Kiếp Nào Mình Bên Nhau

Chương 13: Gốc tích




Thiên Huyền lội bộ đi lên đỉnh núi, anh hạn chế dùng thần thông vì để tránh thu hút sự chú ý của ma quỷ chung quanh. Biết đâu chúng sẽ đi báo với vị cổ binh trên kia để họ phòng ngừa Thiên Huyền, thì coi như kế hoạch của anh tan tành mây khói. Hơn nữa chỉ mong không kẻ nào nhận ra anh là Cửu Vỹ.

Lên tới trên đỉnh, Thiên Huyền trông thấy một ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cũ, đoán chắc có từ trăm năm trước, do quân lính đô hộ xây dựng lên. Phía trên khắc bằng dòng chữ tiếng Pháp, mà dịch ra là “Kho đạn sáu một năm”. Anh biết đã không đi sai hướng, nên lần mò tiến vào trong.

Bên ngoài chẳng khác bên trong là mấy, cũ kỹ, đổ nát và nhuốm màu của thời gian. Thậm chí là dơ dáy, cây cỏ, dây leo mọc chi chít. Trong dáng vẻ um tùm, mới nhận ra căn nhà này cực kỳ u uất.

Thiên Huyền ở trong quan sát nhưng ngoài bốn bức tường với cái trần nhà ra thì chẳng có một cổ mộ nào ở đây. Một hồi lâu, anh mới chợt thấy dưới chân giày mềm mềm, ngó xuống mới ngỡ ra nền không được xây, vẫn nguyên vẹn lớp đất đá của thiên nhiên. Thiên Huyền thắc mắc chưa hiểu rõ tại sao người ta lại xây như vậy, chẳng phải nó là kho dùng để chứa đạn dược hay sao, dù gì cũng nên xây dựng cho đàng hoàng.

Bước ra tới ngoài, Thiên Huyền có vắt óc cỡ nào vẫn không thể nghĩ tìm đâu để ra được nơi chôn cất của người cổ binh. Đành dùng hạ sách cuối cùng là dùng chiêu thức để gọi ra thổ địa hoặc thần cây của ngọn núi này.

Anh đứng, một tay đặt trên thân cây, khai mở tinh lực chiêu gọi. Ngay tức thì, một cô bé độ chừng mười, mười một tuổi bước ra trước mặt Thiên Huyền.

“Ơ, sao lại là một bé gái ta? Con là con nhà ai vậy?” Thiên Huyền ngơ ngác giật mình.

“Tại hạ là thổ địa, cai quản ngọn núi này. Kính cẩn nghênh tiếp Băng Điện Sơn Thần ghé thăm.”

“Thổ địa? Ngươi là thổ địa sao?” Anh vẫn chưa hết bất ngờ.

“Là do trước kia tại hạ bị dâng lên trong một hiến lễ khi chỉ mới mười hai tuổi, sau này khi cựu thổ địa rời đi mới giao cho tôi trông coi nơi này. Nên mang hình hài của một bé gái, chứ thực ra tại hạ đã ba trăm năm tuổi.”

Thiên Huyền lúc này mới chợt hiểu ra: “À, à, ra là vậy, tội nghiệp thật.”



“Không biết Băng Điện Sơn Thần có việc gì muốn cậy vậy?”

“À suýt thì quên.” Anh chỉ ngón tay về phía căn nhà. “Thổ địa có biết tại sao kho đạn kia lại không xây nền nhà không?”

Cô nhẹ nhàng gật đầu, giải thích cặn kẽ với Thiên Huyền: “Trước đây chỗ này là do quân Pháp xây dựng lên thành kho đạn, nhưng thực chất thứ chúng muốn là tìm nơi chôn cất của cổ binh thần tướng.”

“Bọn chúng cũng tìm ư?”

“Phải, cho nên mới không xây nền nhà nhằm dễ dàng đào bới hơn.”

Thiên Huyền lập tức tra hỏi thổ địa: “Chúng dùng cổ binh để làm gì?”

“Luyện âm binh thuật pháp, vì chúng nghe nói dùng binh tướng càng cổ xưa thì càng dễ chiến thắng và khuất phục được người dân Việt thời đó.”

“Vậy đã tìm được chưa?”

“Tiếc là chưa, thì chúng đã bỏ mạng tan xác ở nơi này rồi.”

“Pháp lực của cổ binh đó ghê gớm đến vậy sao?” Cửu Vỹ chất vấn thổ địa.

“Đúng vậy, trước đây từng có rất nhiều người chết dưới linh hồn của vị cổ binh này.”

“Thực ra ta đang tìm vị cổ binh này, ngươi có biết vị trí chính xác ở đâu không?”



“Rất khó để tìm được, kể cả dùng máy hay xẻng xới cả tấn đất lên thì cũng không ra đâu. Vì trước đây khi chôn cất linh hồn của thần tướng, tộc Lý Vi đã tận dụng cổ thuật ẩn đi khỏi con mắt dương gian. Nhưng tại hạ có một cách, ở bốn góc của căn nhà là bốn linh tượng Hổ Tây vực, khi ngài uy phục được cả bốn linh tượng này, ắt sẽ tìm ra được vị trí của người cổ binh.”

“Cảm ơn thổ địa.”

“Tại hạ tin rằng Băng Điện Sơn Thần không gì là không làm được.” Dứt lời cô bé cúi gập người rồi xoay đi, biến mất sau thân cổ thụ ngàn năm.

Vào một buổi sáng thứ bảy, mùng mười chín.

Ngọc Huy chở Nhung đến một cửa hàng quần áo để cô thỏa sức mua sắm còn anh sẽ đứng ở ngoài chờ. Một tiếng đã trôi qua, thấy Nhung vẫn chưa ra nên anh mới châm điếu thuốc hút. Hành động này vô tình thu hút Nhung, người ngồi trên chiếc xe máy là anh, tuy nhiên một lúc sau đã biến thành gương mặt của người đàn ông khác. Người đó trông có vẻ lớn tuổi hơn anh trai cô một chút, nét mặt và thần sắc vô cùng hoàn hảo, từ mắt, môi, mày, mũi không có điểm nào là tầm thường.

Hồng Nhung sững người, chạy ra khỏi cửa hàng và thấy mọi thứ vẫn bình thường, anh vẫn ở bên trong mái che đợi cô, còn cất giọng nói lớn:

“Xong rồi hả? Đồ mua đâu?”

Cô thở phào một hơi, còn cho rằng do bản thân hoa mắt rồi nhìn nhầm. Cô cũng không nói với anh hai mình về chuyện này, lựa đồ xong anh còn hỏi cô muốn đến đâu không thì cô bảo muốn đi tới những nơi mà hai anh em từng có kỷ niệm lúc nhỏ.

Thế là anh chiều theo ý cô, đưa cô đến khu vui chơi giải trí và tháp đèn lớn nhất Sài Gòn, nhưng thứ đáng để tâm nhất đó là phương tiện hai người cùng đi, không phải chiếc ô tô hàng hiệu mà hiện tại gia đình có được, nó chỉ là chiếc xe cup bình dị, hơn nữa hình dáng còn cũ kỹ theo dấu vết thời gian.

Chính xác đã mười năm tròn, mười năm không còn thấy người anh đèo đứa em gái đằng sau chở nó đi học nữa. Từ suốt trước quãng thời gian đó, chiếc cup là gắn kết giữa hai người khi cha mẹ đi làm ăn xa, dù về sau có thế nào thì Huy nhất quyết vẫn giữ chiếc xe đó, bởi nó luôn nhắc nhở về những hoài niệm.

Hai anh em ngồi trên chiếc ghế bên dưới tháp đèn, nhắc lại nhau nghe từng khoảnh khắc vui buồn ở cái thời không có cha mẹ kề bên, tự nương tựa vào nhau mà sống. Ấy thế mà, anh vẫn giáo dục cô nên người, trở thành một nhà văn đa tài. Còn anh vẫn miệt mài với việc điều hành công ty buôn bán ô tô nên đến ba mươi hai rồi mà vẫn chưa yên bề gia thất.