Không ngoài dự đoán, nội trong năm ngày kể từ khi tôi đến đã có tới ba cuộc tấn công nhỏ lẻ khác nhau. Nhìn chung thương vong hai bên không đáng kể song duy trì ở đây lâu cũng không phải là cách. Nhuệ khí của binh lính sẽ bị giặc làm cho mai một, chưa kể Long Đĩnh dùng dằng chỉ thủ mà không có công hay thân chinh ra trận đều muôn phần bất lợi. Y chỉ vừa trở về từ cửa tử nay đã vội vàng cầm quân e rằng khó lòng đảm bảo được tính mạng.
Ái Châu mùa xuân lúc trời nồm ẩm, mặt đất lúc nào cũng ướt nhẹp. Cử Long càng muôn phần âm u, cây cối san sát phải đến chừng quá Ngọ mới có thể thấy ánh mặt trời le lói. Dù ngày hay đêm mây mù dày đặc, lính đi tuần về ai nấy bị vắt bám đầy thân, phủi xong cũng toe toét máu tươi. Ngay cả chỗ Long Đĩnh nằm mỗi ngày tôi cũng phải cẩn thận đề phòng bọ rệp, một ngày lau dọn không dưới bốn lần.
Cũng không rõ kế sách tiếp theo của Long Đĩnh là gì nhưng tôi lờ mờ đoán được đám giặc Man kia hẳn phải có một thế lực rất lớn nào đó đứng phía sau. Binh lính Đại Cồ Việt bấy giờ theo chính sách "Ngụ binh ư nông", nghĩa là được phép lao động sản xuất, khi nào có việc thì gọi ra. Ưu điểm rất lớn của chính sách này là không cần phải nuôi quân, giảm gánh nặng kinh tế và có số lượng binh lính nhiều từ khắp các nơi. Tuy nhiên nhược điểm cũng từ đây mà ra, binh lính sẽ có ít thời gian đào tạo chính quy hơn. Trong khi đó theo nguồn tin từ La Đạc thì các thế gia ai nấy đều có vô số tư binh được đào tạo tinh nhuệ. Dựa trên luật pháp số tư binh bị triều đình giới hạn song họ thường khai man thành "gia nô" nhằm lách luật, nuôi đến cả ngàn binh trong nhà. Đương nhiên nuôi binh lính để bảo vệ cho an nguy của chính mình hoặc phục vụ ý đồ riêng không đời nào thế gia lại cấp vũ khí rởm hay bỏ đói. Quân Man Cử Long kia tuy không phải tư binh thế gia nào nhưng cũng khó nói có phải là con rối bị giật dây hay không. Chỉ cần nhìn vào số vũ khí chúng mang theo thì ngay cả một kẻ ngu ngơ như tôi cũng có thể đoán được, đừng nói đến những người dạn dày như Long Đĩnh hay Lịch Vũ.
Đáng quan ngại rằng quân triều đình suốt thời gian qua chủ yếu chinh chiến đồng bằng, liên tục tham gia từ nội chiến giành ngôi đến trại Càn Đà, Phù Lan, Phong Châu nay lại là Cử Long, chỉ e thời gian phục hồi sức khoẻ còn không có thì lấy đâu ra tập luyện với địa hình phức tạp như vậy. Quân Man thoắt ẩn thoắt hiện, ai nấy khoẻ như vâm, võ bị đầy đủ. Tình hình trước mắt khó lòng mà đoán được.
Sẩm tối ngày thứ bảy, quân doanh bị đốt.
Lúc này Long Đĩnh vừa dùng thiện xong còn đang nghỉ ngơi, tôi xin phép sang lều Giáo thụ phụ Trần Uy rửa tam thất thì thấy cả vùng bỗng dưng sáng rực, hoả tiễn bay rợp trời. Dù ngắm bắn từ khoảng cách khá xa song cũng có đến mười mấy lều bén lửa cháy rụi. Bên ngoài trại vị vây thành vòng tròn lửa, mùi dầu thông nồng đến nỗi tưởng như tất cả mao mạch trong mũi đồng thời giãn ra, bức bối vô cùng. Khói xám phủ kín quân doanh, hai mắt cay xè đến độ không cách nào mở ra nổi. Nếu tiếp tục tình hình này chỉ e chẳng mấy chốc toàn doanh trại sẽ bị thiêu rụi.
Trần Uy căng thẳng gọi Lý An Tường cùng các môn đồ khác mau mau chuẩn bị giường bệnh. Ông nhúng một cái khăn vào chậu nước sạch ngay bên cạnh rồi đưa cho tôi. Đương lúc nguy cấp nhẽ ra tôi phải ở lại giúp song chợt nhớ đến vị yếu nhân(1) kia còn ở trong lều chẳng biết đã ngủ hay còn thức nên đành tất tả chạy về. Vừa hay ra đến cửa thì gặp Long Đĩnh cùng Lịch Vũ đang chỉ đạo quân lính đốt ngược từ trong ra. Sợ đứng gần vướng víu tay chân tôi mau chóng lủi tới lều quân y, hớt hải bẩm với Trần Uy:
"Thưa Giáo thụ, ngoài kia chúa thượng đang tự đốt trại của ta."
