Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 11 - Chương 197: Người Khách Họ Đồng




Đổng sinh là người Từ Châu (tỉnh Giang Tô), thích kiếm thuật, hay khoe khoang tự phụ. Tình cờ đi đường gặp một người khách, sinh trò chuyện, toàn thở ra giọng anh hùng. Hỏi tên họ, khách nói là họ Đồng người huyện Liêu Dương (tỉnh Liêu Ninh), lại hỏi đi đâu, đáp "Ta xa nhà đã hai mươi năm, nay vừa từ hải ngoại về!. Đổng nói "Ông ngao du bốn biển, quen biết nhiều người, có thấy ai là bậc dị nhân không?". Đồng hỏi loại dị nhân nào, Đổng bèn nói rõ sở thích của mình, lấy làm hận không được bậc dị nhân nào truyền thụ cho. Đồng nói "Ở đâu mà không có dị nhân, nhưng phải là tôi trung con hiếu thì mới được truyền thụ cho thuật ấy". Đổng hăng hái tự nói mình sẽ làm được như thế, rồi rút ngay kiếm ra, vỗ vào mà hát, lại chém đứt một cây nhỏ bên đường để khoe kiếm sắc. Đồng vuốt râu mỉm cười, nhân mượn xem, Đổng bèn đưa cho. Đồng xem qua một lượt, nói "Đây là loại thép làm áo giáp đúc ra, còn ám mồ hôi, chỉ là hạng chót. Ta tuy chưa học kiếm thuật nhưng cũng có một thanh dùng được”, rồi rút trong áo ra một thanh đoản kiếm dài khoảng một thước, cầm gọt gươm của Đổng như cắt rau dưa, cắt tới đâu sắt vụn rơi lả tả tới đó. Đổng khiếp quá, cũng xin cầm xem, múa may đâm chém mấy nhát rồi trả lại, mời Đồng ghé lại nhà, khẩn khoản mời ngủ lại, lạy lục xin học kiếm pháp. 

Đồng tạ từ nói không biết, Đổng vỗ gối hứa hẹn hùng hồn, Đồng chỉ kính cẩn ngồi nghe. Đến khuya chợt ở nhà bên có tiếng quát tháo đánh trói ầm ỉ. Nhà bên là nơi cha Đổng ở, Đổng giật mình tới bên vách nghe ngóng, chỉ nghe có giọng giận dữ nói "Gọi con ngươi ra mau, ta sẽ tha cho". Giây lát lại có tiếng đánh đập, tiếng rên rỉ không dứt, đúng là tiếng của cha. Đổng cầm ngọn mác muốn xông qua, Đồng cản lại nói "Qua đó sợ không sống được đâu, xin ông nghĩ cách vạn toàn!. Đổng hoảng sợ xin chỉ giáo, Đồng nói "Bọn cướp gọi đích danh thì đã rắp tâm giết ông. ông không có anh em gì khác, hãy trối trăn cho vợ con đã. Ta sẽ mở của giúp ông dọn dẹp đám thối tha này”. Đổng theo lời vào nói với vợ, vợ níu áo khóc, Đổng bao nhiêu hùng tâm chợt tiêu tan, bèn cùng nhau lên lầu, tìm cung kiếm tên đề phòng bọn cướp đánh qua. Còn đang luống cuống thì nghe tiếng Đồng trên nóc lầu cười nói “May là bọn cướp chạy rồi!". Đốt đuốc soi thì khách đã biến mất, rón rén qua xem thì cha uống rượu ở nhà hàng xóm vừa cầm đuốc về tới, mà trước sân chỉ toàn là cọng rơm cháy dở, mới biết Đồng là bậc dị nhân. 

Dị Sử thị nói: Trung hiếu là tính người, mà những kẻ làm ta con không thể xả thân vì vua cha xưa nay, buổi đầu há không có lúc hăng hái cầm mác toan xông ra đâu, chỉ vì xoay chuyển ý nghĩ một lần mà thành lầm lạc đó thôi. Xưa Giải Đại Thân đã thề cùng chết với Phương Hiếu Nhu* mà sau lại nuốt lời, có lẽ sau khi thề thốt về nhà lại nghe tiếng vợ kêu khóc ở đầu giường cũng chưa biết chừng? Trong huyện có tên lính trạm là Mỗ, thường cứ đi mấy ngày mới về, vợ tư thông với một gã vô lại trong thôn. Một hôm Mỗ vừa về tới thì gặp một thiếu niên trong phòng vợ đi ra, vô cùng ngờ vực, căn vặn thì vợ khăng khăng chối. Kế tìm được đồ vật của thiếu niên để quên ở đầu giường, vợ cứng họng không sao chối được nữa, chỉ quỳ lạy xin tha tội. Mỗ giận quá, vứt cho cuộn dây bắt tự thắt cổ, vợ xin trang điểm rồi chết, Mỗ ưng thuận. Vợ bèn vào phòng trang điểm, Mỗ ngồi ngoài uống rượn chờ, chủi mắng thúc giục. Lát sau vợ ăn mặc lộng lẫy bước ra, sa lệ lạy nói! Chàng quả nhẫn tâm bắt em chết sao?", Mỗ làm ra vẻ giận dữ quát tháo, vợ quay vào đang thắt dây thì Mỗ dằn chén gọi “Thôi ra đây, một thằng đội khăn xanh** chắc không thể bắt người khác chết được!", rồi lại ăn ở với nhau như cũ. Đó cũng là loại người như Đại Thân, nghĩ cũng buồn cười. 

*Giải Đại Thân... Phương Hiếu Nhu: tức Giải Tấn và Phương Hiếu Nhu thời Minh, đều nổi tiếng văn chương, làm quan dưới triều Huệ đế. Lúc Yên vương (sau là Minh Thành tổ) dấy quân đánh Huệ đế, hai người cùng Chu Thục Tử, Vương Lương, Ngô Bạc, Hồ Hoàng hẹn cùng sống chết giúp Huệ đế. Kế Giải sai người tới nghe ngóng xem Hồ Hoàng động tĩnh ra sao, nghe Hồ hỏi người nhà cho heo ăn chưa. Giải nghe thế cười nói "Một con heo còn không chịu bỏ thì làm sao chịu bỏ tính mạng”, rồi không nghĩ gì tới lời hứa nữa. Sau Yên vương đánh chiếm Nam Kinh, Phương Hiếu Nhu bị bắt không chịu đầu hàng, bị giết cả mười họ giữa chợ, chỉ có Vương Lương đóng cửa kêu khóc rồi uống thuốc độc chết theo, còn còn những người kia đều nuốt lời ra làm quan với Minh Thành tổ. 

**Đội khăn xanh: thời Xuân thu có hạng đàn ông cho vợ và con gái làm đĩ, gọi là "xướng phu”, phải đội khăn xanh để phân biệt với người khác.