Ký Ức Tựa Mùa Rơi

Chương 9




Cuối tháng tư, cây phượng bên cửa sổ phòng tôi đã chớm bông. Những cánh hoa màu tím, nhàn nhạt ẩn hiện báo hiệu giao mùa.

Chủ nhật, tôi ngủ nướng đến trưa mới dậy, mơ mơ tỉnh tỉnh ra khỏi giường, tắm gội, chọn váy, trang điểm, làm tóc. Bận rộn hơn tiếng đồng hồ mới xong.

Hôm nay cô bạn cùng khóa cao học của tôi làm đám cưới. Cô ấy hơn tôi hai tuổi, là kiểu người thân thiện và đáng yêu, luôn mang đến cho người đối diện năng lượng tích cực, dễ gần. Tôi luôn ngưỡng mộ cô ấy ở điểm đó.

Trước đây còn học chung, tôi với cô không chơi thân, nhưng cô ấy thường vô tư giúp đỡ tôi nhiều điều. Vậy nên hiện tại, tôi đang khổ sở nhìn cái phong bì đang cầm, đắn đo suy nghĩ xem nên bỏ vào đấy số tiền mừng bao nhiêu. Năm phút trôi qua, tôi mạnh tay nhét vào đấy số tiền cao nhất mình nghĩ đến.

Điều khổ não thứ hai tôi phải trải qua đó là việc nhận ra xe máy của mình ở một đang ở một nơi khác. Nếu đi lấy xe rồi mới đến đám cưới thì trễ giờ mất, cuối cùng tôi quyết định bắt taxi, đi thẳng đến nơi tổ chức đám cưới. Sau bữa tiệc, tôi lại từ chỗ đấy đi taxi đến nhà Quân.

Con gái đi đám cưới vốn đã tốn kém đủ thứ, hôm nay tôi còn tốn thêm tiền đi hai chặng taxi. Nếu không phải trên người mặc váy thướt tha, chân mang giày cao bảy tấc thì tôi đã đi xe ôm cho tiết kiệm. Có chút tiếc tiền.

Tôi đến nơi, phải tháo giày cao gót để đi xuống con dốc kia. Tới trước nhà Quân thì nhìn thấy anh ta đang tưới hoa trong sân. Quân nhìn tôi, rồi nhìn đôi giày trên tay tôi, ánh mắt thắc mắc.

-  Có việc sao không nói. Anh tưởng hôm nay em nghỉ nên định chiều mới mang xe trả em.

-  Em đi đám cưới, tiện đường qua lấy luôn.

Quân cúp vòi nước, quay đầu quan sát tôi kỹ hơn, ánh nhìn lướt từ trên xuống dưới. Hình như anh ta rất hứng thú với diện mạo này của tôi.

Tôi bị xăm soi, ngượng chin mặt, tìm cách đánh trống lảng:

-  Đăng đâu anh?

-  Nó đang rửa chén dưới bếp.

-  Rửa chén?

-  Ừ. Để anh đi lấy chìa khóa cho em.

Tôi đặt giày trước cửa, theo Quân bước vào nhà. Đi thẳng xuống bếp thì thấy Đăng khom lưng rửa chén thật. Vừa rửa vừa huýt sáo, chân phải khều vào chân trái, hình như đang gải ngứa.

Tôi lén lút áp sát sau lưng Đăng, gõ đầu nó cái “cộp”.

-  A… đau. Cô… Sao cô cốc em.

-  Ông giời con hôm nay ngoan ha.

-  Au, đau quá. Em khi nào chả ngoan. Mà em không rửa thì ai rửa.

Tôi nhìn núi chén trong bồn rửa, chắc mẩm đây là mớ chén từ tối hôm qua ăn sinh nhật Quân. Hích Đăng qua một bên, tôi thò tay rửa phụ, thì thầm:

-  Anh Hai không rửa cho à?

-  Ổng bào em “đàn ông xây nhà, đàn bà lo tổ ấm”.

-  Em chấp nhận làm đàn bà luôn?

-  Tất nhiên là không. Nhưng nếu em không rửa sẽ không có tiền tiêu vặt đấy. Quân tử phải thức thời.

-  Hẳn là quân tử. Vậy là lo hết việc nhà luôn.

