Trên tường, đồng hồ thong thả đánh bảy tiếng.
Bàn ăn đã dọn đi rồi, bây giờ Quý ngồi trước một chén nước nóng, một cái tăm buông thõng ở miệng, mấy nét nhăn nhíu lại ở trán, sự trầm tư mặc tưởng ở cái mặt thẫn thờ, vẻ nhọc mệt, uể oải ở hai cánh tay buông xuôi... Thân thể nó, nó đặt nghiêng trên chiếc ghế, hai chân nó duỗi thẳng cẳng ra, lại thêm cái đầu hơi cúi về trước với hai cánh tay buông xuôi như muốn để rơi xuống đất - cái dáng điệu ấy khiến cho tôi những trông mà buồn.
Tôi nói:
- Ngồi ngay ngắn lại đi, mày! Tao trông mày y như người bị trọng thương đương nằm trên “băng ca” hay là một kẻ bị ám sát ấy!
- Chỉ láo! - Nó thong thả đáp thế rồi vẫn ngồi như nguyên.
Vợ tôi lúc ấy đương lúi húi dọn dẹp dưới bếp. Tôi lấm lét nhìn trước, nhìn sau, rồi khẽ nháy nó:
- Đi chơi nhé?
Nó vẫn uể oải:
- Ừ, đi thì đi! Nhưng mà... đi đâu?
Tôi vẫn nói khẽ:
- Tửu, sắc, yên, và... đổ[15].
Nó cười nhạt, hoài nghi mà rằng:
- Tối bất khả![16]. Mày phải biết chứ, tao... hiện nay, ít ra tao cũng là một nhà mô phạm hẳn hoi rồi!
- Ông ghét nhất những quân đạo đức giả!
Nó vênh mặt lên để khinh bỉ tôi chứ không đáp.
Một lúc lâu, hai chúng tôi cứ ngồi lặng im.
Quý với tôi là một đôi bạn rất thân. Chúng tôi yêu nhau từ khi còn húi trọc, cắp sách đến trường học lớp dự bị[17]. Cái tình bằng hữu của chúng tôi đã tỏ rõ ở những lúc nó biết hy sinh cho tôi, biết nhường nhịn tôi, những lúc đánh đáo ở sân trường, những lúc mò bi ở các cống rãnh, những lúc đó đi đổ dế mèn ngày chủ nhật, đi bắt ve sầu đêm khuya mùa hạ, ở những gốc cây... Đã có khi chúng tôi cãi cọ nhau, hoặc là giữa lúc ông thầy chỉ thấy hai cái mặt của chúng tôi ngây ra nghe giảng bài, nhưng thật ra ấy là những lúc chúng tôi vót đuôi quản bút cho thật nhọn để mà đâm ngầm lẫn nhau cho nát đùi nhau ra... Lúc có khi nó có con ve sầu khổng lồ mà không để tôi chơi chung, khiến cho tôi lập tâm trả thù, chờ khi vào lớp đâu đấy rồi, sau khi thầy giáo đã cầm miếng phấn với cái thước kẻ bảng rồi, tôi mới khẽ luồn tay vào túi nó, bóp con ve sầu khiến con ve kêu “ríu ríu ọ ọ” rầm lớp lên, để cho thằng Quý phải ra quỳ ngoài hiên sau khi bị ba cái tát. Ghét, yêu, yêu, ghét chúng tôi đã vô tâm theo một môn triết học cao xa, thâm thúy mà người ta dạy cho giai gái phải theo để giữ cho được bền chặt lòng yêu, cho cuộc sống chung khỏi phẳng lặng buồn tẻ như mặt nước ao tù. Cho nên nào là dán giấy có những chữ “Tôi là thằng ăn cắp” vào sau lưng nhau, nào là đương ngồi yên lành mà đập gẫy ngòi bút của nhau vào giữa giờ “đích tê”[18] nào là đứa nọ đứng lên đọc bài thì đứa kia luồn ngầm ngay một lọ mực xuống chỗ dưới đũng quần, thôi thì không một phương kế ranh mãnh nào mà chúng tôi lại không dùng để tỏ cho nhau cái tình thân ái. Sau những trận chiến tranh ngấm ngầm mà chúng tôi coi nhau là kẻ thù bất cộng đái thiên[19] rồi, thì lại có một sự nhỏ mọn rất vô nghĩa lý gì đó cũng đủ giải hòa chúng tôi. Nó với tôi, như chó với mèo. Nói cho cùng, đó là một đôi bạn đọc học đáng làm gương mẫu cho đời này và đời sau vậy.
Học lên trình độ trung học sơ đẳng[20] thì chúng tôi bắt đầu xa cách nhau. Tôi học vài năm rồi tôi thôi, tôi lăn vào nghề văn. Quý cứ mài mãi đũng quần ở trường sư phạm, rồi ra gõ đầu trẻ.
Từ khi nó được người ta phó thác cho cái thiên chức đi giảng rằng “café là càphê: le café là nước cà phê; mère là mẹ: la mère là mẹ là người me”[21] cho Mán Mường ở những nơi thâm sơn cùng cốc biết thế nào là văn minh tiến bộ, thì ấy là chúng tôi cách biệt hẳn nhau. Thảng hoặc đôi khi một lá thư đi, một lá thư về, nhưng tin tức nhạt phèo, vì không có điều gì ra ngoài cái vấn đề tầm thường mà quan trọng, nhỏ mọn mà to tát, là cái sự hỏi nhau về việc no ấm của bầu đàn thê tử.
Nói cho đúng, khi mới xa nhau, cũng lắm khi tôi thấy như tôi thiếu thốn cái gì... Sự vật lộn để kiếm miếng sống ở đời tuy chóng làm cho tôi và Quý dễ quên nhau, song có lẽ nó cũng như tôi, cũng nhiều khi nó ngồi trầm ngâm nhớ lại quãng đời trẻ con đầy những ánh sáng tưng bừng, đầy những sự điên rồ ngây thơ, đầy những cách lếu láo vô tội, mà nó cần đến thơ chim gái thì nó có tôi, hoặc tôi thiếu tiền xem chiếu bóng thì tôi có nó.
