Công tử Vương Thụy Đình ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) biết cầu tiên, thường được một vị tự xưng là Hà tiên, đệ tử của tiên ông Lữ Động Tân, có người nói là con hạc của Lữ tổ cưỡi. Mỗi lần giáng lâm, đều cùng mọi người luận văn làm thơ. Thái sử Lý Chất Quân thờ làm thầy, được chỉ vẽ cho về văn bài rõ ràng cặn kẽ. Thái sử cầu khẩn được Hà tiên nhiều khi tới ở cùng, nên văn sĩ nhiều người tới nương dựa. Nhưng tiên đoán việc cho người phần nhiều đều bàn lý lẽ chứ ít khi nói rủi may. Năm Tân mùi, Chu Văn Tông ra khảo thí ở Tế Nam, thi xong mọi người tới xin đoán về chuyện đỗ hay trượt, cao hay thấp. Hà tiên đòi xem bài làm của từng người, phẩm bình cả tháng. Trong bọn có người chơi thân với Lý Biện ở huyện Lan Lăng (tỉnh Sơn Đông), Lý vốn là kẻ sĩ ham học nghĩ xa, mọi người đều mong mỏi nên đưa văn bài của Lý ra nhờ tiên xem giúp.
Tiên chú rằng "Hạng nhất", lát sau lại viết “Mới rồi là bình văn của Lý, song cứ theo văn chương thì thấy vận số rất xấu, phải bị roi vọt. Lạ thật, văn chương với số mệnh lại không phù hợp, chẳng lẽ Văn Tông không bàn văn chương à? Các ông chờ ở đây để ta đi xem thử một lúc". Giây lát lại viết “Ta vừa tới dinh quan Đốc học, thấy Văn Tông công việc bề bộn, đang lo nghĩ chuyện khác chứ không phải về văn chương, mọi việc đều giao phó cho đám mạc khách. Khách có sáu bảy người, toàn là hạng bỏ tiền gạo ra mua chức Giám sinh, kiếp trước đều không có khí cốt, quá nửa là kẻ chết đói giữa đường, hồn ma vất vưởng xin ăn khắp nơi thôi. Ở trong ngục tối tám trăm năm thì sức mắt suy giảm, cũng như người ở lâu trong hang chợt bước ra ngoài thì trời đất đều như đổi màu, không thấy rõ gì cả. Trong bọn có một hai người như thế đấy, duyệt quyển chấm văn e không hiểu đúng được đâu”. Mọi người hỏi cách cứu vãn, tiên viết "Cách ấy rất rõ, ai cũng hiểu rồi còn hỏi làm gì?".
Mọi người hiểu ý đem chuyện kể cho Lý. Lý sợ đem văn bài tới dâng Thái sử Tôn Tử Vị, lại nói lời tiên. Thái sử khen văn, lại khuyên đừng tin nhảm. Lý thấy Thái sử là người chủ trì văn giáo trong nước, lấy làm phấn chấn không nghĩ tới lời tiên đoán nữa. Đến ngày ra bảng, Lý được xếp hạng tư. Thái sử hoảng sợ, đòi văn bài của Lý xem lại, cũng không hề phạm quy, bèn nói "Đốc học là quan tỉnh, vốn có văn danh, chắc không tới nỗi mù mờ như thế, đây chắc là do bọn mạc khách mê muội không biết chữ nghĩa mà thôi". Lúc ấy mọi người càng phục Hà tiên, cùng thắp hương vái tạ. Tiên giáng viết rằng "Lý sinh đừng chịu khuất phục một lúc để chịu xấu hổ, cứ chép quyển thi truyền rộng ra, sang năm thế nào cũng đỗ cao". Lý theo lời dạy, lâu sau trong dinh Đốc học cũng biết, bèn treo bảng đặc biệt an ủi. Năm sau quả nhiên Lý đỗ đầu.