Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 246: Đòn thị uy (2).




Lúc này Đỗ Tùng mới để lộ nụ cười trên mặt, sai gia đinh đưa Mục Kính Nham đi thoa thuốc trị thương, vòng tay nói với Trương Nguyên:

  • Trương công tử, Đỗ mỗ làm như vậy, Trương công tử không trách chứ.

Trương Nguyên nói:

  • Tướng quân có tác phong của bậc danh tướng thời xưa, biết cách nhìn người, hai mươi quân côn này đánh hay lắm. Tuy võ nghệ của Mục Kính Nham không kém, nhưng vì xuất thân từ Đọa dân, từ nhỏ đã bị người ta bức hiếp thành quen, nên khó tránh có chút nhu nhược. Nhưng vãn sinh tin rằng, có Đỗ tướng quân dạy dỗ huấn luyện, Mục Kính Nham chắc chắn sẽ chở thành một viên mãnh tướng.

Đỗ Tùng bật cười ha ha, nói:

  • Trương công tử là người rất thông minh, tiền đồ vô lượng, tiền đồ vô lượng. Các vị, xin mời…

Đỗ Tùng nhìn thấy nữ tỳ xinh đẹp mà Trương Nguyên nắm tay, thì đã hiểu vì sao mà Trương Nguyên lại nhiệt tình gửi gắm một gia bộc đến chỗ mình như vậy. Thì ra là muốn cha của nữ tỳ xinh đẹp này có một xuất thân tốt. Xem ra Trương Nguyên rất sủng ái nữ tỳ xinh đẹp này, lúc này, chút hoài nghi còn sót lại trong lòng Đỗ Tùng cũng hoàn toàn tiêu biến hết.

Trương Nguyên, Trương Đại, Vương Hoán Như dùng cơm trưa trong Đỗ phủ xong, Vương Hoán Như xin cáo từ trước, Trương Đại, Trương Nguyên được Đỗ Tùng thịnh tình giữ lại. Đỗ Định Phương lấy ra những bài văn bát cổ đã làm thường ngày, nhờ Trương Nguyên chỉ giáo. Hai người anh trai của Đỗ Định Phương đều làm quan tổng kỳ ở Trấn Hải Vệ, Đỗ Định Phương năm nay hai mươi mốt tuổi quyết định đi theo con đường khoa cử. Ba năm trước đã thông qua kỳ thi huyện và kỳ thi phủ, cũng tính là con người thông minh hiếu học, nhưng hai lần thi sau đều thi rớt.

Trương Nguyên xem qua mấy bài văn bát cổ của Đỗ Định Phương, cảm thấy có phần cứng nhắc, loại văn bát cổ như thế này, nếu vào những năm Gia Tĩnh thì may ra còn có hy vọng thông qua kỳ thi, chứ ở những năm Vạn Lịch, thời mà văn bát cổ và cổ văn giao hòa với nhau như hiện nay, mùi vị văn học nồng đậm, loại văn bát cổ này của Đỗ Định Phương muốn thông qua được khoa cử chẳng phải chuyện dễ. Trương Nguyên xem qua rồi, bèn chỉ điểm cho Đỗ Định Phương nên đọc sách gì, nên bỏ công sức ở phương diện nào.

Trình độ và hiểu biết của Trương Nguyên đối với văn bát cổ thì Vương Hoán Như vẫn còn kém xa. Đỗ Định Phương dường như đột nhiên hiểu ra vấn đề, cảm thấy như những gì mình đã học đều là đồ bỏ đi. Bất giác quỳ thụp xuống, xin bái Trương Nguyên làm thầy, Trương Nguyên vội nói không dám, nói Đỗ Định Phương nhiều tuổi hơn hắn, hắn tuyệt đối không dám làm thầy Đỗ Định Phương.

Đỗ Định Phương van nài, nói:

  • Trong số bảy mươi hai hiền nhân cũng có người nhiều tuổi hơn Phu tử, học đạo phải có trước có sau, người giỏi hơn làm thầy, tiên sinh nhất định phải thu nhận đệ tử.

Trương Nguyên trầm ngâm không chịu, Đỗ Định Phương đau khổ cầu xin, Đỗ Tùng cũng nói:

  • Trương công tử, đứa cháu này của ta một lòng muốn tìm kiếm công danh thông qua đường khoa cử, mười tám tuổi mới bắt đầu đi học, đầu óc nó cũng không đến nỗi nào, chỉ khổ nỗi không có danh sư chỉ điểm. Mong công tử không chê, mà dạy dỗ cho nó.