Ít lâu sau đó, tôi được tin rằng ông cụ nhà nó bắt nó lấy con gái một ông chánh tổng giàu có vô cùng, một thôn nữ người to như cái bồ, đen như mồ hóng, một người nó không yêu một tí nào cả nhưng mà lại yêu nó lắm, vì ghen lắm, mà lại có đủ một nghìn tính xấu, nghĩa là nói tóm lại thì sai những mối ước vọng của nó cả trăm phần trăm! Trong hai năm trời, hễ tôi nghĩ đến thằng Quý là tôi cười thầm một cách mát ruột, coi như cuộc tình duyên khổ não của nó như là một cách trời quả báo nó, một cách tiền oan nghiệp chướng của nó, tôi không cần phải trả thù nó nữa, vì khi xưa, trong những lúc bàn tính về tương lai, về cách kén vợ đẹp, nó đã bao phen chê bai những sự khát vọng của tôi là “sát mặt đất”[22]là quá đỗi tầm thường.
Hai năm sau, một lần nhận được thư của nó, thấy nó kêu với tôi rằng chẳng may nó làm bố trẻ con mất rồi, nó than thở rằng nó đã có hai đứa con gái, và than ôi, mặt mũi lại giống mẹ như đúc! Thế rồi thì đến sự vụn vặt như vợ đẻ, con sài, những sự lo toan về kẻ cười người khóc, khi giỗ, ngày tết, tiễn họ, công nợ... những sự tầm thường vô cùng nó trói chặt loài người vào một thứ dây liên lạc vô hình để cho chúng ta lụy lẫn nhau, làm khổ nhau, những điều làm cho chúng ta mất hết chí khí, mất hết nhiệt huyết, mất hết cả hi vọng.
Bữa trưa hôm nay, tôi thấy ông giáo Quý, mặt mày ngây dại như mất hết tinh thần, với bộ âu phục vải vàng và đôi giày da dầu, đương đi lang thang một mình, giữa Hà Thành mà tựa hồ như lạc loài vào một xã hội mới lạ nào vậy. Sướиɠ quá, tôi chạy lại vồ lấy nó, rồi sau khi cùng đi với nhau nó mua chiếc đèn cồn, tôi mời nó về nhà thết một bữa cơm. Anh em xa cách bấy lâu mới gặp nhau, cái sự vui mừng của chúng tôi không cần phải tả.
Trong khi chén tạc, chén thù, thằng Quý khoe với tôi đã được thăng lên giáo học hạng tám, vợ nó mỗi ngày một khó chịu, hai đứa con gái nó mỗi ngày một thêm giống mẹ, con mèo nhà nó đã đẻ hai lứa được ba con tam thể, vân vân...
Tôi muốn lôi nó đi giải buồn vì nó kêu chỉ ở chơi được với tôi độ một hai hôm thôi, vậy thì tôi cần tiếp đãi nó cho thật long trọng, để nó có thể đo xem mực thước văn minh, tiến hóa của một nơi đại đô hội ta đã đến bậc nào. Nói cho đúng ra, thân tôi mấy tháng nay đã như thân tù giam lỏng, không có một dịp nào để mong sổ l*иg tháo cũi, vậy thì sẵn sàng có bạn làm ông giáo ở thượng du, nhân nghỉ hè về chơi với mình, tội gì tôi lại không lợi dụng?
Tức thì tôi đứng phắt dậy, bảo bạn như truyền một cái lệnh:
- Đi!
Bạn tôi đứng lên, thì tôi khoác áo rồi xuống bếp. Tôi định vào riêng một mình nói thác với vợ, chẳng ngờ thằng bạn ngốc ấy đi theo ngay chân tôi. Thế là, trước khi tôi kịp mở mồm, nó đã nói một cách kệch cỡm:
- Xin phép bác cho tôi đi chơi phiếm với bác giai một lát.
Vợ tôi vờ tươi cười mà rằng:
- Không dám ạ, bẩm độ mười giờ thì mời bác về nghỉ với nhà tôi.
Thằng Quý “vâng” ngay tức khắc. Bực quá, tôi chống chế:
- Mười giờ về sao được: Bác ấy còn phải đi thăm nhiều bạn cũ.
- Cậu đừng vẽ! Bác giáo vừa bảo đi chơi phiếm chứ thăm bạn nào!
- Ấy, thế nào cậu cháu cũng lôi kéo bác đi chơi bời đấy! Cậu cháu bậy bạ lắm chứ không đứng đắn như bác đâu, bác nên đề phòng!
Trong khi bạn tôi lại “vâng vâng” một cách dại dột vô cùng thì tôi đứng tức ắng cổ ra. Không phải tôi là hạng sợ vợ, ấy chẳng qua là nể. Bụng dạ đàn bà nhỏ nhen ti tiểu, nào có biết gì là xã giao lịch sự, là bọn đàn ông chúng ta tuy chơi thì cũng có chơi, nhưng ai nỡ phụ vợ bao giờ?
Tưởng tôi câm thế là sợ, không biết rằng ấy là bị tôi khinh.
Vợ tôi lại nói:
- Bác đi chơi về rồi nghỉ cho sớm kẻo hôm nay đi đường xa vất vả...
Chúng tôi ra đi.
Thoạt đầu tôi bàn với Quý rằng tiện nó về thì để tôi bảo mấy anh em mừng nó một chầu rượu ở dưới xóm... nào ngờ nó nhất định chối đây đẩy, lại sợ vợ tôi hơn cả tôi!
- Hàng mấy năm mới về chơi một lần mà lại để cho vợ người ta phải ghét mặt thì chán lắm. - Nó nói thế!
Đi xem chiếu bóng, xem hát vài tiệm khiêu vũ, đi chơi phiếm các phố xá đều không thích cả, sau cùng chúng tôi tìm cái thú nguyệt hoa. Như vậy, tôi có thể cho anh Mán Xá[23] biết cái trình độ mãi da^ʍ đã đến bậc nào. Quý kêu ở đường rừng chẳng hiểu chuyện gì, nếu thế cũng hay lắm.
