Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 15: Man Cử Long




Giặc Man Cử Long đã quấy rầy bờ cõi suốt cả mấy trăm năm. Man là tên dân tộc sinh sống tại vùng đất Cử Long - Ái Châu từ lâu đời. Họ không cùng ngôn ngữ với người dân Đại Cồ Việt, dáng người cũng lực lưỡng hơn, nước da ngăm đen hơn và đặc biệt có thể thấy rõ trang phục của người Man hoàn toàn là của một tộc người thiểu số.

     Vùng núi Cử Long hiểm trở, không thuận lợi cho canh tác hay sản xuất, người Man liên tục di dân trên những mảng rừng lớn tìm nơi trú ngụ. Một bộ phận người Man không cam chịu cái đói cái nghèo, tìm vào cướp bóc, quấy phá dân làng sinh sống quanh khu vực Cử Long. Dần già Man trở thành bộ tộc chuyên cướp bóc, phóng hoả, giết người. Lính địa phương không chống lại được thế giặc hung hãn tàn bạo. Thời tiên đế Lê Đại Hành còn tại vị đã từng đem quân đi dẹp loạn. Trong trận chiến của tiên đế Lê Đại Hành năm đấy, Vương Vệ Toàn hay phế đế Đinh Toàn của nhà Đinh cũng vì trúng tên của giặc Man mà chết ngay tại chiến trường.

     Thế nhưng Man Cử Long chưa bao giờ "được" xem như kẻ định đáng gờm ảnh hưởng đến an nguy Đại Cồ Việt, cùng lắm chỉ là đám "giặc cỏ" quấy nhiễu biên cương, chuyên cướp bóc.  Không biết tự bao giờ chúng đã nổi lên lòng tham thôn tính cả Đại Cồ Việt, tiến đánh thẳng cửa biển Thần Đầu, lập kế hoạch giết vua cướp ngôi. Tôi nhẩm tính trong lòng: Long Đĩnh vừa hay trở bệnh nặng, Lịch Vũ lại rời đi chưa được bao lâu thì có kẻ đột nhập muốn lấy mạng chúa thượng. Gian nhà phía Nam cháy đúng lúc, thành công "điệu hổ ly sơn". Tất cả những điều này xảy ra thật quá tình cờ, tình cờ đến mức khiến người khác nghi ngờ.

***

     Long Đĩnh vừa ngủ thiếp đi. Tôi mang mấy mảnh vải xô trắng đẫm máu ra phía gian bên ngoài. Vết thương trên vai Long Đĩnh không đáng ngại, thứ đáng ngại hơn cả là y sốt trở lại. Ma chẩn chưa có dấu hiệu thuyên giảm lại còn chịu thêm một nhát chém trên vai, thật sự là chó cắn áo rách.

     Giáo thụ Trần Uy suốt mấy ngày không ngủ, ở bên chúa thượng một chốc rồi lại chạy qua chỗ đám thiên tử quân mắc ma chẩn và Bạch Vỹ. Ngoài ra những việc của nô bộc lẽ dĩ nhiên không phải Trần Uy mà là tôi làm. Từ nấu ăn đến giặt giũ túc trực, canh giờ kiểm tra tình hình bệnh, gi gỉ gì gi việc gì cũng phải làm tất.

     Tôi vừa đi vừa uể oải ngáp, tay đấm đấm khắp lưng. Mới 23 tuổi mà khắp người nhức mỏi, cột sống của GenZ kể cả thời hiện đại hay xuyên không cũng chưa bao giờ là ổn.

- Ngươi mệt thì về nghỉ đi, ta thay cho.

     Tôi nhìn ra ngoài thấy Lý An Tường bước vào. Tạ ơn trời đất, tôi cũng quá mệt mỏi với việc thức ngày thức đêm canh cho Long Đĩnh rồi. Tất cả những gì tôi cần bây giờ chỉ là một giấc ngủ.

     An Tường đi tới, đứng từ xa xác nhận Long Đĩnh đang ngủ, quay lại nhìn tôi nhẹ nhàng:

- Giáo thụ bảo ta đến thay.

     Đến lúc này thì tôi lại vô cùng băn khoăn. Lý An Tường với tôi đành rằng là chung một thầy nhưng nói đi cũng phải nói lại, An Tường lại là con trai Lý Công Uẩn, tương lai sẽ là Hoàng tử. Tiếp xúc vài lần thì thấy An Tường là người thật thà tốt bụng nếu không muốn nói là tốt phát ngốc. Nhưng dù gì cũng chỉ là "tiếp xúc vài lần". Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm (1). Vậy nên nếu bây giờ tôi để Long Đĩnh ở lại với Tường thật sự không có vấn đề chứ? Thật sự là sẽ không có chuyện gì xảy ra?

     Thấy vẻ thấp thỏm không yên của tôi, Tường chỉ ra trường kỷ gian ngoài:

- Nếu không đi thì ra trường kỷ nghỉ một chốc. Chúa thượng đang ngủ say, nơi này cũng không ai lui tới, ngươi có thể an tâm.

