Ký Linh

Chương 74




Không được cởi, cởi là hết. Đàm Vân Sơn hiểu rõ. Chàng không tin mình có thể cướp lại được thừng tiên từ tay đối phương, hơn nữa càng sợ là đến chuyện cướp lại thừng tiên chàng cũng quên mất.

Giống như con yêu quái trước mặt chàng, tuy nhớ mình không thuộc về nơi này, tuy bản năng mách bảo nó cướp lấy thừng tiên, nhưng nó lại không nhớ rằng bên ngoài Vong Uyên là Cửu Thiên Tiên Giới, chỉ cần vừa nhô đầu ra khỏi con sông tiên thì chết còn nhanh hơn ở dưới này.

“Không phải ta không muốn cho ngươi,” Đàm Vân Sơn vờ như nhìn không đảo mắt nhưng thực ra vẫn đang mở rộng tầm mắt tìm hướng tháo chạy thích hợp, “mà là ngươi có giữ thừng tiên cũng vô ích. Đầu kia của thừng tiên toàn là tiên, hễ trông thấy người ra không phải ta mà là yêu, ngươi cho là họ sẽ tha cho ngươi sao…”

Gã thanh niên cười, đôi mắt nheo lại ánh lên thứ ánh sáng kỳ lạ: “Tiết kiệm sức đi. Thay vì nghĩ cách lừa ta, thừa cơ bỏ trốn, chẳng bằng nghĩ…”

Đàm Vân Sơn không đợi gã nói hết lời, bất thình lình ném đèn cung đình về phía gã!

Nói là ném nhưng bởi chàng dồn hết sức bình sinh nên chiếc đèn cung đình kia nện vào người thì chẳng khác gì búa tạ!

Gió xoáy đập vào mặt, gã thanh niên phản xạ né tránh, đèn cung đình bay qua ngay sát mặt!

Vào thời khắc ấy, đèn cung đình đã soi rõ cho Đàm Vân Sơn thấy sự kinh ngạc trong mắt đối phương. Rõ ràng gã có tính thế nào cũng không ngờ được chàng sẽ từ bỏ nguồn sáng duy nhất này!

Đèn cung đình đáp xuống một chỗ rất xa. Sau tiếng vật nặng đập xuống nền, Nhật Hoa Bảo Châu vẫn sáng như trước.

Nhưng thứ ánh sáng đó không soi được tới chỗ này.

Gã thanh niên hơi hơi giật mình khi về lại với bóng tối, cuối cùng gã cũng hiểu ý đồ của đối phương: lợi dụng bóng tối để tẩu thoát!

Gã căm lắm, điều đầu tiên gã nghĩ tới là phải đuổi theo ngay nhưng trong bóng tối, tối đến nỗi mình còn chẳng nhìn thấy mình, thì còn nhìn thấy bóng dáng đối phương thế nào được nữa, lạ hơn nữa là đến cả tiếng bước chân cũng không nghe thấy…

Không đúng, hắn không đi!

Gã thanh niên giật mình, chưa kịp phòng thủ thì đã bị đối phương quật ngã bất thình lình! Gã lập tức muốn nhe răng ra cắn cho đối phương một phát thấu xương nhưng vừa há miệng ra thì liền không động đậy nổi, thở cũng không nổi nữa: Đối phương lấy thừng tiên ghì chặt cổ hắn!

Gã phản xạ đưa tay lên cổ kéo thừng ra nhưng thừng thít chặt quá, gã không kéo ra được!

Gã không phí sức kéo thêm mà chuyển hướng sang kẻ đang ghì cổ đè lên người gã, đưa tay ra sau lưng đối phương đến ngang tầm vị trí trái tim rồi tập trung yêu lực làm một phát trí mạng!

Tử quang của yêu thuật vụt tắt trong nháy mắt, mùi máu xộc lên, máu tươi phun ướt đẫm bàn tay gã, thậm chí gã cảm thấy mình đã xuyên thủng lồng ngực của đối thủ!