Một người bạn vào hạng tay chơi bời lão luyện của tôi đã mách cho tôi biết ở phố S.T có một nhà kia là một nơi Bồng Lai tiên cảnh. Đem theo một số bạc kha khá đến đấy, tôi sẽ được tiếp đãi như một ông hoàng, tôi có thể xin được ái tình ở những người đàn bà đẹp đẽ mà xã hội vẫn gọi là thượng lưu. Mụ chủ là một mụ con quan, đã khôn khéo lại kín đáo vô cùng, khách làng chơi sẽ được bảo hiểm về đủ mọi phương diện.
Ý đã quyết, chúng tôi gọi xe bước lên.
Khi xe đến phố ấy, anh phu kéo đỗ ghếch xe lên vỉa hè, trước một tòa nhà tây mà bề ngoài tỏ ra rằng chủ nhà ở trong là người lương thiện. Năm phút sau, anh phu xe quay ra bảo chúng tôi cứ vào.
Lên qua ba bậc thềm, mặt tôi chưa kịp ló vào trong khung cửa, Quý đi sau tôi đã vội để tay lên bên vai tôi như muốn giữ tôi đứng lại. Tôi cũng chột dạ, đứng hẳn lại, tần ngần lo sợ không khéo thằng phu xe lầm nhà hoặc là nhà đã đổi chủ rồi cũng nên.
Không! Dù là ngài đã ăn chơi lọc lõi, đã trải đời hết sức, đã biết rõ đủ cả những cái mặt trái nhơ nhuốc của xã hội đi nữa, chắc ngài cũng phải đến phân vân như chúng tôi mà thôi, chớ ngài không thể có ngay cái tính khinh đời ngạo mạn dám đi tin ngay rằng sự mãi da^ʍ lại có thể đóng đại bản doanh ở trong một nơi như nhà này. Tủ chè khảm, sập gụ bộ phòng khách Tàu, tủ đồ cổ gương to bằng cả một cái giường, đỉnh đồng hun bày dưới đất đồ sộ bằng thứ đỉnh mà Hạng Võ[24] đã nâng cao lên để khoe gân cốt, những chậu sứ và đồ sứ Giang Tây, ngần ấy đồ đạc tỏ ra rằng nếu đó không là nhà một vị nhất phẩm hưu quan thì cũng phải là một nhà giàu có. Nhất là bầu không khí lặng lẽ vắng tanh vắng ngát càng làm tăng vẻ nghiêm trang...
Chúng tôi đã muốn tháo lui...
Chợt đâu có ngay một anh chàng chân tuy dẫm đất nhưng quần áo trắng nõn, vội chạy ra tươi cười nghiêng đầu chào chúng tôi và mời chúng tôi một cách chân thật:
- Ấy! Xin mời các quan cứ vào!
Thế là chúng tôi yên tâm. Trong cái miệng cười lệch của anh chàng chúng tôi được yên trí ngay, nếu không là bồi săm, là ma cô[25] thì người ta không thể nào có dáng điệu thân mật đến suồng sã và cái vui vẻ đến như khinh người, đối với những khách, như anh chàng này được.
Chúng tôi vào đến chỗ phòng khách kiểu Tàu, chỉ chờ cho người ta mời ngồi xuống ghế, thì người ta lại nói:
- Ấy, xin mời các quan vào hẳn trong này...
Qua một lối đi chật hẹp nối với cái phòng khách tráng lệ ở ngoài cùng, đến một cái sân. Rồi thì, từ cái sân trở vào, lại một lối đi chật hẹp giữa một dãy tường và một dãy tường nữa thỉnh thoảng có cửa lớn và cửa sổ, mà người ta để ngỏ hẳn hoặc che đi bằng màn, hoặc bằng bình phong. Bên trong những phòng xép ấy, tịnh không có tiếng người. Tôi mừng thầm đến chơi được ngày vắng khách. Qua một cái sân nữa đến một gian phòng trong đó bầy bộ xa lông tây thì người ta mời chúng tôi ngồi xuống. Từ đây trở đi, bên ngoài phòng những cái bóng trắng lặng lẽ chạy đi chạy lại tấp nập, ý chừng sửa soạn cuộc tìm hoa cho bướm vì bướm đã sẵn chờ hoa. Rồi thì một hồi tiếng dép dừa lạch bạch vỗ vào những bực thang gạch ở sân báo rằng có bà chủ đã từ trên gác bước xuống.
- Kính chào hai ngài.
- Không dám ạ, kính chào bà.
Mụ chủ còn đứng bên ngoài bậu cửa để cài nốt cái khuy thứ năm của cái áo màu xanh nhạt. Trước khi bị trói buộc vào lễ độ, cái áo dài nửa khép nửa mở của mụ đã để lộ ra lượt đăng ten ở cái coc-xê, một cái bụng vĩ đại, hai bắp đùi đồ sộ ẩn hiện trong lần vải phin mỏng dính, và những cái ấy nói chuyện về mụ nhiều điều thú vị lắm, giới thiệu mụ với chúng tôi một cách kỹ càng đầy đủ lắm. Nhất là mớ tóc trần vấn tạm còn rối loạn trên đầu càng làm cho mụ tuy xuân xanh đã ngả vàng mà vẫn còn ý nhị giăng gió, trai lơ. Hai mắt đa tình, đôi má phính phính, cái môi đỏ choét... Tôi chợt nghĩ đến bọn đàn ông chúng ta, những thằng trượng phu, những đứa nam nhi, đã ôm ấp mụ để cùng mụ chia xẻ mất cơ nghiệp, cảm tưởng thứ nhất của tôi là thấy mụ đáng sợ lắm, là mụ có cái thế lực của một Tú Bà ở phương Tây, một thứ trùm đĩ thượng lưu có tả trong cuốn phóng sự Les servantes du Démon[26] hạng mụ giầu đã từng tiếp đón trong nhà những chủ ngân hàng, những vị thượng thư, những sứ thần các nước, đã làm thỏa lòng ông nghị này bằng cách kiếm cho ông ta vợ một ông nghị khác, bởi lẽ ông nghị khác đã chiếm mất một ghế thứ trưởng của ông nghị này!
Mụ vào ngồi chễm chệ đối diện chúng tôi, đưa tay lên miệng che một cái ngáp nhọc mệt, cái thứ ngáp của những người bị phiền nhiễu rồi hỏi thõng:
- Xin lỗi các ngài, tôi nói thế này khí không phải: các ngài là người đây hay ở đâu xa về?
