Ký Linh

Chương 71




Lúc dị tượng xảy ra, Chử Chi Minh đang ngồi xổm bên bờ Vong Uyên tháo phần dây thừng Tử Kim cột trên thân cây đổ.

Mới đầu huynh ta cũng không để ý vì không có tiếng động hay gợn sóng, trông chỉ giống như có ánh nắng chiếu sáng loang loáng trên mặt sông. Nhưng sau đó huynh ta chợt nghĩ ra, Vong Uyên không có chuyện “lòng sông lấp loáng”.

Chử Chi Minh lập tức ngẩng đầu lên xem, nhưng nào có ánh sáng gì đâu, Vong Uyên vẫn âm u tĩnh lặng như bao ngày.

Chử Chi Minh lắc đầu, nghĩ là mình nhìn nhầm, tình cờ đưa mắt nhìn thấy vách tiên ở cách không xa.

Uyên Hoa thượng tiên xưa nay vô dục vô cầu bỗng hôm nay lại thấy hiếu kỳ: Thiên Đế, Canh Thần thượng tiên và Trường Nhạc tiên đang nói những gì ở trong đó nhỉ? Không về bảo điện oai nghiêm mà lại đứng ở đây bàn luận, chẳng lẽ là sau khi chiến một trận xong thì bỗng cảm thấy phong cảnh bên bờ Vong Uyên thật hợp lòng người?

Chử Chi Minh tự bật cười bởi suy nghĩ linh tinh của bản thân. Mọi người ở Cửu Thiên, kể cả Nam Ngọc, hầu như không có ai đùa được trúng điểm cười của huynh ta nên gần như lúc nào huynh ta cũng tự đùa tự vui một mình như vậy.

Chử Chi Minh lại tiếp tục tháo dây thừng. Chàng đã miệt mài chiến đấu với nút thắt dây thừng của sói trắng không biết bao nhiêu lâu, giờ cuối cùng cũng tháo ra được rồi. Thế nhưng, chàng còn cầm chưa kịp ấm tay thì dây thừng đã bay vụt mất, hệt như một con rắn sống, chui thẳng vào Vong Uyên.

Chử Chi Minh tròn mắt há hốc mồm ngạc nhiên đến nỗi không để ý thấy bàn tay bị dây thừng cọ trầy da chảy máu.

Sau đó, Vong Uyên lại sáng lên, sáng hơn hẳn lần trước.

Lần này, Chử Chi Minh thấy rõ mười mươi. Ánh sáng đó sáng lên ngay đúng điểm mà dây thừng Tử Kim chui vào, giống như ở ngay lớp nước mặt có một món bảo vật nào đó đang trôi nổi, ánh sáng tỏa ra hắt ngược lên trên mặt nước, tỏa nhiều màu rực rỡ, trong như ngọc lưu ly.

“Sao vậy?”

Chử Chi Minh nghe tiếng quay đầu lại thì thấy vách tiên đã biến mất từ lúc nào, ba bóng người đang đi vội về phía này, người vừa nóng ruột hỏi là Đàm Vân Sơn.

Chử Chi Minh đứng dậy, làm lễ với Thiên Đế rồi mới trả lời Đàm Vân Sơn: “Vong Uyên bỗng xuất hiện ánh sáng lạ.”

“Vì sao lại thế?” Đàm Vân Sơn tới chỗ Chử Chi Minh, nhìn xuống mặt nước, nhưng ánh sáng lại đã biến mất, chàng chẳng kịp nhìn thấy chút gì.

Thiên Đế và Trịnh Bác Lão cũng vậy, chỉ nhìn thấy nước Vong Uyên thăm thẳm.

Chử Chi Minh thành thật trả lời: “Không biết. Từ ngày trông Vong Uyên tới nay, tôi chưa từng gặp cảnh ấy bao giờ nhưng…”

Nghe thấy “nhưng”, ba cặp mắt liền nhìn dồn vào Chử Chi Minh.

Chử Chi Minh hoảng quá, vội nói ngay: “Nhưng dây thừng Tử Kim tôi vừa mới tháo ra đã tự bay ngay xuống Vong Uyên, sau đó thì xuất hiện ánh sáng, chỗ sáng lên cũng chính là chỗ dây thừng Tử Kim chui xuống nước.”

Thiên Đế nhìn xung quanh, lập tức phát hiện ra một đoạn dây thừng Tử Kim còn chưa tháo ra trên một thân cây. Thiên Đế gảy nhẹ ngón tay một cái, niệm thầm.