Nhưng lực siết cổ không lỏng ra mà còn chặt thêm, càng ngày càng chặt, sẵn sàng siết gãy cổ gã bất kỳ lúc nào.

Sát khí, sát khí như thể muốn đồng quy vu tận.

Lần đầu tiên gã cảm thấy run sợ, gã muốn rời khói cái nơi quỷ quái này nhưng không muốn trả giá bằng cả tính mạng, dù còn sống cũng chỉ là cái xác không hồn thì sống vẫn tốt hơn là chết. Nhưng tên này thì không. Thằng điên này chán sống rồi!

Không dám ham đánh tiếp, gã dùng chút sức lực cuối cùng của bản thân để biến thành tinh phách, thoát khỏi sợi thừng tiên, trốn vào màn đêm vô tận.

Đàm Vân Sơn thấy sợi thừng trong tay bỗng thẳng ra, con yêu quái đã biến mất không còn thấy tăm tích.

Chàng quỳ rạp dưới đất, thở hổn hển. Chàng không nhìn thấy mình đã mất bao nhiêu máu, chỉ biết rằng sức lực đang cạn đi như chiếc thùng bị tháo nút ở đáy, đến đứng lên chàng cũng không thể làm được.

Lộc cộc.

Lộc cộc.

Không biết yêu quái nghịch ngợm nào phát hiện ra chiếc đèn cung đình ở xa kia, đá tới đá lui, đèn cung đình lăn đi mỗi lúc một xa.

Đàm Vân Sơn nhìn theo chùm sáng cứ yếu dần rồi biến mất hẳn, lòng lại thấy bình tâm.

Với chút bản lãnh khó bảo vệ nổi mình ấy của chàng thì ẩn vào trong tối chưa hẳn không phải là chuyện tốt.

Vong Uyên, vực quên.

*vong: quên, uyên: vực

Ai đã đặt tên cho chỗ này vậy nhỉ, Đàm Vân Sơn nghĩ ngợi lan man, chuẩn quá.

Miệng vết thương hình như đã hết chảy máu nhưng vẫn còn rất đau. Đàm Vân Sơn thử mấy lần, cuối cùng cũng lật được người từ nằm sấp về nằm ngửa, nằm vậy ít nhiều cũng thoải mái hơn một chút.

Đòn đánh đó xuyên một phát từ sau lưng thấu ra ngực trước. Nếu không phải chàng không có tim thì dù đang ở Vong Uyên cũng không thể sống nổi.

Không có tim… Luồng tư duy của Đàm Vân Sơn bỗng kẹt lại, sao chàng lại không có tim nhỉ?

Chàng bỗng thấy hoảng.

Đàm Vân Sơn lập tức ra sức suy nghĩ, cuối cùng sau nhiều cố gắng tìm tòi, chàng cũng nhớ lại được từ quá khứ tới hiện tại.

Lần này chàng không còn cảm thấy may mắn nữa, chỉ cảm thấy sợ hãi vô ngần. Trịnh Bác Lão sẵn lòng bày mưu nghĩ kế trăm năm cũng không muốn vào Vong Uyên. Chàng từng cho là do khó tìm được một người giữa Vong Uyên mịt mùng, nhưng giờ chàng mới hiểu, có lẽ đối phương đã tính ra được, nếu vào Vong Uyên thì mới thực sự là không còn khả năng đoàn tụ. Vùng mịt mùng tăm tối này nuốt chửng lấy tâm trí của người ta, làm người ta không phải không tìm được mà là đến “tìm” cũng quên mất.

Bất chấp miệng vết thương vẫn còn đau, Đàm Vân Sơn gắng gượng ngồi dậy nhưng cố mấy lần đều bất thành. Chàng đành co chân lên, cố vươn tay rút con dao cột ở chân rồi dựa vào cảm giác, rạch lên tay hai chữ “Ký Linh”.

Dao bếp khác dao găm, nó không có mũi nhọn, nên muốn rạch chữ phải dùng chỗ góc lưỡi gần sát chuôi dao cứa từng đường một vừa sâu vừa thô.

Nhưng Đàm Vân Sơn chẳng thấy đau chút nào, ngược lại, mỗi lần rạch được thêm một đường chàng lại thấy yên tâm thêm một chút.

Thời gian chầm chậm trôi đi. Có lẽ là một canh, hai canh hoặc lâu hơn nữa. Cuối cùng, Đàm Vân Sơn cũng cảm thấy mình đã hồi được ba phần sức. Chàng gượng người đứng dậy, sờ cặp dây thừng ở hông. May quá, vẫn còn đủ.

Dây thừng Tử Kim đã bị đứt nhưng vì nó từng làm ánh sáng của Yến Hành xuất hiện nên chàng không muốn bỏ, chàng quấn hết đoạn dây thừng đứt thừa ra vào người, nhét kỹ đầu dây thừng xong, bên hông chỉ còn lại thừng tiên thõng xuống, gọn gàng hẳn.

Đàm Vân Sơn nhắm mắt thở phào một hơi rồi mở mắt ra, kết quả phát hiện ra, ở chỗ này thì dù mở mắt hay nhắm mắt cũng đều giống nhau.

Chàng cười ngượng ngùng một tiếng rồi vỗ vỗ cái đầu sọ dừa của mình, tự cổ vũ bản thân rồi dựa vào trực giác chọn lấy một hướng, tiếp tục đi.



“Vân Sơn huynh!”

Có ai đó sau lưng bỗng gọi sang sảng.

Đàm Vân Sơn dừng chân đứng lại, ngơ ngác nhìn quanh, như thể bỗng nhiên quên mất mình đang ở chốn nào.

Rừng núi ngát xanh, kỳ hoa dị thảo, những tảng đá hình thù lạ mắt, dưới chân là một con đường nhỏ lát đá, bên cạnh là dòng suối trong róc rách chảy tuôn ra từ khe đá. Thế nhưng, bầu trời lại rất âm u, thực sự hợp với đôi câu thơ: “Vân thanh thanh hề dục vũ, Thuỷ đạm đạm hề sinh yên”.

*hai câu thơ trong bài “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” của Lý Bạch tả cảnh mây nước mềm mại động lòng người nhưng ẩn đằng sau nó là một sức mạnh tàn phá khủng khiếp (được viết tiếp ở hai câu sau: “Liệt khuyết tích lịch, Khâu loan băng tồi.”) Nghĩa cả 4 câu này là:

“Mây xanh xanh chừng sắp mưa,

Nước mờ mờ như bốc khói.

Chớp giật sấm vang,

Núi tan gò lở.”

“Vân Sơn huynh,” người gọi đã đuổi tới trước mặt, là một người đàn ông cao lớn khỏe mạnh để tóc rất ngắn trông như một võ tăng, thấy chàng quay đầu lại thì cười nhếch mép lộ ra hàm răng trắng, “đi đâu mà vội vậy, tôi gọi mãi không thấy huynh đứng lại gì cả.”

Đàm Vân Sơn nhìn đối phương hồi lâu, thắc mắc hỏi: “Bất Cơ huynh không phải trước nay vẫn gọi tôi là Vân Sơn hiền đệ sao?”

“Hiền đệ?” Phùng Bất Cơ cười thành tiếng, “Tôi mới ba mươi lăm, huynh đã một trăm hai mươi, tôi gọi huynh là hiền đệ thì cũng được thôi, chỉ sợ huynh lại thấy mình chịu thiệt.”

“Tôi… một trăm hai mươi?” Đàm Vân Sơn cau mày, mặc dù thấy đâu đó có vấn đề nhưng nghĩ mãi vẫn không chỉ ra được nguyên do.

Rõ ràng Phùng Bất Cơ cảm thấy đây chẳng phải vấn đề gì cần lăn tăn nên lại hỏi lại câu cũ: “Huynh định đi đâu vậy?”