-  Không, chỉ rửa chén thôi. Lâu lâu ổng lên cơn, ổng dọn nhà như cô Tấm.

Tôi phì cười, anh ta giống con gái độc thân. Tôi sống một mình cũng hay như thế, khi thì bừa bộn, khi lại gọn gàng. Nhiều khi nổi hứng, tôi dành cả một ngày để dọn dẹp từng ngóc ngách,

-  Cô cười cái gì?

-  Thì buồn cười…

-  A, mà nãy giờ em để ý nha, chỉ đi lấy xe mà cô mặc như đi ăn cưới thế này, trang điểm nữa nha, lạ nha.

-  Ừ, thì đi ăn cưới đó.

-  Thiệt hả. Đúng là em đoán như thần. À, cô…

-  Hử?

-  Cô có người yêu chưa?

-  Chưa.

-  Tại sao?

-  Vậy cô hỏi em tại sao Bác Hồ không lấy vợ?

-  Em không biết.

-  Đấy.

-  Ơ… không liên quan. Hay là…

-  Là gì?

-  Là cô có mà giấu.

-  Cô mà có có dẫn em đi ăn mừng ba ngày ba đêm.

-  Chém gió.

-  Thế em có người yêu chưa?

-  Còn lo việc lớn, chưa thể yêu đương.

-  Anh Hai em?

-  Hình như rồi.

Tôi khựng tay. Hình như cảm thấy hơi hụt hẫng. Anh ta có người yêu rồi, lại đi thả thính lung tung. Thính chất lượng như thế làm sao tôi không ảo tưởng được. Nào ngờ lần này ăn nhầm thính độc rồi.

-  Em gặp chưa.

-  Chưa. Em nghe lỏm mấy ông kia nói chuyện với nhau, chứ ổng có nói với em đâu.

-  Mấy anh tối qua?

-  Dạ.

-  Họ là bạn thân hả.

-  Dạ, bạn thân. Mấy ổng mở văn phòng luật cùng nhau.

-  …

-  Sao cô im re vậy?

-  Rửa lẹ lên để cô về nè.

Tôi rửa chén xong, Quân vẫn đang tưới cây. Lúc nãy anh ta thấy tôi rửa chén thì để lại chìa khóa bên cạnh rồi đi tiếp tục công việc của mình. Nhìn thấy anh ta, bỗng dưng tôi hờn mát, lầm lũi ra dắt xe về.

-  Về hả?

Tôi chả buồn nhìn mặt Quân, chỉ gật đầu một cái.

-  Đợi anh lát.

Nói rồi, anh ta tắt nước, đi vào nhà lấy ra hai hộp lớn. Tôi nhìn qua liền biết là hộp dâu tây.

-  Em cầm về ăn nè.

Tôi hờn rồi. Nhưng dâu tây thì không thể hờn, tôi yêu dâu tây như mèo yêu mỡ.

-  Sao nhiều thế?

-  Hôm qua anh được biếu.

-  Anh không ăn hả?

-  Không.

Tôi kìm nỗi hạnh phúc đang chực nổ tung ra, quay sang hỏi Đăng đang ngồi bệt trước hiên:

-  Đăng ăn không?

-  Không. Chua lét.

-  Cô thấy ngọt mà.

-  Con trai cảm nhận vị chua nhạy hơn con gái mà. Cô mang về hết đi.

Quá tuyệt!

***

Rổ dâu tây vừa rửa lúc trước đã ráo nước. Những quả dâu to, đỏ mọng, khi cắn vào sẽ nếm được dòng nước chua chua ngọt ngọt, vị ngon vô cùng.

Nếu tính theo giá thị trường, số dâu tây loại một này sẽ có giá khá cao. Tôi mãn nguyện nhét hẳn một quả vào miệng, cười không ra tiếng. Dù còn giận anh ta có người yêu, nhưng được ăn dâu ngon thế này thì đúng là phải thầm cảm ơn thật nhiều.

Ăn đầy một bụng dâu, tôi dành ra một ít biếu cô chủ nhà. Phần còn lại mang đi làm mứt. Hôm sau lên trường, không quên đem theo một lọ cho cô chủ nhiệm.

Cô chủ nhiệm cầm lọ mứt dâu, miệng xuýt xoa:

-  Giỏi thế. Cái gì cũng biết làm. Mà em không muốn có người yêu hay sao, học xong rồi thì lo yêu đương rồi lập gia đình chứ.

-  Em muốn mà cô. Nhưng không có ai tán em.

-  Xạo. Kén quá chứ gì?

-  Cô lại nói thế.

Tôi chả hiểu tại sao loài người lại mất niềm tin về nhau như thế. Ví dụ ai đó hỏi tôi có người yêu chưa. Nếu đáp không có, họ cho rằng tôi nói xạo. Còn nếu như đáp có, họ lại nghĩ tôi bịa chuyện. Làm người, thật khó quá đi.

-  Thôi, để cô tìm mối cho.

-  …

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ phải nhờ đến mai mối để tìm người yêu. Tôi không bài xích việc mai mối, nhưng người lớn ai cũng vậy, thấy con gái qua hai lắm vẫn độc thân sẽ vội vàng thúc dục, gán ghép.

Tôi không từ chối cô, chỉ im lặng xem như đồng ý. Bằng tuổi này rồi, nếu tôi cứ ngồi yên chờ đệnh mệnh, e rằng ế mất. Đi làm, xung quanh toàn đồng nghiệp nữ, bản thân lại suốt ngày quanh quẩn trong nhà, bạn bè thì ít, nói tóm lại xác suất để đệnh mệnh xuất hiện là vô cùng nhỏ. Nếu mai mối gặp được người tốt thì đó cũng là cái duyên.

Sau khi nói chuyện với cô, tôi mang tâm trạng não nề vào lớp. Đã thế lúc gọi học sinh lên kiểm tra miệng còn không suôn sẻ.

Tôi kêu tên năm lần bảy lượt, em học sinh vẫn không lên.

-  Huyền vắng hả lớp trưởng?

-  Dạ không cô.

-  Huyền đâu, để cô gọi hoài vậy em?

Sau câu hỏi, ở bàn thứ tư bên phải có một bàn tay nhỏ giơ lên. Chủ nhân của bàn tay cúi gầm đầu xuống, không có dấu hiệu đứng lên.

Tôi khó chịu trước thái độ này, giọng hơi trầm xuống:

-  Em lên bảng kiểm tra bài cũ.

-  Dạ em không kiểm tra được ạ.

-  Lên đây!

-  …

Tôi đập bàn, đứng phắt dậy, mặt nóng ran.

-  Bình thường cô thoải mái với các em, nhưng có cho phép có thái độ này không?

-  Lớp trưởng, em nói xem thái độ chống đối này có được không?

Chợt Huyền khóc òa lên, tiếng nấc càng lúc càng to. Tôi hoảng hồn, lật đật chạy xuống.

-  Em bị sao, bị sao? Đau chỗ nào? Sao mà khóc?

-  …

-  Trời ơi, sao mà khóc? Nói cô nghe.

Tôi hỏi mãi Huyền vẫn không trả lời, cứ gục đầu khóc. Học sinh nữ ngồi cạnh thấy thế thì viết mẩu giấy nhỏ, nhét vào tay tôi. Tôi vội vàng đọc, bên trong ghi dòng chữ “Bạn bị, lem ra hết áo dài rồi cô.”

Tôi sững người, khó xử quay lên bục giảng, hồi sau mới cố gắng giải vây:

-  Hôm sau thấy mệt thì xin phép nghỉ học nha em. Vắng một buổi có sao đâu.

Hết tiết, cả lớp xuống sân tập thể dục giữa giờ. Tôi giữ Huyền lại, vờ có chuyện cần trao đổi với em.

Khi chỉ còn hai cô trò, tôi lấy chiếc áo măng tô của mình đi xuống chỗ Huyền, áy náy nói:

-  Cô xin lỗi. Nhưng mà sao em lơ đểnh thế, không mang theo băng dự phòng à?

-  Em biết thì nó dính hết ra ngoài rồi.

-  Mặc áo cô về nhà tắm rửa liền đi.

-  …

-  À, giờ cô về luôn. Hôm sau có tiết mang áo trả cô cũng được.

-  Em cảm ơn cô.

Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Cảm ơn cái áo phao giặt chưa khô. Vì nó chưa khô nên tôi phải lôi áo măng-tô ra mặc, đúng lúc gặp chuyện này.

