Lặng Thầm

Chương 5: Hôn nhân - Mỗi người một tâm tư




Bốn tháng sau...

Kết thúc đợt công tác ở Phú Quốc, Trọng Tín đến thăm ông Lãm.

Nhác thấy bóng Tín, theo thói quen, Ông Lãm đóng kín mọi cảm xúc trên mặt, tỏ vẻ uy quyền, đường bệ của người làm cha. Nhưng chợt nhớ lời khuyên của Vãn Hà, ông liền cố nặn nụ cười, nói:

- Chào con trai.

Trọng Tín thoáng lúng túng. Từ lúc được ông Lãm nhìn nhận đến nay, cha con anh chưa bao giờ có một buổi nói chuyện thân mật, toàn gây gỗ, hậm hựa, khích bác nhau.

- Thưa ba con mới qua.

Ông Lãm vồn vã chỉ cái ghế đối diện:

- Ngồi đi con.

Trọng Tín che giấu sự ngượng ngập bằng cách nhìn quanh nhà một lượt, hỏi thăm:

- Dì Cầm với anh Tân có ở nhà không ba?

- Không, dì con đưa thằng Tân đi khám bệnh rồi.

Rồi hai cha con rơi vào im lặng. Chốc chốc, hai người liếc thăm dò thái độ của đối phương. Đến lúc hai ánh mặt bắt gặp lẫn nhau, Ông Lãm và Trọng Tín cùng phì cười. Họ thấy mình trẻ con kinh khủng.

Ông Lãm đã tìm ra chuyện để nói:

- Vãn Hà ra trường rồi đó con.

Trọng Tín không nhìn vào mắt ông Lãm, tránh để ông đọc được những toan tính nơi anh. Anh vỗ trán:

- Ối, con quên! Lần sau đến, con nhất định chuẩn bị quà mừng cho con bé.

Ông Lãm vui vẻ kể tiếp:

- Vừa ra trường con bé xin được việc ngay, đi làm cũng dược gần nửa tháng rồi.

Trọng Tín nhiu nhíu mày ra chìu nghĩ ngợi. Đương nhiên ông Lãm quan tâm hỏi ngay:

- Con có chuyện gì khó nghĩ à?

Trọng Tính định làm hòa với ông Lãm một thời gian, thư thả xong mới trình bày. Ai dè Vãn Hà đã ra trường đi làm. Anh không nói liền bây giờ, để bà Cầm ra tay trước thì càng rắc rối Anh quyết định liều:

- Ba à... con...

- Gì thế con?

- Con...

Ông Lãm nạt khẽ:

- Cha con với nhau, có gì nói không được? Con trai sao mà cứ ấp úng kiểu như đàn bà.

Trọng Tín cười cười:

- Con tính sắp tới đây sẽ tìm hiểu Vãn Hà. Nếu được, năm sau sẽ tổ chức đám cưới.

Ông Lãm mở lớn mắt:

- Con nghiêm túc đó chứ?

Trọng Tín cố tình phô diễn nét mặt không hứng khởi mấy:

- Con không đùa.

Ông Lãm bỏ chân đang gác tréo xuống, ngồi xích người ra phía trước:

- Có thể cho ba biết lý do không?

Trọng Tín ngang ngạnh:

- Yêu một người đâu có lý do ba.

Ông Lãm điềm tĩnh:

- Ba biết, con chưa yêu Vãn Hà.

Trọng Tín quệt chóp mũi:

- Dạ, đúng là chưa yêu. Nhưng đã có dấu hiệu của tình yêu. Và con nghĩ, tương lai con sẽ yêu cô ấy.

Ông Lãm nhăn mày, cố theo kịp những bước nhảy trong diễn đạt của Trọng Tín:

- Con nói rõ hơn chút nữa đi.

Trọng Tín bắt đầu chơi trò tâm lý với ba mình:

- Con muốn quên. – Trọng Tín ngừng lại cho ông Lãm thấm ý - Vợ chồng gắn bó với nhau qua nhiều thứ, không riêng gì tình yêu. Tình yêu thì có thể vun đắp.

