*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Phần I: Tại sao lại không?
Công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, để tìm thấy được không chỉ là một nhiệm vụ khó khăn đối với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại của nhân loại, mà nó còn có thể hoàn toàn thay đổi cuộc sống của chúng ta hay là cuộc sống của những sinh vật ngoài Trái đất mà chúng ta tìm thấy.
Cho dù chúng ta tìm thấy vi sinh vật lạ trên bề mặt sao Hỏa hoặc là ở một thế giới xa xăm nào đó, hay là chúng ta sẽ tiếp xúc với một nền văn minh tiên tiến xa xôi, khoa học của chúng ta hiển nhiên sẽ được phát triển đáng kể và sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ có thể sẽ được cải thiện rất nhiều.
Câu hỏi đầu tiên cần xem xét là liệu có tồn tại sự sống ngoài kia không để chúng ta liên lạc?
Theo Drake Equation (Phương trình Drake), câu trả lời rất có thể là “có”. Phương trình Drake lần đầu tiên được trình bày bởi Tiến sĩ Frank Drake vào năm 1961. Ông Drake là một trong những người tiên phong trong công cuộc tìm kiếm văn minh ngoài trái đất; ông nghiên cứu thiên văn vô tuyến ở Harvard và giữ một số chức vụ trong lĩnh vực này, bao gồm làm việc cho Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, làm việc với cương vị giáo sư tại trường Đại học Cornell, và với cương vị giám đốc Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico. Ông đã sử dụng một công thức tương đối đơn giản để ước lượng số nền văn minh có kỹ thuật tiên tiến trong thiên hà của chúng ta.
Phương trình Drake như sau: N = R’. fp. ne. fl. fi. fc. L, trong đó
N = Số lượng các nền văn minh trong ngân hà có thể có các nguồn phát xạ điện từ mà nhân loại có thể phát hiện được.
R’ = Tỷ lệ hình thành các ngôi sao có điều kiện môi trường phù hợp với sự phát triển của sinh vật thông minh.
fp = Tỷ lệ các ngôi sao có các hệ hành tinh.
ne = Số lượng các hành tinh trong mỗi hệ mặt trời, với một môi trường thích hợp cho sự sống.
fl = Tỷ lệ các hành tinh có điều kiện thích hợp để sự sống có thể thực sự xuất hiện.
fi = Tỷ lệ các hành tinh có sự sống mà có thể xuất hiện sinh vật thông minh.
fc = Tỷ lệ các nền văn minh có thể phát triển được một công nghệ phát đi những tín hiệu sự sống của họ vào không gian.
L = Khoảng thời gian mà những nền văn minh như vậy có thể phát vào không gian những tín hiệu mà nhân loại có thể phát hiện được.
Tất nhiên nó rất là lý thuyết vì chúng ta không biết được giá trị thực của các yếu tố cần xem xét. Nhưng câu trả lời từ ước tính của ông Drake là có khoảng 50.000 nền văn minh trí tuệ có thể đang tồn tại, và họ có thể đang phát tín hiệu vào không gian. Con số này có vẻ lớn, nhưng khi xét đến sự bao la của vũ trụ và xác suất mà nền văn minh của chúng ta bắt được tín hiệu đó, con số đó cho thấy chỉ có một phần triệu số ngôi sao có tồn tại nền văn minh mà chúng ta phát hiện được. Do đó, đối với tổ chức SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence – tìm kiếm văn minh ngoài Trái đất) mà ông Drake là chủ tịch danh dự, nó giống như đi tìm một cây kim trong một đống rơm rất lớn.
Sang câu hỏi tiếp theo là nhân loại đã sẵn sàng liên lạc với người ngoài hành tinh chưa, có thể đó là các vi sinh vật hay là một nền văn minh tiên tiến?
