Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 157: Thuyết bàn tay vô hình (3)




Tường gật đầu xác nhận, tôi kinh ngạc. Ở thế kỷ 21, việc giao thương giữa các quốc gia là vô cùng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Chẳng nói đâu xa, Trung Hoa cường thịnh cũng nhờ một phần "Con đường Tơ lụa" mà thành. Vậy nhưng trong lịch sử Việt Nam không phải lúc nào việc trao đổi mua bán lân bang cũng được chú trọng. Ấy thế mà Đại Cồ Việt mới chấm dứt chiến tranh với nhà Tống được bao lâu, xét về mặt chính trị thì vô cùng nhạy cảm, chưa kể theo tôi được biết đến tận nhà Nguyễn vẫn còn có những thời kỳ nước ta "bế quan toả cảng"(12). Tính đến nay chỉ mới là năm 1009, cùng với nền văn minh lúa nước lâu đời, chủ yếu người dân tự cung tự cấp hoặc trao đổi trong khu vực làng - xã, bỗng dưng biên giới mở cửa, giao thương sang tận nhà Tống thì quả thật là một bước tiến lớn.

Thấy tôi mải nhìn hết lượt này đến lượt nọ hàng hoá chất lên xe, Tường nói thêm:

"Vốn là lần đi sứ này Chúa thượng muốn ngài Chưởng thư ký xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu nhưng cuối cùng chỉ được mua bán ở chợ tại Liêm Châu và trấn Như Hồng."

Tôi gật gù:

"Thế đã là tốt lắm rồi, tốt lắm rồi... Nhưng người ta bán gì sang Thiên triều vậy?" - Tôi vắt óc nghĩ không ra. Nếu dựa trên mức độ phát triển kinh tế thì e rằng mở cửa giao thương nước ta chỉ có thể nhập siêu(13).

"Các loại thổ sản như cánh kiến, tê, ngà voi, lệ chi, dược liệu,..." - Tường ôn tồn giảng giải.

Chúng tôi đi song song cạnh nhau. Tôi nín thinh không hỏi thêm câu nào nữa.

Chỉ qua hai năm xa cách, không ngờ rằng Hoa Lư thay đổi nhiều đến vậy.

Trong các môn về Kinh tế học tôi từng học ở trường, có lý thuyết "Bàn tay vô hình"(14) của Adam Smith, đại ý kết luận rằng: "Sự giàu có của mỗi quốc gia đạt được không phải do những quy định chặt chẽ của nhà nước, mà bởi tự do kinh doanh".

Tôi tin rằng sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, những ngày tháng chiến tranh liên miên không dứt, nền kinh tế của Đại Cồ Việt suy kiệt nặng nề, hoặc, cũng có thể là chưa tốt bao giờ. Nếu cứ để mọi việc tiếp tục theo hướng "bàn tay vô hình" thì sau một thời gian dài, kinh tế sẽ hồi phục về mức ban đầu: nghĩa là không tốt hơn, cũng chẳng xấu hơn. Với Lê Long Đĩnh, một mặt vẫn để người dân tự do buôn bán, mặt khác cố gắng thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Xét về khía cạnh kinh tế, đây quả là một bước tiến đáng ghi nhận.

Với nhiều người, những việc chàng làm là "vô hình".

Với tôi, nó luôn hiện hữu.

Dù chẳng còn sớm tối sống nơi kinh kỳ song từ Na Sơn cách trở ngày nào tôi cũng tìm mọi cách để nghe ngóng chuyện từ Hoa Lư. Tôi thường xuống bến đò đi dạo, hoặc trò chuyện với người bán thuốc từ xa trở về, hoặc dăm ba câu hỏi thăm với những người bệnh ghé lại, cốt chỉ để biết được vài điều về Long Đĩnh. Chàng bình định giang san thế nào? Chàng giúp lê dân bách tính thêm phần yên ấm ra sao? Thảng hoặc, nếu có cơ may, tôi muốn biết được những ngày qua liệu rằng chàng sống có tốt không?

________

Chú thích:

(1) cửu trùng: chín tầng trời cao; dùng để chỉ nơi vua ở hoặc để gọi nhà vua với ý tôn kính.

(2) biếm: giáng chức

(3) Đinh Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 14 [1007], (Vua vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 4). Mùa xuân, sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàn Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng. (Đại Việt sử ký toàn thư)

(4) "Năm thứ 4 (1007) Long Đĩnh xưng là quyền Lưu hậu quân Tĩnh Hải An Nam, sai em là Thứ sử Phong Châu Minh Sưởng, phó sứ Chưởng thư ký Điện trung thừa Hoàng Thành Nhã qua cống... Ban chiếu phong Long Đĩnh là Đặc tiến Kiểm hiệu Thái úy sung Tiết độ sứ Quan sát xử trị sứ quân Tĩnh Hải, An Nam Đô hộ kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, vẫn phong Giao Chỉ quận vương, thực ấp ba ngàn hộ, thực phong một ngàn hộ, ban hiệu là Suy thành Thuận hóa công thần, vẫn ban tên là Chí Trung, cấp cho cờ tiết. Lại truy tặng Hoàn là Trung thư lệnh, Nam Việt vương". (Tống sử)

(5) "Tháng 9, [nhà Tống] đúc ấn "Giao Chỉ Quận Vương", sai Quảng Nam chuyển vận sứ đem sang ban." (Đại Việt sử ký toàn thư)

(6) Năm Đại Trung Tường Phù thứ 1 (1008) thiên thư giáng xuống, gia hiệu Dực tải công thần, thực ấp bảy ngàn hộ, thực phong ba trăm hộ. Làm lễ phong thiện ở phía đông xong, gia phong Chí Trung hàm Đồng Bình chương sự, thực ấp một ngàn hộ, thực phong bốn trăm hộ. (Tống sử)

(7) "Kỷ Dậu, /Cảnh Thụy/ năm thứ 2 /1009/,... Sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần. Vua Tống cho rằng tê ngưu từ xa đến, không hợp thủy thổ muốn trả lại, nhưng sợ trái ý vua, sai đợi cho sứ nước ta [29b] về rồi thả ra biển. Vua lại xin áo giáo mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng lòng cho. Vua lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi." (Đại Việt sử ký toàn thư)

(8) "Đinh Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 14 [1007],... Mùa thu, tháng 8, nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương, lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và cho tên là Chí Trung." (Đại Việt sử ký toàn thư)

(9) Sách "Tôn tử".

(10) Liêm Châu: "Tên châu thời Đường - Tống, nay là đất tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc." (Đại Việt sử ký toàn thư)

(11) Con đường Tơ lụa: Con đường thương mại lịch sử nối liền Châu Á với Châu Âu.

(12) bế quan toả cảng: (chính sách) đóng các cửa ải và cửa biển, không giao dịch với nước ngoài.

(13) nhập siêu: tình trạng kim ngạch nhập khẩu lớn hơn kim ngạch xuất khẩu trong cán cân thương mại của một nước.

(14) Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Ai cũng muốn thế cho nên vô hình chung đã thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng.