Khúc Ca Cuối Của Tình Yêu

Chương 12: Quá khứ - Cảm giác cân bằng đó




Bách Lục cầm hai mươi nghìn tệ, mau chóng quay về nhà bà ngoại.

Đột nhiên có thêm hai mươi nghìn tệ khiến cô nhìn thấy được hi vọng. Cô tự động tảng lờ chiếc chìa khóa đặt trên bàn, cũng không có tâm tư suy nghĩ xem cậu đặt chìa khóa vào lúc nào, không kịp cảm thấy may mắn, tuy trong lòng cũng cảm kích cậu thiếu niên tên Đặng Cảnh Nam ấy, song sự cảm kích ấy đã nhạt đi vì bệnh tình của ông ngoại.

Cô không nói thật, cười bảo với bà ngoại rằng đó là tiền mẹ gửi về, mẹ vẫn đang làm việc, không rời đi được, bảo cô cầm tiền đến.

Bà ngoại một mặt oán giận Bách Tử ra ngoài rồi không biết đường gọi điện thoại về, mặt khác lại thấu hiểu cho nỗi khổ của Bách Tử, lại nói mấy câu bảo Bách Lục phải học hành chăm chỉ, sau này phụng dưỡng bố mẹ, Bách Lục đứng ở một bên gật đầu lia lịa. Sau khi Bách Lục cầm tiền đến, ông cậu đã hứa hẹn lúc trước cuối cùng cũng xuất hiện đưa ông ngoại đến bệnh viện. Chỉ là sau khi đến bệnh viện, cậu nói một hồi rằng phải thu phí đi đường, phải thu tiền công đưa người đến, dù sao thì ý là họ phải đưa tiền cho cậu.

Bách Lục nhìn bà ngoại lại sắp rơi lệ, cũng không tranh cãi với cậu, trực tiếp trả cho cậu số tiền đó.

Con người là loài động vật kì lạ, thật sự căm hận một người nhưng lại không thể nào nhẫn tâm. Cho dù cậu quá đáng đến mức nào, chỉ cần cậu là con trai của bà ngoại, bà ngoại không thể hận được cậu.

Bà ngoại lại lặp đi lặp lại câu đúng là tạo nghiệt tạo nghiệt.

Bệnh của ông ngoại được kiểm soát rất tốt, chỉ là bác sĩ nói ông ngoại tuổi tác đã cao, không thể làm phẫu thuật chữa trị tận gốc, chỉ có thể lựa chọn phẫu thuật đỡ rủi ro một chút, tức là làm xong phẫu thuật không thể đảm bảo khi nào bệnh sẽ tái phát, tất cả đều xem thể chất cơ thể của bệnh nhân.

Bà ngoại và Bách Lục cùng ở bệnh viện chăm sóc ông ngoại, điều kiện bệnh viện cũng không tệ, Bách Lục gọt táo cho ông ngoại, cắt thành từng miếng nhỏ. Có điều sau khi phẫu thuật xong ông ngoại cứ luôn kêu gào đòi xuất viện, nhờ có sự khuyên bảo của bà ngoại và Bách Lục thì ông mới chịu ở lại mấy ngày.

Sau khi ông ngoại xuất viện, sức khỏe rõ ràng không bằng trước đây, sắc mặt cũng kém.

Lúc bà ngoại ở một mình thường rơi nước mắt, ngay cả tiếng khóc cũng phải kìm nén lại. Cậu sẽ thường xuất hiện, thăm dò đủ kiểu xem sau khi ông ngoại làm phẫu thuật liệu có phải vẫn còn thừa tiền không. Bách Lục và bà ngoại đều khăng khăng nói tất cả tiền đều dùng hết để phẫu thuật rồi, không còn lại gì cả.

Bách Tử không gọi về một cuộc nào, bà ngoại nhiều lần oán giận Bách Lục sao không ghi nhớ số điện thoại của Bách Tử, bà ngày càng nhớ con gái, nhất là khi con trai ở bên cạnh chẳng ra hồn gì. Ông ngoại cũng nhớ Bách Tử, chỉ là không thể hiện rõ ràng như bà ngoại.

Bách Lục cũng không giải thích, ngày ngày giúp ông bà ngoại giặt quần áo, nấu cơm, nhặt củi về để đốt. Giống như bà ngoại trước đây, cô cầm liềm đến sườn núi cắt một loại cỏ tên “khổ hao”, loại cỏ này phơi khô, lấy lá, có thể mang đến chợ bán, nửa kí một đồng hai. Cô cũng sẽ đi cắt lá bạc hà, phơi khô rồi cũng mang đi bán. Buổi chiều, cô sẽ đi hái lá dâu, bón cho tằm ăn từng phiến từng phiến lá, nghe âm thanh lít chít như tiếng mưa rơi khi tằm ăn lá dâu.