Ông Lãm khuyến khích:

- Con cứ nói tiếp đi.

Trọng Tín làm một cử chỉ khó khăn:

- Con thấy Vãn Hà là người thích hợp nhất cho con. Cô ấy dễ thương, tốt bụng, biết quán xuyến việc nhà, biết cách chia xẻ, cảm thông với người khác.

Trọng Tín lại ngừng ngang. Anh có cảm giác ba đang nhìn anh hoài nghi.

Ông gõ gõ điếu thuốc, đăm chiêu:

- Con muốn nói Vãn Hà có đủ điều kiện để trở thành người vợ tốt phải không?

Trọng Tín nghiêm trang gật đầu.

Ông Lãm khõ khõ điếu thuốc thêm mấy cái nữa, trước khi đưa lên môi mồi:

- Con làm ba ngạc nhiên. Không phải thế hệ mấy đứa luôn hô hào khẩu hiệu “ Tự do yêu đương”, “Tự do lựa chọn người mình yêu”, “ Có yêu mới kết hôn”... hay sao?

Trọng Tín nhăn trán, làm lộ rõ những đường nét mệt mỏi:

- Con chỉ muốn tìm bến đỗ yên bình, đơn giản là thế. Đừng bắt con giải thích thêm.

Ông Lãm lập phập rít thuốc. Vãn Hà là sự lựa chọn tốt cho con trai ông. Nhưng ông vẫn cảm thấy bất bình thường ở điểm nào đó. Tình yêu, hôn nhân cũng dễ dàng họach định như cách Trọng Tín nói? Hay là do tính ông đa nghi?

Trọng Tín đưa hai tay xát dọc từ trán xuống sống mũi:

- Ba vẫn cần một lý do thuyết phục hơn ư?

Lâu lắm Trọng Tín mới về thăm nhà. Ông lại đang rất muốn làm lành với nó. Ông Lãm bèn hòa hoãn:

- Để bữa nào cha con mình bàn tiếp chuyện này. Hôm nay con ở lại ăn cơm với ba nha Tín?

Trọng Tín nheo mắt. Anh phải ra tay trước bà Cầm, bằng mọi cách. Anh nói nhanh:



- Ba không thấy giữa con với Vãn Hà có sự đồng điệu tương đối trong suốt quá trình trưởng thành?

Ông Lãm không nhìn vào mắt Trọng Tín, nói:

- Ba hiểu.

Trọng Tín cười thầm đắc ý. Anh biết mình đã đạnh bạt được sự hồ nghi của ông. Mọi thứ đã nằm gọn trong tay, anh chỉ còn mỗi việc khoanh tay ngồi quan sát cuộc sống sau này của bọn họ thôi. Rất kịch tính và thú vị đây.

Ông Lãm bị nhấn chìm trong cảm giác hối hận, tội lỗi, không còn sáng suốt phân tích vấn đề.

Ông không hối hận vì đã nói với mẹ Trọng Tín: muốn giải quyết Trọng Tín ra sao thì tùy bà, không liên quan tới ông.

Đàn ông có thể có những lúc phóng túng ngòai xã hội. Nhưng không thể mềm yếu để những thứ đó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình... Đến giờ ông vẫn tâm niệm vậy...

Chỉ có thể lý giải, mẹ Trọng Tín và Trọng Tín là trường hợp hy hữu... Sự hiện diện của anh trên cuộc đời này là món quà diệu kỳ ông được ban tặng...

Song, điều làm ông hối hận cũng chính là đây. Ông hối hận sao tối đó ông lại bất cẩn để Trọng Tín được hình thành, để nó ra đời, lớn lên trong hoàn cảnh như thế... Nhìn ra góc tối trong tâm lý đứa con trai lòng ông quặn thắt.

Vãn Hà quả là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Con bé biết rõ quá trình trưởng thành của Trọng Tín. Con bé hiểu chuyện. Con bé có tính bao dung, dịu dàng. Con bé mang đậm nét hướng nội của phụ nữ phương Đông. Nó sẽ chẳng bao giờ thô thiển chạm vào góc tối đó để con trai ông phải đau đớn thêm nữa.

