xin thầy cho phép đem vỏ hai cây trước nhà phơi khô."

Trần Uy tỏ vẻ hài lòng, chỉ tay tôi bảo:

"Trò theo trưởng tràng đi bóc vỏ hoàng bá nam đi."

Tôi nhìn theo hướng Trần Uy, quay ra cửa. Vốn tưởng là ai xa lạ hoá ra là Lý An Tường. Tôi đứng dậy bái chào, để Lịch Vũ và Trần Uy ở lại nói chuyện với nhau rồi theo Tường đi ra cổng. Nếu ai khác làm trưởng tràng thì còn e sợ nhưng với một người lành tính như Tường, không có gì khiến tôi ái ngại cả.

Hoàng bá nam vốn là tên khác của cây núc nác. Thuốc từ vỏ cây có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống dị ứng và làm giảm tính thấm của các màng mao mạch. Núc nác là loài cây chỉ mọc hoang ở các vùng núi hiểm trở, để trồng được hai cây cao lớn cỡ này trước cổng đoán chừng Trần Uy tốn không ít công sức chăm bón.

"Đã thuộc hết mặt chữ rồi chứ?" - Tường vừa dùng đầu dao cùn cẩn thận tách một miếng vỏ cây vừa hỏi tôi.

Tôi nhe hàm răng, nhăn nhăn nhở nhở tỏ vẻ hiểu biết:

"Sắp rồi."

Tôi mà thuộc được mấy chữ đấy mới là lạ! Vốn tư chất của tôi cũng không đến nỗi tồi, học hành coi như là tạm ổn nhưng kể từ khi điều trị trầm cảm, khả năng tập trung và trí nhớ của tôi suy giảm nhiều. Việc học thuộc mặt chữ nhiều nét tới vậy với tôi mà nói khó ngang bắc thang lên trời. Thấy điệu bộ đáng ngờ của tôi, Tường dùng mũi dao vạch lên đất một chữ, hỏi:

"Đây là chữ gì?" (人)

Tưởng gì khó khăn chứ chữ này thì tôi biết.

"Chữ nhân." - Tôi dương dương tự đắc. Gì thì gì hồi còn đi học tôi vẫn thường học đòi để viết tắt thay cho chữ "người". Thật là mèo mù vớ cá rán.

Tường phủi phủi đất, viết lại một chữ khác.

"Vậy chữ này là gì?" (仁)

Tôi suy suy nghĩ nghĩ một chút. Chữ đầu tiên cũng là chữ nhân, mà là chữ nhân đứng, cũng mang nghĩa là người. Vậy nếu chữ nhân mà thêm hai gạch bên cạnh, suy luận theo quy tắc đếm số thì sẽ là...

"Hai người phải không?" - Tôi trả lời vô cùng rành rọt, toe toét nhìn An Tường.

Bỗng chốc tôi thấy mặt Tường hơi biến sắc, ykhông đáp lời. Vừa lúc Lịch Vũ đi tới, hỏi:

"Đang học chữ gì vậy?"

"Chữ nhân ạ." - Tôi nhanh nhảu.

An Tường tiện tay viết thêm mấy chữ bên cạnh chữ ban đầu, ghép lại thành 仁人君子, bảo tôi:

"Chữ nhân đứng cũng có nghĩa là người, 仁 ở đây là thương người, là thiện lương chứ không phải nghĩa là hai người".

Tường nói đến đây, tôi lấy tay che mặt vì xấu hổ. Y tiếp lời, đọc mấy chữ vừa viết:

"Giả như Giáo thụ, ta có thể nói thầy là Nhân nhân quân tử - bậc quân tử nhân đức."

Tôi cười hề hề:

"Vậy tôi thì sao?"

Tường lại phủi phủi đất, sửa chữ ban đầu thành 仁民愛物. Tôi tròn mắt không hiểu. Bên cạnh Lịch Vũ và Trần Uy bật cười thành tiếng. Biết là có gì khuất tất, tôi nhìn Tường bĩu môi:

"Lại nói xấu gì tôi đúng không?"

Tường tỏ ra hoàn toàn vô hại, bảo:

"Đây là điều ta tự răn dạy bản thân mình khi dạy chữ cho anh."

"Là gì ạ?" - Tôi ngước nhìn Lịch Vũ bằng vẻ mặt không thể nào tội nghiệp hơn.

"仁民愛物 là nhân dân ái vật, nghĩa là thương dân yêu vật."

Mặt tôi ngắn tũn. Có phải Tường kia vừa cạnh khoé tôi là "vật" phải không?

Được rồi! Đợi ngày Đam tôi thành tài sẽ quay lại cho Lý An Tường anh biết thế nào là nếm mùi đau khổ!

_____

Chú thích:

(1) Con nhài: Đầy tớ gái nuôi để hầu hạ phụ nữ trong những gia đình giàu có.

(2) Cây núc nác (hoàng bá nam): Cây cao 7 – 10 mét, thân nhẵn ít phân nhánh, có nhiều sẹo lá, vỏ màu xám, bẻ ra có màu vàng.