“Tôi…” Đàm Vân Sơn chắc chắn mình có một mục đích vô cùng quan trọng trong lòng nhưng giống như bị chôn dưới một chiếc hố quá sâu vậy, đào móc mãi vẫn không tìm ra được, trong khi đó miệng lại nhanh nhảu hơn đầu óc: “Tôi tới Tiên Chí Các.”

Lời vừa ra khỏi miệng chàng đã giật mình, chàng vẫn cho rằng đây không phải điều chàng thực sự muốn nói.

Phùng Bất Cơ lại nhíu mày đầy tự nhiên: “Lại tới Tiên Chí Các à. Vậy thì tôi không thể đi cùng huynh được. Hễ thấy sách là tôi lại đau đầu.”

Đàm Vân Sơn không chút nghĩ ngợi liền chọc: “Tiên Chí Các ở Cửu Thiên Tiên Giới, huynh có muốn đi cùng tôi cũng không đi được.”

Phùng Bất Cơ chớp chớp mắt không hiểu ra sao: “Huynh nói gì vậy? Đây chính là Cửu Thiên Tiên Giới mà. Tôi đường đường là Trần Hoa thượng tiên chẳng lẽ lại không được tới Tiên Chí Các?”

Đàm Vân Sơn ngạc nhiên, nhìn ngó bốn xung quanh một lần nữa như không dám tin rồi lại nhìn Phùng Bất Cơ: “Đây là Cửu Thiên Tiên Giới? Huynh là Trần Hoa thượng tiên?”

Phùng Bất Cơ nghiêm mặt quan sát chàng một hồi lâu rồi thân thiết hỏi han: “Huynh không sao chứ? Sao nãy giờ cứ là lạ vậy?”

“Khoan, đừng nói gì vội, để tôi suy nghĩ đã.” Đàm Vân Sơn ôm đầu, gắng lật tung đầu óc lên tìm kiếm trí nhớ, có lẽ vì chàng tìm kiếm quá thô lỗ nên đầu đau như kim châm, cuối cùng chàng cũng nhớ ra một cái tên quen thuộc, bèn vội hỏi Phùng Bất Cơ: “Nam Ngọc đâu? Huynh là Trần Hoa thượng tiên thì Nam Ngọc thế nào?”

“Nam Ngọc vẫn đang ở Tiên Chí Các của huynh ta mà.” Phùng Bất Cơ hơi hoảng, giữ nhẹ vai chàng, kề mặt sát lại xem sắc mặt bạn, “Huynh có khỏe không? Sao hôm nay nói linh tinh…”

“Không.” Đàm Vân Sơn lắc nhẹ đầu, vừa như là trả lời câu hỏi của Phùng Bất Cơ lại vừa như đang tự lẩm bẩm một mình, “Cửu Thiên Tiên Giới không phải như thế, Nam Ngọc cũng không phải Tuyển Văn thượng tiên…”

Phùng Bất Cơ nhìn trời bất đắc dĩ, không tranh cãi với chàng mà lại dịu giọng bảo: “Sắp mưa rồi, tôi đưa huynh về Canh Thần cung nghỉ ngơi.”

Đàm Vân Sơn khó thở, gào lên như một con thú bị bủa vây: “Cửu Thiên Tiên Giới xưa nay không mưa không gió!”

Phùng Bất Cơ nhìn chàng như nhìn một kẻ điên.

Ngay sau đó, một giọt mưa to bằng hạt đậu rơi trúng ngay mũi chàng.

Phùng Bất Cơ trợn ngược mắt, không buồn đôi co với một kẻ điên, gọi kiếm tới, cố kéo Đàm Vân Sơn lên cho kỳ được.

Mưa mỗi lúc một to. Mới đầu là hạt đậu, sau đó nhanh chóng biến thành cơn mưa tầm tã như trút. Phùng Bất Cơ vừa phải cưỡi kiếm vừa phải cố giữ chắc Đàm Vân Sơn đang tỏ thái độ chống đối để chàng khỏi ngã. Đúng là khổ khôn kể.