Trọng Tín cười nhẹ:

- Con biết... Vãn Hà...ừm... cũng có cảm tình với con nên con mới đủ tự tin có đề nghị vậy.

Ông Lãm cười khà vỗ vai con trai bộp bộp. Ông bộc lộ tự nhiên, thoải mái đến không ngờ. Mối qua hệ cha con tiến một bước đáng kể.

Trọng Tín nói thêm:

- Con mong được sự ủng hộ của cha.

Ông Lãm đứng lên, thân tình kéo con trai theo mình qua phòng ăn hồ hởi nói:

- Sao lại không? À, con có lên kế hoạch theo đuỗi, bày tỏ gì với con bé chưa?

Trọng Tín cười chưa kịp nói gì đã bị ông Lãm nhấn ngồi xuống ghế:

- Chưa à? Tệ thế con trai? Thời kỳ trước hôn nhân khá quan trọng với phụ nữ. Tạo cho họ nhiều kỷ niện đẹp, sự yên tâm trước khi bước qua một bước ngoặc lớn trong cuộc đời, nha con.

Trọng Tín gắp thức ăn cho cha:

- Dạ.

Câu chuyện giữa hai cha con cứ thế trôi tiếp, trôi tiếp...

Tối đó, trước niềm vui quá lớn: làm hòa được với con trai, nó thôi thúc ông phải làm cái gì đó cho con trai mình quá chừng.

Ông nôn nóng đem chuyện hôn sự của Trọng Tín bàn bạc với bà Cầm:

- Cầm này, em coi nói với mọi người dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa từ từ đi là vừa.

Bà Cầm ngưng chải đầu, nhìn chồng qua tấm gương hình bầu dục:

- Có chuyện vui gì vậy anh?

Mắt ông Lãm lấp lánh niềm vui:

- Thằng Tín sắp đám cưới.

Bà Cầm chải tóc tiếp, thờ ơ:

- Anh chấp nhận con bé Mỹ Liên rồi à?

Ông Lãm phẩy tay:

- Làm gì có chuyện đó.

Bà Cầm cười như không:

- Quen với ai mới à? Hơi nhanh đó.

Đúng là tình cảm của thằng con hoang. Nó cũng chẳng ra gì như mẹ nó. Mới làm trời làm đất, quậy phá, cự nự, đánh ông Khiêm, đoạn tuyệt cha con… Ôi, làm búa xua chuyện để sống với con bé Mỹ Liên, Ngoảnh một cái quen người khác liền. Bà Cầm muốn che giấu sự thiếu thiện cảm của mình nên nói thêm:

- Ừ, như vậy cũng tốt.

Ông Lãm cũng vờ như không nhận thấy thái độ không hồ hở mấy từ vợ. Để làm vợ chồng được với nhau mấy mươi năm, đôi khi người ta cũng phải học cách biết làm ngơ, vờ vĩnh:

- Ờ, anh mừng lắm.

Bà Cầm hỏi cho có chuyện:

- Con cái nhà ai vậy anh? Chắc hơn hẳn con bé Mỹ Liên phải không?

Ông Lãm cười tươi:

- Hơn hẳn.

Bà Cầm cố giữ giọng cho có vẻ chú tâm:

- Anh làm em tò mò quá.Kể cho em nghe về con bé đi.

Ông Lãm cười to:

- Là con bé Vãn Hà chứ ai đâu xa lạ.

Ông Lãm sảng khóai bật cười thành tiếng. Bà Cầm giật phắt cây lược trên đầu xuống. Tóc đứt tùm lum, nhưng bà không quan tâm:

- Với Vãn Hà?

Ông Lãm lạ lẫm nhìn vợ:

- Ừ.

Bà Cầm dằn cây lược xuống bàn:

- Không được.

Ông Lãm nhổm người:

- Tại sao? Em làm sao vậy?

Bà Cầm bực mình:

- Sao là sao? Anh chỉ biết hỏi em như vậy thôi ư?

Ông Lãm không thể nằm yên trên giường nói chuyện, ông ngồi lên:

- Có chuyện gì vậy em?

