Loạn Thế Phiêu Diêu Khó Như Ý

Chương 7: Năm xưa (kết thúc)




Phương Như Ý vẫn luôn đợi Thẩm Thiệu Nham.

Lúc đầu anh vẫn thường viết thư, nhưng không có quy luật nào cả, có khi một tuần ba bốn bức, có khi đến hai ba tháng chẳng thấy tăm hơi. Như Ý đọc đi đọc lại mỗi một bức thư, rồi lại cẩn thận cất trong hộp gấm.

Anh tham gia vào Quốc Dân đảng. Anh lập quân công. Tay phải anh bị súng bắn trúng. Qua những trang giấy viết thư mỏng manh, cô tưởng tượng cuộc sống của anh, vẽ nên hình bóng ấy trong lòng.

Như Ý cũng thường viết thư cho anh kể về cuộc sống của mình. Hai người thường xuyên miêu tả cảnh tượng sau chiến tranh, về tương lai khi cả hai không còn phải mỗi người một phương. Viễn cảnh quá tốt đẹp khiến cô lắm lúc vừa nắm chặt trang giấy vừa bật cười.

Sau này, thư ngày càng thưa đi, rồi dừng hẳn.

Tháng thứ mười sau khi anh rời đi, vào mùa hoa đào nở rộ, Như Ý hạ sinh một cậu bé. Cô đặt tên cho con là Thế Bình, cầu mong sớm đến cảnh thái bình thịnh thế.

Hai năm sau, khi Bắc phạt kết thúc, Thẩm Thiệu Nham vẫn không trở về. Như Ý vừa xử lý công việc ở thông tấn xã vừa chăm sóc cho nhóc Thế Bình, thường xuyên bận đến nỗi không kịp ăn bữa cơm. Nhưng mỗi ngày cô đều phải viết thư, đều như viết nhật ký, viết xong thì cất cẩn thận trong hòm. Rất nhanh cái hòm đã đầy hơn phân nửa.

Lại chín năm nữa trôi qua, chiến tranh kháng Nhật bắt đầu. Như Ý bị bắt giữ bởi đã viết nhiều lời kích động trên báo. Có người tốn công tốn sức cứu bằng được cô ra, đến khi ra tù Như Ý mới kinh ngạc phát hiện đó là Dư Thi. Từ đó về sau, hai người thường xuyên lui tới, dần trở thành bạn tâm giao.

Sau này, kháng chiến kết thúc, Như Ý cùng Dư Thi đến nhà ga đón Tần Kính Lưu. Giữa dòng người nhốn nháo rộn ràng, cô nhìn Tần Kính Lưu nay đã mất một chân ôm chầm lấy Dư Thi bấy giờ cũng chẳng còn trẻ, nở nụ cười bình tĩnh an yên.

Ba năm lại trôi qua, chiến tranh hoàn toàn kết thúc, một thời đại mới đã đến. Như Ý đưa theo con trai Thế Bình, Dư Thi và Tần Kính Lưu đưa theo con gái Nhã Như cùng trở lại cố hương nhiều năm xa cách, trở thành hàng xóm nhà đối diện nhau.

Sau nhiều năm cãi nhau ầm ĩ, Thế Bình và Nhã Như cuối cùng cũng tu thành chính quả, kết nghĩa phu thê. Ba người nhìn con trai con gái, cười cười cảm thán duyên phận đến mức này đúng là chẳng thể nào cắt đứt.

Lại rất nhiều, rất nhiều năm qua đi. Tần Kính Lưu và Dư Thi lần lượt qua đời. Cố nhân từng người mất đi, Như Ý thấy cuộc đời ngày càng tịch mịch, bà bắt đầu suốt ngày nhớ lại hồi ức, thần người trong sân cả ngày.*

* Vì đến đây Như Ý đã về già nên mình đổi xưng hô cho phù hợp nhé.

Mùa xuân năm 1987, Như Ý đổ bệnh, bác sĩ xem bệnh xong chỉ thở dài lắc đầu. Sáng sớm hôm nọ, hiếm khi bà có tinh thần, cháu gái bèn đẩy bà ra ngoài giải sầu, trong vô thức lại đi đến đường Trường An. Như Ý thoáng thảng thốt trước con phố quen thuộc. Đây là nơi năm đó họ gặp nhau lần đầu, hai dãy nhà kiểu cũ đã bị lầu cao thay thế. Xuyên qua vườn hoa xanh um tươi tốt, Như Ý như thấy được đội ngũ diễu hành hiên ngang hùng dũng.

Giữa đám đông nhộn nhịp, một thiếu nữ một thân y phục xưa cũ thẹn quá thành giận sốt ruột giải thích điều gì với người thanh niên, cậu ta nhíu chặt mày vẻ thiếu kiên nhẫn.

Đó là niên đại của họ, là nơi câu chuyện bắt đầu. Cho dù cách bụi mù năm tháng, Như Ý vẫn có thể thấy rõ mồn một đôi mày sắc và hoa văn nơi cổ áo anh. Đến đó bà mới chợt nhận ra, hoá ra bà đã khắc sâu hình bóng người thanh niên ấy vào lòng từ thuở ban sơ ấy.

Bà biết người khác đều không hiểu mình. Đã nhiều năm như vậy rồi, họ cho rằng Thẩm Thiệu Nham đã chết. Chỉ mình bà vẫn khăng khăng không chịu từ bỏ. Bà luôn nghĩ ông chỉ là không thể liên hệ với bà vì nhiều nguyên nhân. Có lẽ ông từng trở về tìm bà, hai người họ chỉ là đã bỏ lỡ nhau mà thôi. Hoặc có khi ông thối lui đến Đài Loan theo quân đội, để rồi chẳng thể trở về.

Giang sơn nhuốm màu thời gian, dung nhan đã già, cố nhân đã tan, chỉ còn sót lại chấp niệm của một người con gái cô đơn.

Gió nổi lên, Như Ý ôm lấy mình. Ngạc nhiên thay, bà chẳng hề thấy lạnh, chỉ thấy thân mình dần tê dại. Bà lờ mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra, bèn vuốt ve vòng ngọc trên cổ tay, nở nụ cười buồn bã. Cháu gái sợ bà cảm lạnh nên vội đẩy về nhà.

Vừa xoay người, tiếng bước chân quen thuộc bỗng vang lên từ phía sau. Đó là âm thanh vô số lần xuất hiện trong giấc mơ của bà. Như Ý chỉ thấy như sét đánh ngang tai, bà khẽ run rẩy.

Xe lăn từ từ quay lại, bà nỗ lực mở to mắt muốn nhìn thấy bóng người đang lại gần, chỉ thấy đầu nặng dần, tầm mắt cũng trở nên mơ hồ.

Con đường rộng lớn mờ đi, trước mắt bà là bến tàu sương trắng mênh mang, người đàn ông tuấn tú dịu dàng nhìn người con gái trước mặt mình. Anh nắm tay cô, thề nguyền sắt son: “Chờ anh, nhất định anh sẽ trở về.” Cô cười đồng ý.

Một câu đợi chờ, tháng năm đằng đẵng.

Gió nhẹ mơn man mái tóc cô, thác nước đen nhánh chỉ còn lại tuyết trắng khô khốc, nhưng cô lại đang cười.

Khép mắt lại, lời hứa năm xưa chưa bao giờ chìm vào quên lãng nay lại vang vọng bên tai, nước mắt đã nhẫn nhịn hơn sáu mươi năm cuối cùng cũng rơi lã chã.

* * * * *

Cuối cùng cô cũng đợi được rồi.TOÀN VĂN HOÀN