Một khía cạnh cần xem xét là khả năng gây ô nhiễm do sự sống trên Trái Đất đối với ngoài Trái Đất, hoặc ngược lại. Liệu những cuộc chiến tranh, nạn đói, tham nhũng chính trị, bệnh tật và ô nhiễm môi trường của chúng ta có thể ảnh hưởng đến một nền văn minh ngoài hành tinh nguyên sơ hơn?
"Một khía cạnh cần xem xét là khả năng gây ô nhiễm do sự sống trên Trái Đất đối với ngoài Trái Đất, hoặc ngược lại."
Chúng ta đã làm ô nhiễm gần như tất cả các hệ thống nước ngọt trên Trái Đất và làm ô nhiễm đất và không khí. Thật khó có thể tin rằng chúng ta có thể gây ô nhiễm cho không gian bao la bên ngoài, nhưng NASA hiện đang theo dõi 500.000 mẩu “rác vũ trụ” đang di chuyển lên đến 17.500 dặm một phút. Năm 1996, một vệ tinh của nước Pháp bị trúng phải các mảnh vụn từ một tên lửa Pháp đã nổ từ một thập kỷ trước và cuối cùng đã bị hỏng. Năm 2009, một vệ tinh không còn hoạt động của Nga va chạm với một vệ tinh thương mại đang hoạt động của Hoa Kỳ. Vụ va chạm này bổ sung thêm khoảng 2.000 mảnh vỡ vào rác vũ trụ. Năm 2007, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm công nghệ tên lửa chống vệ tinh. Họ đã phá hủy một vệ tinh thời tiết không còn hoạt động, và bổ sung thêm khoảng 3.000 mảnh vỡ vào rác vũ trụ. Hơn 20.000 mảnh lớn hơn một quả bóng chày và một số rất nhỏ không thể theo dõi được.
Nếu đây là cách chúng ta đối xử với hành tinh của chính mình và không gian xung quanh nó, có lẽ tốt nhất là chúng ta không nên giới thiệu bản thân mình với người ngoài hành tinh.
Mặt khác, điều kiện sống của chúng ta có thể sẽ càng tồi tệ hơn nếu như sinh vật ngoài hành tinh làm ô nhiễm thế giới của chúng ta hơn nữa. Chúng ta đã chứng kiến những sinh vật lạ xâm lấn có sức phá hoại như thế nào đối với một hệ sinh thái. Sinh vật đến từ những thế giới khác cũng mang lại những rủi ro tương tự.
"Chúng ta đã chứng kiến những sinh vật lạ xâm lấn có sức phá hoại như thế nào đối với một hệ sinh thái. Sinh vật đến từ những thế giới khác cũng mang lại những rủi ro tương tự."
Một phần động cơ thúc đẩy chúng ta tiến hành các cuộc thăm dò không gian là để tìm kiếm các nguồn tài nguyên, như vậy, người ngoài hành tinh có thể cũng có những động cơ tương tự. Nếu chúng ta tìm thấy sự sống thông minh, có lẽ tốt nhất là không nên thu hút sự chú ý của họ đến chúng ta và các nguồn tài nguyên của chúng ta.
Trong phim tài liệu của Discorvery “Bay vào vũ trụ với Stephen Hawking”, Hawking tưởng tượng về khả năng những người ngoài hành tinh du mục với nền văn minh tiên tiến, lái những con tàu khổng lồ đi tìm kiếm, chinh phục và xâm chiếm bất cứ hành tinh nào họ có thể tiếp cận, để chiếm hữu các nguồn tài nguyên.
“Chúng ta phải nhìn lại bản thân mình để đánh giá xem liệu sự sống thông minh có thể phát triển thành những thứ mà chúng ta sẽ không muốn gặp phải”. Ông ví von sự viếng thăm của người ngoài hành tinh với sự kiện Columbus khám phá Thế giới Mới, “mà cuối cùng lại mang đến một kết cuộc không hay cho những người Mỹ da đỏ.”
"Chúng ta nên nhìn lại bản thân mình để đánh giá xem liệu sự sống thông minh có thể phát triển thành những thứ mà chúng ta sẽ không muốn gặp phải.” — Stephen Hawking
Stephen Hawking (NASA)
Bạn có sẵn sàng hay chưa thì cuộc tìm kiếm vẫn đang diễn ra và việc gặp gỡ người ngoài hành tinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. SETI đã làm việc chăm chỉ để cố gắng liên lạc hoặc truy tìm tín hiệu truyền từ những sự sống thông minh ngoài Trái đất kể từ năm 1984. Theo NASA, robot thăm dò sao Hỏa mang tên Curiosity của NASA không chỉ đơn thuần tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa mà nó còn được thiết kế để nhận định “khả năng sinh tồn” trên sao Hỏa.
Nhiều nhà khoa học muốn liên lạc và mở rộng phạm vi khoa học. Thậm chí có tổ chức tôn giáo đã nhấn mạnh vấn đề này. Năm 2008, người đứng đầu các nhà thiên văn của Vatican nói rằng niềm tin vào người ngoài hành tinh không mâu thuẫn với niềm tin vào Thiên Chúa. Hơn nữa, vị giám đốc đài thiên văn Vatican, Cha Jose Gabriel Funes, nói rằng sự bao la của vũ trụ có nghĩa là có thể tồn tại sự sống ngoài Trái Đất, thậm chí là những sự sống thông minh.
Nói theo triết học, rất khó để nói những nền văn hóa khác nhau trên Trái Đất sẽ phản ứng như thế nào với những tin tức về sự sống tồn tại ở một nơi khác, bất chấp quan điểm tích cực từ các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và Vatican.
Xét về lịch sử bạo lực của chúng ta, liệu chúng ta có phải đối mặt với một tương lai chiến tranh giữa các vì sao? Khi chúng ta liên lạc được, liệu chúng ta có thể kiểm soát được diễn tiến của nó hay những hậu quả tiêu cực sẽ đến trước khi chúng ta có thời gian để ngăn chặn chúng?
Allen Telescope Array ở California, hệ thống viễn vọng vô tuyến được chuyên dụng quan sát thiên văn và đồng thời dò tìm các nền văn minh ngoài Trái Đất. (Colby Gutierrez-Kraybill / Wikimedia Commons)
Phần II: Tại sao lại nên
Mặc dù các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, nhưng có một số lý do khiến chúng ta nên tránh tiếp xúc với người ngoài hành tinh. Có thể nêu ra một số lý do như: sự truyền nhiễm mầm bệnh gây nguy hại nghiêm trọng đến môi trường, hoặc một số nền văn hóa trên Trái Đất sẽ phản ứng tiêu cực trước sự hiện diện của người ngoài hành tinh ở những mức độ khác nhau, hoặc thậm chí nó có thể khơi mào cho một cuộc xâm lược từ một nền văn minh tiên tiến dẫn đến ngày tận thế của loài người, theo như lời tiên đoán cảnh báo của Stephen Hawking.
Tuy nhiên, có một số lý do cho thấy nếu tiếp xúc được với người ngoài hành tinh thì có thể là một điều tốt. Ít nhất thì các nhà khoa học tại Viện SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence – Tìm kiếm văn minh ngoài Trái Đất) nghĩ như thế; họ đã làm việc cật lực để phân loại hàng núi dữ liệu vô tuyến thu thập được từ vũ trụ trong nhiều thập kỷ qua với hy vọng sẽ tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất.
Nhưng nền văn minh của chúng ta có thu được lợi ích từ việc tìm kiếm người hành tinh hay không?
Các nhà khoa học tại NASA, SETI, và các tổ chức khác trên khắp hành tinh đang hy vọng câu trả lời là có. Tuy nhiên, mức độ lợi ích thu được còn tùy thuộc vào chủng sinh vật ngoài hành tinh mà con người có thể tìm thấy.