Nước mưa xối hai người ướt sũng từ đầu xuống chân, may là cả hai đều không có tóc nên trông mới đỡ thảm hại.

Hẳn là mới chạng vạng nhưng mây đen đầy trời đã làm trời tối hẳn xuống, Cửu Thiên Tiên Giới lại trập trùng núi non rậm rạp cành lá nên lại càng tối thêm.

Phùng Bất Cơ khổ cực mãi mới đưa được người về tới trước cửa Canh Thân Cung, kiếm vừa đáp xuống đất, huynh ta liền thở phào như trút được gánh nặng: “Canh Thần thượng tiên, về tới nhà rồi.”

Người bạn cùng đứng trên kiếm lại không chịu nhúc nhích.

Phùng Bất Cơ không còn lời nào để nói. Nãy thì sống chết không chịu lên, giờ giục xuống lại không chịu xuống. Chẳng lẽ là thích cưỡi kiếm bay giữa trời mưa mất rồi chăng? Huynh ta bực bội quay người lại định bụng lên lớp tay bạn hữu kỳ cục nhưng quay lại thì lại thấy chàng xắn cổ tay áo, ngẩn người nhìn cánh tay.

Phùng Bất Cơ tưởng là có gì lạ nên cũng sáp lại xem, kết quả chỉ thấy mỗi cái cánh tay, cùng lắm là trắng hơn huynh ta một chút chứ chẳng có gì lạ cả.

Song, rõ ràng đối phương không hề nghĩ như vậy. Nhìn mãi không thu được gì thì bắt đầu kì cọ cánh tay như thể nó là một tảng đá thần, chà đi chà lại thì sẽ có phép màu xảy ra vậy.

“Này,” Phùng Bất Cơ nhìn thôi cũng thấy đau giùm, “cọ nữa là rách da ra đấy.”

Đối phương phớt lờ huynh ta, càng kỳ mạnh tay hơn như thể phải làm cho rách da chảy máu mới được, lại còn liên tục lẩm bẩm: “Không đúng, đáng ra phải có chứ, sao lại không có được…”

Phùng Bất Cơ không trơ mắt nhìn nổi, giữ nghiến tay chàng lại ngăn chàng tiếp tục tự làm hại mình: “Rốt cuộc huynh đang tìm cái gì thế?”

Đàm Vân Sơn đờ người, không trả lời được.

Tìm gì ư?

Chàng cũng không biết.

Không đúng, sai hết rồi, loạn hết cả rồi!

Đàm Vân Sơn bỗng ngồi thụp xuống ghì chặt đầu mình, cơn đau như muốn nổ tung đầu làm chàng không thở nổi!

Giữa cơn mưa xối xả bỗng xuất hiện một luồng sáng óng ánh trong vắt như lưu ly bảy màu.

Ánh sáng đó xuất phát từ một nơi rất xa, Đàm Vân Sơn nhìn về phía đó nhưng không thấy được gì, chỉ mờ mờ thấy có gì đó sặc sỡ, tươi đẹp nhưng trông rất mịt mùng.

Tới đó đi.

Bỗng suy nghĩ này hiện lên trong óc chàng, mạnh mẽ, kiên định.

Đàm Vân Sơn đứng vụt dậy, liều mạng chạy về phía chùm sáng yếu ớt đó, bỏ lại sau lưng tiếng la “huynh lại định làm khùng làm điên gì nữa”, thoáng chốc đã không còn nghe tiếng.

Trời ngày càng tối đen, màn mưa như thể thanh chấn song của lồng giam cản bước Đàm Vân Sơn truy đuổi.

Nhưng chùm sáng kia lại ngày càng sáng, chàng chạy đến mức thấy cổ họng tanh tanh, gần như không thở nổi nữa vẫn cố xuyên thủng màn mưa, hướng về nguồn hy vọng duy nhất đó!

Gần hơn rồi.

Gần hơn nữa rồi.