Bà Cầm nghẹn ứ ngay cổ. Bà cố nuốt xuống để nói:

- Em định cưới Vãn Hà cho thằng Tân.

Ông Lãm sửng sốt:

- Đâu thể được. Thằng Tân bị bệnh tâm thần mà em.



Bà Cầm quắc mắt giận dữ:

- Bệnh tình con, em biết. Anh đừng có nói thẳng thừng kiểu đó được không?

Biết chạm vào nổi đau của vợ, ông Lãm nhỏ giọng:

- Anh không cố ý. Nhưng con mình làm sao kết hôn được, vi phạm pháp luật đó em.

Bà Cầm cười như không:

- Em biết có điều khỏan luật cho phép y tá kết hôn với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần do mình chăm sóc. Nhưng điều kiện khác em có cách lo cho xong.

Ông Lãm ngớ người:

- Ủa, có quy định đó thật hả em?

Bà Cầm không kềm được liếc ông Lãm một cái:

- Kể từ khi thằng Tân ngã bệnh, anh đâu còn quan tâm đến nó nên ông đâu biết. Bao nhiêu tâm trí anh dồn cả cho thằng con riêng của ông rồi.

Ông Lãm lảng mắt đi:

- Em đừng nói như thế. Con nào chẳng là con – Ông Lãm chợt nghĩ nghĩ ra điều gì đó. Ông cau mày hỏi ngay bà Cầm:

- Nói cho anh biết, sự ưu ái dành cho bé Hà bấy lâu nay... phải chăng em đã toan tính trước?

Bà Cầm trả lời tỉnh táo:

- Em khá mến con bé. Nó rất khả ái, lại hiểu chuyện. Trong gia đình đó chỉ có nó là coi được.

Ông Lãm nói cho hết ý vợ:

- Nhưng để nhận được sự ưu ái đến mức này của em thì ngoài những điều đo, còn cần phải có động cơ khác nữa, đúng không em?

Bà Cầm chậm trãi tháo những sợi tóc vướng trong lược:

- Anh nghĩ thế nào thì tùy. Tụi mình không thể sống đời với con. Em có quyền lo trước cho cuộc sống sau này của nó.

Ông Lãm dịu nét mặt:

- Anh hiểu em. Nhưng làm vậy tội cho bé Hà lắm.

Thấy hạnh phúc tương lai của Nhật Tân bị đe dọa, bản năng làm mẹ của bà Cầm mãnh liệt hơn bao giờ hết:

- Vậy lấy Trọng Tín thì không tội cho nó sao?

Lưng bàn tay là thịt, lòng bàn tay cũng là thịt. Ông Lãm quay mặt đi, khó xử:

- Em hiểu mà Cầm, đừng bắt anh phải nói.

Giọng bà Cầm cao hơn một bậc:

- Sự khác biệt ở đây là một đứa thì bình thường, một đứa không bình thường phải không? Nỗi đau tinh thần do thằng Tín gây ra với nỗi đau phải sống với thằng Tân cái nào kinh khủng hơn?

Ông Lãm nhăn mặt:

- Em nói gì kinh khủng quá. Cái gì nổi đau tinh thần. Cơ bản là thằng Tân không thể cho Vãn Hà một cuộc hôn nhân bình thường như người ta. Em lo cho con, anh biết. Có điều em ích kỷ quá, không nghĩ cho Vãn Hà.

Bà Cầm khép hờ mắt:

- Nếu không phải thằng Tín nói muốn lấy Vãn Hà, anh có thể nói bằng giọng điệu tốt đẹp đó không?

Ông Lãm sa sầm nét mặt. Lời bà Cầm, nói không phải là không có cái lý của nó. Nhưng nói kiểu tạt nước lạnh vào mặt người ta, ai chịu cho nổi.

Bà Cầm chớp mắt muộn phiền:

- Nếu không có sự can thiệp thiệp của em, chắc gì con bé được học tới cấp III, chớ đừng nói chi được học làm y tá. Vãn Hà được mặc đẹp, được học đủ thứ như con gái nhà giàu, mẹ và chị em nó không dám ngược đãi nó thẳng tay cũng là nhờ em. Coi như nó trả ơn em cũng được... Em sẽ có cách thu xếp với mọi người, mọi thứ, chỉ cần anh đừng xen vô là được.