     Được lời như cởi tấm lòng, tôi nhanh chân nhảy tót lên trường kỷ ngả lưng. Vốn chỉ định nằm cho đỡ mỏi, tôi mệt quá ngủ quên lúc nào không hay.

     Đầu canh 5 Tường lay người gọi tôi dậy, bảo chuẩn bị rời phủ Khai Minh Vương. Tôi ù ù cạc cạc còn tưởng theo thuyền rồng của Long Đĩnh mau chóng về kinh trị bệnh nhưng hoá ra không phải. Trong lúc tôi ngủ say Long Đĩnh đã dậy từ khi nào, lệnh ngay lập tức chuẩn bị rời phủ, thẳng tiến vào Ái Châu quét sạch giặc Cử Long.

     Rốt cục là y "tham công tiếc việc" đang bệnh cũng lo cho nước cho dân hay là kẻ "có thù tất báo", ngươi chém ta một nhát thì ta diệt sạch tộc của ngươi? Rõ ràng với Long Đĩnh tôi xin mạnh dạn chọn phương án hai. Nhưng gì thì gì, biết rằng trên thuyền vẫn có thể dưỡng thương chữa bệnh nhưng đó chưa bao giờ là ý hay.

     Tảng sáng, một trăm chiến thuyền hộ tống thuyền rồng của Long Đĩnh đi tắt sông Tham sang Ái Châu để hội họp với quân của Lịch Vũ. Trên thuyền ngoài những gương mặt quen thuộc như tôi, Trần Uy hầu cận còn có thêm An Tường. Vòng ngoài có hai ngũ Thiên tử quân phòng vệ.

     Thuyền đi suốt một ngày không nghỉ. Thấy Long Đĩnh sắc mặt có vẻ kém đi, tôi đến bên cạnh hỏi nhỏ:

- Chúa thượng, người không sao chứ?

Long Đĩnh không đáp, chỉ phẩy tay ra hiệu cho tôi lui đi. Tôi đi ra bên ngoài, bảo người mang đến hai chiếc chăn bông rồi quay trở lại.

- Trẫm không lạnh.

- Đam đâu nói là người lạnh?

- Tin là trẫm cắt lưỡi ngươi không? Hỗn xược!

- Vậy thì chúa thượng cứ ngồi dậy được rồi cắt lưỡi Đam được rồi tính.

     Tôi lại gần, lật nghiêng người Long Đĩnh sang một bên, trải hai lớp chăn bông xuống dưới rồi nhanh nhẹn phủ hết lên giường, vậy là đã có một chiếc đệm êm ái. Vừa nãy thấy cử động của Long Đĩnh khó khăn, nằm suốt một thời gian dài trên giường gỗ cứng ngắc, chưa kể sóng liên tục khiến thuyền nhấp nhô đập vào vết thương ở lưng làm y nằm không được ngồi dậy cũng không xong. Thực ra Long Đĩnh hoàn toàn có thể bảo tôi: "Ê Đam cái thuyền này làm vết thương ta đau quá" nhưng cuộc đời nam nhân ở thời phong kiến đâu có dễ cúi đầu như vậy, huống hồ còn là đế vương. Bị dăm ba cái thuyền làm thống khổ thì thật là mất mặt. Tôi không phải là "lương y" nên không cần thiết phải "như từ mẫu" nhưng thành thật để Long Đĩnh chịu đau đớn thì tôi cũng không đành lòng.

- Chúa thượng có thấy đỡ hơn không?

- Không đến nỗi tệ.

     Tôi nhoẻn miệng cười. Muốn khen tôi thì khen đại đi. Ban thưởng vàng bạc gì cũng được lại bày đặt "Không đến nỗi tệ". Tôi ngồi xuống bên cạnh, giữ cho Long Đĩnh nằm nghiêng:

- Chúa thượng ngủ đi một chốc, Đam sẽ giữ người như thế này, nằm nghiêng sẽ đỡ đau hơn. Từ lúc lên thuyền đến giờ không thấy chúa thượng ngủ yên giấc được lần nào.

Long Đĩnh nghiến răng:

- Trẫm thấy ngươi có vẻ chán sống? Dám lên cả giường của trẫm?

- Tuỳ người thôi, Đam đâu có làm việc xấu. Chúa thượng giết Đam rồi thì đêm nay cũng không được ngủ ngon.

Tôi vỗ vỗ vai Long Đĩnh:

- Người đang bệnh, nếu muốn giết Đam thì khoẻ lại rồi giết cũng được.

Long Đĩnh không thèm đáp lời tôi, có vẻ nằm nghiêng lại có điểm tựa khiến y dễ chịu hơn nhiều. Long Đĩnh ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tôi ngồi một bên nhịp nhẹ nhẹ vào tay Long Đĩnh như đang ru ngủ, tựa đầu vào thuyền rồi cũng ngủ quên mất.

Ngoài cửa, gió lạnh đã về. Một mảnh trăng khuyết bàng bạc treo trên đỉnh trời. Cả trăm chiếc thuyền lặng lẽ trôi giữa hai bên bờ lau trắng ngắt, vừa hoang dại lại bi tráng đến vô cùng.