Tôi đưa mắt nhìn bạn để bạn biết rằng bộ quần áo vải vàng của bạn đã nói xấu bạn là người đường rừng, và do thế, đã làm xấu cả mặt tôi. Rồi tôi đáp:
- Đây chỉ có ông bạn tôi đây là ở xa về, còn tôi thì vẫn là người ở đây.
Mụ lại hỏi:
- Ngài đã có đến?
- Cách đây đã vài tháng...
- Hẳn là bữa ấy, con em nó tiếp?
- Phải.
- Thế hai ông anh cần dùng những gì nào?
Khen thay cho cái lối xử thế của bọn mụ giầu, khách lạ nào cũng được xưng hô thân ngay. Không thấy gì là ngượng nữa, Quý đâm ngay ra rất can đảm mà vội phán:
- Thưa bà chị, chúng tôi cần dùng... Ái tình.
Mụ đưa đẩy con mắt, tươi cười buông một câu:
- Cái ấy thì đã cố nhiên, nhưng còn gì nữa chứ? Đến đây, bạn đưa mắt bảo tôi đáp hộ. Tôi nói:
- Này bà chị ạ, bà chị lo sao cho tôi đây được tỏ hết cái tình bằng hữu ra với bạn tôi thì bà chị cứ việc... Vả lại bà chị còn có gì nữa? Bất quá bà chị cũng chỉ có đến ả Phù Dung và Lưu Linh[27] nữa là cùng, vậy nhân dịp cũng nên mời cả hai người ấy đến cho vui.
- Được lắm!
Mụ reo lên như thế rồi nghiêm nét mặt, khẽ nói với tôi:
- Này ông anh, đừng giỡn nữa. Thế cần hạng đàn bà nào? Hai hay một? Ta hay Tàu, hay đầm lai?
- Bà chị cứ ban cho món hàng nội hóa.
- Ừ, thế vào hạng nào? Tân thời hay nhà quê? Hay nửa quê nửa tỉnh?
Tôi đưa mắt trả cho bạn cái phần kén chọn ấy. Bạn nói:
- Tiểu thư tân thời!
Mụ giầu cười mà rằng:
- Tiểu thư thì chả có được. Ai lại gả bán cho các ngài một cách dễ dàng quá thế! Họa chăng...
- Miễn cứ là đàn bà là được rồi!
- Nhưng mà nên nói trước cho kỹ lưỡng, vì người mà tôi đã gọi đến là phải dùng được, chứ không phải đổi chác, xe đi xe về, thêm lôi thôi cho người ta mà phiền cho mình. Âu là hai ông muốn thứ hàng nào cứ kê khai ra cho kỹ lưỡng.
- Thế bà chị đại khái có thứ hàng gì?
- Đây là chỗ hẹn hò có đủ hạng người, mà em thì là một bà Nguyệt có trăm nghìn thứ sợi chỉ hồng nhỏ, to, dài, ngắn khác nhau... Bà thông, bà phán vì ma đen ma đỏ mà phải gỡ gạc nhé? Thế nào?
- Con nhà tử tế! - bạn tôi bĩu mồm.
- Chứ không ư? Con nhà tử tế thì không hư thân được hay sao?
- Bà thông, bà phán hoặc con nhà tử tế hẳn phải tốt hơn gái nhảy...
Mụ giầu giơ tay lên xóa những lời nói của bạn tôi...
- Ông anh chưa biết... Hạng bà thông, cô ký, tuy quý là quý ở cái tiếng, chứ phần nhiều là lợn sề, chỉ biết trơ ra như cây gỗ mà thôi, xin chớ khinh thường bọn gái nhảy. Bọn ấy mới là bọn thạo đời. Họ có trăm nghìn lối nũng nịu, uốn éo, khéo lắm!
- Ừ, hay thế cũng được.
- Thế hay hai một?
- Tuỳ bà chị đấy.
Sau một hồi ngẫm nghĩ mụ nói:
- Gọi hai người chưa chắc đã là chơi hoang mà gọi một người chưa chắc đã là hà tiện. Nếu gọi hai người thì hai ông phải dùng hai buồng, vì đây là nơi kín đáo, bọn phụ nữ chỉ đi ngang về tắt, chứ không phải là chỗ có môn bài mà bảo cứ việc công nhiên... Do thế, ghép hai người đàn bà vào mệt phòng thì khó khăn lắm.
Chúng tôi còn đương ngẫm nghĩ đến cái ví da thì mụ lại tiếp:
- Hai quan anh tha lỗi cho nhé, nói gần nói xa chẳng qua nói thật... Thế hai quan anh định tiêu phí vào cái cuộc dạ yến này bao nhiêu?
Tôi nói:
- Thôi, nhất định là gái nhảy. Một cái buồng, một hộp thuốc phiện, hai chai sâm banh, và một người đàn bà!
Rồi tôi giở ví lấy số bạc đưa ra và thêm:
- Ấy, tùy bà chị xử ra sao cho nó đáng đồng tiền, bận này còn bận khác.
- Điều ấy ông không phải dạy!
Mụ bước ra sân, quát lên:
- Con Duyên đâu! Đưa hai ông lên buồng số 4 đi mày!
Rồi quay lại chúng tôi:
- Trong khi chờ đợi, có con Duyên nó nằm tiêm tạm cho hai ông anh đỡ buồn.
Rồi mụ ra ngoài, theo sau có một anh chàng răng vàng, quần áo cánh lụa. Một thiếu nữ nhỏ nhắn ra chào chúng tôi và dẫn chúng tôi lên gác trên.
Cái phòng này bài trí lịch sự lắm, có thể so với phòng các khách sạn tây lớn. Sập gụ trên có khay đèn, giường Hồng Kông, ghế đi-văng. Một cái gương kiểu Psyché[28] tại một góc. Bàn rửa mặt có sẵn nhiều khăn bông trắng nuốt tại một góc khác. Trên tường vô số ảnh mỹ nữ Tây phương khỏa thân, những ảnh người ta lấy ở những báo chí khiêu da^ʍ như: Paris plaisirs, Eros, Sεメ appeal[29].
