Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 10 - Chương 170: Ba Kiếp (Tam Sinh)




Anh Mỗ ở Hồ Nam nhớ được chuyện ba kiếp trước. Kiếp đầu làm quan huyện, được cử làm khảo quan kỳ thi hương. Có danh sĩ tên Hưng Vu Đường bị đánh rớt uất ức mà chết, cầm quyển thi tới âm ty kiện. Đơn kiện vừa đưa lên, những sĩ tử thi rớt mà chết kéo tới hàng vạn người, tôn Hưng đứng đầu, lúc tan lúc họp. Mỗ bị bắt tới đối chất với Hưng, Diêm Vương hỏi Mỗ coi việc cân nhắc văn chương, tại sao lại đánh rớt người tài sĩ mà lấy đỗ kẻ tầm thường. Mỗ phân trần rằng ở trên còn có quan Chủ khảo, mình chẳng qua chỉ là kẻ thừa lệnh mà thôi. Diêm Vương lập tức phát thẻ bài sai đi bắt viên Chủ khảo, hồi lâu giải tới, Diêm Vương thuật lại lới Mỗ, viên Chủ khảo nói “Ta chẳng qua chỉ là người xem lại lần cuối, nếu các quan Giám khảo không đưa bài lên thì làm sao ta đọc được?". Diêm Vương nói “Không được đổ lỗi cho nhau như thế, hai ngươi đều không làm tròn phận sự như nhau thôi", vừa sắp phạt đánh đòn hai người thì Hưng không vừa lòng bước ra gào lớn, đám ma đứng dưới thềm cũng la hét phụ họa. 

Hưng nói trừng phạt như vậy quá nhẹ, phải khoét cả hai mắt để trị tội không biết đọc văn. Diêm Vương không chịu, đám ma càng la hét tợn, Diêm Vương nói "Tội của họ không phải là không muốn được văn hay, chỉ là ngu dốt thôi". Đám ma lại xin mổ tim, Diêm Vương bất đắc dĩ sai lột áo hai người, lấy dao bén rạch bụng, hai người đổ máu kêu la, đám ma vô cùng vui sướng, đều nói "Bọn ta uất ức dưới suối vàng chưa lần nào được phát tiết nỗi hận, nay nhờ Hưng tiên sinh mới được hả giận”, vui vẻ tan đi. Mỗ chịu tội mổ bụng xong, bị giải tới Thiểm Tây đầu thai làm con nhà thường dân. Năm hai mươi tuổi thì trong vùng có bọn giặc lớn gây loạn, Mỗ bị ép theo. Quan quân đánh dẹp phá tan, bắt được rất nhiều, Mỗ cũng bị bắt nhưng nghĩ mình bị ép chứ không phải thật lòng làm giặc, còn có thể phân trần được. 

Đến khi ra mắt quan trên, thấy cũng chỉ hơn hai mươi tuổi, Mỗ nhìn kỹ thì ra là Hưng, sợ hãi nói "Chắc ta chết rồi". Kế đó Hưng cho tha hết những kẻ bị bắt, duy có Mỗ tới sau thì không cho phân trần gì, sai đem xử chém. Mỗ tới âm ty đưa đơn kiện Hưng, Diêm Vương không cho bắt ngay để chờ Hưng hướng hết lộc số. Ba mươi năm sau Hưng mới tới đối chất, Diêm Vương thấy coi thường mạng người nên phạt làm súc vật. Lại xét lại việc làm của Mỗ thấy lúc trước từng đánh đập cha mẹ, cũng phạt như Hưng. Mỗ sợ kiếp sau Hưng báo thù, nên xin làm con vật lớn. Diêm Vương bèn phạt Mỗ làm chó lớn, Hưng làm chó nhỏ. Mỗ thác sinh ở chợ phủ Thuận Thiên (tỉnh Hà Bắc), một hôm đang nằm ở đầu đường thấy có người khách từ Nam lên, dắt theo một con chó lông vàng to bằng con mèo, nhìn lại thì ra là Hưng. Mỗ khinh là nhỏ xông vào cắn, bị con chó nhỏ táp vào cổ họng, đeo dính như cái lục lạc. Con chó lớn rẫy ra rồi đè con chó nhỏ xuống cắn, người trong chợ xúm lại giằng ra không được. Lát sau cả hai cùng chết, lại xuống âm ty tranh cãi với nhau. Diêm Vương nói "Oan oan tương báo đến bao giờ mới thôi được, nay ta sẽ cởi mối thù oán cho các ngươi", rồi phán kiếp sau Hưng sẽ làm con rể Mỗ. 

Mỗ sinh ra tên Khánh Vân, năm hai mươi tám tuổi thi đỗ Cử nhân. Sinh được một gái đoan trang đẹp đẽ, các nhà thế tộc tranh nhau nhờ người tới hỏi, Mỗ đều chối từ. Ngẫu nhiên qua chơi quận bên, gặp lúc quan Học sứ xếp hạng các Chư sinh, người đứng đầu là họ Lý, thật ra là Hưng. Mỗ đưa về nơi trọ, đối xử rất ân cần, hỏi tới gia đình thì chưa có vợ, bèn hứa gả con gái cho. Mọi người đều cho rằng Mỗ quý kẻ có tài, chứ không biết thật ra là số phận. Kế đó Lý cưới con gái Mỗ, vợ chồng rất hòa hợp nhưng chàng rể cậy tài coi thường cha vợ, cả năm không tới thăm một lần, cha vợ cũng nhịn. Sau chàng rể trung niên lận đận, lao đao mãi vẫn không thi đỗ, Mỗ tìm đủ cách giúp đỡ cho mới được đắc chí ở khoa danh, từ đó hai người thương yêu nhau như cha con ruột vậy. 

Dị Sử thị nói: Bị đánh rớt một lần mà ba kiếp chưa hết thù oán, căm hận đến thế thật là quá đáng. Diêm Vương thu xếp vốn rất hay, nhưng dưới thềm có hàng ngàn hàng vạn kẻ chen chúc như Hưng, chẳng lẽ những rể hiền trong thiên hạ đều là con ma kêu gào khóc lóc dưới âm ty sao!