Lật Mở Thiên Thư

Quyển 1 - Chương 2-1: Chốn nhân gian, mọi thời đại đều có cao thủ




Ghi chép (II) Những chuyện kỳ lạ mà Đường Tiểu Bạch chứng kiến: Thần thâu ký



Tôi thường nhìn thấy trên mạng những bức ảnh khiến người ta phải bật cười, ví dụ, có người nằm ngủ trên xe đạp, có người đặt lon bia rỗng xuống đất làm ghế ngồi, có người nằm ngửa móc hai chân lên gờ ban công đu người lên hạ người xuống, thậm chí có người nhảy lên mặt tường và đi nghiêng cả chục bước...

Tôi nghĩ, những chuyện đó ngoài gây cười ra, còn phản ánh một điểm chung là: cao thủ luôn có mặt khắp chốn nhân gian.

Điều này có thể đọc thấy trong rất nhiều tiểu thuyết cổ điển hoặc trong các tài liệu đã được ghi chép lại. Có người gọi là “thần hành”, ngày đi 300 dặm; có người có thể nín thở lặn dưới nước từ 5-10 phút, có người đứng xa anh chục mét vẫn lấy cắp được một thứ đồ trên người anh... Nói đến hành vi trộm cắp, thì nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc được gọi là “thần thâu”[1] có biệt hiệu “Yến tử Lý Tam”, truyền thuyết nói rằng anh ta có biệt tài leo trèo đột nhập. Đương nhiên tên nhân vật chính mà câu chuyện này kể không phải Lý Tam, mà là một siêu trộm khác, thật sự có bản lĩnh, chính mắt tôi chứng kiến - là một thần thâu mà “thành tích quang vinh” của anh ta khiến các cảnh sát kỳ cựu ở thành phố C vẫn còn nhớ như in.

[1] Tức “siêu đạo chích”; tài đến mức được coi là “thần trộm cắp”.

Mùa đông năm 2003, trước Tết. Cũng như năm ngoái, đài truyền hình đều tung ra một tiết mục nhằm nhắc nhở dân thành phố cảnh giác đề phòng bọn trộm cướp hoành hành trong dịp tết. Tiết mục này thường là sự hợp tác giữa đài và cảnh sát, lật giở lại một số vụ án thường gặp, nếu có điều kiện thì sẽ đi cùng cảnh sát để mai phục quay tại chỗ, hoặc tái hiện một lần gây án có tính chất điển hình, nhà sản xuất tìm gặp đương sự, quay phim, làm mờ khuôn mặt, kể lại trình tự câu chuyện và phát lên sóng.

Trước đây tôi và Mông Nhân chưa từng làm tiết mục kiểu này, nên cảm thấy rất mới mẻ. Vì chúng tôi cứ cho rằng đi theo cảnh sát để làm phóng sự tại chỗ thì mới lý thú, có cơ hội chúng tôi không bao giờ bỏ qua. Nhưng sau một thời gian làm việc, lại dần cảm thấy mệt mỏi, chúng tôi nhận ra rằng công việc của cảnh sát không gây kích thích như chúng tôi tưởng tượng, nên cảm thấy buồn chán và vất vả. Thường xuyên ra đứng đầu đường, ra bến xe buýt hoặc ra chợ chầu chực và thao tác nửa ngày hoặc cả ngày, thì ai cũng chán đến phát ốm. Chờ đợi chán chê, cảnh sát nói đã phát hiện ra một tên trộm, chúng tôi phấn chấn hẳn lên, khi tên trộm đó ra tay thì lập tức bị khổ chủ bắt quả tang. Khổ chủ cũng không phải tay vừa, tóm được rồi ông ta tát cho hắn lệch cả mặt, rồi đấm đá tơi bời. Chúng tôi và cảnh sát định chen vào cũng khó. Khi lôi được tên trộm đó ra, thì người hắn đã mềm oặt. Thẩm vấn, thì ra hắn là lần đầu trộm cắp! Thời kỳ đó cảnh sát bắt được không ít kẻ trẻ tuổi lần đầu gây án, chưa từng có tiền sự.

Tiết mục lần này của chúng tôi đã làm xong, tết cũng sắp đến gần. Vì gia đình tôi mới mở thêm một cửa hàng lẩu, vì sắp tết nên thiếu nhân lực, gia đình bèn bảo tôi về phụ giúp mấy hôm. Công việc của tôi ở đài cũng không bận lắm, cứ theo như năm ngoái, thì chắc đài sẽ cử thêm người trực ban, cho nên tôi xin với sếp cho nghỉ phép một tuần. Nào ngờ sếp vui vẻ chấp nhận ngay, chỉ yêu cầu tôi mồng 2 tết phải đến đài làm việc.

Quê tôi ở thành phố J, là một vùng văn hóa có tiếng trong tỉnh. Vào thời Đường, vùng này đã từng xuất hiện một nhà thơ lớn, cho nên về sau người ta khai thác nơi ở cũ của danh nhân này, thậm chí tìm ra ngôi trường cũ mà danh nhân đã học hồi còn bé, trùng tu khôi phục, và biến thành điểm du lịch; từ đó tiếp tục phát triển, khiến thành phố J quê tôi trở thành thành phố công nghiệp không khói là chủ yếu.

Cha tôi vốn là bộ đội chuyển ngành, sau khi trở về địa phương, làm sếp một cơ quan ít lâu, sau đó ông xin thôi việc để làm kinh doanh. Hồi đó cả họ đều phản đối, nhưng cha tôi viện ra lý do là mình không muốn dính dáng đến các chuyện tranh đấu ở chốn quan trường, chỉ muốn sống ung dung ít năm, sau này có thêm cháu chắt, tâm trạng sẽ càng nhẹ nhõm dễ chịu.

Thế rồi cha tôi bắt đầu từ ngành ẩm thực, làm các món ăn nhẹ, lẩu... Chỉ sau vài năm, quy mô kinh doanh ngày càng lớn, đã mở thêm ba cửa hàng tương tự cửa hàng lần này. Mẹ tôi cũng xin thôi việc cơ quan, trở về cùng trông nom với cha tôi. Có điều, họ rất không muốn tôi kế tục những hoạt động này, chỉ muốn tôi nếu rỗi thì trở về nhà giúp một tay, và nói rằng tôi nhất định phải có một công tác nghiêm chỉnh và có thu nhập ổn định; hiện giờ tôi chưa đủ kinh nghiệm trường đời và năng lực để có thể một mình đảm đương.

Về đến nhà, tôi mới nhận ra rằng, cái cửa hiệu mới mở thêm này có thêm tôi hay không cũng chẳng hề gì. Cửa hàng kinh doanh chủ yếu là các món lẩu cá; cá, do một vị có biệt hiệu là “Ngô lão ngư” cung cấp cho - đều là cá nuôi tự nhiên không dùng thức ăn công nghiệp, nên có hương vị rất ngon. Ngô lão ngư là triệu phú trẻ nhất địa phương, tuổi không nhiều hơn tôi bao nhiêu.

Cha mẹ tôi nói “bận tối mắt tối mũi”, thực ra chỉ là cha mẹ tôi thiếu một người ngồi uống rượu tiếp đãi các bạn, các đồng nghiệp cũ, các nhân viên cũ của cha tôi đến chúc mừng ông. Tôi về rồi, cha tôi dặn đi dặn lại rằng, làm ngành ăn uống, cần nấu ăn thật ngon, mặt khác cũng cần phải duy trì quan hệ xã hội cho tốt, “Con hãy chịu khó tiếp xúc với những người đó, chứ đừng nên ngồi chưa ấm chỗ đã đứng dậy lủi ra chỗ khác”.

Thế là, hai ngày đầu tiên về nhà, tôi chủ yếu là ngồi bên vò rượu. Hồi đó, điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và Mông Nhân là, Mông Nhân ham rượu, tôi thì không. Hễ thấy rượu là tôi “đau đầu”, tuy vẫn biết mình được hưởng gen di truyền dù uống một hơi nửa lít cũng không vấn đề gì, nhưng khi đối mặt với những con “sâu rượu” kia, thì tôi vẫn thua họ về lòng can đảm. Hai ngày đầu, tôi hầu như ăn rất ít, chỉ căng bụng vì rượu, ngày nào cũng phải hâm vài cốc sữa bò để uống hoặc uống cái thứ thuốc giải rượu giời ơi đất hỡi gì đó.

Sang ngày thứ ba, tôi thật sự không kham nổi nữa, bèn gọi ông anh họ đến “uống rượu” giúp. Anh ấy đang là sếp của một phòng ban gì đó ở ủy ban chính quyền, rất có khả năng giao tiếp, đám khách khứa ở đây hầu như đều quen biết anh. Còn về tửu lượng thì miễn chê: anh đã luyện uống rượu từ hồi học đại học, dù không đến nhà tôi uống thì ngày nào anh cũng uống ở nơi khác, uống đến say mềm.

Được ông anh họ đến chống đỡ giúp cho, tôi thấy nhẹ cả mình. Tôi ngồi ở quầy thu ngân, vừa xem ti-vi vừa dỏng tai nghe đám khách trong nhà đang hò hét inh ỏi. Lúc 8 giờ tối, cả nhà hàng đã đông nghịt người, có vị khách phải ngồi ở ngoài cửa hàng để chờ, thỉnh thoảng lại vào hỏi tôi bao giờ thì có chỗ. Khi tôi đang bận tíu tít thì có một gã ăn mày ăn mặc rách rưới đẩy cửa bước vào, sau đó chìa tay ra xin tiền khách ngồi bàn đầu tiên ở sát cửa.

Một cậu nhân viên cửa hàng đang định bước ra quát mắng, tôi vốn tốt tính, bèn ngăn anh ta lại, rồi mở ngăn kéo lấy ra ít tiền lẻ dúi cho gã ăn mày. Gã nhận tiền và mỉm cười với tôi, rồi chẳng thiết ngoái đầu, bước ra ngay. Cách đi của gã khác hẳn cách đi lúc mới bước vào.

Lúc này cậu nhân viên đứng bên mới nói với tôi: “Anh Đôn, anh rộng rãi quá đấy! Anh cho hẳn 100 tệ để lùa gã ăn mày đi!” Tôi giật mình, vội mở ngăn kéo ra xem. Thì ra lúc trước thu tiền hàng vội quá, tôi chưa phân loại tiền; tờ 100 tệ cũng để vào ngăn kéo, lúc tiện tay lấy tiền lẻ ra cho gã ăn mày, đã kẹp lẫn cả tờ tiền 100. Tôi định đuổi theo để đòi lại, nhưng ai có thể đòi nổi tiền từ tay một gã ăn mày? Thôi đành cho qua. Tôi rút tờ tiền 100 tệ từ túi mình ra bù vào ngăn kéo vậy. Vì nếu tôi không làm thế thì cậu nhân viên láu táu kia sẽ báo cáo với mẹ tôi khi bà đến “thị sát” trước giờ đóng cửa hàng, và tối nay tôi khó tránh khỏi bị ăn mắng.