Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 15 - Chương 368: Lâm Thị




Thích An Kỳ ở huyện Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) vốn là người phóng túng dông dài, thích lui tới chơi bời ở kỹ viện, vợ năn nỉ khuyên can nhiều lần vẫn không nghe. Vợ là Lâm thị, xinh đẹp mà hiền thục, gặp lúc quân Bắc vào cướp bị bắt đi, đêm ngủ lại trên đường, tên lính muốn cưỡng hiếp, Lâm thị giả ưng thuận. Tên lính tháo đao để lên đầu giường, nàng chụp dao cắt cổ tự tử, tên lính vác xác ném ra đồng, hôm sau nhổ trại rút đi. Có người nói là Lâm thị đã chết, Thích đau xót tìm tới, thấy nàng còn khẽ thở, bèn vác về. Qua ngày sau thì cựa mình, dần dần rên rỉ. Thích đỡ lấy cổ, đút ống tre nhỏ nước cho uống, vẫn nuốt xuống được. Thích vỗ về nói “Nếu nàng sống được, ta mà phụ sẽ bị chết chém”. 

Nửa năm Lâm thị bình phục như cũ, nhưng đầu bị niễng vì cổ có vết sẹo. Thích vẫn không cho là xấu, yêu mến còn hơn xưa, từ đó không bao giờ chơi bời đi ngang về tắt nữa. Lâm thị tự cho là mình xấu, định mua thiếp cho chồng nhưng Thích nhất định không chịu. Được mấy năm, Lâm thị không sinh nở, lại khuyên chồng cưới thêm tỳ thiếp. Thích đáp “Đã thề không phụ nhau, chẳng lẽ quỷ thần không nghe thấy sao? Cho dù không có con nối dõi thì đó cũng là số phận của ta, còn nếu chưa tới nỗi thế, thì chẳng lẽ từ nay đến già nàng không sinh con được à?”. Lâm thị bèn thác cớ có bệnh, để Thích ngủ một mình, sai tỳ nữ là Hải Đường tới ngủ dưới giường, lâu sau ngầm hỏi, ngườì tỳ nữ đáp không có chuyện gì. Lâm không tin, đến đêm bảo người tỳ nữ đừng đi, rồi tới nằm vào chỗ ấy. 

Giây lát, nghe trên giường có tiếng ngáy, rón rén trở dậy, leo lên giường mò mẫm. Thích tỉnh giấc hỏi ai, Lâm thị nói khẽ "Ta là Hải Đường mà". Thích đẩy ra nói "Ta đã có lời thề rồi nên không dám thay đổi, chứ như năm trước thì cần gì cô phải tự tới đây?". Lâm thị bèn xuống giường đi ra. Thích từ đó cứ ngủ một mình, Lâm thị sai người tỳ nữ giả làm mình mò vào, Thích nghe vợ xưa nay không bao giờ tự tìm tới với chồng, ngờ vực sờ lên cổ không thấy vết sẹo, biết là người tỳ nữ, lại đuổi đi, người tỳ nữ thẹn lui ra. Đến sáng, Thích đem chuyện kể lại, bảo Lâm thị mau gả chồng cho người tỳ nữ, Lâm thị cười nói "Chàng không cần cố chấp như vậy, nếu nó lấy được một người chồng như chàng thì cũng may lắm". Thích nói "Nếu phụ lời thề thì quỷ thần phạt ngay, lại còn mong có con nối dõi được à?". 

Hôm sau Lâm thị cười nói với Thích rằng "Phàm nhà nông thì có gặt được gì hay không không biết, chỉ biết là đến mùa thì phải cày cấy gieo trồng, đêm nay là tới kỳ cày cuốc rồi đấy?”. Thích hiểu ý cười. Đêm tới, Lâm thị tắt đèn, bảo người tỳ nữ vào nằm ở giường mình. Thích vào còn đùa nói "Người cày tới rồi đây!". Xong rồi, người tỳ nữ giả trở dậy đi rửa ráy, để Lâm thị vào nằm. Từ đó cứ thế làm mà Thích vẫn không biết. Không bao lâu người tỳ nữ có mang, Lâm thị cứ sai nghỉ ngơi, không cho qua lại làm việc trước mặt Thích. Rồi giả hỏi rằng "Thiếp khuyên lấy tỳ thiếp, mà chàng không nghe, nếu mai đây cho giả mạo thiếp lừa chàng, đến khi có mang thì làm sao?". Thích đáp "Giữ con bán mẹ", Lâm thị im lặng. 

Không bao lâu, người tỳ nữ sinh được một con trai, Lâm thị ngầm thuê vú nuôi, bế về nuôi ở nhà mẹ. Được bốn năm năm, lại sinh thêm một trai một gái. Con trai lớn tên Trường Sinh, được bảy tuổi, theo học ở nhà ông ngoại*. Lâm thị cứ nửa tháng một lần nói thác về thăm cha mẹ để chăm sóc. Người tỳ nữ càng lớn tuổi, Thích vẫn giục gả chồng đi, Lâm thị cứ ậm ừ. Người tỳ nữ hàng ngày nhớ thương con, Lâm thị theo ý, làm như gả bán, đưa về nhà mẹ, nói với Thích rằng "Chàng cứ nói thiếp không chịu gả Hải Đường, nay mẹ thiếp có con trai nuôi, nên cho cưới nó”. 

* ông ngoại: tức cha Lâm thị, vì ngày xưa con vợ lẽ cũng phải coi vợ lớn của cha hơn mẹ ruột. 

Lại vài năm sau, con trai con gái đều lớn. Sắp tới ngày sinh nhật của Thích, Lâm thị chuẩn bị yến tiệc để mời bạn bè khách khứa, Thích than rằng “Năm tháng qua mau, chợt đã nửa đời rồi, may mà còn khỏe mạnh, trong nhà cũng không tới nỗi đói rét, chỉ thiếu một đứa con trai dưới gối mà thôi". Lâm thị nói “Chàng cứ cố chấp không nghe lời thiếp, bây giờ còn oán hờn ai? Có điều muốn có con trai thì hai đứa cũng chẳng khó, huống chi là một?". Thích cười nói "Nếu nói không khó, thì ngày mai xin mừng cho hai đứa con trai". Lâm thị nói dễ mà. Sáng dậy sớm, sai đem kiệu về nhà cha mẹ, cho các con ăn mặc chỉnh tề đưa hết cả về. Vào nhà, sai đứng xếp hàng gọi cha, cúi đầu chúc thọ, lạy xong đứng dậy, nhìn nhau cười hì hì. 

Thích kinh ngạc chẳng hiểu gì, Lâm thị nói "Chàng đòi mừng hai con trai, thiếp còn thêm một con gái đấy", rồi mới kể hết đầu đuôi. Thích mừng rỡ hỏi "Sao không nói sớm?", Lâm thị đáp “Nói sớm thì sợ chàng bỏ mẹ chúng. Nay con trai đã lớn, có bỏ mẹ chúng mà được à?". Thích xúc động rơi nước mắt, bèn đón người tỳ nữ về, cùng sống với nhau đến già. Ngày xưa mà có người vợ hiền như Lâm thị, thì đã gọi là thánh rồi.