Dây thừng Tử Kim động đậy mấy cái nhưng cuối cùng vẫn bị cột chặt trên cây.

Thiên Đế nhíu nhíu mày, chợt thấy hơi hơi xấu hổ.

Chử Chi Minh thấy vậy thì vô cùng chân thành cảm khái: “Không biết con sói trắng đó kiếm được dây thừng này ở đâu mà các phép tiên thông thường đều không làm gì được nó, vừa rồi sợi kia tôi phải tự dùng tay tháo một hồi lâu mới ra.”

Thiên Đế im lặng nhìn Uyên Hoa thượng tiên.

Uyên Hoa thượng tiên biết mình bị nhìn nhưng không hiểu được ý: “Gì?”

Thiên Đế mệt mỏi thở dài: “Làm phiền Uyên Hoa thượng tiên đi tháo nó ra.”

Chử Chi Minh sực hiểu, bèn đi lại đó. Trước lạ sau quen, lần này huynh ta tháo thành thạo hơn nhiều, không cho dây thừng Tử Kim có cơ hội trốn thoát, cầm chặt nó, đem lại, cung kính dâng lên cho Thiên Đế.

Thiên Đế ấy vậy mới thấy lòng hơi được an ủi.

Ông không dám mong thần tử nào cũng tâm ý tương thông với mình, chỉ cần thành thật, chính trực là đã quý lắm rồi.

Chử Chi Minh quan sát thấy Thiên Đế để sợi dây thừng nổi lơ lửng trước mặt, phẩy nhẹ tay một cái, sợi dây thừng liền tỏa ra đủ thứ ánh sáng lộn xộn sau đó các màu từ từ tách nhau ra thành những vùng sáng màu riêng biệt.

“Thân dây leo cổ thụ ngàn năm,” Thiên Đế quay sang như cố ý nói cho Đàm Vân Sơn nghe, “hấp thụ tinh hoa đất trời ở núi rừng lại được tẩm máu yêu thú và tiên khí, dao chặt rìu bổ không đứt, lửa đốt sâu mọt gặm không được.”

Chử Chi Minh hiểu rồi, Thiên Đế đang xem tinh khí của dây thừng Tử Kim.

Chàng vừa hiểu ra thì thấy dây thừng hơi hơi co mình lại. Chử Chi Minh liền bật thốt: “Thiên Đế!”

Đấng chí tôn của Cửu Thiên nghe gọi thì tự nhiên là quay sang nhìn huynh ta và thế là dây thừng Tử Kim tìm được sơ hở, vèo một cái chuồn đi chui xuống Vong Uyên, đến khi Thiên Đế nhận ra thì đã muộn, đến bọt nước cũng không kịp nhìn.

Thiên Đế ngổn ngang lòng quay lại nhìn Uyên Hoa thượng tiên: “Vừa rồi ngươi định nói gì với ta?” Thiên Đế rất muốn biết là có chuyện quan trọng cỡ nào mà phải lên tiếng vào lúc ấy làm ông phân tâm.

Chử Chi Minh cúi đầu, cố gắng nói nốt cho xong: “Thiên Đế… Cẩn thận, dây thừng Tử Kim định chạy.”

Thiên Đế không còn lời nào để nói, mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần.

Chử Chi Minh cũng mệt mỏi không kém. Huynh ta biết mình không giỏi ăn nói, lại càng không biết biến báo nên thường ngày chỉ cố gắng hết sức làm tốt bổn phận của mình, không năng chạy tới chỗ thánh điện, lại thêm Vong Uyên chẳng có chuyện gì, huynh ta không chủ động thì hầu như chẳng ai nhớ tới vị Uyên Hoa thượng tiên này. Thật không thể ngờ nổi, thời thế đổi thay, giờ trông Vong Uyên cũng có thể bị đẩy lên đến nơi đầu sóng ngọn gió.

Có điều, đây đã là chức vụ của huynh ta thì huynh ta phải cố gắng hết sức. Nghĩ vậy, Chử Chi Minh lại ngẩng đầu lên: “Thiên Đế, Canh Thần thượng tiên, Trường Nhạc tiên,” gọi lần lượt tên tất cả mọi người xong, huynh ta mới từ tốn nói, “mặc dù tôi không biết vì sao có thứ ánh sáng này nhưng lý do dây thừng Tử Kim chui xuống Vong Uyên thì tôi có thể đoán được đôi chút…”

“Từ xưa, Vong Uyên đã là dòng sông nuốt tất cả mọi thứ, có vô số kẻ đã vào Vong Uyên nhưng chưa từng có ai trở lại bờ. Ban nãy sói trắng đã vào Vong Uyên lại được cưỡng chế mang ra. Với chúng ta, tất nhiên đấy là cứu được một mạng. Với Vong Uyên thì hoàn toàn ngược lại. Vậy cho nên nó mới nuốt dây thừng Tử Kim có máu yêu của sói trắng để bù vào.”

Đàm Vân Sơn: “Nhưng rõ ràng là sợi dây thừng Tử Kim kia chủ động lao xuống Vong Uyên cơ mà?”

Chử Chi Minh: “Tôi từng đọc được một quyển bút ký do Cựu Uyên Hoa thượng tiên viết được lưu trong Tiên Chí Các. Trong đó có một bài viết rằng vị ấy thích đọc sách giải trí trong lúc trông Vong Uyên. Có một lần sơ ý làm rơi sách xuống bờ sông, may mà vị này nhanh tay nhặt lên ngay, nhưng sách cũng đã bị nước Vong Uyên làm ướt nửa. Vị này liền vội vã phơi sách ngay tại chỗ. Ngờ đâu vừa mở sách ra, quyển sách đó liền cứ như là bị buộc dây lôi luôn xuống Vong Uyên. Sau lần đấy, tiếp tục thử thếm mấy quyển sách nữa thì kết quả đều giống vậy. Cho nên, vị này chép chuyện đó vào sách xem như một phát hiện lý thú. Cuối bài còn viết một bài vè nối chữ…” Huynh ta nghĩ đến niềm thích thú khi đọc nó lần đầu, cười nhăn cả mặt, “Đừng chọc nước Vong Uyên, Vong Uyên sẽ há mồm, Há mồm nuốt sách tôi, Sách tôi mọc ra chân.”

Đàm Vân Sơn: “…”

Thiên Đế: “…”

Trịnh Bác Lão: “…”

Chà, đây có lẽ là niềm vui riêng của các Uyên Hoa thượng tiên, ba vị trước mặt đây không hiểu cho lắm.

Chử Chi Minh hắng hắng giọng, lại nghiêm túc trở lại: “Sợi dây thừng đó dính nước Vong Uyên nên bị Vong Uyên nhớ, pháp lực giữ nó không mạnh, còn ở gần Vong Uyên như thế…”

Còn chưa nói xong, ánh sáng nhiều màu lại lóe lên.

Chử Chi Minh chẳng hề bất ngờ, quả nhiên chỗ sáng lên đúng là chỗ dây thừng Tử Kim chuồn khỏi ngay trước mặt Thiên Đế nhảy xuống nước.

Đây là lần thứ hai huynh ta tận mắt chứng kiến dị tượng này và là lần đầu tiên với Thiên Đế, Đàm Vân Sơn và Trịnh Bác Lão. Lần trước vướng bức vách tiên, chỉ loáng thoáng thấy, lần này, cuối cùng họ đã được quan sát rõ ràng chi tiết.

Đàm Vân Sơn chưa từng nhìn thấy thứ ánh sáng màu nào đẹp như vậy, kể cả là cây cầu tiên ở Cửu Thiên cũng không tỏa ra được thứ màu nào như thế, như là một sợi tiên khí, xanh lam như băng, xanh lục như nước, vàng như vàng thỏi, trắng bạc như tuyết, màu sắc vừa tương khắc lại vừa tương hợp, óng ánh trong vắt.

Trong lúc ba người xem Vong Uyên, Chử Chi Minh quan sát Thiên Đế. Bởi vì ánh mắt đối phương nhìn thứ ánh sáng kia không tán thưởng giống Đàm Vân Sơn hay nghiền ngẫm như Canh Thần thượng tiên mà là… khó tin?

Không, phải nói là đầu tiên là khó tin, sau đó dần dần khi bất ngờ qua đi thì toát lên vẻ buồn xa xăm.

Trực giác mách bảo Chử Chi Minh rằng Thiên Đế nhận ra thứ ánh sáng này. Không ngờ chỉ mới nghĩ vậy thì thứ ánh sáng lạ này đã lại biến mất ngay, giống y như lần trước.

“Ta không biết vì sao dây thừng Tử Kim xuống nước thì nước lại tỏa ra thứ ánh sáng này nhưng ta đã từng thấy thứ ánh sáng này rồi.” Giọng Thiên Đế bình tĩnh, thong thả cất lên, “Là Yến Hành.”

Đàm Vân Sơn ngạc nhiên nhìn Thiên Đế, ngay lúc đấy chàng không biết mình đang mừng hay lo để đến nỗi run rẩy không nói nên lời.

Thiên Đế tưởng chàng không tin nên trầm ngâm chốc lát rồi nói: “Ngươi biết vì sao lại gọi Yến Hành là dị tiên không?” Thiên Đế nhìn xuống mặt nước đã tắt sáng như thể có thể nhìn xuyên qua nó ngược về thượng cổ hoặc là đâu đó xưa cũ hơn thế nữa, rất xa xôi so với bây giờ, “Bởi vì Yến Hành không phải người mà là cây. Là gốc cây đầu tiên sinh ra ở thời hỗn mang sơ khai, thọ ngang trời đất, rực rỡ như nhật nguyệt, là vị tiên duy nhất không thuộc về Cửu Thiên. Lúc rời khỏi hình người biến về trạng thái cây, toàn thân tỏa ra ánh sáng lóng lánh như ngọc lưu ly.”

Đàm Vân Sơn cố dằn cảm xúc xuống giữ cho mình tỉnh táo: “Nhưng từ lúc Ký Linh nhận được tiên phách đến nay, chưa từng xuất hiện ánh sáng này bao giờ.”

Thiên Đế thôi nhìn xa xăm, đưa mắt về nhìn chàng, chần chừ đôi chút rồi mới nói: “Nếu tiên phách vẫn còn trong cơ thể nàng thì không thể biến về trạng thái cây, lại càng không thể sáng lên.”

“Tiên phách Yến Hành rời khỏi cơ thể nàng sao?” Đây là ý nghĩ đầu tiên gần như không cần phải nghĩ, Đàm Vân Sơn đã hỏi ngay nhưng hỏi xong mới chợt hiểu ra. Nếu tiên phách của Yến Hành rời khỏi cơ thể thì tinh phách của Ký Linh đâu rồi, nếu cả hai tinh phách đều rời khỏi cơ thể…

Đàm Vân Sơn phải ngăn mình không được nghĩ tiếp, nếu không chàng sẽ điên mất.

“Nếu tiên phách Yên Hành ở dưới đây thì nhất định Ký Linh cũng không ở xa.”

Thiên Đế đoán được ý đồ của chàng: “Ngươi muốn xuống Vong Uyên à?”

Đàm Vân Sơn ngẩng đầu kiên định: “Tôi vốn còn đang sầu não biết xuống đấy tìm thấy nào, ngờ đâu nhờ một phen nóng vội của Bạch Lưu Song lại dẫn tới ánh sáng của Yến Hành. Ai dám nói không phải là ý trời chỉ đường cho tôi chứ.”

Thiên Đế: “Giờ ngươi đang ở trên trời rồi.”

Đàm Vân Sơn mỉm cười: “Ngoài khoảng trời này còn có bầu trời khác bao la hơn.”

Mặc dù đã dự đoán được từ trước nhưng đến khi chuyện thành thật, Thiên Đế vẫn không khỏi xúc động trong lòng.

“Có điều, có chuyện phải xin Thiên Đế giúp làm cho một sợi dây thừng tiên. Bạch Lưu Song đã thử cổ thụ ngàn năm rồi, không được. Vậy vạn năm hay vạn vạn năm thì sao? Dù sao Cửu Thiên rộng lớn như vậy, cứ chọn lấy cây nào già nhất là được.” Vào thời khắc này, dường như Đàm Vân Sơn lại khôi phục lại phong thái của Đàm nhị thiếu gia, mặt mày tươi cười, cử chỉ nhã nhặn, “Mặc dù tôi không sợ mãi mãi ở dưới Vong Uyên nhưng lỡ như có cơ hội đưa nàng lên bờ thì cũng đâu thể bỏ qua được.”

Thiên Đế dở khóc dở cười, đang định nhận lời thì Trịnh Bác Lão im lặng nãy giờ lại bất ngờ cất giọng khàn khàn: “Đừng phí công. Tưởng là nhìn thấy một chút sáng thì xuống đó là tìm được ư? Vong Uyên rộng lớn mờ mịt hư không, mặc dù đều ở dưới đấy nhưng vĩnh viễn không gặp được nhau.”

Đàm Vân Sơn bình tĩnh nhìn ông: “Không xuống thì sao biết không tìm được?”

Trịnh Bác Lão lắc đầu cười buồn: “Tôi chiêm tinh cả trăm năm cũng không hề bói ra được một cách nào có thể xuống Vong Uyên rồi lên lại được bờ chứ nói gì tới chuyện mang được người ra, nếu không tội gì tôi phải chọn cách đó…” Dường như không muốn nói nhiều thêm, Trịnh Bác Lão thoáng dừng lời rồi đổi sang giọng chế nhạo, “Kỳ thực nếu cậu không cố sức điều tra thì chưa biết chừng bây giờ chúng ta lại có thể liên thủ với nhau. Không phải cậu cũng mong con bé Ký Linh quay về đó sao, chúng ta hoàn toàn có thể lại gọi Lệ Mãng ra.”

Đàm Vân Sơn nhìn ông, chàng bỗng nếm được một chút đắng.

Không phải của chàng, mà là của Trịnh Bác Lão.

Mặc dù người nọ đang chế nhạo nhưng ánh mắt rất nghiêm túc, mặc dù người nọ không hối hận nhưng ánh mắt cũng biết xấu hổ. Chuyện trên đời, dù là việc ác hay việc thiện, phải tuân theo cái tâm của mình thì mới cảm thấy tự tại. Chỉ e biết đâu là thiện ác mà còn làm điều ác. Đắng.

Đàm Vân Sơn thở dài thương cảm nhưng không đồng tình: “Tôi không biết lúc Thanh Trản ra ngoài thấy để cứu nàng, ông không tiếc làm cạn nước Vong Uyên, hại sinh linh đồ thán thì sẽ thế nào nhưng nếu tôi làm như vậy, lúc Ký Linh ra nhất định sẽ đập rụng đầu tôi.”

Trịnh Bác Lão ngẩn người hồi lâu mới bật cười, lờ đi cảm giác cay cay khóe mắt: “Phải, dám chừng con bé thế lắm.”

Đàm Vân Sơn: “Lúc Ký Linh xuống Vong Uyên chỉ mong thiên hạ thái bình, cho nên thiên hạ thái bình thì nàng mới yên lòng. Cứu nàng, chẳng qua là tôi vì chính tôi. Tôi vào Vong Uyên là lòng riêng, ông gọi Lệ Mãng cũng là lòng riêng. Tôi chẳng hề cao thượng hơn ông…” Giọng chàng xen lẫn ý cười, dịu dàng, sáng sủa, “chỉ có điều là, khéo thay, tôi lại rất thích một cô nương lòng mang chúng sinh trăm họ.”



Một tháng sau.

Cửu Thiên Tiên Giới xảy ra hai chuyện lớn. Một là Đế Hậu bị phế truất. Hai là Trịnh Bác Lão đúng là thủ phạm đứng sau Loạn Lệ Mãng.

Còn có một chuyện không lớn không nhỏ nữa. Trường Nhạc tiên muốn vào Vong Uyên cùng ngày thi hành hình phạt Vong Uyên với Trịnh Bác Lão.

Chú thích:

*ngọc lưu ly: tuy gọi là ngọc nhưng nó không phải là ngọc thật mà gọi vậy chỉ để chỉ ra rằng lưu ly trông rất trong. Có 3 loại lưu ly là A. lưu ly cổ, được tạo ra bằng cách thêm “đá lưu ly” vào “mẫu lưu ly”, ngày xưa lưu ly cổ chỉ được dùng cho vua chúa và cách chế tạo ra nó đã bị thất truyền vào đời nhà Minh. B. lưu ly Đài Loan, có nguồn gốc từ nghệ thuật thủy tinh của phương Tây, thành phần chính là Silic, C. giả lưu ly, khá phổ biến ngày nay, có màu sắc tương tự nhưng nhẹ hơn, dễ đổi màu, không có giá trị nhưng giá thành rẻ. Lưu ly cổ ở Trung Quốc có lịch sử trên hai nghìn năm, theo truyền thuyết là vào cuối thời Xuân Thu, do nước mắt hóa thành. Thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn là bằng chứng khảo cổ lâu đời nhất có khảm lưu ly hiện đã khai quật được. (Nguồn: baidu)

Trong bài Phú sen trong giếng (Ngọc tĩnh liên phú), Mạc Đĩnh Chi (thời Trần) có tả:

Thuỷ tinh làm mái cung đình

Lưu ly tạc để nên hình cung môn

Pha lê nát nhỏ làm bùn

Minh châu làm móc trên cành tưới cây

(bản dịch thơ trong “Văn đàn bảo giám”, nguồn thivien.net)