Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 153: Hoạ vô đơn chí (3)




Lần trở lại này là do bất đắc dĩ, đương nhiên việc tham dự Nguyên Tiêu nằm ngoài dự toán của tôi. Từ sáng sớm Thanh Đình đã sai người mang tới cho tôi mượn mấy bộ y phục, còn cẩn thận thêm cả một hộp đầy đủ trang sức, kim ngân châu báu. Dẫu vậy tôi chỉ dám nhận tấm lòng, mấy năm nay tôi quen nếp sống đạm bạc, chọn lấy một bộ y phục đơn giản nhất, bảo Dạ ra ngoài tìm hái một nhành hoa tươi vấn tóc, tuyệt nhiên không dám đụng đến những thứ đồ quý giá kia.

So ra thì tết Nguyên Tiêu và tết Trung Thu ở thời điểm này cũng có nhiều điểm tương đồng, ngoại trừ lần này có thêm màn thả đèn hoa đăng và pháo hoa nữa. Như thường lệ vị trí cao nhất được sắp xếp là của Long Đĩnh, dần xuống phía dưới là thân vương quan lại, những vị đứng đầu thế gia đều tề tựu đông đủ, quây quần tại điện Càn Nguyên. Đương nhiên tiệc này là nơi hội họp của nhiều thân vương, quan lại nên tôi biết rõ để lộ mặt mình cùng lúc với Thanh Đình chỉ thêm phần rắc rối. Biết vậy Sạ cũng gửi đến cho tôi một chiếc khăn lụa thêm hoa ngọc lan bằng chỉ bạc che mặt. Thanh Đình đứng phía đối diện tôi, cạnh một người đàn ông râu rậm cỡ tứ tuần. Nàng thấy tôi nhìn liền gật đầu cười mỉm. Tôi cúi xuống hỏi Sạ:

"Kia là..."

"Kiều Hành Hiến - Thay mặt họ Kiều ở Phong Châu."

"Kiều Hành Hiến. Kiều? Kiều Thanh Đình? Họ Kiều... Họ Kiều..." - Tôi lẩm nhẩm.

Dường như đoán được bộ não nhỏ bé của tôi không đủ khả năng lưu trữ những thông tin kia, Sạ ôn tồn giảng giải thêm:

"Họ Kiều. Kiều Công Tiễn."

Tôi "À" lên một tiếng khi được Sạ "khai sáng". Nhưng khoan đã, chẳng phải Kiều Công Tiễn năm xưa giết Dương Đình Nghệ, tự xưng Tiết độ sứ rồi lại cầu cứu Nam Hán, cuối cùng chết trước khi đại bại trên sông Bạch Đằng hay sao? Tính ra với chừng đấy chuyện thì khó lòng để Kiều Hành Hiến có thể góp mặt ở tết Nguyên Tiêu này được. Nghĩ kỹ lại thì có thể Kiều Hành Hiến là đời sau của Kiều Công Hãn - cháu nội của Kiều Công Tiễn. Kiều Công Hãn không theo phe ông mình, cuối cùng trở thành một trong 12 sứ quân.

"Bẩm Điện hạ, phải chăng họ Kiều này là hậu duệ của Kiều Công Hãn?"

Sạ không đáp, chỉ gật đầu.

Tôi thầm suy đoán trong lòng: Loạn sứ quân năm đấy đã bị Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan song nếu là một trong 20 gia tộc lớn nhất Đại Cồ việt góp mặt ở tết Nguyên Tiêu này thì hẳn thế lực họ Kiều không mất đi mà chỉ suy yếu phần nào. Nay Long Đĩnh cho tề tựu đông đủ các gia tộc lại với nhau, chẳng biết y có mưu tính gì? Cứ cho rằng hoàng tộc là thế gia lớn nhất, muốn giao hảo với các thế lực khác thì tôi còn có thể hiểu được nhưng Nguyên Tiêu này "Tam giáo đồng nguyên(1)", tề tựu đủ cả Phật giáo, Đạo Giáo, Nho giáo ở đây, không chỉ tôi mà hẳn là tất thảy mọi người đang thay nhau đồn đoán.

(1) Tam giáo đồng nguyên: sự dung hợp nhuần nhuyễn giữa 3 tôn giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo.

Tôi với Sạ ở lại điện Càn Nguyên một chốc thì bắt đầu đâm ra chán nản, ngó nghiêng tìm thú vui đùa. Ca vũ xem mãi cũng nhàm, rượu thì Sạ chưa tới tuổi uống, trò chuyện với các bậc "bô lão" lại càng chẳng đến lượt chúng tôi. Để đứa trẻ mười tuổi và một người vô tri như tôi ngồi cùng các bậc phụ lão quả thực có hơi quá sức.

Giữa giờ Tuất thì cung nga bắt đầu thắp sáng đèn hoa đăng. Sạ mừng rỡ xin lui, tôi cũng lỉnh luôn khỏi điện, vừa đi ra đến cửa đã thấy Thanh Đình nối gót theo sau. Chẳng ai nói với ai câu nào, ba chúng tôi dắt tay nhau đi thẳng về phía hồ. Về căn bản nếu tôi đứng cạnh Thanh Đình lại còn mặc trang phục của nàng ấy thì người thường không thể phân biệt ai với ai. Đó cũng là lý do mà trong suốt buổi tiệc tôi đành đeo một chiếc khăn mỏng che mặt, tránh trở thành tâm điểm để người ta dị nghị. Chờ mãi cuối cùng cũng đến lúc vừa được tháo khăn che lại thoải mái chơi đùa, tha hồ tận hưởng Nguyên Tiêu, quả thực không thể đợi lâu hơn được nữa.

Sạ đi tới bên hồ, dạo một vòng, chọn chiếc đèn hoa đăng phủ giấy đỏ, lại lấy thêm cho tôi và Thanh Đình mỗi người một cái. Thằng bé hoan hỉ thả xuống chiếc đèn đầu tiên, ra sức vẩy nước để hoa đăng trôi ra xa, vỗ tay đôm đốp:

"Đẹp quá! Ta muốn ra giữa hồ thả đèn."

Sạ miệng nói tay đã nhanh nhẹn cầm lên thêm một chiếc hoa đăng nữa. Song lúc này gió lớn quá mà Thanh Đình đứng bên cạnh, chiếc đèn bừng lên, lửa hắt sang bắt vào y phục nàng. Tôi hớt hải chạy tới, mau chóng dập lửa.

"Tiểu thư không sao chứ?"

Mặt Thanh Đình trắng bệch cắt không ra hột máu. Y phục nàng bị cháy xém một mảng, may mà không bị thương. Đình đứng tần ngần hết nhìn tôi với Sạ lại nhìn hoa đăng trên tay mình. Biết nàng vẫn muốn đi cùng song đang là Nguyên Tiêu đủ mặt văn võ bá quan, không thể thất lễ, tôi an ủi:

"Tiểu thư cứ thay y phục đi, chốc nữa quay lại bảo người chèo ra giữa hồ, tôi và Điện hạ sẽ chờ ở đấy."

Thanh Đình suy nghĩ một chút rồi nhoẻn miệng cười, nàng cúi chào rồi mau chóng quay người rời đi.

Tôi và Sạ đi bộ tới nơi neo thuyền. Ở đấy đã có một đám nội quan đứng chờ sẵn. Sạ trỏ vào con thuyền gần nhất, ngay lập tức một nội quan cúi thấp đầu, chạy tới đỡ Sạ và tôi xuống thuyền.