Lúc này Trương Nguyên mới nói với Đỗ Định Phương:

  • Ngươi phải thủ tang, cũng không tiện ra ngoài, thế này đi, nếu ngươi không chê ta tài sơ học nông, thì cứ mỗi hai tháng một lần, phái người mang mười tác phẩm gần nhất mà người làm đưa đến chỗ ta, ta sẽ bình luận chỉ điểm cho ngươi, thế nào?

Đỗ Định Phương mừng rỡ, bèn lập tức xưng là “học trò”, nói:

  • Học trò đang có tang, không dám làm lễ bái sư, hai năm nữa nhất định sẽ đến Sơn Âm, bù lại đại lễ bái sư.

  • Ngu xuẩn!

Đỗ Tùng quát:

  • Với tài năng của Trương công tử, hai năm sau còn ở Sơn Âm sao.

Đỗ Định Phương tỉnh ngộ, nói:

  • Đúng đúng, hai năm nữa nhất định tiên sinh đã có tên trên bảng vàng, học trò nhất định sẽ tới kinh sư đi theo tiên sinh.

Như vậy, một Trương Nguyên mười bảy tuổi thu nhận một học trò hai mươi mốt tuổi.

Buổi sáng ngày hôm sau, Trương Nguyên đến Đỗ phủ cáo từ với Đỗ Tùng, dặn dò Đỗ Định Phương trong thời gian để tang cũng đừng quên đọc sách luyện nghệ, nếu muốn gửi thư thì gửi đến Quốc Tử Giám ở Nam Kinh.

Đỗ Tùng ở lại Trinh Phong Lý không bao lâu, sau khi chôn cất huynh trưởng Đỗ Cối xong bèn khởi hành trở về Diên An Vệ, trung tuần tháng sáu nhất định phải khởi hành, Mục Kính Nham sẽ cùng đi theo lên phương bắc.

Đỗ Định Phương đội dây gai mặc áo tang, không thể ra bến tàu tiễn Giới Tử tiên sinh, chỉ lệnh cho người hầu khiêng một số lễ vật đưa lên thuyền của Trương Nguyên. Mục Kính Nham đương nhiên là phải ra bến tàu để tiễn chủ cũ. Trên bến tàu, Mục Chân Chân quỳ xuống chân cha mình là Mục Kính Nham khóc lớn. Mục Chân Chân từ nhỏ chỉ biết nương tựa vào cha mà sống, trước kia cha có ra ngoài theo sự sai phái thì nhiều nhất năm ngày cũng trở về, nên nàng cũng quen. Nhưng lần này thì khác, lần này cha phải đi đến biên thành xa xôi hơn ngàn dặm, lần từ biệt này, chẳng biết đến bao giờ mới được gặp lại!

Trương Nguyên thấy Mục Chân Chân khóc lóc thê thảm, bèn nói:

  • Chân Chân, hay là ngươi hãy ở lại Trinh Phong Lý với cha ngươi thêm vài ngày, đợi sau khi cha ngươi khởi hành rồi hãy đến Nam Kinh, thế nào?

Mục Kính Nham vội nói:

  • Vậy đâu được, sớm muộn gì thì cũng phải từ biệt thôi, hơn kém gì vài ngày.

Nói đoạn khẽ vuốt nhẹ búi tóc trên đầu con gái, an ủi nói:

  • Chân Chân con đừng buồn, tòng quân nhập ngũ là chí hướng ở đời của cha. May nhờ có Giới Tử thiếu gia thành toàn cho, để ta có cơ hội được đi theo Đỗ tướng quân, nhất định ta sẽ tìm kiếm một xuất thân trong sạch trở về. Con hãy hầu hạ Giới Tử thiếu gia cho tốt, con ở bên cạnh Giới Tử thiếu gia thì cha cũng yên tâm. Được rồi, đừng khóc nữa, lên thuyền với thiếu gia đi, ta muốn nhìn thuyền của các người dời đi.

Trương Nguyên vốn định dặn dò Mục Kính Nham thêm vài câu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại thôi, cuộc chiến Tát Nhĩ Hử còn năm năm nữa mới xảy ra, hắn vẫn còn thời gian để phát huy tác dụng chiêm tinh của mình. Đỗ Định Phương là học trò của hắn, sau này có liên lạc với Đỗ Tùng cũng không khó, bây giờ có nói với Mục Kính Nham những chuyện đó cũng không có tác dụng gì, ngược lại còn thêm gánh nặng cho ông ta.

Bị Mục Kính Nham thúc giục mấy lần, Mục Chân Chân đành gạt lệ bước từng bước lên thuyền đu, vừa bước vừa quay đầu nhìn lại. Phạm Văn Nhược không đi trên thuyền nhỏ của mình, mà đi cùng trên thuyền của Trương thị, hướng lên bờ vòng tay cáo biệt với Vương Hoán Như. Bốn người thuyền phu nào hay biết nỗi khổ biệt ly của cha con nhà họ Mục, khua động mái chèo, thuyền đu chầm chậm rời bến.

