Đại Tề, năm Khải Chính thứ hai mươi mốt, tiết Sương giáng. Một đội kỵ sĩ phóng ngựa lao băng băng trên quan đạo, người và ngựa đều đã mệt nhoài. Bỗng nhiên, kỵ sĩ trẻ tuổi đi đầu quát: “Đến cột mốc biên giới rồi!” Ven đường ngay cách đó không xa là một tấm bia đá cao hơn một trượng, bên trên có một dòng chữ bằng máu như rồng bay phượng múa, lệ khí bức người: Xích Uyên, sinh linh dừng bước, kẻ tự ý xông vào sẽ bị nghiền thành tro.
Trước tấm bia đá, một tướng quân trung niên dẫn theo một loạt cấm vệ đang chờ đón họ. Các cấm vệ mặc giáp cầm binh khí, xếp thành một hàng, thấy người tới thì đồng loạt quỳ xuống: “Thái tử điện hạ.” “Dừng!” Kỵ sĩ trẻ tuổi đi đầu nhảy xuống ngựa, do chạy quá nhanh mà chân loạng choạng, tướng quân kia vội rảo bước đến đỡ y: “Điện hạ cẩn thận.” “Không sao.” Người trẻ tuổi xua tay, hỏi, “Hoàng thúc của ta đâu?”
Còn chưa dứt lời, đã nghe cách đó không xa có người gọi nhũ danh của y: “Tiểu Đồng Nhi, qua bên này.” Người vừa lên tiếng là một nam nhân vận huyền y, quay lưng về phía mọi người, đứng một mình ở bên kia cột mốc biên giới. Thái tử trẻ tuổi liếc nhìn dòng chữ bằng máu trên cột mốc biên giới, nghé con mới sinh không sợ hổ mà xông qua, chạy chầm chậm đến trước mặt nam tử huyền y nọ, quỳ xuống: “Nhi thần…”