Trần Uy gật đầu:
"Lửa từ trong cháy ra, lửa từ ngoài cháy vào, hai lửa gặp nhau ắt sẽ tắt." - Tới đây ông ngưng lại, đi về phía sau lấy cho chúng tôi mỗi người một cái gậy gỗ - "Hành nghề y cốt để cứu người không được giết người. Chẳng may quân địch có thể phá vỡ phòng tuyến mà xông vào hãy tự bảo vệ bản thân."
Tôi nhìn cái gậy gỗ rồi nhìn đám thư sinh quanh mình chỉ biết cười khổ. Không biết Trần Uy thực sự nghi ngờ y đức của tôi hay có ý gì mà nhân lúc tất cả mọi người quay đi ông còn cẩn thận cho tôi thêm một túi bột trắng và một con dao nhỏ.
"Bột trắng ném vào mắt, dao kia dùng cuối cùng."
Tôi quẫn trí lẩm nhẩm:
"Dao kia ném vào mắt, bột trắng dùng cuối cùng. Dao kia ném vào mắt, bột trắng dùng cuối cùng."
***
Độ chưa cháy hết một nén hương thì lửa hai bên gặp nhau đã tắt ngúm, chỉ còn vài vạt khói nhờ nhờ bốc lên từ phía xa. Quân triều đình khắc chế được thế vây hãm trước mắt liền đột phá vòng vây lao ra nghênh chiến. Tiếng gươm đao chan chát, tiếng người thét vang cả vùng.
Chưa bao giờ, chưa bao giờ trong đời tôi lại gần chiến trận, gần cái chết đến như vậy.
Binh lính đầu tiên được đưa về hoàn toàn cụt mất một chi, gần như không còn tỉnh táo. Tôi chạy lại gần, ra hiệu để thương binh nằm xuống. Vết thương ở chi bị chảy máu ồ ạt, chi bị cắt cụt tự nhiên, tổn thương động mạch máu chảy thành tia. Muốn cứu người này phải cầm máu trước rồi mới tính tiếp được.
Một bên ống quần của anh ta bị tôi dùng kéo cắt sạch ra, máu thấm ướt cả hai bàn tay. Tôi xem qua tình trạng vết thương, một vết cắt vô cùng ngọt, cắt cụt hoàn toàn phần chân từ đầu gối trở xuống. Tôi ấn động mạch phía trên vết thương rồi lót vải cách vết cắt bốn phân về phía bên trên. Dây ga rô đặt xong thì vừa xoắn vừa theo dõi mạch máu phía dưới chỗ bị thương. Mạch dần dần ngừng đập, máu chảy ít hơn rồi chỉ còn nhỏ giọt tôi mới dám thở phào. Vết thương ngay lập tức được băng ép lại. Lúc này tôi mới có can đảm để đối diện với thương binh kia. Dù vết thương kinh khủng là vậy nhưng từ đầu đến cuối một tiếng kêu la cũng không có, thương binh đấy chỉ nghiến chặt răng đến mức không nhìn rõ mặt mũi, chỉ cơ hồ thấy những đường gân hằn lên. Người anh dũng đến vậy khiến tôi đặc biệt nể phục, đi đến bên cạnh khẽ chạm nhẹ vào vai:
"Anh tên gì vậy?"
"Trần... Thạch." - Thương binh thều thào, mãi mới nói đủ tên mình.
"Anh nghỉ ngơi một chút, thuốc sắc xong sẽ mang đến ngay. Chúng tôi ở ngay đây, nếu anh đau quá hãy gọi nhé!" - Tôi cười nhẹ trấn an.
Trần Thạch gật đầu, mắt nhắm hờ. Tôi đọc cho người giữ sổ theo dõi quân y ghi chép:
"Trần Thạch, cụt chi trái, Giờ Tuất 4 khắc ngày Đinh Dậu."
Trong lúc đợi ghi chép tôi cột một mảnh vải màu xanh vào cánh tay y làm dấu. Ga rô cần nới lỏng nửa canh giờ một lần, không thể để quá lâu sẽ hoại tử. Mảnh vải xanh để các quân y có thể dễ dàng nhận ra để tránh nhầm lẫn với các thương binh khác.
Tôi đưa mắt nhìn xung quanh thì quân y ai nấy đều tất bật. Có những người máu bắn lên khắp mặt còn chẳng đủ thời gian lau rửa. Bên cạnh giường bệnh của tôi Lý An Tường đang vô cùng kiên nhẫn nẹp phần xương gãy cho một thương binh trẻ măng độ chỉ vừa mười tám, mười chín tuổi. Tôi hít một hơi sâu chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đón thương binh tiếp theo. Ngoài trời vẫn khói lửa mịt mù, tiếng gươm đao không dứt. Bầu trời Cử Long u ám nặng nề, tối đen như những ngày Đại Việt chìm trong chiến sự.
*Cử Long ngày thứ tám.