  • Cha…

Mục Chân Chân quỳ ở mui thuyền, hai tay chống xuống đất, ngước đầu nhìn, lệ rớt như mưa. Chòm râu vàng của Mục Kính Nham khẽ rung động, bước tới nửa bước, nhưng rồi lại dừng lại, lớn tiếng nói:

  • Chân Chân, cha phải đi tìm kiếm tiền đồ, cha con ta sớm muộn cũng có ngày gặp lại, con đừng khóc, đừng khóc. Con ở bên cạnh thiếu gia, nhớ phải chăm chỉ sớm chiều, không được lười biếng, sau này có thiếu phu nhân vào nhà, còn càng cần phải hầu hạ cẩn thận, không được nghỗ nghịch, có nghe thấy không?

Mục Chân Chân nghẹn ngào nói:

  • Con nghe rồi…

Mục Kính Nham lại gọi:

  • Giới Tử thiếu gia…

Đoạn quỳ sụp xuống đất nói:

  • Thiếu gia, Chân Chân từ nhỏ đã không có mẹ, không được dạy dỗ, sau này nếu có chỗ nào làm sai, thiếu gia cứ việc trách phạt nó, chỉ xin cậu đừng đuổi nó ra khỏi nhà, nó chẳng còn nơi nào để đi cả.

  • Xin Mục thúc mau mau đứng lên.

Trương Nguyên đưa tay đỡ Mục Chân Chân đứng lên, nắm lấy bàn tay thô ráp của thiếu nữ Đọa dân này, nói với Mục Kính Nham:

  • Mục thúc yên tâm, Chân Chân là người của đông Trương ta, ta sẽ đối xử tốt với cô ấy.

Mục Kính Nham nở nụ cười, dập đầu với Trương Nguyên một cái:

  • Tiểu nhân bái biệt thiếu gia, thiếu gia hãy bảo trọng.

Lúc này thuyền đã rời bến vài trượng, bắt đầu xoay đầu, Trương Nguyên cất giọng nói:

  • Mục thúc đi theo Đỗ tướng quân, phải chăm chỉ luyện tập cưỡi ngựa bắn cung, ra trận giết địch phải can đảm cẩn trọng. Nếu cháu trai nhà họ Đỗ có gửi thư đi biên quan, thì ta cũng cho Chân Chân viết thư gửi theo cho thúc.

Mục Kính Nham vui vẻ nói:

  • Đa tạ thiếu gia, đa tạ thiếu gia.

Lúc này y mới chịu đứng dậy.

Chiếc thuyền đã xoay đầu xong, hôm nay có gió đông nam, hai thuyền phu đã giương buồm lên, mượn sức gió để giảm bớt sức chèo. Mục Chân Chân nơi mui thuyền không còn nhìn thấy bóng dáng Mục Kính Nham cha mình nữa, nàng vội chạy ra phía đuôi thuyền, thấy cha vẫn còn đang đứng dưới cái nắng gắt nơi bến tàu, bèn vừa khóc vừa kêu:

  • Cha, cha hãy bảo trọng.

Mục Kính Nham thấy không còn gì cần nói nữa rồi, nên vẫy vẫy tay với con gái.

Gió thổi buồm căng, thuyền đu nhanh chóng ngoặt qua khúc sông, không còn nhìn thấy bến cảng Trinh Phong Lý nữa. Mục Chân Chân thẫn thờ đứng nơi mui thuyền, hướng mắt nhìn về vùng sông nước càng lúc càng xa nơi kia, nước mắt chảy không ngừng. Đột nhiên bàn tay bị ai đó nắm chặt, tiếng thiếu gia vang lên:

  • Chân Chân đừng buồn, tòng quân lập công là mong ước của cha ngươi, nếu không thử sức một phen, cả đời ông ấy sẽ không cam đâu.

Mục Chân Chân khẽ nghiêng đầu lại nhìn thiếu gia, hai mắt ầng ậng nước, gật đầu “ừ” một tiếng, trong lòng cảm thấy yên tâm phần nào. Nhưng ánh mắt nàng vẫn hướng về phía bến cảng Trinh Phong Lý trông ngóng, cứ như thể cha nàng có thể sải bước đuổi kịp tới không bằng.

Thuyền đu đi vào sông Bạch Hiện, nữ lang Vương Vi đi đến khoang sau, nói với Mục Chân Chân:

  • Chân Chân muội muội, đến khoang của ta nói chuyện một chút có được không?

line-break">