Chàng gần như đã cảm nhận được hơi ấm của chùm sáng đó…

Hông bỗng bị giữ chặt lại, chàng hướng người chạy về trước, lực ở hông lại kéo chàng về sau, đôi bên co kéo, lưng chàng như sắp bị gãy làm đôi!

Cuối cùng chàng bại trận, bị kéo giật lùi về sau, ngã ngồi xuống đất, toàn thân đau như muốn rời ra!

Chàng không muốn dừng lại, vừa đứng lên định đi thì như thể có ai đó kéo chàng ở đằng sau, không cho chàng tiến thêm nửa bước!

Ánh sáng nhiều màu bắt đầu mờ dần, nhạt dần.

Đàm Vân Sơn gần như phát điên, chàng dồn hết sức bình sinh lao về trước nhưng cái lực kia vẫn sống chết không chịu thôi, trong lúc ra sức vùng vẫy, chàng bỗng chạm được vào đầu dây thừng ở đằng sau lưng!

Vì sao lại có một sợi dây thừng ở đó, chàng không rảnh để nghĩ, nhưng có một điều rõ ràng là sợi thừng này không đủ dài để cho phép chàng tiếp tục đi tiếp về phía trước. Vậy là chàng rút dao, xoay người lại chém!

Chàng chém rung cả cổ tay mà dây thừng vẫn bình yên vô sự!

Đàm Vân Sơn chém liền thêm mấy nhát. Vẫn vậy!

Ánh sáng nhiều màu nhạt dần, từ bảy màu rực rỡ chỉ còn màu xanh và màu vàng nhạt mà lúc chàng nhìn tới thì màu vàng nhạt cũng vừa biến mất.

Đàm Vân Sơn quẳng dao xuống, bắt đầu cởi nút buộc dây thừng. Chàng không biết vì sao trên người mình lại có hai sợi thừng nhưng cái kéo chàng là sợi màu vàng nhạt, chàng biết!

Nút thắt rất chặt, chàng ra sức tháo mấy lần không ra, cuối cùng đến lúc nới lòng ra được thì chàng đã bị lật mất mấy cái móng tay, đau nhói người nhưng chàng mặc kệ.

Chùm sáng màu xanh chỉ còn một chút.

Cuối cùng Đàm Vân Sơn cũng cởi được sợi thừng màu vàng nhạt ra, lao đi như tên bắn đâm thẳng về phía chùm sáng đó.

Trong khoảnh khắc, trời sáng bừng lên.

Đàm Vân Sơn không thích ứng ngay được, lấy tay che mắt một hồi lâu mới từ từ bỏ xuống.

Trời xanh mây trắng, nắng gió chan hòa, cỏ cây mơn mởn, chim hót hoa thơm, xa xa có một rặng núi, gần thì có một con suối, sắc xuân dạt dào.

Đàm Vân Sơn lấy làm lạ, sờ mặt, rồi lại sờ người, đều khô ráo, sạch sẽ. Trận mưa to ban nãy như chỉ là một giấc mộng, tỉnh mộng, đất trời yên ổn, năm tháng đẹp tươi.

Nhưng trong mộng là chàng ở đâu?

Còn giờ chàng đang ở đâu?

Đàm Vân Sơn phát hiện mình chẳng nhớ gì nữa.

Mặc dù không nhớ nhưng chàng cũng không hoảng hốt. Cảnh đẹp như chốn đào nguyên ở đây làm người ta thấy lòng thư thái.

Dưới gốc cây đằng trước hình như có người.

Đàm Vân Sơn tò mò lại gần xem thử, tới gần mới nhận ra là một cô nương áo xanh ngồi ngay ngắn bên bàn đá, trên bàn đá bày một bàn cờ và chỉ có một chén trà, rõ ràng là tự vui một mình.

“Cô nương,” Đàm Vân Sơn gọi khẽ, “mạo muội cho hỏi một câu, đây là đâu vậy?”

