Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 142: Ca nhiên




"Chị dậy chưa?"

Tôi kéo chăn đắp kín mít, quay lưng vào trong vờ như chưa nghe thấy gì cả.

"Ta biết chị dậy rồi."

Sạ mặc kệ tôi đang cố tình trốn tránh, ra sức kéo chăn:

"Chị hứa đưa ta đi chợ phiên Na Sơn mà."

Tôi nằm im thin thít không dám cựa quậy. Chợ búa gì tầm này? Mới sớm bảnh mắt ra! Sạ cứ coi như tôi chết rồi cũng được.

Nhưng trong lòng tôi thừa biết với tính cách của thằng bé họ Lê này, dù tôi có bị chôn dưới mười tấc đất, hoá thành cô hồn dã quỷ thì chưa đạt được ước nguyện Sạ cũng sẽ tìm đủ trò để triệu hồi tôi về bằng được, đừng nói tới dăm ba cái trò giả vờ giả vịt còn đang ngái ngủ! Ý nghĩ còn chưa kịp dứt thì ngay lập tức vị Khai Phong Vương đáng kính kia nhảy chồm lên đầu giường, kéo hai mí mắt tôi ra. Không còn cách nào khác tôi ngồi bật dậy, vò đầu bứt tai kèm vài tiếng làu bàu be bé:

"Chợ tháng nào chẳng họp, điện hạ để Đam ngủ thêm chút nữa."

Thằng bé bĩu môi, hậm hực giậm chân thùm thụp lên mặt đất:

"Chị đúng là đồ lừa đảo, ta chỉ được ở đây mấy ngày."

Tôi thở dài, cuối cùng đành đầu hàng mà nhấc tấm thân già nua ra khỏi giường. Biết sao được, trót hứa với trẻ con thì không thể nuốt lời. Thấy tôi tỉnh Sạ mừng ra mặt, lon ton chạy lại góc phòng lấy cái áo bông dày sụ:

"Chị mặc đi, nhanh lên."

Tôi uể oải nhận lấy, ngáp liền mấy cái. Sạ chắp tay sau lưng quan sát tôi thật kỹ, đoạn hỏi:

"Chị ngủ không ngon à? Đêm qua ta nghe chị trở người mấy bận."

Tôi phẩy tay:

"Thi thoảng Đam thường hay mơ linh tinh thôi."

Từ ngày đến sống ở Na Sơn sức khoẻ của tôi tốt lên nhiều, có thể là do ban ngày thường trèo đèo lội suối, lương thực cũng chủ yếu rau củ cây trái tươi hái trong rừng, đủ loại bổ dưỡng, mùa nào thức nấy, mà thực ra Lịch Vũ cũng chưa từng để tôi thiếu thốn gì. Tháng tháng đều đặn, chàng vẫn đưa tiền cho Nhài dặn dò chợ búa săn sóc cho tôi. Duy chỉ có điều duy nhất khiến tôi phiền não là chứng mất ngủ lại bắt đầu nhen nhóm. Đêm ngủ không ngon giấc, tôi thường mơ thấy những điều kỳ lạ, hoặc thi thoảng giật mình tỉnh dậy giữa đêm, lưng áo ướt đẫm mồ hôi dù đông hay hè, nhưng cho dù là vậy, tôi cũng chẳng để tâm. Na Sơn khiến tôi đến một lần rồi chỉ muốn nán lại mỗi lúc một lâu, thậm chí dù không thể trở về thời hiện đại, tôi nghĩ mình sống cả đời ở đây cũng được.

Tôi ló mắt qua phên tre nhìn sang phòng Sạ rồi tự liếm ngón tay giơ lên giữa khe hở đấy. Chà chà, ngón tay thấy gió mát lạnh thế này thì bảo sao đêm qua chỉ khẽ trở người mà thằng bé cũng nghe được. Nơi này đúng là cần bỏ thêm chút tiền tân trang lại, muốn sống mãi ở đây thì tôi phải nghiêm túc hơn mới được.

Tôi ấn ấn mấy bận vào hai hốc mắt cho đỡ mỏi rồi vỗ thêm vài cái vào gáy, vào lưng. Thấy dáng điệu èo uột như cọng bún thiu của tôi, Sạ nhìn trân trân, mím môi:

"Chị đừng quá sức cũng đừng suy nghĩ nhiều. Nếu thấy mệt quá hay là về Hoa Lư đi."

Tôi bật cười thành tiếng, đi đến bên cạnh bế xốc Sạ lên:

"Mệt gì chứ? Người xem, Đam sẵn sàng mua hết cả chợ Na Sơn rồi này!"

***

Na Sơn vốn dĩ là ngọn núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt, song vì có huyệt đạo linh thiêng lại thêm là nơi thờ thần nổi tiếng cả vùng Hoan Ái, dù cách trở đến mấy mỗi tháng dân chúng vẫn tề tựu đều đặn tổ chức hai phiên họp chợ.

Từ trước khi tôi tỉnh giấc, Sạ đã dậy, ăn mặc tươm tất đâu vào đấy. Thằng bé mặc ở trong hai lớp áo dày, bên ngoài diện thêm một chiếc áo gấm xanh thẫm thêu đầu hổ hai bên tay, cổ áo viền lông cáo, che tới ngang cằm. Tôi cẩn thận vấn tóc lên cao, dùng cành đào khô thay trâm cài tóc, khoác một chiếc áo lụa trắng, lại thêm chiếc áo bông màu hồng đào bên ngoài, một tay cầm quạt lông ngỗng, một tay nắm chặt tay Sạ mà đi.

Chợ phiên ở nơi dân dã thế này đa phần cũng chỉ bày bán những đồ người ta săn hoặc bắt được từ trên rừng, hoặc hiếm hoi có vài gánh hàng được chuyển ngược từ dưới xuôi lên. Sạ nhảy chân sáo từ sạp này sang sạp khác, mừng mừng rỡ rỡ mỗi khi thấy một loại cây hay củ quả kỳ dị. Tôi đứng một góc nhìn Sạ chỉ biết cười, chợt nhớ về lần đầu tiên mình mới tới Na Sơn cũng vậy. Sạ sinh trưởng trong gia đình hoàng thất, dù được Long Đĩnh yêu chiều cách mấy cũng không thể có cuộc sống tự do tự tại, hồn nhiên như những đứa trẻ nhà dân thường.