Hai chúng tôi bỏ áo ngoài, lên nằm ở sập. Duyên co ro ngồi sửa soạn khay đèn. Công việc thứ nhất của tôi là ngắm nghía mặt mũi và thân thể Duyên. Nó cũng như trăm nghìn gái trẻ ở những nơi hoa tường liễu ngõ khác, nhưng cái đặc biệt của nó là ở chỗ có vẻ mặt ngây thơ khác thường! Khi người phải trông thấy sự ngây thơ trên mặt một gái đĩ như thế, thì người ta đâm ra hoài nghi lạ lùng, và không còn tìm được một danh từ nào để gọi sự trong sạch của phái yếu nữa.
Từ đây trở đi, bạn tôi nằm nghiêm trang với cái tinh thần một anh chồng hối hận vì đã trót nɠɵạı ŧìиɧ, phụ vợ. Duyên nằm ngoan ngoãn tiêm thuốc. Câu chuyện bắt đầu nở như gạo rang.
- Em ơi! em bao nhiêu tuổi?
- Thưa anh, em tuy vậy mà đã 21 tuổi rồi cơ đấy. Em trẻ lắm, phải không?
- Em là con bà chủ đấy à?
- Vâng, nhưng mà là con nuôi.
- Thế em có hay phải tiếp khách không?
- Thỉnh thoảng thôi, vì em có nhân tình.
- Oai nhỉ! Thế nhân tình em là ai?
- Một ông Tây thầy kiện già, yêu em ghê lắm cơ!
- Sao người ta không lấy em?
- Bà đầm ghen lắm, ông ta chỉ dám đến đây là cùng chứ không dám nghĩ đến chuyện thuê nhà riêng cho em.
- Thế khách đến nhà này là những hạng nào?
- Ồ, đủ, các anh ạ. Các ông tây chánh sở này, chánh sở nọ, quan binh, thầy kiện, mõ tòa, tây đen cho vay lãi[30] khách chủ hiệu cao lâu, chủ sòng phán thán, các ông nghị, các ông nhà buôn lớn, đủ cả...
- Thế thì bà chủ hẳn đại phát tài.
- Cái đó đã hẳn.
- Sao hôm nay vắng khách thế?
- Từ mười hai giờ trở đi rồi các anh xem! Ở nhà này, ngày là đêm mà đêm là ngày.
- Em ơi, sao em còn bé thế mà em đã hư thân sớm thế?
Trước lời bông đùa hơi kệch cỡm của Quý. Duyên bĩu môi rồi được dịp mạt sát tất cả bọn đàn ông:
- Nói chứ bọn đàn ông các anh ích kỷ thật! Mà lại đểu giả nữa. Các anh đã gây ra nghề mãi da^ʍ, vậy mà rồi bọn đàn bà bị trụy lạc về nghề này lại bị dư luận của các anh xỉ vả, kết án... Tự chúng em, chúng em đâu đến nỗi nào, nếu không có bọn vô lương tâm là bọn đàn ông? Chúng em đương ở nhà với cha mẹ hưởng hạnh phúc gia đình, thì chợt có một thằng phong tình, đẹp giai đến tán tỉnh... Chúng em quá nghe, mắc lừa, rồi trụy lạc, thì đến lượt những thằng vô lương tâm khác đến xỉ vả chúng em và làm cho trụy lạc, cho ô trọc thêm lên! Các anh dâʍ đãиɠ như quỷ thì chả ai nói, còn bọn chúng em thì hơi một tí đã hỏng cả một đời rồi! Trời ơi, sao mà các anh đểu thế. Sao mà các anh dã man thế?
Duyên tuy nói để pha trò mà tôi cũng thấy sự hằn học trong giọng nói, mà tôi cũng thấy cái nghĩa lý chính đáng của sự hằn học. Tự nhiên tôi hỏi:
- Có bao giờ em thấy buồn không? Có bao giờ em tiếc cái đời em không?
Duyên ngẩn ngơ hỏi lại:
- Sao? Tiếc cái gì? Mà buồn cái gì?
- Tiếc rằng không lấy được một người chồng tử tế như mọi người và buồn vì phải sống một cái đời không như sở thích...
Duyên cười khanh khách:
- Các anh hỏi dở hơi lắm, em chả tiếc cái gì cả, chả buồn cái gì cả. Vẫn biết cái đời em đang sống là... hôi tanh nhưng mà rồi nó cũng quen đi, chứ còn đâu đủ thời giờ biết nó là hôi tanh! Người ta, bất cứ làm gì, hễ quen đi là được tuốt. Các anh thử ngắm nghía bọn nhà chứa ở ngõ Hàng Mành mà xem... Hễ thấy anh lính tập nào là cũng kéo dài cái mồm ra gọi: “Này, có chơi thì vào mà chơi!..”. Sao trong loài người lại có hạng người như thế! Sao họ không ngượng mồm? Trước khi đến nỗi thế, hẳn họ cũng đã là người tử tế! Ừ, thì ít ra thì cũng phải sống ở gia đình cho đến năm mười bảy mười tám rồi có trụy lạc mới trụy lạc được chứ? Ấy em cứ nghĩ mãi về điều ấy mà không sao hiểu nổi... Về sau em mới nghiệm ra rằng cứ quen đi là xong! Các anh thấy em thế này, các anh ngạc nhiên, nhưng các anh mà có là em thì các anh cũng chẳng thấy gì là khác, là khó chịu. Còn bảo tiếc sẽ không lấy được chồng như mọi người thì lại càng lầm lắm. Sao em lại không lấy được chồng? Theo cách luân lý cổ hủ, thì đến làm đĩ là hết chuyện, là hết hy vọng. Nhưng sự thực ở đời có thế không? Sự thực, em chỉ thấy vô số đàn bà đứng đắn, tài giỏi, có đức hạnh, thì lại phần nhiều ế chồng, hoặc là lấy phải thằng chồng không ra gì, nó đi chơi gái, nó để mình lạnh lùng, nó đánh chửi mình mà thôi. Còn hư hỏng làm đĩ thì lại dễ mà trở nên bà, lại lấy được những anh chồng sộp hết sức, ngoan ngoãn hết sức! Như riêng em nghĩ thì kẻ làm cha mẹ nên nhớ như chông vào ruột câu này: Muốn có rể quý thời này, thì trước hết hãy cần phải có con gái hư.