Ông Lãm ngạc nhiên:

- Vãn Hà có gặp những chuyện đó sao? Anh chưa hề nghe nó phàn nàn gì hết.

- Đó vừa là ưu điểm, vừa là khuyết điểm của nó. Anh là đàn ông, ít để ý mấy chuyện đàn bà, nên không biết đó thôi.

Ông Lãm chép miệng:

- Nhà ông Khiêm có khó khăn đâu, sao lại cư xử với con cái hà khắc vậy.

Bà Cầm cười nụ cười khá lạ lùng:

- Ông Khiêm không có quan tâm đến gia đình lắm, mọi chuyện đều phó mặc cho vợ.

Ông Lãm nhướng mắt khó tin:

- Trong cùng một gia đình, có thể thờ ơ, không quan tâm nhau?

Bà Cầm điềm nhiên:

- Ông ấy có sự quan tâm khác... chẳng phải ông ấy rất giỏi, rất tận tụy, trung thành với anh ư? Những người còn lại trong gia đình ấy đều rất tầm thường, em không muốn nói đến.

Ông Lãm gật gù hiểu ra vấn đề. Mỗi người đều có một đam mê riêng. Nhưng mải mê công việc mà bỏ bê gia đình như thế cũng không hay.

Ông Lãm chậc lưỡi. Ông biết Vãn Hà trong gia đình không được thương, nhưng hà khắc như bà Cầm vừa kể thì không tin nổi.

Bà Cầm nhắc:

- Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của em. – Để tăng thêm sức thuyết phục, bà Cầm nói thêm – Đối với phụ nữ, hôn nhân không có tình yêu thì kế hôn với ai cũng giống như nhau. Và rõ ràng thằng Tín không yêu Vãn Hà. Em không mổ xẻ lý do nào thúc đẩy nó cưới Vãn Hà. Em muốn nói vết thương trong lòng thì khó lành thôi. Con nào cũng là con, em hy vọng anh có cái nhìn công bằng về hai đứa. Thằng Tân mất cơ hội này, khó lòng có cơ hội khác. Trong khi thằng Tín vẫn còn nhiều lựa chọn.

Ông Lãm đủ nhạy cảm để thấm hết ý bà Cầm. Ông bước đến sau lưng bà, đặt hai tay lên vai bà bóp nhẹ:

- Anh xin lỗi em.

Ngó hình ảnh hai vợ chồng tương phản trong gương, bà Cầm đượm buồn:

- Em cũng xin lỗi, chuyện đã nhiều năm nhưng em vẫn chưa nguôi được. Thỉnh thoảng lại lôi nó ra, dằn vặt anh.

Ông Lãm nâng tay vợ lên:

- Anh hiểu em mà... chuyện Vãn Hà... chắc là mình sẽ hỏi ý...

Bà Cầm ấp úng đến tội nghiệp:

- Hỏi ý Vãn Hà à?

Ông Lãm hít một hơi thật sâu. Theo lời thằng Tín nói thì con bé có cảm tình với nó. Cho dù sự thật không phải vậy, đương nhiên người ta cũng chọn người bình thường chứ ai chọn người không bình thường làm chồng, nếu được tự do lựa chọn.

- Chắc chuyện này mình sẽ hỏi gia đình ông Khiêm. Thằng Tín có ưu thế là người bình thường. Thằng Tân có ưu thế là con ruột của anh với em, người mà ông ấy tận tụy theo mấy mươi năm nay. Tùy ông ấy lựa chọn.

Bà Cầm vờ đứng lên về giường ngủ để che giấu nụ cười đắc thắng. Bà thắng chắc rồi, nếu trao quyền quyết định cho ông Khiêm. Tối nay, bà sẽ ngủ ngon giấc:

- Em đồng ý với cách sắp xếp này.

Ông Lãm buồn buồn qua phòng bên cạnh, gọi điện thông báo cho Trọng tín biết: ông không thể giữ lời hứa với anh.