Mặt trời chầm chậm hiện lên từ phía đằng Đông, một ngày quang đãng hiếm hoi để có thể nhìn thấy ánh nắng nơi Cử Long này. Bên ngoài doanh trại bị thiêu cháy rụi, lửa đã tắt hẳn song vài nơi khói vẫn còn nghi ngút bốc lên. Mặt đất phủ đầy giáo mác, mũi tên vứt chỏng chơ. Nếu đi không khéo người ta còn dễ dàng vấp phải một đoạn chi người bị cắt cụt. Trên những vòm lát hoa xanh sậm, nếu để ý kỹ có thể thấy những con quạ đậu sẵn khấp khởi chực mồi. Lúc này trận chiến đã tan, thương binh đã vãn, quân y cũng chỉ còn sơ cứu cho vài ba người hoặc trật khớp hoặc bong gân. Tôi lững thững đi ra phía bên ngoài thì bắt gặp lính triều đình đang áp giải một tốp quân Man bị bắt làm tù binh. Tôi lùi lại một bước tránh đường. Những người kia ai nấy cao to như đô vật, râu ria xồm xoàm, nước da ngăm ngăm, dưới chân họ xích sắt to bằng cổ tay, gông cùm rất chặt.
"Đi đâu sáng sớm thế này?" - Có tiếng người hỏi, tôi ngẩng đầu lên trông thì hoá ra là La Đạc.
"Vừa từ chỗ kia về." - Tôi cười khổ trỏ về hướng lều quân y. - "Anh không sao chứ?"
La Đạc giơ lên bàn tay băng bó qua loa:
"Binh lính lấy đau chết làm phận sự huống hồ đây chỉ là vết trầy nhẹ thôi."
Tôi thừa biết làm gì có chuyện vết trầy xước nhẹ lại có máu thấm ra từng đấy, chỉ có điều Đạc không muốn nói tôi cũng không tiện hỏi nên đành vỗ vai y:
"Khi nào có thời gian qua lều nhỏ tìm tôi, giúp anh xử lý. Đang đi đâu thế này?"
Đạc gật đầu đại:
"Đi thử nước cái đã."
Tôi biết không nên nấn ná lâu liền mau miệng chào rồi chạy biến về lều chúa thượng.
"Chúa thượng! Đam về rồi."
Long Đĩnh vốn đang cởi áo nghe thấy tiếng gọi của tôi bỗng vội vàng mặc lại. Tôi nhìn qua lớp áo mỏng thấy máu lẫn dịch vàng chảy ra ướt thẫm.
"Chúa thượng, sao thế này? Người để Đam."
Đương nhiên Lê Long Đĩnh rất không cam tâm nhưng vết thương ở lưng cũng chẳng thể tự xử trí nên đành phó mặc cho tôi. Vết thương chỉ vừa khô miệng nay đã nứt toác ra, máu lẫn huyết tương bê bết dính chặt vào áo. Phải mất một lúc lâu tôi mới có thể giúp Long Đĩnh nhẹ nhàng tách lớp vải ra khỏi rồi rửa vết thương, đắp thuốc mới rồi cẩn thận băng bó lại, đổi một bộ quần áo mới cho y.
Việc vừa đâu vào đó thì có tiếng chân người ngoài cửa rất vội, là Lịch Vũ xin yết kiến. Hai người bàn bạc gì đó nhưng tôi đứng ngoài lúi húi lau chùi nên câu được câu mất. Chợt La Đạc hớt hải tìm đến diệu bộ đã chẳng còn thong thả như vừa gặp tôi khi nãy:
"Bẩm chúa thượng, bẩm Đô chỉ huy sứ, tù binh đi thử nước đã chết rồi!"
Doanh trại chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên, sẵn sông suối để làm nguồn nước chính sinh hoạt, số giếng đào thêm không đáng kể. Vì vậy mỗi ngày hai lần đều có tử tù được dẫn đi "thử nước" dọc con sông. Chẳng ngờ nay lại có chuyện bất trắc kia, hẳn là quân Man đã nóng lòng lắm rồi.
"Là bị độc chết sao?" - Long Đĩnh dùng giọng bình bình hỏi lại.
"Dạ bẩm, là bị độc chết. Quân y đã kiểm tra."
"Nguồn nước trong các giếng thế nào?" - Lịch Vũ hỏi thêm.
"Trước mắt vẫn có thể dùng được."
Tôi trộm thở phào nhẹ nhõm nhưng lòng vẫn nơm nớp lo sợ. Tới mức này chẳng biết đám Man Cử Long kia còn muốn bày thêm trò gì nữa. Trái ngược với tôi Long Đĩnh có vẻ như rất bình thản. Y miết tay lên miệng ly trà rồi bất ngờ đẩy mạnh, nước trà tràn xuống lênh láng cả mặt bàn.
"Thu quân, theo hướng Cùng Giang(2) đi ngược về Hoa Lư!"
_______
Chú thích:
(1) yếu nhân: Người giữ chức vụ quan trọng của quốc gia. (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)
(2) Cùng Giang: con sông ở vùng mường Cử Long huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Cương mục chép là "Duyên Giang" nghĩa là đi dọc theo sông (bản dịch cũ theo ý đó) [Theo Đại Việt Sử ký Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 1 - Trang 73]