Hai chúng tôi kinh hoàng lên vì con bé đã nói đúng sự thực.
Ngẫu nhiên bạn tôi trở nên một nhà triết học. Muốn Duyên không hiểu nổi, bạn đã dùng tiếng Pháp than vãn mảnh đời của Duyên. Rồi từ chuyện nọ đến chuyện kia, chẳng bao lâu chúng tôi hóa ra chán đời! Chúng tôi to tiếng lăng mạ cái làn sóng văn minh vật chất, chúng tôi dài hơi chửi rủa bọn người làm hại giống nòi, chúng tôi hóa ra bi quan. Bạn tôi có lẽ bi quan một cách thành thực; riêng tôi chí buồn cười mà nghiệm ra rằng anh đạo đức giả nào mà đi chơi bậy thì cũng bi quan như thế cả, cũng hóa ra “triết nhân hiền giả” như thế cả. Quý trỏ Duyên nói với tôi vẫn bằng tiếng Pháp:
- Mày trông thử mà xem... Một đứa con gái xinh đẹp như thế này, trông thật là ai oán, thật là đáng tiếc! Sao Tạo Hóa đã sinh ra một kỳ công như thế mà lại để cho nó ô uế đến thế mà chẳng tiếc công? Sao xã hội lại để cho một người trụy lạc như thế mà không thấy phí của?
Tôi cười ngăn bạn lại:
- Mày liệu hồn! Những thằng bỏ vợ theo đĩ, hay rước đĩ về làm vợ, bao giờ cũng bắt đầu có những luận điệu y như của mày.
Quý sốt sắng cãi:
- Không! Không phải thế! Không phải tao có cái lòng thương đời như của những thằng rước đĩ về làm vợ đâu. Nhưng mày cứ chịu khó nhìn mặt nó một lần nữa, rồi mày chịu khó nghĩ ngợi lấy năm phút nữa. Tao. tao đương tự hỏi tao rằng nếu chị tao, em tao, hay là con gái tao mai sau sẽ như thế, thì tao sẽ nghĩ như thế nào! Có phải thế không?
Thốt nhiên tôi thấy buồn. Rồi tôi trả lời bạn:
- Nếu đi chơi mà lại còn nghĩ đến thế, thì thấy chán đời lắm.
Không hiểu cạnh mình người ta trò chuyện những gì, Duyên cứ ngoan ngoãn nằm tiêm.
Một anh bồi bước vào với một cái khay có một chai sâm banh và ba cái cốc. Anh ta nói:
- Thưa các quan, cô ta đã đến đấy ạ.
Duyên ngồi nhỏm ngay lên, hấp tấp hỏi:
- Ấy chết! Đã lên đấy à?
Anh bồi đáp:
- Còn ngồi nói chuyện với bà chủ.
- Ấy phải để tôi xuống hẳn rồi hãy cho lên đấy nhé? Thôi em xỉn chào hai anh.
Rồi Duyên cũng xuống thang với người bồi.
Vài phút sau thấy tiếng gót giày rón rén đặt vào từng bậc thang. Những tiếng giày dừng lại chỗ bậu cửa. Lúc ấy, hai chúng tôi vẫn nằm bệ vệ hai bên khay đèn. Tôi nói với ra ngoài:
- Xin kính mời quý nương vào chơi.
Mãi không thấy đáp, tôi ngồi lên thì vừa gặp lúc cô ả êm ả tiến dần vào. Khi ba người chúng tôi nhìn rõ mặt nhau rồi, cảm tưởng thứ nhất của tôi là thấy trước mặt mình, sân gác rơi xuống đất, đất thụt xuống, và mở ra một cái vực thẳm. Thật vậy, và chính cô ả nữa chắc cũng ngạc nhiên lắm nên mới đứng ngẩn mặt ra.
Bạn tôi nói như người khản cổ, được có một tiếng thất thanh:
- Huyền!
Tôi như mê ngủ, nhắc lại:
- Huyền! Phải, chính là Huyền.
Còn Huyền thì vẫn cứ bỡ ngỡ mãi, vì không nhớ được ra chúng tôi là ai. Quý reo lên:
- Thật là bất ngờ.
Tôi họa theo:
- Ừ, quả vậy.
Rồi tôi hỏi Huyền:
- Huyền ơi, em còn nhớ ra các anh không? Em vào hẳn đây đi.
Nó thẫn thờ đáp:
- Trông các anh quen lắm!
Bạn tôi nghiến răng nói một cách đau khổ, bằng tiếng Pháp:
- À, thì ra đời là như thế.
Tôi đứng lên ra cầm tay Huyền, dắt nó đến gần đi-văng thì đứng lại. Mắt tôi nhìn nó chòng chọc, vì sự tình cờ làm cho chúng tôi gặp nhau thật là đau đớn cho Quý, bạn tôi. Trong cái nhìn của tôi lúc ấy có cái vẻ thương tiếc, đau đớn, chán chường, đến nỗi sau khi nhìn tôi, Huyền phải chớp mắt như bị sáng chói, và đỏ bừng hai má lên nữa.
Không hiểu đã nhận được ra chúng tôi là ai hay chưa, hoặc nói để che đậy sự hổ thẹn chăng, Huyền lại bình tĩnh reo lên:
- Tôi vẫn chưa nhớ ra các anh là ai đấy!
- Anh ấy là...
Bạn tôi chưa nói hết đã bị tôi quay lại, giơ tay lên ngăn... Nếu Huyền chưa nhớ ra thì tôi muốn nó hãy cứ giữ lấy cái vẻ bứt rứt ấy của nó đã. Tôi sợ nếu tự giới thiệu ngay, cuộc vui sẽ hóa ra cuộc buồn. Tôi bảo Huyền:
- Thì hãy ngồi xuống đây đã!
Rồi tôi cũng ngồi với nó xuống đi-văng...
Giữa lúc tôi muốn giữ cái phút im lặng có lẽ nó ám thị cho cả ba chúng tôi được bao nhiêu cảm giác lạ lùng, bao nhiêu cảm tưởng hiếm có, thì bạn tôi lại thốt lên một cách vô duyên kệch cỡm:
- Thuốc phiện! Thuốc phiện nữa! Giời ơi, tôi muốn tự tử.