Ví dụ như, tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu xem liệu sao Hỏa có thể là một môi trường sống khả thi cho nhân loại. Biết đâu vào một lúc nào đó tàu thăm dò có thể tìm thấy sự sống vi sinh hoặc bằng chứng cho thấy đã từng tồn tại sự sống của vi sinh vật trên sao Hỏa vào một thời kỳ nào đó.
Một tấm bảng trên thiết bị thăm dò không gian đầu tiên, trên đó có ghi những lời chúc mừng và phương hướng bay về Trái đất. (NASA)
Có lẽ các nhà khoa học sẽ gặp khó khăn nếu muốn xác nhận bằng chứng hóa thạch của sự sống dạng vi sinh từng xuất hiện trước đây trên sao Hỏa bởi vì họ phải căn cứ trên các dữ liệu gửi về từ tàu thám hiểm. Dữ liệu sau đó sẽ được so sánh dựa trên cơ sở so sánh duy nhất chính là các mẫu vi sinh vật trên Trái Đất. Các nhà khoa học có thể sẽ tranh luận trong hàng tháng hoặc hàng năm cho đến khi NASA có đủ bằng chứng tích cực để công bố chính thức.
Trên thực tế, có một tình huống tương tự đã xảy ra hồi đầu năm nay khi Giáo sư địa sinh học Nora Noffke làm việc tại trường Đại học Old Dominion ở Virginia, công bố trên tạp chí “Astrobiology” rằng có sự giống nhau giữa lớp đá trầm tích cổ đại ở Gillespie Lake, Vịnh Yellowknife trên sao Hỏa với lớp đá trầm tích hình thành từ sự phân hủy vi khuẩn trên Trái Đất. Phát hiện này gợi ý (chứ không phải chứng minh) rằng sự sống đã từng tồn tại trên bề mặt lạnh giá của sao Hỏa khoảng 3,7 tỷ năm trước đây, theo tạp chí Astrobiology.
Nếu chúng ta tìm thấy vi sinh vật tồn tại trên sao Hỏa thì điều đó có lẽ sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến Trái Đất. Thực tế là vấn đề này sẽ trở thành đề tài chính trị gây tranh cãi — sẽ có những ý tưởng nảy sinh như liệu loài người có nên xen ngang vào sự sống trên sao Hỏa hay biến sao Hỏa thành một nơi bảo tồn thiên nhiên, theo SETI.
Nhưng nếu các nhà khoa học tìm thấy trên những hành tinh khác như sao Hỏa có tồn tại sự sống vi sinh tương tự như trên Trái đất thì điều đó sẽ có thể xác nhận lại điều mà các nhà khoa học hằng tin tưởng: sự sống có thể xuất hiện khắp nơi trong vũ trụ. Điều đó cũng sẽ giúp họ xác định xem liệu ở những thế giới xa xôi khác ngoài tầm với của chúng ta cũng có thể tồn tại sự sống tương tự hay không. Nó có thể thúc đẩy các nhà chính trị gia và các tổ chức thân thiện môi trường ban hành các chính sách quốc tế để kiểm soát việc liên lạc với người ngoài hành tinh.
"Việc phát hiện ra vi khuẩn cũng có thể thiết lập tiêu chuẩn cho chúng ta về cách đối phó với những sinh vật to lớn hơn, có nền văn minh cấp tiến hơn và thậm chí có thể đòi hỏi chúng ta phải thiết lập các tiêu chuẩn chính trị và pháp lý …"
Việc phát hiện ra vi khuẩn cũng có thể thiết lập tiêu chuẩn cho chúng ta về cách đối phó với những sinh vật to lớn hơn, có nền văn minh cấp tiến hơn và thậm chí có thể đòi hỏi chúng ta phải thiết lập các tiêu chuẩn chính trị và pháp lý trong trường hợp chúng ta phải chạm trán với họ. Nếu thế phát hiện này cũng quan trọng tương tự như bước khởi đầu chập chững của loài người hướng đến việc tìm kiếm những dạng sự sống tiên tiến hơn.