Cô nương áo xanh ngẩng đầu lên nhìn, mặt mày dịu dàng, có lúm đồng tiền nông nông: “Tôi cũng không biết.”

Đàm Vân Sơn hơi thất vọng nhưng rồi chàng cũng nhanh chóng thoải mái trở lại như thể đấy chẳng phải chuyện quan trọng gì mà nhất thiết phải biết cho được.

“Huynh từ đâu tới vậy?” Có vẻ như là bị khơi dậy trí tò mò, cô nương áo xanh cũng hỏi lại chàng.

Đàm Vân Sơn ngẫm nghĩ rồi lập tức lắc đầu: “Không nhớ ra nổi.”

“Vì sao lại cột dây thừng vàng tía ở hông?”

“Không biết.”

“Huynh tên là gì?”

“Cũng quên rồi…”

Cô nương áo xanh mỉm cười.

Đàm Vân Sơn cho là người ta cười chàng hỏi gì cũng không biết, không ngờ đối phương lại nói: “Ai tới đây cũng vậy, không biết mình từ đâu tới, cũng không biết đã trải qua những chuyện gì…”

“Có điều, quên thì quên, cũng không thấy có gì không tốt cả.” cô nương áo xanh biến ra một chén trà như thể làm ảo thuật vậy, thong thả rót trà, mời đầy lòng thành, “Chơi cờ chứ?”

Đàm Vân Sơn không nghĩ ra còn chuyện gì khác để làm nên vui vẻ nhận lời.

Đây là một ván cờ chơi dở, đến lượt quân trắng đi nhưng xem thế trận thì xem chừng là đã rơi vào thế bí hết đường cứu chữa.

Đàm Vân Sơn là người chơi quân trắng.

Chàng cười buồn lắc đầu chẳng biết làm sao: “Tự mình chơi cờ với mình, đáng ra phải cân sức cân tài, sao lại để quân trắng đến nông nỗi này được chứ.”

Cô nương áo xanh bật cười trước vẻ mặt rầu rầu của chàng: “Đây là thế cờ tôi cố ý bày như vậy.”

Đàm Vân Sơn ngớ ra chớp chớp mắt không hiểu.

Cô nương áo xanh giải thích: “Tự mình chơi cờ với mình buồn quá nên tôi mới bày một bàn cờ thế chờ người hữu duyên đi ngang qua giải nó.”

Đàm Vân Sơn quan sát thấy thái độ tinh nghịch trong ánh mắt của đối phương, chàng bèn hiểu ra: “Xem ra không dễ giải.”

Cô nương áo xanh cười không nói.

Đàm Vân Sơn không nói thêm gì nữa, chuyên tâm quan sát những quân cờ đen trắng.

Sau hồi lâu im lặng suy nghĩ.

Cuối cùng, chàng đặt một quân cờ xuống.

Cô nương áo xanh không ngờ chàng đặt cờ nhanh như vậy mà lại giải được thế cờ này thật, không giấu nổi niềm kinh ngạc.

Đàm Vân Sơn cũng rất ngạc nhiên. Chàng ngây ra nhìn bàn cờ, lẩm bẩm tự nói một mình: “Tôi từng thấy thế cờ này rồi…”

Phen này thì cô nương áo xanh thực sự rất quan tâm, nàng vội hỏi: “Thấy ở đâu?”

Đàm Vân Sơn nhắm mắt lại, trầm tư suy nghĩ nhưng cuối cùng vẫn chịu: “Không nhớ nổi.”

Cô nương áo xanh thoáng vẻ thất vọng, thở dài, đưa tay lấy chén trà nhưng vừa hơi cúi xuống liền nhìn thấy cánh tay Đàm Vân Sơn để trên bàn.

Tay áo chàng xắn cao lộ ra gần hết cẳng tay, ở mặt trong của cẳng tay, có thể thấy lờ mờ mấy chỗ da có màu khác như thể vết cào cứa vừa mới lành.