Lời reo ấy chẳng biết là thật hay bỡn, là một biểu hiện của sự đau khổ hay của sự pha trò, tôi không muốn hiểu và chỉ thấy nó là bất hợp thời và vô ý thức. Tôi quay lại, cau mặt:
- Mày điên vừa chứ! Đồ ngu dại!
Chừng như hiểu câu tiếng Pháp tôi mắng bạn, Huyền bắt đầu có vẻ lo sợ, chớp mắt nhìn tôi và cúi xuống. Hai tay, hai bàn tay trắng nõn, nhỏ nhắn, nóng bừng của Huyền vẫn bị nắm trong hai bàn tay tôi.
Lúc ấy, tôi thấy cuộc đời quả thật như một giấc ác mộng.
Bốn năm trước đây, tôi còn gặp Huyền đi chơi ngoài phố với chồng, một người chồng lịch sự lấy nó có cheo cưới linh đình cả phố H.G... Từ độ ấy không bao giờ tôi gặp Huyền ở đây nữa, và tôi tưởng Huyền theo chồng đến làm việc tại một tỉnh nhỏ nào trên mạn ngược.
Khi chúng tôi xuân xanh còn trong vòng đôi tám thì Huyền còn là một cô nữ sinh. Nó đẹp, ngoan, đứng đắn, con nhà lương thiện, con một ông phán, cháu một ông đốc tờ. Cả lớp học chúng tôi anh nào cũng có thể phải lòng Huyền được, nhất là Quý thì lại mê nó hơn hết thảy. Chúng tôi đã ngầm tôn Huyền là một nữ lang hoàn toàn.
Những khi đội chiếc nón Kinh xinh xắn rảo bước từ nhà đến trường học, Huyền có cái dáng điệu nghiêm trang, đến nỗi thằng học trò mất dạy vào bậc nhất cũng không dám bén mảng tới, vì vẻ đẹp của Huyền là vẻ đẹp của một người ngây thơ, trong sạch, mai sau sẽ trở nên đức phụ, cái thứ đẹp đáng kính trọng của những bông hoa mỏng manh, nó làm cho người hâm mộ nó, thấy mình là phàm tục. sợ mình là chưa xứng đáng, và nếu động vào thì ta phạm phải một điều bất lịch sự, hoặc là vẻ đẹp sẽ biến đi...
Trong số bạn học của tôi, có đến ba mươi thằng phải lòng nó, nhưng tịnh không một anh nào dám nói ra miệng. Đứa nào cũng phải giấu giếm sự mê gái ấy trong đáy lòng, hình như sợ rằng để biết rõ tư tưởng của nhau thì chỉ thấy nhau là đồ ngu. Cái giá trị của Huyền cao đến nỗi thằng nào tự phụ nhất đời, kiêu ngạo nhất đời, cũng thấy mình là chưa xứng đáng.
Tây Thi, Hằng Nga, Nàng thơ, Mỹ nhân, đó là những tên người ta đặt thêm cho Huyền, ngoài cái tên ở giấy khai sinh. Riêng về phần Quý thì anh ta cứ gọi Huyền là “nàng”, y như trong tiểu thuyết.
- Hôm nay nàng mặc cái áo booc đô[31] đẹp quá mày ạ! - Tao dò được rồi! Năm nay nàng chiếm bảng Prix dhonneur![32]
Ấy Quý cứ thỉnh thoảng lại khoe với tôi như thế một cách không ngượng.
Trước mắt Huyền, chúng tôi đua nhau ăn mặc ra con nhà giàu, tranh nhau tỏ ra là con nhà có giáo dục. Không bao giờ Huyền thèm để ý đến một ai cả; nàng cứ giữ mực đứng đắn và vô tình y như người đã có chồng con.
Nhưng sự ấy cũng không đủ ngăn chúng tôi ghen tuông lẫn nhau, sinh sự với nhau, hằn học lẫn nhau, hoặc là họp nhau hàng đàn hàng lũ để dò la những bạn của anh ruột Huyền, vẫn năng lui tới nhà Huyền! Cái vô lý của tuổi trẻ giúp sức vào đôi khi chúng tôi lại ghen với cả những người trẻ tuổi mà là bạn của ông thân sinh ra Huyền nữa: Chúng tôi ngắm nghía họ một cách căm tức, nói xấu họ bằng tất cả mọi điều mà óc tưởng tượng trẻ con có thể ám thị được, mãi cho đến khi Huyền đỗ bằng sơ học tốt nghiệp[33] và rồi bước chân lên xe hơi hòm có kết hoa.
Từ khi Huyền đi lấy chồng rồi trong bọn độ ba chục bạn học của tôi, dễ có đến hơn mười anh hóa thi sĩ vì đã đau khổ quá. Tôi còn như trông thấy rõ cái mặt anh chàng Quý lúc anh chàng rầu rĩ hỏi tôi về “cái nghĩa đời người” hôm Huyền về nhà người bạn bách niên.
Vậy mà bây giờ...
Thấy tôi có vẻ buồn rầu, Huyền cúi gầm mặt xuống... Chắc nó đã nhớ chúng tôi xưa kia. Tôi gọi:
- Huyền ơi, Huyền!
- Dạ...
- Sự đời mà có đến thế này thì thật là bất ngờ.
- Vâng quả có thế...
- Em đã nhớ ra chưa?
- Rồi, anh ạ. Hình như anh kia là Quý, xưa kia cùng đi học với anh...
Nói đến đấy thôi, Huyền ngừng lại, đăm đăm nhìn Quý lúc ấy vươn lưng một cách thiểu não bên khay đèn.
Tôi tiếp hộ lời nói nửa chừng của Huyền:
- Hồi ấy anh Quý yêu Huyền lắm...
Nó ra vẻ sung sướиɠ, để lộ một cái cười tái nhợt rồi nói:
- Cảm ơn.
Tôi thêm:
- Mà đến bây giờ nữa, chắc cũng vẫn còn yêu em... Khi em đi lấy chồng, em chả biết đâu rằng trên đời này, có một người ôm một mối tình u ẩn tuyệt vọng về em, nếu em ra lệnh hắn chết, thì cũng sẽ vui lòng mà chết. Vậy mà ngày nay em đến nỗi này. Chắc anh ấy buồn lắm đấy.