Ngày tiếp theo, trước khi đi dạy Đăng, tôi cũng bị đèn đỏ viếng thăm, cơ thể nặng nề như gánh theo hai thùng nước.

Lúc đang dạy, cơn đau bụng dưới ập đến hành hạ tôi. Tiếp đó, tôi thấy buồn nôn, tay chân bủn rủn, người lạnh tái đi. Chịu đựng đến khi dạy xong thì xay xẩm hết cả mặt mày.

Tôi đứng dậy không nổi, cả người trườn ra bàn. Đăng lo lắng lây người tôi:

-  Cô, cô bị sao á?

-  Không sao, mệt tí. Thôi cô về đây.

Tôi liêu xiêu đi ra đến cửa chính, choáng váng ngồi thụp xuống. Quân ngồi trong phòng khách, chạy vội ra.

-  Em đi nổi không, đau chỗ nào?

-  Không sao.

-  Không sao gì, mặt tái nhợt kìa. Đi bệnh viện nhanh.

-  Không đi.

-  Đăng, dìu cô lên xe.

Tôi vừa mệt vừa khó chịu, trong lòng vẫn còn để bụng chuyện anh ta có bồ, bực dọc lớn tiếng.

-  Em không đi. Kệ em.

Tay Quân định dìu tôi, lơ lửng trong không khí. Anh ta kiên nhẫn nói:

-  Vậy em bị gì, đứng còn không được, mặt mày tái mét, bệnh viện không chịu đi.

Tôi gập người, cắn răng chống chịu cơn đau quặn. Sau đó vừa lau mồ hôi vừa nói:

-  Đau bụng kinh.

Quân và Đăng ngạc nhiên, mắt tròn xoe. Tôi xấu hổ tột cùng nhưng vẫn mặt dày nhờ anh ta đi mua thuốc. Đâm lao thì phải theo lao, nếu không có thuốc, tôi không cách nào giảm cơn đau.

Có một lần, là Tết năm kia, tôi đi xe bus về nhà cũng bị đau như thế. Đau từ lúc lên xe đến lúc xuống xe. Tôi ngồi bên lề đường, khóc lóc gọi điện thoại cho bố ra đón. Bố tôi được một phen hốt hoảng.

Bình thường tôi khi đến tháng, tôi luôn mua thuốc trước, hễ bụng râm ran sẽ uống ngay. Hôm nay vội đi dạy quên mang theo thuốc, ai ngờ bị bẽ mặt thế này. Trưa hôm qua làm học trò bẽ mặt, quả báo lại đến ngay với mình.

Đăng dìu tôi ngồi vào ghế trong phòng khách, không hé nữa lời. Đăng còn nhỏ, chắc còn ngại nhắc đến chuyện này. Quân thì ngược lại, anh ta trông tỉnh rụi, nói năng bình thường.

Sau khi uống thuốc anh ta mua về, tôi ngồi đừ một lúc lâu. Nửa tiếng sau thuốc mới bắt đầu ngấm, cả người dễ chịu hẳn.

-  Em về đây.

-  Để anh chở về.

Câu này nghe quen. Nhưng tôi không muốn. Lỡ bồ anh thấy, tôi mang lại bị vu oan là tiểu tam.

-  Không, em tự đi được.

-  Đang đau sao đi được.

-  Uống thuốc vào là hết đau rồi. Em về đây.

Quân đi theo cản tôi, vẻ mặt lo lắng. Không biết là lo thật hay là thói quen nữa.

-  Em tự về được.

-  Thật?

-  Thật!

-  Cô, thôi để anh Hai chở cô về đi. Lỡ té xe thì sao. Cô chỉ được cái mặt tàm tạm, hỏng nó là hỏng hết.

Đăng cũng lo không kém. Cái này thì tôi tin nè. Có điều tôi thực sự đã khỏe lại. Cơn đau bụng kinh hành hạ con gái rất dữ dội, nhưng chỉ cần uống thuốc là cắt được ngay, không để lại di chứng gì cả.

Tôi nhất quyết tự đi, Quân có vẻ hơi giận, anh ta mặc kệ tôi. Tôi cũng kệ.

Vậy là hai anh em họ Hoàng bất lực, đứng lặng nhìn tôi ra về.