Mới đầu Đàm Vân Sơn không biết cô nương ấy nhìn gì, đến khi có con gió nhẹ thổi qua, chàng thấy tay hơi lành lạnh, định bỏ tay áo xuống thì mới nhận ra.

Đó là mấy vết cứa rất rõ ràng, dẫu cho dài ngắn khác nhau lại xiên xẹo ngang dọc.

Cô nương áo xanh kề sát lại nhìn một hồi lâu vẫn không rút ra được kết luận gì bèn nhặt một cành cây vẽ lại chúng lên đất.

Thoáng cái, những vết thương này được vẽ lại y nguyên.

Cô nương áo xanh càng nghiêm túc, Đàm Vân Sơn càng thấy buồn cười, chàng châm chọc: “Không biết làm gì mà bị cứa vào, nếu cô nương thích mà lại không sợ đau thì có thể tự mình thử xem.”

Chàng cho là đối phương thấy thích thú với những vết cứa lung tung không trật tự giống như trẻ con vẽ chơi nên mới sao lại để xem, không ngờ cô nương này lại ngẩng đầu lên nhìn chàng, nghiêm túc đáp: “Kể từ lúc tôi phát hiện ra mình thường xuyên quên mất mọi chuyện thì mỗi ngày tôi đều khắc những chuyện mà tôi thấy quan trọng trong ngày lên đốt tre…”

“Tuy lúc phát hiện ra mình quên mất mọi chuyện thì đã muộn,” nàng mỉm cười, “nhưng ít ra tôi còn nhớ được một bàn cờ thế.”

Đàm Vân Sơn bỗng thấy lòng là lạ: “ý cô nương là vết thương này là tự tôi…”

Cô nương áo xanh vạch nhẹ mấy nét lên mặt đất: “Huynh không thấy chúng hơi giống chữ à?”

Đàm Vân Sơn bước vội lại xem, đứng sóng vai cùng cô nương áo xanh, cúi đầu nhìn xuống.

Sau một hồi im lặng dài đằng đẵng.

Đàm Vân Sơn đành bỏ cuộc: “Làm sao mà cô nương nhìn ra được vậy?”

Cô nương áo xanh cầm cành cây khoanh vết cứa thành hai phần tách biệt: “Nhé, đây là một chữ, đây là một chữ.”

Đàm Vân Sơn bội phục nhãn lực của nàng ta: “Tại hạ tài sơ học thiển, mong được chỉ cho là hai chữ nào.”

Cô nương áo xanh không nhìn ra được hết các nét, nàng thở dài nặng nề: “Muốn nhận ra là chữ nào thì quả thực có hơi khó một chút…”

Đàm Vân Sơn không còn gì để nói, hóa ra nói nãy giờ nàng ta cũng không biết.

Thực ra, giống như nàng ta nói đó, quên thì quên thôi, ở một nơi thoải mái thế này, trong lòng không chất chứa gì thì mới đỡ rối lòng và lại càng thêm thoải mái hơn.

Nhưng tìm được manh mối mà lại không truy ra được chân tướng thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Chàng có thể không đi múc nước nhưng không chấp nhận được đã quyết định đi múc nước mà múc nước lên xong lại bị chảy ra ngoài hết.

Ma xui quỷ khiến, chàng lại giơ cẳng tay lên xem lại cẩn thận từng vết cứa, xem đến đau cả mắt, cuối cùng chàng cũng phát hiện ra, ngoài những đường đã vẽ, còn có một chỗ rất mờ, gần như tiệp hẳn với màu da, không nhìn kỹ thì không thể nhận ra được!

Chàng lấy tay vạch lại, không bỏ sót một nét nào, cuối cùng cũng dần dần nhận ra được hai chữ: “Ký… Linh…”

Vừa đọc ra miệng chữ thứ hai, trên đỉnh núi xa xa bỗng đột nhiên xuất hiện ánh sáng lưu ly, ánh sáng đó tỏa ra như tán một chiếc ô, đến ngay cả dòng suối gần chàng cũng ánh lên sắc màu sặc sỡ.