Mỗi ngày cô đều sống rất đủ đầy, cũng học được cách đảm đương vai trò trụ cột trong gia đình như thế nào. Rất kì lạ, cô không cảm thấy so với các bạn đồng trang lứa mình sống quá khổ, ngược lại sẽ có cảm giác thành tựu sau khi mình làm xong một việc nào đó.

Kì nghỉ này, trôi qua trong bận rộn.

Bách Lục tiếp tục cố gắng học tập, chủ nhiệp lớp nhận định cô là hạt giống thi vào trường trung học trọng điểm, trong ngôi trường cấp hai thế này, số người đủ khả năng vào trung học trọng điểm cũng rất hữu hạn, hơn nữa trung học trọng điểm cũng phải phân mức độ. Mỗi lần học, cô đều có sự kích động lạ kì, đây là cây cầu độc mộc dẫn cô đến một nơi khác.

Nếu như chưa từng nhìn thấy cảnh tượng đó, Bách Lục nghĩ có lẽ bản thân mình sẽ vờ như cuộc sống của mình thật sự rất tốt.

Năm lớp tám, cô thay mặt trường đến một trường cấp ba ở trung tâm thành phố tham gia cuộc thi toán học.



Sau khi thi xong, cô xin bác dẫn dắt đội cho nghỉ, muốn mua chút thuốc về cho ông bà ngoại, bà ngoại luôn lải nhải thuốc ở đây hẳn là rẻ hơn một chút, bảo cô mua thuốc cảm thuốc hạ huyết áp v.v.

Cô mua thuốc xong, ra khỏi tiệm thuốc, đi được một đoạn, đứng ở ngã tư chờ đèn xanh.

Chính vào giây phút ấy, cô nhìn thấy trên con đường cái đối diện, người đàn ông cô nên gọi là bố đang đỡ một người phụ nữ bước đi, họ đi rất chậm, bởi vì người phụ nữ đã mang thai, người đàn ông và người phụ nữ vẫn nói gì đó, hai người họ nhìn rất hạnh phúc.

Bách Lục vẫn nhìn chằm chằm cảnh tượng đó, lúc đèn xanh sáng, cô vẫn đứng yên không nhúc nhích nhìn cảnh tượng đó.

Người phụ nữ kia, không xinh đẹp một chút nào, bình thường đến mức ném vào giữa biển người cũng không tìm ra, hoàn toàn không bì được với vẻ xinh đẹp của Bách Tử, không chỉ thế, lưng người phụ nữ rõ ràng còn hơi gù.

Cô vẫn nhìn mãi đôi đó, biến mất trong tầm mắt của cô.

Cô chớp mắt, muốn biết, liệu có phải mình đã nhìn nhầm không.

Cũng không phải là nhìn nhầm, sao cô lại nhìn nhầm một trong những người gần gũi nhất trong cuộc đời mình cho được.

Cảnh tượng cô không ngờ nhất, sợ hãi phải nhìn thấy nhất vẫn đang diễn ra ngay trước mặt cô. Bố cô không cần cô nữa, bố ở bên một người phụ nữ khác, họ sẽ có con, sẽ sống hạnh phúc, cô chỉ là một người thừa.

Tay cô siết rất chặt, lòng cũng thít rất chặt.

Đứa trẻ từ nhỏ đã ẩn nhẫn, không khóc không nháo, cố hết sức hiểu cho cái khó của người lớn, muốn dựa vào sự nỗ lực của bản thân mà giành được hạnh phúc.

Cô nghĩ bố mẹ mình đang cùng làm thuê ở bên ngoài, tiền lương không cần nhiều, chỉ cần người một nhà sống cùng nhau là được.

Tâm nguyện nhỏ bé, cũng vỡ tan rồi.

Cô cũng sốc vì cảnh này, từ rất lâu trước đây, danh tiếng của Tô Chí Quân đã không quá tốt, danh tiếng của Bách Tử ở phương diện này còn ghê hơn, lúc đàm tiếu sau lưng mấy cụ già nói người phụ nữ này không cam chịu cô đơn, thích câu dẫn người có tiền.

Cô ẩn nhẫn biết, nhưng sẽ không chất vấn bố mẹ mình.

Sống trong thế giới nhỏ của mình, cầu mong họ vẫn ở bên cạnh mình.

Cô không nói với bất kì ai về cảnh tượng cô đã nhìn thấy, càng cố gắng học tập hơn, sách không có gì để xem nữa thì xem sách ngoại khóa, cô muốn dồn tất cả vào việc học.



Cuối tuần, về đến nhà bà ngoại.

Trong thôn có người chỉ trỏ cô mà bàn tán, bố mẹ cô sắp ly hôn rồi, cô sắp trở thành cô nhi rồi. Ai tốt bụng thêm một câu đứa trẻ ngoan như thế, đúng là tạo nghiệt mà. Ai xấu bụng thì cười, không nhìn xem là do ai sinh ra, có gì mà tốt được, trông giống mẹ nó thật, không biết cái máu trong người có giống không…

Cô cắn môi, ông bà ngoại ngồi trên kệ đá ở cổng, cầm quạt phe phẩy.

“Bách Lục à, lại đây với bà ngoại nào.” Bà ngoại vẫy tay với cô.

Cô lặng lẽ mỉm cười, nụ cười rất yếu ớt.

Tay cô, túm chặt lấy góc áo.

Bà ngoại xoa đầu cô, nói rất rõ ràng với cô: “Bố mẹ con sắp về rồi”.

Theo bản năng cô biết sẽ có đoạn sau, nhưng vẫn nhìn bà ngoại.

“Về làm thủ tục ly hôn.”

Bà ngoại chỉ trích bố cô là một tên đốn mạt thế nào, cuộc hôn nhân bức ép mười mấy năm trước lại một lần nữa được kể thành trải nghiệm đầy máu và nước mắt. Con gái mình sao lại lấy phải loại người như vậy, một không tài cán hai không có tiền. Bây giờ thì học thói hư, biết tìm phụ nữ bên ngoài rồi, mấy năm nay cũng mặc kệ mẹ con Bách Lục.

Tô Chí Quân học theo người khác, biết lên mạng, có tài khoản di động, thế là gặp được người phụ nữ đó. Hai người nói chuyện rất hợp, người phụ nữ đó đã ly hôn, đơn thân, có một căn nhà, có chút tiền. Tô Chí Quân mau chóng qua lại với người phụ nữ đó, họ sống cùng nhau, bây giờ người phụ nữ đó đã mang thai rồi.

Bách Lục vừa nghe bà ngoại kể, vừa trĩu lòng, nhưng vẫn không quên hiểu cho bố mình.

Người đàn ông gần như không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài đó, tức giận sẽ quát ầm lên, sẽ đập đồ đạc. Cô con gái như cô cũng không thể giao lưu gì mấy với bố, mà người vợ trên danh nghĩa của bố vô cùng chê ghét bố, phần lớn thời gian cuộc sống của người đàn ông này là một mảng trống rỗng, số điện thoại nhỏ bé đó đã bù đắp nỗi trống vắng trong nội tâm của bố.

Cô thật sự có khuynh hướng tự ngược, còn có thể thấu hiểu cho người khác nữa.

Nhưng cô rất buồn, không tìm được lí do để thấu hiểu bản thân mình.

Ngữ khí của bà ngoại mang theo vẻ ghê tởm, ông ngoại trầm mặc, còn cô thì không tìm bất cứ lý do nào để phản bác lời bà ngoại nói bố là tên khốn thay cho bố. Tuy cô biết rõ, lúc trong nhà có thứ tốt thứ ngon, Tô Chí Quân sẽ để lại cho Bách Tử và cô, Bách Tử chưa từng cố kị Tô Chí Quân, ở bên ngoài Bách Tử cũng không cho Tô Chí Quân mặt mũi. Bách Tử thích chưng diện, Tô Chí Quân sẽ khen mấy câu lúc mẹ mua quần áo mới, sẽ không oán thán mẹ lại tiêu tiền, dù rằng khi ấy trong nhà sắp không mua nổi gạo nữa…

Con người đều có tính thiên vị, bà ngoại thiên vị con gái bà, không có gì sai cả, cũng không cần nhắc nhở bà sửa đổi.

Chỉ là Bách Lục thường nghĩ, sở dĩ Tô Chí Quân lựa chọn ở bên người phụ nữ đó, liệu có phải vì trong nội tâm đã tìm được cảm giác cân bằng hay không - không bị chê ghét, không bị coi thường, thậm chí cũng có được người quan tâm, có người yêu mình.