Hạ chí vừa qua,
Tháng 6, sen trong đầm nở rộ. Lá sen xanh sẫm, nụ tròn nhọn mập mạp tựa bút lông thảo thơ đối chữ lên khoảng không biêng biếc một màu. Quá trưa, nắng chẳng còn gay gắt nữa, ve cũng thôi ra rả sớm chiều. Thi thoảng trong không gian tĩnh lặng chỉ còn lại tiếng cá đớp mồi, thảng hoặc, tiếng chim bói cá vừa vội vã lao xuống mặt nước, bắt lên một con đòng đong trắng bạc. Tôi nằm thẳng cẳng trong chòi, quần xắn lên đến tận đầu gối, miệng ngậm một cây cỏ may, tay vắt ngang che cho nắng khỏi chiếu vào mắt. Thật là một ngày tuyệt vời để thư giãn nghỉ ngơi tận hưởng cuộc đời.
"Nàng luyện chữ đến đâu rồi?"
Nghe thấy giọng nói quen thuộc tôi thất kinh, ngồi bật dậy rồi cầm lấy bút, thẳng lưng như từ nãy đến giờ vẫn đang chăm chỉ lắm. Lịch Vũ vừa quay trở lại đã phát giác ra sự lười biếng của tôi, chẳng nói chẳng rằng chỉ ngồi xuống bên cạnh, lật xếp giấy mới nguệch ngoạc được vài ba chữ ra rồi đặt lại. Tôi nhe răng cười gượng gạo:
"Người đã quay trở về rồi ạ, để Đam hầu trà."
Lịch Vũ không đáp, lẳng lặng đặt lên bàn mấy nhánh bạch đàn nở hoa trắng muốt:
"Chốc nữa nàng đem về cắm trong phòng."
Tôi ôm bó bạch đàn trong tay, hương thơm toả ra ngào ngạt. Lịch Vũ này từ khi nào lại có tâm tình bày biện thưởng hoa vậy chứ?
Thân vốn là một thư đồng chăm làm lại hiểu chuyện, chẳng dại gì mà tôi lại phá vỡ một ngày nhàn nhã hiếm hoi của mình. Lịch Vũ ngồi xuống phía đối diện, viết mẫu cho tôi mấy chữ. Tôi ngồi khoanh chân, tỏ bộ tán thưởng trầm trồ hết sức.
Lịch Vũ biết tỏng, chẳng qua y không thèm vạch trần tôi.
Phần đất kéo dài từ hồ sen này đến hết bãi bồi, ra tới mạn sông vốn được Đại Hành hoàng đế ban cho Thái sư Hồng Du, nay thuộc về Lịch Vũ. Trước đây đất bỏ hoang, từ ngày Lịch Vũ thay cha tiếp quản hễ không bận chuyện binh đao thì cho gia nhân khi trồng khoai lúc trồng đậu, năm nay lại rảnh rang trồng dâu nuôi tằm. Tuổi thì mới quá hai lăm, vợ con lại càng chưa có, tôi không hiểu tại sao đường đường là một Chỉ huy sứ Đại Cồ Việt y lại phải lăn lộn kiếm tiền như vậy? Thử trông lên nhìn xuống khắp triều đình làm gì có ai như thế không?
Chủ nhân đã thế, người làm trong phủ lại càng lạ kỳ. Bình thường ai nấy im như thóc, thiếu mỗi tràng hạt với bộ áo cà sa là thành ở chùa. Vậy nhưng từ dạo nuôi tằm sáng sớm gia nhân trên dưới vui vẻ cắp thúng cắp mẹt đi hái lá dâu, trò chuyện rôm rả. Trần đời có một, từ khi nào "dậy sớm đi làm" lại khiến người ta hạnh phúc thế? Là thầy phù thuỷ ếm bùa hay chăng chính Lịch Vũ đã dùng phép thôi miên mị hoặc dân lành? Hay là tôi đa nghi quá? Tất cả như vậy là lẽ thường tình?
Có cái con khỉ!
Tôi mà tin chuyện này không có ẩn tình gì thì chắc chắn là đồ ngốc!
Sáng sớm tôi nhanh trí lẻn ra ngoài, bám đuôi con Nhài ra ruộng dâu. Ban đầu không ai để tôi hái cùng vì Lịch Vũ trong phủ cần người hầu hạ mà không tôi thì còn ai là người thân tín nhất nữa? Nhưng so gì cũng được, không thể so với tôi về độ lì. Cuối cùng sau khi hái đến xanh móng đỏ mặt mới dò la được chút ít thông tin. Đúng như những gì đã dự đoán, hái lá dâu chán chết, gia nhân thấy vui vì cuối vụ thu hoạch bao giờ Lịch Vũ cũng đem chia hết cho kẻ trên người dưới, mấy mùa trước có giữ lại gì cũng chẳng qua làm giống cho vụ sau. Đất bỏ hoang thì lãng phí, y chinh chiến không về, trong phủ mười mấy hai mươi người cũng coi như chẳng có việc gì làm. Vừa cho phép gia nhân kiếm thêm chút ít, vừa giữ họ khỏi "nhàn cư vi bất thiện". Nghe bảo Đô chỉ huy sứ ghét kẻ lười biếng lắm, tôi cho là không phải. Xét cả cái Đại Cồ Việt này làm gì có ai lười hơn tôi nữa? Chưa bị đuổi đi cũng coi là phúc phần rồi.
Ấy vậy lại bắt ngồi luyện chữ ở đây.
Tôi ngáp ngắn ngáp dài, sáng nay lúc Lịch Vũ bắt được tôi tót đi chơi mà không đến chỗ Giáo thụ học liền bị phạt ngồi luyện chữ. Tôi thì cho rằng học hành là chuyện cả đời, nghỉ một hai hôm cho thoải mái tinh thần cũng không có gì là quá đáng. Dù rằng để nói thật thà ra thì tinh thần tôi chẳng có khi nào là không thoải mái cả.