Chúng ta được lợi gì từ việc tiếp xúc các chủng loài ngoài hành tinh tiên tiến?
Hãy tạm thời bỏ qua cảnh báo của Stephen Hawking rằng việc tiếp xúc với người ngoài hành tinh có thể sẽ mở ra một thảm cảnh giống như cuộc xâm chiếm châu Mỹ của người Tây Ban Nha, việc thực sự tiếp xúc được với một loài sinh vật tiên tiến ngoài hành tinh có khả năng giúp khoa học và tri thức phổ quát đạt được bước phát triển nhảy vọt.
Tất nhiên, đó là với giả thiết họ sẵn sàng chia sẻ và không đưa ra các chính sách giữa các vì sao như “Chỉ thị Tối cao” trong phim Star Trek ngăn cấm sự trao đổi công nghệ và giới hạn tiếp xúc với các nền văn minh thấp kém hơn.
Trong thực tế, nếu thực sự có những chính sách như thế giữa những người ngoài hành tinh thì điều đó có thể giải thích lý do tại sao chúng ta không thể liên lạc được với họ, và đó cũng là lời giải thích khả thi cho Nghịch lý Fermi: Nếu người ngoài hành tinh sống ở khắp nơi trong thiên hà, tại sao chúng ta vẫn chưa tìm được ai?, theo bài viết “Phân tích tình huống: Việc tiếp xúc với người ngoài hành tinh là lợi hay hại cho loài người?” của tác giả Acta Astronautica ở trên
Tình huống tiếp theo là họ trung lập, có thể là họ không hứng thú trong việc giao tiếp, họ đang ở quá xa hoặc họ là một hình thức sự sống hoàn toàn khác và việc trao đổi thông tin là không thể, hoặc (như đã đề cập ở trên) họ đang cố tình né tránh chúng ta.
Nhưng, giả sử họ rất hiền hòa và cương trực, họ sẽ mang lại nhiều lợi ích tiềm năng, bao gồm những tiến bộ đáng kể trong toán học và khoa học, tư vấn giúp chúng ta tránh được những thảm họa toàn cầu, giải pháp cho các vấn đề trên Trái Đất, và thậm chí nâng cao nghiên cứu triết học.
Có thể là một nền văn minh tiên tiến trước nhiều thế hệ hoặc đã bắt đầu trước chúng ta hàng ngàn năm có thể đã có lời giải đáp cho nhiều câu hỏi triết học vẫn còn làm con người bối rối – những câu hỏi cơ bản như: chúng ta từ đâu đến, chúng ta là gì, và chúng ta sẽ đi về đâu. Họ cũng có thể đã hình thành cơ cấu kinh tế và chính trị tiên tiến hơn mà chúng ta chưa đạt đến hoặc thậm chí có thể giải đáp một số vấn đề xã hội vẫn còn ám ảnh người Trái Đất.
Nhưng, có một lợi ích tiềm năng — nó sẽ là một sự kiện gì đó có thể rất to lớn và có khả năng kết nối nhân loại về một mối. Đó là nếu người ngoài hành tinh tiên tiến có ý thù địch thì tất cả con người trên Trái Đất phải đoàn kết về một nhà để chống lại thế lực này.
“Có lẽ chúng ta cần một dạng đe dọa có tính toàn cầu xuất phát từ bên ngoài. Đôi khi tôi nghĩ rằng những sự khác biệt giữa nhân loại sẽ lập tức biến mất nếu chúng ta phải đối mặt với một mối đe dọa từ bên ngoài thế giới này. Chưa hết, tôi hỏi bạn, chẳng phải một lực lượng xa lạ đang sống giữa chúng ta hay sao? Còn điều gì xa lạ đối với khát vọng của nhân loại hơn là chiến tranh và nguy cơ chiến tranh kia chứ”, Tổng thống Ronald Reagan đã nói trong một bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1987.