- Khổ quá! Cái thân đời em nào còn có ra gì mà vẫn cứ có người thương yêu em như thế! Người nào thương yêu em cũng chỉ làm cho em càng khổ tâm mà thôi.
Giữa lúc ấy, bạn trở mình rất mạnh, quay lưng ra phía chúng tôi. Một tay kê làm gối, tay nữa vòng lên đầu. Một chân co, một chân duỗi... tôi chợt nghĩ ra rằng nếu cứ vẽ cho đúng cái thế nằm của bạn lúc ấy, một nhà danh họa có thể đạt được một bức tranh kiệt tác với dòng chữ chua ở dưới “người thất vọng”. Tôi bảo Huyền;
- Thôi ta lên sập hút thuốc.
- Vâng.
- Hiện giờ em làm nghề gái nhảy đấy à?
- Vâng, nghề ấy em có làm qua, nhưng em đã thôi mấy tháng nay.
- Sao thế? Lại không hơn cái nghề này hay sao?
Huyền lắc đầu một cách chán nản:
- Nghề ấy, nghề này, cũng thế cả! Thà làm một nghề...
Huyền tháo quai giầy, lên nằm ở sập. Tôi ra hiệu cho nó phải lôi Quý quay mặt lại, song nó nhìn tôi như van lơn, như sợ hãi, và lắc đầu. Tôi nghiêng người ra lôi bạn cho bạn quay mặt về bàn đèn thì bạn cưỡng lại, vai bạn nặng hơn một cái cối đá. Bực mình, tôi gắt:
- Thôi đi, mày lọ lắm! Mày có quay lại đây không?
Bạn vẫn không nhúc nhích. Tôi phải lôi cả hai tay mới xong. Khi bạn quay về phía chúng tôi. trên hai má bạn có hai ngấn lệ chưa khô. Thấy tâm cảnh của bạn lúc ấy đã có phần nghiêm trọng, tôi mất hết cái hứng bông đùa, phải giữ một lúc im lặng. Rồi ôn tồn, tôi khuyên giải bạn:
- Ồ, đừng nên thế. Anh phải biết cũng nhiều khi ta phải giấu kín những mối cảm xúc của ta đi nếu không, ta chỉ làm một trò cười.
Bằng một giọng rất đau đớn, bạn đáp:
- Anh... anh không... anh không thể hiểu được nỗi khổ tâm của tôi... Anh không biết xưa kia, tôi đã thầm yêu trộm nhớ người ấy đến bực nào...
Câu nói ấy bị ngắt đoạn bằng bao nhiêu cái nấc, bằng bao nhiêu cái nức nở làm cho tôi cũng phải động mối thương tâm. Tôi thấy bàng hoàng cả người. Bụng tôi nao nao lên như cồn ruột. Bạn vẫn nức nở nói tiếp:
- Tôi hỏng duyên phận đã đành, cớ sao người tôi yêu quý nhất đời lại cũng đến nỗi này được!
Thế là Huyền cũng sụt sịt khóc. Nghẹn ngào, nó nói:
- Em cảm ơn anh... Vâng, cảm ơn anh. Em chỉ biết có cảm ơn anh mà thôi, chứ cũng chả biết làm thế nào mà đáp lại tâm lòng quý hóa của anh cho được!
Đêm hôm ấy chúng tôi nói chuyện rất nhiều.
*
* *
Một người mẹ vừa đẻ một mụn con gái... Người cha xo vai một cái, lầu nhầu: “Con gái... ? Rõ chán chết!” Chị người ấy cau mày: “Cậu nói dở lắm! Con nào chả là con!” Rồi đến nhà hộ sinh thăm em dâu với những cái khăn mặt bông mới, sữa, rượu, và nhiều thức nữa.
Dù là gái, đứa bé cũng được sinh trưởng trong sự nưng nịu. Nó cứ việc bú, khóc, và bắt mẹ thay tã...
Lên ba tuổi, nó bị cả nhà tranh nhau nó để hôn. Có người hôn nó dỗ nó khóc lên mới thôi, lại có người giẩu môi bọc lấy hai hàm răng để cắn vào cánh tay mẫm bụ của nó.
Mười ba tuổi, nó hay phải mắng.
Nhưng mà đến năm mười sáu tuổi, trong khi được gia đình săn sóc đến bị mắng mỏ, nó cũng đã có thế lực làm cho nhiều con giai gọi nó là Nàng Thơ. Người ta chỉ sợ nó hư, nhưng không, cô bé vẫn đứng đắn. Rồi cô ta lấy chồng. Bố mẹ có được nhiều tiếng khen. Thiên hạ đồn nhau: cô bé sau này phải thành vợ hiền, mẹ thảo...
Nhưng mà, đột nhiên, một hôm người ta thấy người ấy làm đĩ. Những người thản nhiên, buông một câu: “Nhà vô phúc”. Những người muốn hiểu biết lắm nhưng không hiểu biết gì cả, bàn nhau: “Chẳng qua tại nó hư! Gái năm con lắm khi cũng chưa hết lòng chồng nữa là... Nó hư thì nó thế, thân nó làm hại đời nó”.
Ấy đó, thân thế của Huyền, hoặc của những gái hư như Huyền.
Hư?
Cái chữ ấy ngụ ý nghĩa gì?
Thế nào là hư?
Tại sao là hư? Tại sao mà hư? Nếu nó hư thì nó chịu lấy trách nhiệm thôi, hay còn có kẻ khác cũng đáng buộc tội?
Mà tại sao nó hư?
Tại sao con gái một nhà tử tế, không thiếu cách giáo dục, mà lại đến làm đĩ?
- Tại nó hư.
- Nhưng mà vì sao nó hư?
Những điều khó hiểu ấy, bằng những cách gián tiếp mà chúng tôi đã đem ra hỏi Huyền. Từ đêm hôm ấy mà đi, ba chúng tôi còn họp mặt nhau nhiều bận nữa. Bạn tôi đã cáo ốm cho gia đình và kêu phải chữa bệnh tại Hà Nội.
Chúng tôi “khảo cứu” sự hư hỏng của Huyền...
Cuốn tiểu thuyết của Huyền?
Thì đây: