Ký Linh

Chương 20




Tuy chần chà chần chừ cả buổi nhưng một khi đã quyết định nói hết ra thì Phùng Bất Cơ không hề lề mề, bắt đầu từ từ kể.

“Tôi không cha không mẹ từ nhỏ, lớn lên ở một đạo quán, mưa dầm thấm lâu cũng dấn thân vào con đường ngộ đạo tu tiên…”

“Tôi vốn không nghĩ thực sự có thể tu thành, chẳng qua là thấy người trong quán đều tu, tôi cũng tu theo. Nào ngờ năm ba mươi sáu tuổi, một đêm ngồi tĩnh tọa hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt, cuối cùng trăng không thấy đâu trời lại có sét khô, chỉ một tia sét đó thôi, không đánh vào đâu lại đánh trúng tôi…”

*sét khô: là loại dông sét được tạo thành mà không cần có độ ẩm, hay không có giáng thủy trên mặt đất.

“Trúng sét xong tôi liền tắt thở. Hồi ấy quán đã điêu tàn, sau khi làm cho tôi một pháp sự giản dị thì bọc tôi vào chiếu chôn ở sau núi…”

“Mặt hai người vậy là sao, tôi không phải xác sống, tôi thực sự chưa chết!”

“Ba ngày sau tôi sống lại đúng lúc gặp cơn mưa lớn xối trôi đất cho tôi bò ra sau đó không dám về đạo quán sợ làm mọi người sợ, hơn nữa có về thì cũng ăn đói mặc rét với mọi người nên tôi bèn xuống núi, bắt đầu lang thang khắp nơi…”

“Hồi đó tôi đã biết chút thuật bắt yêu nên vừa bắt yêu vừa tiếp tục tu tiên, có đôi khi bắt được yêu được khổ chủ cho chút tiền, có đôi khi hóa duyên gặp được nhà lương thiện, cũng không đến nỗi đói…”

“Nhưng sau hơn chục năm thì tôi phát hiện ra điều bất thường. Tôi không hề già đi, vẫn y như lúc bị sét đánh. Tóc râu vẫn mọc dài thêm, duy chỉ không thấy già…”

“Đương nhiên sau đó tôi chấp nhận rằng mình trường sinh bất lão, dù sao cũng là chuyện tốt. Bởi vậy tôi suy đoán rằng tia sét đánh trúng tôi năm đó hẳn là tiên lôi, không chừng trường sinh bất lão chính là bước đầu thành tiên của tôi…”

“Kể từ đó tôi mới bắt đầu thật sự thành tâm tu hành, làm việc thiện tích công đức. Rốt cuộc, tới năm chín mươi tuổi, có một vị tiên từ trên trời xuống tự xưng là Lễ Phàm thượng tiên nói rằng tôi đã viên mãn, có thể độ kiếp thăng tiên.”

Ký Linh và Đàm Vân Sơn ngồi nghe say sưa như nghe truyện. Đàm Vân Sơn thì khỏi cần phải nói, chuyện hiếm lạ đời này từng trải qua có thể tóm gọn trong hai câu: trung thu sáu tuổi, Ứng Xà hai mươi tuổi. Ký Linh thì kinh nghiệm phong phú hơn chút nhưng chỉ loanh quanh về yêu quái, chưa từng nghe ai gặp chuyện gì li kì như thế.

Phùng Bất Cơ nhìn hai khuôn mặt như đang giục giã “rồi sao nữa, rồi sao nữa”, lần đầu tiên cảm giác được khoảng cách tuổi tác xa vời vợi.

“Sau đấy tôi từ chối, cứ cách dăm ba hôm vị tiên đó lại tới làm phiền tôi, vừa đấm vừa xoa, khen chê kết hợp. Tôi là ai chứ, chuyện tôi đã quyết, Thiên Đế có tới cũng vô ích!”

Phùng Bất Cơ đột nhiên lớn tiếng làm hai người giật mình.

Quá rõ ràng, nói đến chuyện này làm Phùng Bất Cơ bực mình.

Hai người nhìn nhau, cuối cùng Ký Linh là người hỏi: “Nếu trước đó huynh đã tích góp công đức để tu tiên thì sao tới lúc thành tiên lại không muốn nữa vậy?”

Phùng Bất Cơ nhếch mép, cân bằng lại cảm xúc rồi mới mỉa mai nói: “Hai người biết lúc tới độ tôi, cái tên đó đã nói gì không? Tên đó nói tia sét năm đó đánh trúng tôi vốn là tiên lôi độ kiếp thành tiên của người khác, chẳng qua đánh nhầm nên mới trúng phải tôi, cho nên tôi thành được tiên hoàn toàn là nhờ vớ bẫm.”

Đàm Vân Sơn ngoẹo đầu thắc mắc: “Nói vậy đúng mà, nếu tia sét đó đúng là của người khác thì đúng là huynh vớ…”

Bốn con mắt híp lại thành công chặn được miệng Đàm nhị thiếu gia.

Đàm Vân Sơn tự biết trình bản thân không đến đâu quyết định từ giờ trở đi chỉ nghe không nói, làm một thanh niên văn nhã tĩnh lặng.

Ký Linh thu ánh mắt bất thiện về rồi mới nói với Phùng Bất Cơ: “Làm như ai thích thành tiên ấy, nghe câu này rõ khó chịu.”

Phùng Bất Cơ lập tức như gặp được tri âm: “Đúng thế đúng thế, thật đáng ghét!”

Ký Linh cười, song cũng cân nhắc nặng nhẹ: “Thành tiên là chuyện lớn, huynh mất chín mươi năm mới đạt được, chỉ vì vị thượng tiên tới độ huynh nói chuyện không xuôi tai mà quyết định từ bỏ thì không khỏi quá đáng tiếc.”

Phùng Bất Cơ cười lắc đầu, lần đầu tiên trong nụ cười có nét tang thương đúng với tuổi tác của huynh ta: “Khi một người sống đã lâu, gặp buồn vui mừng giận đã nhiều, tâm thái “ta nhất định phải thế này thế kia” của ngày còn trẻ cũng phai nhạt. Bắt yêu ấy à, tôi càng bắt càng thích bắt vì mỗi lần bắt được yêu ác, nhân gian lại bớt được một chút khổ, bắt xong thấy lòng thoải mái. Hơn nữa, yêu quái trên đời có đủ hình thù kỳ lạ, kiểu gì cũng gặp được thứ mới mẻ. Còn tu tiên ấy à, càng tu càng thấy chán, thần tiên đơn giản cũng chỉ là trường sinh bất lão, tiêu diêu tự tại. Tôi đây đã có được hết rồi, có thành tiên hay không cũng có gì khác đâu…”

Ký Linh ngẫm thấy có lý: “Cũng đúng.”

Không ngờ Phùng Bất Cơ lại đổi giọng: “Có điều cuối cùng điều làm tôi hạ quyết tâm không lên tiên vẫn là do vị Lễ Phàm thượng tiên kia. Lúc ấy kỳ thực tôi lên tiên hay không lên tiên, sao cũng được, có điều sau khi nghe nói chuyện đánh nhầm thì mới tò mò hỏi y chuyện thành tiên lớn như vậy sao có thể đánh nhầm người được chứ. Thế đánh nhầm tôi thì người đáng ra độ kiếp thành tiên làm thế nào?”

Ký Linh hỏi: “Y đáp thế nào?”

Phùng Bất Cơ cười khẩy: “Y bảo tôi không cần phải lo chuyện bao đồng, hơn nữa gã còn bận lắm, không có nhiều thời gian nhùng nhằng với tôi, bảo tôi mau mau đi theo gã.”

Ký Linh nhíu mày: “Huynh chắc là gã đó xuống để độ huynh thành tiên chứ không phải cố ý tới cãi nhau với huynh chứ?”

Nói năng như thế, chớ nói Phùng Bất Cơ, đến nàng nghe xong còn muốn đánh.

“Có lẽ mọi phàm nhân lên tiên đều cung kính với gã nên gã quen thói.” Phùng Bất Cơ nhún vai, “Dù sao thì lúc ấy tôi đã quyết định là tiên giới đến một tia sét còn đánh nhầm được, căn bản không hề để tâm công sức tu hành nhiều năm của người ta và thượng tiên cảm thấy độ người ta thành tiên là ban ơn ban nghĩa, nơi như thế, người như thế, có gì hay mà truy cầu.”

Ký Linh nghe thôi đã thấy sảng khoái, đồng thời cũng tò mò: “Bị huynh từ chối như thế, chắc là gã tức lắm nhỉ?”

“Tức méo miệng, bảo tôi không biết điều.” Phùng Bất Cơ hồi tưởng lại chuyện hôm đó lại thấy buồn cười, quả là vui như đón tết, “Nhưng mà chẳng làm gì được, lần đó tôi đã phát hiện ra là tiên giới không thể ép người khác thành tiên, nếu phàm nhân không muốn thì chỉ được phép thuyết phục, không cho phép làm gì khác.”

Ký Linh cười vui vẻ, Phùng Bất Cơ hờ hững thì thương hải tang điền, Phùng Bất Cơ vui sướng khi người gặp họa thì lập tức như chỉ mười mấy tuổi.

*thương hải tang điền: bãi bể hóa nương dâu, ý chỉ sự thăng trầm của cuộc đời

“Không đúng,” Đàm Vân Sơn tự dặn mình chớ mở miệng nhưng không làm nổi, có nghi vấn mà không thấy Ký Linh hỏi trúng, chàng chờ phát mệt đành phải ra trận, “tôi thấy thượng tiên người ta vừa rồi có thái độ khá tốt, ngược lại, chính huynh lại toàn bắt nạt người ta.”

“Vị vừa nãy khá được,” Phùng Bất Cơ đáp, “nếu không nhờ huynh ta thì tôi đã nghĩ là thần tiên trên trời toàn xấu giống nhau.”

Đàm Vân Sơn bỗng nhớ Phùng Bất Cơ từng nói trong năm ngọn núi tiên, Đại Dư và Viên Kiệu gần Cửu Thiên Bảo Điện nhất nên toàn các thượng tiên “có chức có tước” ở. Giờ liên hệ với điều huynh ấy vừa nói, Đàm Vân Sơn đã hiểu ra.

“Lễ Phàm thượng tiên không phải tên người mà là tên chức.” Không cần hỏi lại, Đàm Vân Sơn dùng luôn giọng khẳng định.

Phùng Bất Cơ gật đầu: “Đúng vậy. Cái vị tới độ tôi năm chín mươi tuổi làm phiền tôi mười năm, kể từ năm một trăm tuổi thì vị mới nãy tiếp quản. Huynh ta nói mình là tân Lễ Phàm thượng tiên, sau đó tôi hỏi người cũ đâu rồi, huynh ta sống chết không chịu nói.”

Ký Linh không hiểu: “Đến chuyện Trần Thủy huynh ta còn nói cho huynh, chuyện này có gì mà phải giấu?”

Phùng Bất Cơ nhìn nàng bằng ánh mắt kiểu “Ký Linh quả nhiên vẫn còn trẻ lắm”: “Tiểu cô nương à, chuyện khó nói nhất trên thế gian chính là chuyện liên quan tới con người. Chuyện trời chuyện đất, chuyện thần chuyện ma thì đều nói được, chỉ có con người là không bao giờ biết được câu nào nói ra rồi sẽ bị đồn đãi đi, bị giăng bẫy, bị ghi oán, kết thù.”

Giọng điệu của Phùng Bất Cơ làm Ký Linh dựng tóc gáy, bất giác liếc nhìn Đàm Vân Sơn.

Đàm Vân Sơn giật mình: “Cô nương nhìn tôi làm gì?”

Ký Linh thiện ý nhắc nhở: “Ba chúng ta, chỉ có huynh nói nhiều.”

Đàm Vân Sơn: “…”

Phùng Bất Cơ chờ hai người họ trao đổi tình cảm thân thiết xong mới xòe hai bàn tay: “Dù sao thì thần tiên không già không chết, không làm quan thì hoặc là gặp phải chuyện gì phiền lòng không muốn làm hoặc là phạm lỗi bị cách chức, tóm lại không phải chuyện hay ho gì. Hơn nữa…” Phùng Bất Cơ đột nhiên ghé sát lại gần hai thanh niên, “thái độ gã đáng ghét như thế, người độ kiếp lên tiên nào chẳng ghim, lúc đó ngoài mặt không nói gì, đợi mấy chục năm sau, người ta làm lên tới chức thượng tiên cao hơn, nói một câu với Thiên Đế cách chức luôn gã cũng không phải là không thể… Không, chắc chắn chuyện là như thế!”

Nói tới câu cuối, Phùng Bất Cơ đã chuyển từ suy đoán sang khẳng định, giọng điệu chắc nịch như tận mắt nhìn thấy.

Ký Linh và Đàm Vân Sơn nhìn nhau đều thấy trong mắt đối phương cảm xúc một lời khó nói hết: tuy ngoài miệng nói ghét bỏ nhưng rõ ràng Phùng Bất Cơ vẫn luôn nhớ thương vị Lễ Phàm thượng tiên đầu tiên tới giờ, tình cảm đậm sâu, không tiếc công tưởng tượng ra một cuốn “Tiên giới ân cừu lục” cho người ta.

*lục: ghi chép, “Tiên giới ân cừu lục” là ghi chép chuyện ơn, thù ở tiên giới. Kim Dung có một tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng tên là “Thư kiếm ân cừu lục”.

Đến lúc này, mọi nghi vấn đều đã có lời giải.

Hiểu biết của Phùng Bất Cơ về tiên giới toàn là do Lễ Phàm thượng tiên giới thiệu cho biết, đặc biệt là về năm ngọn núi tiên, Lễ Phàm thượng tiên từng vì dụ dỗ… À, là vì thuyết phục huynh ta mà làm phép hóa ra trên mặt nước bóng năm ngọn tiên sơn và Cửu Thiên Bảo Điện để huynh ta được nhìn thấy toàn cảnh tiên giới. Mỗi ngọn núi tiên có những thần tiên nào ở, Lễ Phàm thượng tiên đều kể, huynh ta nghe nhưng không nhìn thấy trong bóng nước nên lúc kể lại cho Ký Linh và Đàm Vân Sơn nghe thì phần này dùng từ là “nghe nói”.

*Đoạn “nghe nói” xem lại chương 9

Vì sao Ký Linh và Đàm Vân Sơn đột nhiên lạc vào cảnh mơ, chẳng qua là vì Lễ Phàm thượng tiên làm phép, kể cả lần Ký Linh “ngủ” ngoài sông hộ thành lần trước cũng là vì vậy. Phùng Bất Cơ đã quen với chiêu này của Lễ Phàm thượng tiên, chỉ là không hiểu vì sao sau khi trúng phép, Ký Linh “ngủ” say hơn mọi người, vậy nên lúc gọi Ký Linh ở ngoài sông hộ thành mãi không được huynh ta mới buột miệng thốt rằng “người khác gọi cái là tỉnh, sao cô nương cứ như thể hôn mê”, còn Đàm Vân Sơn thì hoàn toàn trái ngược, “ngủ” rất nông, gần như là vừa ngủ liền tỉnh lại ngay cho nên lúc ấy mới kịp thời đánh thức Ký Linh.

Còn Trần Thủy, Lễ Phàm thượng tiên đã nói rất rõ rồi, những con sông thông với Đông Hải ở nhân gian, từ góc nhìn của tiến giới cũng coi như là Trần Thủy, cho nên “Trần Thủy tiên duyên đồ” xuất xứ từ tiên giới đánh dấu tất thảy mọi con sông đổ nhập vào Đông Hải ở nhân gian là Trần Thủy cũng không sai.

Có điều, là những người trẻ tuổi tràn trề sức sống, Ký Linh và Đàm Vân Sơn vẫn còn một thắc mắc cuối cùng.

Ký Linh hỏi ra trước: “Bất Cơ… đại ca, độ kiếp thành tiên, độ kiếp thành tiên, rốt cuộc kiếp là gì? Là bị sét đánh sao?”

Đột nhiên bị nâng vai vế, Phùng Bất Cơ có phần không quen, hắng hắng giọng rồi mới đáp: “Bị sét đánh chỉ là một trong số đó, còn nhiều cái khác lắm, ngập nước, lửa thiêu, chôn dưới đất đủ kiểu, gặp kiểu nào chủ yếu là tùy duyên.”

Ký Linh: “Có ai độ kiếp không thành không?”

Phùng Bất Cơ: “Lúc gã kia hạ phàm bảo muốn độ tôi, điều đầu tiên tôi hỏi chính là câu này, gã đó nói độ kiếp không thành nhiều lắm, nếu thành tiên mà dễ thì Cửu Thiên Tiên Giới đã chật cứng rồi. Tôi nghe vậy rồi còn thành tiên cái gì nữa…”

Ký Linh: “…”

Đàm Vân Sơn: “Lỡ may nói lời trong lòng ra thì ngại lắm.”

Phùng Bất Cơ: “Sao đệ cứ phải đâm đại ca đệ một nhát thế hả!”

Đàm Vân Sơn vẫn khá có lòng với đại ca, nhanh nhẹn đổi sang vấn đề khác để tránh khó xử: “Tôi nhớ ban nãy Lễ Phàm thượng tiên nói Trần Thủy là một trong hai con sông tiên của Cửu Thiên tiên giới, thế con sông còn lại là gì? Sao đại ca không hỏi?”

Phùng Bất Cơ ngớ ra: “Vấn đề này có quan trọng không?”

Đàm Vân Sơn khăng khăng: “Tổng cộng chỉ có hai con sông, đại ca hỏi cái đầu tiên mà không hỏi cái thứ hai không thấy bứt rứt trong lòng sao?”

Phùng Bất Cơ thành thật trả lời: “Hoàn toàn không.”

Đàm Vân Sơn chớp chớp mắt rồi nhanh chóng thư thái đáp: “Ồ, vậy có thể là do đệ nghĩ tương đối nhiều.”

Phùng Bất Cơ đã hoàn toàn không thèm để ý tới Đàm Vân Sơn, bỗng cũng thấy tò mò…

Trằn trọc suốt đêm, giờ trời đã sắp sáng, ba người mới thấy mệt, không biết có phải do thắc mắc có lời giải nên trong lòng thấy an tâm không.

Còn một lát nữa mặt trời mới mọc, ba người ngừng nói chuyện, chui vào nằm ổ rơm.

Đàm Vân Sơn vừa nhắm mắt lại liền ngủ ngay, sau đó nằm mơ.

Trong mơ, cơ thể chàng nhẹ như lông hồng, bay theo gió, qua sông, qua núi, bay lên tầng mây tới một tòa cung điện nguy nga.

Bên ngoài cách tòa cung điện không xa có một cánh cổng lớn bề thế bên trên đề ba chữ to viết bằng nét bút lông khỏe khoắn, trang nghiêm: Cửu Thiên Môn.

Trước Cửu Thiên Môn có nước chảy róc rách, dưới ánh sáng không biết từ đâu tới, những gợn sóng nước lăn tăn sáng lấp lánh.

Đàm Vân Sơn muốn tới gần hơn nhưng lại gần rồi mới thấy dòng nước trước Cửu Thiên Môn không phải là một mà là hai dòng, hai dòng sông chảy song song từ Cửu Thiên Môn chảy về hai hướng khác nhau càng lúc càng xa.

Bởi tách ra cho nên mới phân biệt được gợn sóng nước lấp lánh kia chỉ có ở một trong hai con sông, con sông còn lại nước sâu thăm thẳm không gợn sóng, thậm chí không nhận ra là đang chảy, cứ như thể là nước lặng.

Đàm Vân Sơn bất giác đi theo dòng sông có mặt nước lóng lánh, chẳng mấy chốc liền tới một cây cầu trên không. Cầu này không biết được làm bằng gì mà trong veo như pha lê, ánh sáng chiếu qua thân cầu tán sắc thành bảy sắc cầu vồng.

Tiếc là trên cầu có một người đàn ông trung niên cao to mặc áo giáp vác đao đứng làm hỏng mất phong cảnh kỳ ảo như tiên.

Nhưng điều này cũng không ngăn được ham muốn được đặt chân lên cầu của Đàm Vân Sơn.

Cầu này thực sự quá đẹp, đẹp tới mức làm chàng vội vàng muốn đi lên đó, cho dù chỉ sờ một chút, đi một bước cũng coi như không uổng công tới đây.

Tiếc là lực bất tòng tâm.

Bất kể chàng có muốn tiến về phía đó thế nào thì cơ thể vẫn không hề xê dịch, cứ như thể có một chiếc lồng quây quanh cầu đó và người đó ngăn chàng không thể tiến thêm dù chỉ một bước.

“Trường Nhạc tiên nhân…” Người đàn ông trên cầu bỗng lên tiếng, không giống đang gọi ai đó mà giống như quát bảo ngừng lại.

Đàm Vân Sơn nhìn theo hướng người đàn ông đó nhìn thì thấy một chàng trai tuấn tú nhã nhặn mặc áo tiên bay bay đứng cực gần mép nước của bờ sông ở bên dưới cách cầu không xa, chỉ cần đi thêm một bước là sẽ xuống sông.

Nhưng người đó cũng không định xuống sông, chỉ cúi đầu quan sát dòng nước như thể có thể nhìn xuyên qua mặt nước thấy đủ thứ trong lòng sông.

“Trường Nhạc tiên nhân…” Thấy đối phương không đáp, người trên cầu lại gọi to hơn.

Cuối cùng chàng trai cũng ngẩng đầu lên nhìn và cười, giọng như tiếng suối trong: “Trần Hoa thượng tiên không cần phải cẩn thận thế, tôi có hẹn với người ở đây, người chưa tới nên đi dạo. Dù sao tôi cũng chỉ thường ở Bồng Lai, hiếm có dịp thấy Cửu Thiên Bảo Điện và Vong Uyên Trần Thủy.”

Người đàn ông được gọi là Trần Hoa thượng tiên vẫn kiên quyết đáp: “Vậy phiền Trường Nhạc tiên đi xem Vong Uyên, chớ tới gần khu vực phụ cận Tư Phàm Kiều này.”

Chàng trai kia vẫn cười khoan thai đáp: “Thượng tiên chớ đùa, Trần Thủy còn dám tới gần xem chứ Vong Uyên tôi nào dám, đứng xa xem qua là được rồi, nếu tới gần quá lỡ rơi xuống đấy thì đúng là hết cứu, muôn đời đừng mơ thấy được ánh mặt trời.”

Thái độ của Trần Hoa thượng tiên hơi dịu xuống, có ai lại nỡ làm căng với người hay cười: “Trường Nhạc tiên đừng tưởng Trần Thủy thì rơi xuống cũng không sao, rơi xuống dưới Tư Phàm Kiều là đầu thai chuyển kiếp.”

Chàng trai kia cười lắc đầu không để tâm: “Tôi không phạm gì sai cũng không bị tước tiên cách, dù có rơi xuống dưới Tư Phàm Kiều thì kiếp sau cũng vẫn thành tiên.”

Trần Hoa thượng tiên đáp: “Vô duyên vô cớ bị khổ thêm một đời, chịu thêm một lần độ kiếp, Trường Nhạc tiên cho là chuyện đơn giản như thể môi trên chạm xuống môi dưới hay sao?”

Chàng trai nhàn nhã đáp: “Càng phiêu lưu mới càng thú vị chứ.”

Trần Hoa thượng tiên không vui đáp: “Trường Nhạc tiên đúng là có trái tim rộng mở.”

Chàng trai ngẩng đầu nhìn đối phương, cười híp mắt: “Cả Cửu Thiên Tiên Giới đều biết tôi không có trái tim.”

Nói lời ấy xong, không đợi Trần Hoa thượng tiên đáp gì thêm, chàng trai yên lặng lùi lại giữ khoảng cách với bờ sông, hiển nhiên là đùa thì đùa, chàng không hề định mạo hiểm mình.

Người đứng trên cầu hừ một tiếng xem như vừa lòng.

Đàm Vân Sơn ở gần cầu nhưng lại cách xa chàng trai đó, chàng không muốn xem vị trên cầu mà muốn bay lại gần đằng đó xem thử vị Trường Nhạc tiên kia…

Vừa mới nghĩ vậy thì Đàm Vân Sơn tỉnh.

Ánh mặt trời rọi qua lỗ dột trên mái chiếu vào trong miếu đẹp như ánh sáng trên Tư Phàm Kiều…

Cảnh trong mơ vụt mất, Đàm Vân Sơn ngẩn ngơ.

Ký Linh và Phùng Bất Cơ đã dọn rửa xong, Ký Linh tưởng là chàng vẫn chưa dậy, đang định gọi chàng, không ngờ lại gần thì thấy chàng đã dậy rồi, chẳng qua là vẫn nằm im đó không nhúc nhích.

Ký Linh giật mình hỏi: “Sao vậy?”

Đàm Vân Sơn từ từ ngồi dậy,  ngẩn ngơ đáp: “Nằm mơ.”

Ký Linh buồn cười, chẳng mấy khi mới thấy Đàm Vân Sơn ngẩn người, thầm nghĩ bụng tối qua còn giả vờ không hề gì nhưng nghe được gì thấy được gì đều ghi tạc trong lòng, chưa biết chừng sau đó còn tự suy nghĩ một mình, nếu không sao đêm lại nằm mơ?

Nhưng vui thì chỉ có thể vui thầm trong bụng, ngoài mặt vẫn phải ra vẻ “thầy bắt yêu giàu kinh nghiệm”: “Tối qua xảy ra nhiều chuyện như vậy, nằm mơ là bình thường.”

Vừa nói xong thì Phùng Bất Cơ tò mò thò người lại hỏi: “Mơ thấy gì?”

Đàm Vân Sơn nghiêng đầu nghĩ một hồi rồi đáp thật: “Cửu Thiên Môn, Trần Thủy, Trần Hoa thượng tiên, Vong Uyên, Trường Nhạc tiên nhân.”

Phùng Bất Cơ cau mày, sao lại có cả tên chưa từng nghe nói?

Ký Linh hỏi luôn: “Vong Uyên và Trường Nhạc tiên nhân là gì?”

Đàm Vân Sơn nói: “Vong Uyên có vẻ là một con sông tiên khác, Trường Nhạc tiên nhân là một vị tiên, ờm, rất ôn tồn nhã nhặn.”

Phùng Bất Cơ thấy buồn cười; “Vong Uyên là một con sông tiên khác? Làm sao đệ biết?”

Đàm Vân Sơn nói: “Mộng nói cho đệ.”

Phùng Bất Cơ lần đầu gặp chuyện này: “Rốt cuộc là thần tiên báo mộng cho đệ hay là tự đệ suy nghĩ rồi mơ linh tinh vậy?”

Đàm Vân Sơn đáp đầy thấu đáo: “Vậy đại ca phải hỏi mộng.”

Phùng Bất Cơ: “……”

Phùng Bất Cơ hối hận vì đã đuổi Lễ Phàm thượng tiên đi.

“Một ngày nào đó nếu đổi ý, muốn lên tiên, có thể tắm rửa dâng hương, quay về hướng đông nam cúng…”

Rốt cuộc phải cúng gì mới có thể làm đối phương lại xuống thêm một lần đây!