Đông đã về.

***

"Thanh Đình, Thanh Đình!"

Tôi nghe tiếng gọi, ban đầu còn nhỏ, rồi tiếng gọi lớn dần.

"Thanh Đình!"

Tôi mở choàng mắt, thảng thốt nhìn Long Đĩnh. Y vẫn gọi không ngớt, nét mặt lộ rõ vẻ bi thương, hai tay nắm chặt. Tôi sững người nhất thời không biết làm gì, xoa nhẹ trên vai Long Đĩnh, liên tục an ủi:

- Chúa thượng, không sao, không sao rồi.

Long Đĩnh mấy máy môi, nói gì đó không rõ. Tôi lại gần, cúi xuống cũng không nghe thấy. Tôi giữ Long Đĩnh, xoa nhẹ bàn tay an ủi y:

- Chỉ là mơ, chỉ là mơ thôi.

Long Đĩnh không tỉnh, đột nhiên giữ chặt tay tôi. Khoé mắt ươn ướt, miệng không ngừng gọi "Thanh Đình".

     Rốt cục đã có chuyện gì diễn ra? Tại sao Long Đĩnh liên tục nói những điều kỳ lạ trong giấc mơ? Lần trước khi y sốt cao tại phủ Khai Minh Vương đã gọi "Việt", "Tích", lần này lại là "Thanh Đình"? Lần nào cũng vậy, cũng chỉ thấy để lại sự đau đớn khôn nguôi. Vậy tôi đã bỏ lỡ điều gì? Điều gì mà khiến hôn quân bạo chúa bậc nhất lịch sử phải rơi nước mắt trong mơ?

     Tôi thở dài, toan gỡ bàn tay Long Đĩnh đang nắm chặt tay mình ra nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Tôi ngồi yên một chốc, kéo chăn lên cao hơn cho Long Đĩnh rồi bần thần, cứ như vậy đến tận rạng sáng.

***

     Sáng sớm ngày thứ hai, thuyền đã tới doanh trại. Tại đây Lịch Vũ và toàn bộ quân lính đã hạ trại, tiếp ứng cho La Uy.

     Chiến trường nào cũng như nhau, không phải người chết thì cũng là người bị thương. Nếu không  hầu cận cho Long Đĩnh nhiễm ma chẩn, chắc chắn tôi sẽ được điều động đến hỗ trợ Thái y sứ sơ cứu cho quân lính trọng thương.

     Vừa xuống thuyền Long Đĩnh đi thẳng về trại, cho vời Lịch Vũ ngay tức khắc. Lẽ đương nhiên theo lệ cũ, ai muốn gặp người bệnh ra vào đều phải trang bị phòng bệnh đầy đủ, đứng xa không tiếp xúc. Người bệnh là vua cũng không ngoại lệ.

     Lịch Vũ vái chào rồi bẩm báo nhanh tình hình. Đại khái là quân ta đang thất thế. Giặc Man Cử Long ngày một hung hãn, Tướng Quân La Uy bị trọng thương, trước mắt đã thắng một trận, giặc rút khỏi cửa biển Thần Đầu nhưng quân địch có thể phản công bất cứ lúc nào. Giặc Man Cử Long vốn quen thuộc địa hình ở đây, hơn nữa quân lính vừa hành quân ngàn dặm xa xôi, đấu lại sức của người Man vốn to khoẻ không phải là chuyện dễ.

     Long Đĩnh tựa người vào ghế, hai tay hơ qua lư trầm vừa bảo tôi mang lên, chỉ mỉm cười:

- Đã sang đông rồi nhỉ?

"Bẩm chúa thượng, vừa qua lập đông" - Lịch Vũ đáp.

Tôi chỉ biết đảo tròn  mắt, thở dài ngao ngán. Giặc đã đến dưới chân rồi còn nhàn nhã đông với xuân cái nỗi gì? Tên này đúng là chết không đổi tính!

"Vậy là còn mấy ngày nữa là đến ngày giỗ của Lang Vạn nhỉ?" - Long Đĩnh nhếch môi, sự toan tính và chết chóc trong đôi mắt y bỗng chốc khiến tôi lạnh tóc gáy.

- Vạn cả đời chỉ  là một tên cướp. Điều duy nhất hắn làm được là đẻ con trai kế thừa tộc người Man. Nhân lúc trẫm dẹp loạn thân vương mà trở nên hùng mạnh. Trẫm đến rồi cũng không thể dự đám giỗ tay không.

Biết có chuyện chẳng lành, tôi vô thức lùi về sau một bước. Lịch Vũ cúi đầu, đợi nghe chỉ. Long Đĩnh di di tay trên miệng ly trà rồi đẩy cả chiếc ly đổ xuống, trà lênh láng tràn ra mặt bàn.

- Chết dưới tay thiên tử là phần quà lớn nhất ta ban cho gia tộc Lang!

*Chú thích:

(1) Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm: Vẽ hổ chỉ vẽ được da khó vẽ được xương, Biết người biết mặt nhưng không biết lòng.