Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 2 - Chương 34: Ba Vị Tiên (Tam Tiên)




Có người học trò lên Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) thi, đi ngang huyện Túc Thiên (tỉnh Giang Tô) gặp ba vị Tú tài. Cùng nhau trò chuyện, thấy đều khoáng đạt hơn đời, rất thích bèn mua rượu mời họ cùng uống. Trong lúc thù tạc, ba người đều xưng tên họ, một là Giới Thu Hành, một là Thường Phong Lâm, một là Ma Tây Trì. Mê mải chuyện trò với nhau, trời tối lúc nào không hay, Giới nói “Chưa làm phận sự chủ nhà lại được cho uống rượu, theo lẽ rất là không phải. Nhà cỏ cách đây không xa, xin mời tới đó nghỉ lại". Thường và Ma cũng đứng dậy kéo áo mời mọc, người học trò bèn gọi đầy tớ cùng đi theo. 

Tới chỗ núi phía bắc làng, chợt thấy đình viện, ngoài cổng có dòng nước chảy quanh. Vào bên trong thì thấy nhà cửa rất sạch sẽ, chủ nhân gọi trẻ thắp đèn, lại sai đưa người đầy tớ đi nghỉ. Ma nói "Trước vẫn lấy văn chương họp bạn, nay đã gần đến ngày thi, không nên bỏ phí đêm đẹp. Xin nghĩ ra bốn đề bài, mỗi người rút thăm lấy một, làm văn xong hãy uống rượu. Mọi người theo lời, mỗi người nghĩ ra một đề bài, viết đặt lên bàn, ai rút được đề nào thì tới bàn riêng suy nghĩ mà làm. Chưa hết canh hai tất cả đều làm xong, đưa cho nhau lần lượt xem. Người học trò đọc văn của ba người rất khâm phục, bèn chép lại cất đi. Chủ nhân đưa rượu ngon ra mời khách, rót chén lớn uống liên tiếp, không biết say là gì. Khách từ tạ không uống nữa, chủ nhân cũng chiều lòng, đưa vào một phòng riêng. Người học trò say quá, cứ mặc áo mang giày nằm xuống ngủ thẳng. 

Đến khi tỉnh dậy thì mặt trời đã mọc cao, nhìn bốn bên chẳng thấy có nhà cửa phòng ốc gì, chỉ có hai chủ tớ nằm trong hốc núi. Người học trò hoảng sợ vội gọi đầy tớ dậy. Nhìn ra thấy bên cạnh có một cái động, trong có dòng nước cuồn cuộn chảy ra, ngờ rằng mình nằm mơ, nhưng tìm lại trong bọc thì ba bài văn chép lại vẫn còn. Xuống tới dưới núi hỏi dân ở đó, mới biết đó là động Tam tiên, trong động có ba con vật là cua, rắn và ễnh ương rất linh thiêng, hay ra ngoài chơi, thỉnh thoảng họ vẫn trông thấy. Khi người học trò vào thi, đề bài ra đều trùng với ba bài mà tiên đã làm, nhờ vậy được đỗ đầu.