Luận Anh Hùng

Chương 367: Giông Tố Sắp Đến Heo Đầy Lầu (1)




Đương nhiên, cũng có một số nhà trọ, trạm dịch, khách sạn có quản lý, tốt hơn một chút.

Nhưng tốt hơn một chút không có nghĩa là hài lòng. Ôn Lục Trì từng ở một số nhà trọ, nhìn chung cũng có giấy vệ sinh, xà phòng, nhưng uống một ngụm trà đưa lên, mới phát hiện cả miệng đều chua. Mở nắp bình ra nhìn, còn chưa thấy bã trà, đã thấy xác sâu nhỏ nổi đầy một lớp dày.

Cho dù lá trà mới, nước cũng không đủ sôi. Có nơi lá trà tốt, nước cũng đủ sôi, nhưng trong chén trà sứ trắng lại dính từng vòng vết bẩn, dùng móng tay cạo cũng không đi.

Có nơi nước trà tốt hơn một chút, cũng biết khách sợ muỗi đốt, cho nên treo màn. Đến buổi đêm, cho rằng có thể ngủ say một giấc, ai ngờ vừa nhảy lên giường, ván giường bỗng sụp xuống, lão công cùng với con gái và hài tử đều ngã một cái sống dở chết dở. Lúc này mới vén màn lên, ai ngờ giống như thiên la địa võng, bụi bặm cả ba trăm mười hai năm trước đồng loạt rơi vào trên người cả gia đình, khi đó mới biết cái gì gọi là lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.

Nói đến khó lọt, Ôn Lục Trì còn từng thấy màn che có tướng mạo đường đường, đỏ rực giống như màn tân hôn, vừa mới vừa vững chắc, nhưng vừa buông xuống lại thấy thủng một lỗ lớn bằng cả eo mông. Đến thời cơ thích hợp (ví dụ như người trong màn đã ngủ), muỗi lại từ nơi đó đại quân giết đến, ngươi lật người ngồi dậy, chắn lỗ huyết chiến, tranh nhau từng tấc, một bước không nhường. Chiếc màn kia trải qua nhân thế tang thương hai ba chục năm qua, màu đỏ rực cuối cùng đã biến thành màu xám, nhưng lỗ thủng này lại không vá, khiến cho mỗi đêm, mỗi giường, mỗi đời khách tiếp tục người muỗi đại chiến.

Lỗ thủng này còn không phải chỗ hiểm, chỗ hiểm chính là mái ngói dột nước. Gặp phải đêm mưa (càng không cần phải nói là mưa suốt đêm), khách ngủ há mồm uống một ngụm nước từ trời xuống, khách không há mồm lại gần như bị dìm chết. Hóa ra không gì đặc biệt lại có mưa, trong phòng nước dâng giường cao, bị ngập rồi.

Chuyện này còn không quan trọng. Đồng dạng là “mái dột”, cùng là khách ngủ há mồm, ngày hôm say thức dậy, còn dính một miệng nước tiểu. Đương nhiên không phải của hắn, hắn tự biết tầm bắn không đến mức mạnh như thế, mà là khách thuê phòng trên lầu có trẻ con đái dầm, hay là ống bô bị thủng, hắn là một người kế thừa sự nghiệp, trời hạn gặp mưa mà thôi.

Cho dù là khác sạn hào hoa nơi kinh thành, cũng chưa chắc hoàn toàn tốt đẹp.

Những khách ngủ trễ dậy trễ giống như Ôn Lục Trì, lúc y ngủ đã bắt đầu nghe dưới lầu rao hàng ầm ĩ, một giấc ngủ, một giấc mộng đều là những lời thô tục trong chợ búa. Ngay cả thẩm thẩm kia mua khối vải ba quan, Tam lão bản nói ba quan sáu, A thẩm nói ba quan bốn quá nhiều, ba quan bốn thì không mua, lão bản nói ba quan năm, ba quan năm có thể bán… tất cả đều vào mộng, vào não, cũng vào tâm thần, ngươi bảo hắn ngày hôm sau làm sao có thể làm việc, tính toán sổ sách, đầu óc tỉnh táo?

Lúc ngủ, thậm chí cả mùi hôi trên lầu, mùi khói dưới lầu và mùi người trên đường đều ngửi được rất rõ ràng. Thậm chí chủ tiệm chẳng cần biết có lý hay không, sáng sớm đã gọi người đến đập cửa, ở cách vách thợ thủ công sửa ngói sửa cửa rầm rầm, bảo hắn làm sao ngủ yên giấc được? Vừa cảm thấy buồn ngủ thì đúng là thiên quân vạn mã, máu thịt tung tóe, cả thế giới như một giấc mộng lớn, tỉnh lại cũng không biết nhân sinh mấy độ thu lạnh, hết sức thê lương.

Ôn Lục Trì còn có một hồng phấn tri giao gọi là Trần Trương bát muội, từng ở trọ chung với y. Bởi vì quá thích sạch sẽ, khi đi ngủ bỗng phát hiện trên gối có vệt máu (không biết là máu răng hay là khạc máu), phần dưới khăn trải giường cũng có vết nâu (không biết là kinh huyết hay là xử nữ huyết), chỗ ngồi dính đầy từng khối, từng viên vừa giống như ráy tai lại giống như lão nê (thứ từ lớp da trên thân người tróc ra), lúc lau chùi mới phát hiện lại nhúc nhích cử động.

Vì vậy nàng không ngủ được, đành phải đêm khuya thức dậy quét dọn lau chùi, nhất định phải sạch sẽ mới ngủ. Kết quả nàng dọn giường chiếu xong thì lau bàn, lau bàn xong thì chùi cửa sổ, chùi cửa sổ xong lại đi giặt khăn trải giường, sau khi giặt xong giường đệm thì trời đã sáng rồi.

Nàng không ngủ được, chỉ khổ công một đêm làm việc cho khách sạn kia.

Ngày thứ hai nàng đã rút kinh nghiệm, cũng nghe Ôn Lục Trì khuyên giải, đây là nhà của người ta, nàng dọn dẹp làm gì? Hôm nay quét dọn sạch sẽ, ngày mai lại sẽ bẩn thôi.

Nàng quyết định lần này ngay cả màn che bị rách cũng mặc kệ, nằm xuống thì không động tay động chân nữa, nhưng trên mắt cá chân lại bị một con bọ đốt.

Bị bọ cắn cũng không thể khoanh tay phớt lờ chứ? Huống hồ thứ bị hút là máu quý giá hàng thật giá thật của nàng. Hóa ra đó là một con vật mập mập trắng trắng giống như con giòi, hút vào giống như căng máu.

Cho nên nàng có buồn ngủ cũng chỉ đành ổn định tinh thần, khêu đèn đánh đêm, vén chăn gõ phách, quả nhiên phát hiện con bọ này có đội ngũ. Đuổi theo đến bên tường, lại phát hiện ngoại trừ hàng bọ còn có một hàng kiến, từ tường bên này một đường thông đến phòng cách vách. Thế là Trần Trương bát muội lại đành phải “thu dọn” khắp nơi (nửa đêm muốn tìm được những bột, nước, thuốc giết sâu bọ này thật không dễ dàng), lật tường cạy gạch, thật vất vả mới cắt đứt đường đến của rắn sâu chuột kiến (nàng đã tiến bộ, lần này mặc kệ đường đi của bọn chúng), kéo màn xuống, nhìn chung cũng không rách không hư. Nàng cho rằng có thể ngủ say đến sau khi gà gáy khoảng chừng một canh giờ, đột nhiên liếc nhìn qua màn lưới, trông thấy sau rèm cửa sổ bị rách có một đôi mắt đang rình xem.

Nàng lập tức thét lên.

Cho dù chủ nhân của cặp mắt kia rốt cuộc là người hay gì khác, tại khoảnh khắc tiếng thét chói tai vang lên, cuối cùng đã biến mất, không còn thấy nữa, không thể nào truy cứu. Nhưng từ đó về sau, Trần Trương bát muội lại sợ hai chữ khách sạn này.

Ôn Lục Trì thì không.

Y là một lữ khách, lãng tử.

Mặc dù y là một lãng tử “quá tuổi” hay “cao tuổi”, nhưng lãng tử dù sao cũng là lãng tử, y vẫn thích khách sạn, dịch trạm, quán rượu (có một số “quán rượu” chưa chắc đã bán rượu, nhưng có thể cho người ở trọ). Cho dù tên gọi có khác nhau, nhưng đều chung một ý nghĩa, đó là để lữ khác có một chỗ dừng chân.

Ôn Lục Trì cho rằng trong này có ý cảnh, hơn nữa ý cảnh rất đẹp.

Đáng tiếc bầu không khí của những khách sạn lữ quán này lại chẳng tốt đẹp bao nhiêu, dù có chỗ đẹp cũng bị người không giỏi kinh doanh một tay phá hỏng hoàn toàn.

Lữ quán nhỏ thì không cần nghi ngờ, đó là một nơi dùng để khảo nghiệm xem con người có thể trở về cuộc sống thời kỳ dã thú, hồng hoang hay không.

Khách sạn tương đối trung bình, ưu tú cũng không nên hi vọng, chỉ cần có thể xem khách là người thì đã là từ bi trắc ẩn rồi. Muốn được xem là khách, trừ khi là có một lượng lớn ngân phiếu. Dĩ nhiên còn phải cẩn thận, sau khi vào đêm một tên đạo tặc che mặt sẽ cho ngươi uống thuốc mê, thổi hương mê, một đao chém cho ngươi đầu mình rơi xuống đất.

Cho dù là khách sạn lừng danh xa gần, trang hoàng lộng lẫy, khí phái phi phàm, cũng không cần chủ quan cho rằng khách như mây kéo đến sẽ được tiếp đãi nhiệt tình. Có khách sạn trứ danh lại ở chỗ xa xôi, nói cách khác, sở dĩ nó nổi danh xa gần là vì ở nơi đó chỉ có nó tốt nhất (hoặc chỉ có một mình nó).

Ôn Lục Trì từng ở một “khách sạn nổi tiếng” trên thảo nguyên, có lần mưa gió sắp đến, gió chưa tới thì đã tới một nhà bướm. Ôn Lục Trì gần như không thể hít thở, thiếu chút nữa đã bị bướm làm sặc chết. Một lần khác là tại trên bãi cát gặp bão, giông tố kéo tới, lần này thứ gần như làm y sặc chết không phải bướm, cũng không phải muỗi, mà là những hạt cát lớn như đậu tằm.

Y cũng có lần ở trọ ban đêm tại một khách sạn nổi danh đã lâu trên đồng bằng, lại gặp phải gió táp mưa sa. Lần này không có rận, bướm hay cát, mà là cả tiệm chất đầy heo. Hóa ra khách sạn nổi tiếng này cũng đồng thời nuôi không ít heo ở phụ cận, sợ heo không chịu nổi mưa rơi gió thổi, trước khi giông tố kéo đến tạm thời lùa tất cả heo lớn heo nhỏ vào trong tiệm, tránh gió tránh mưa.

Lần này heo thì tốt rồi, còn người thì sao?

Cho dù là khách sạn nổi tiếng ở địa phương lớn thì đã sao? Khí phái của nó chỉ khí phái cho khí phái của chính nó xem, nói cách khác, hình dáng và quy mô của nó đúng là hù người, dọa người, nhưng thứ bị hù là khách, thứ bị dọa là túi tiền của khách.

Nó cũng không phải phục vụ cho khách.

Nó có quy mô lớn, không có nghĩa là phục vụ tốt, ngược lại là điều kiện để xem thường khách.

Ở khách sạn nhỏ ngoài sơn dã, kẻ xem thường ngươi chỉ là người phục vụ. Khách sạn bình thường tốt hơn, kẻ xem thường ngươi lại là chủ tiệm. Nhưng trong loại khách sạn lớn hào hoa cao quý này, kẻ coi thường ngươi, xem thường ngươi lại là chủ tiệm, người phục vụ, thậm chí là những người khách khác cùng ở trọ.

Không có cách nào. Một con chó và một con mèo ở cùng với nhau, con mèo phải nhường con chó kia. Một con chó và một con chó khác đi cùng nhau, nhiều nhất chỉ nhìn không vừa mắt. Nhưng một con chó rơi vào trong một bầy chó cao quý, giống tốt, con chó này còn không bằng một mảng lông rụng trên người những con chó tốt kia. Nhưng bất kể nói thế nào, Ôn Lục Trì vẫn thích khách sạn.

Y cho rằng khách sạn là nơi dành cho kẻ lãng tử dừng chân, để lãng khách có một chốn đi về tạm thời. Mỗi khách sạn đều là một đại gia đình ngày ngày biến hóa, đặc sắc, thú vị, mỗi đêm trong mỗi gian phòng đều có cố sự, nhân vật chính và những cuộc gặp gỡ của nó.

Y thích khách sạn, cho nên y mở khách sạn.

Khách sạn của y có đặc sắc, thu phí không mắc, đắt rẻ do người, từ sáng đến tối, từ đêm đến ngày, hoàn toàn cung cấp thực phẩm, nấu nướng, nước trà, hầu hạ. Hơn nữa trong mỗi gian phòng còn có nghiên mực, ấn chương, phong thư, giấy viết. Khách sạn còn có bưu dịch, bảo tiêu, tuần thành, thậm chí giúp bảo vệ vật phẩm quý giá. Còn có những thứ cần thiết do Ôn Lục Trì nhiều năm lang bạt cảm ngộ ra, chẳng hạn như nước lạnh, ấm, nóng cung cấp cả ngày, lúc cần thiết còn có thể từ trong Hồng Triều Tân Trúc bên cạnh cũng do Ôn Lục Trì kinh doanh, chọn một người như hoa như ngọc làm ấm chăn, ấm gối, ấm người.

Y cảm thấy chuyện này không có gì không tốt.

Bản thân y không hứng thú chuyện này, nhưng lại không cho rằng những người khách khác (hơn nữa hơn tám phần là nam tử, mà trong số những người này hơn sáu phần là hán tử độc thân) cũng không hứng thú.

Ngay cả pha trà mỗi ngày y đều coi trọng.

Thậm chí ngay cả gia quyến của khách, y cũng đặc biệt mời người chăm sóc. Cho nên trong thành nổi tiếng đông nam này, không kẻ trộm nào có thể vào Nhận Chân Sạn này cướp bóc trộm cắp, thậm chí ngay cả trẻ con cũng sẽ không bị người khác bắt cóc, lạc đường.

Do đó uy tín rất tốt.

Y một người như thế, ở nơi này mở một khách sạn, dường như là một chuyện không đáng ghi chép lại.

Thế nhưng, không khéo chưa chắc đã không thành sách (sự tình chưa chắc đã vừa khéo). Bởi vì chữ tín viết lên, cuộc sống chính là những cuốn sách đặc sắc. Nhưng không có Ôn Lục Trì này và khách sạn này, tương lai thật sự là không thành sách.

Bởi vì mặc dù y khổ cực hơn nửa đời để kiếm chút bạc, nhưng không giàu có đến mức có thể một mình kinh doanh một khách sạn lớn như thế.

Nhận Chân Sạn này là có người hùn vốn.

Người cùng y hợp tác kinh doanh hoặc giao tiền đầu tư, đương nhiên đều là bằng hữu của y.

Hảo hữu.

Phần trước đã đề cập tới hai vị hảo hữu của y, đó là thúc phụ họ Ôn và bạn thân họ Thích, dĩ nhiên đều có trong đó.

Mà vào ngày này, một nhóm mười người Vương Tiểu Thạch vừa lúc đến ở trọ.

Ở trọ tại khách sạn này.

Chú thích:

(1) Cải biên từ câu “giông tố sắp đến gió đầy lầu”, nghĩa bóng là dấu hiệu trước khi xảy ra một sự kiện nào đó.

- Khi copy vui lòng ghi rõ tên dịch giả, converter và nguồn từ Tàng Thư Viện: www.tangthuvien.vn -