Khôn Ninh

Chương 20: Cầm khởi




Cầm khởi: bắt đầu đàn/ tiếng đàn vang lên

Thanh Viễn bá phủ ngày càng lụn bại, Yến Lâm thân là đệ tử thế gia huân quý tất nhiên biết rõ. Chuyện thứ nữ bá phủ “Rơi xuống nước” hôm trùng dương yến, cũng coi như mọi người đều biết, huống chi lúc ấy còn có một câu kinh thế hãi tục kia của Khương Tuyết Ninh? Bà tử chống đối cô nương, nô tài khi dễ chủ tử. Mặt mũi Thanh Viễn bá phủ xem như mất hết. Chỉ là để tránh lời đàm tiếu bên ngoài, nói bá phủ bọn hắn khắt khe với thứ nữ, bên ngoài tỏ ra không khó xử thứ nữ này nữa, nhưng chỉ sợ âm thầm động tay cũng gây ra không ít cay đắng.

Dũng Nghị hầu phủ chỉ có một con trai trưởng, mà hắn lại rất được sủng ái, nên đủ loại thủ đoạn ngầm hậu trạch đều không tới chỗ hắn. Nhưng chưa ăn qua thịt heo cũng từng thấy heo chạy, trong hậu trạch tranh đấu ra sao, Yến Lâm vẫn hiểu rõ. Dù sao phụ thân cũng có một đám thiếp thất cùng thứ nữ.

Hắn cảm thấy Ninh Ninh quá để tâm thứ nữ bá phủ chỉ là bèo nước gặp nhau này, không khỏi khuyên nàng nói: “Tâm ngươi quá thiện, người vụng về không  tranh giành nổi như nàng ấy trên đời này đếm không hết. Cứu được rồi, chẳng lẽ lại còn trông cậy nàng cá chép hóa rồng? Cần biết nàng ấy như vậy cũng có nguyên nhân cả, nếu nàng có bản lĩnh cũng sẽ không có chuyện rơi xuống nước như vậy.”

Khương Tuyết Ninh thu hồi ánh mắt, nói: “Là bởi vì ta cứu, cho nên lại càng để ý, cũng hy vọng nàng sống tốt hơn. Bất quá ngươi nói cũng đúng, ta đã hết lòng quan tâm giúp đỡ, sao có thể quản sâu hơn được nữa?” Dứt lời, nàng thở dài, tựa như muốn dựa vào câu này mà xoa dịu chút tâm sự trong lòng. Sau đó mới nói với Yến Lâm: “Chúng ta vào xem đàn đi.”*Truyện được dịch và đăng tại annguyet8797.wordpress.com mang đi xin ghi nguồn*

U Hoàng quán, nghe tên liền biết chỗ này chuyên bán đàn. Vị trí mặc dù trong phố xá sầm uất rộn rộn ràng ràng, ở kinh thành cũng coi như là vị trí tấc đất tấc vàng, nhưng phải từ dưới lầu không mấy dễ chú ý  lên tầng hai mới có thể trông thấy tấm biển trúc thanh nhã mộc mạc. Hai chữ “U Hoàng” dùng mực nước viết lên thân trúc. Vì đàn là vật trang nhã, khách đến xem đàn, hoặc giả yêu đàn muốn học đòi văn vẻ, hoặc thật lòng yêu đàn thì không ưa náo nhiệt, cho nên trang hoàng như vậy lại hợp cả đôi đường.

Yến Lâm hiển nhiên không phải lần đầu tới nơi này, quen lối đưa Khương Tuyết Ninh vào. Trong góc, một nam tử ăn mặc kiểu văn sĩ ngồi trước lư hương đang dùng que điểm hương. Trong lư là bà luật hương loại tốt nhất. Bên trong U Hoàng quán thoảng hương thơm nhàn nhạt đầy ý vị.

Bà luật hương hay Long não còn gọi Kim Cước Não, Cảo Hương, thời xưa là loại hương liệu quý.

Văn sĩ kia nghe thấy tiếng bước chân liền quay đầu, nhìn thấy là Yến Lâm thì cười một tiếng, nhẹ nhàng đặt que điểm hương xuống, tới trước chậu đồng rửa tay, nói: “Thế tử tới rồi. Ta nghĩ nếu người lại không đến, ta sẽ treo mấy cây đàn kia ra bán.”

Yến Lâm bật cười: “Dù gì cũng là tiệm đàn trang nhã, sao lại nói ra một câu đầy mùi tiền như vậy?” Văn sĩ kia không thèm để ý, chỉ nói: “Không lẽ ngươi cho rằng ta mở tiệm đàn ra làm từ thiện? Muốn bán đàn, phải rửa tay, đốt hương, còn phải tìm đàn cổ, có chỗ nào không cần tới tiền?”

Khương Tuyết Ninh chỉ cảm thấy người này đơn thuần hiếm thấy, không khỏi nhìn thêm mấy lần. Văn sĩ kia cao gầy, tướng mạo bình thường, cũng nhìn Khương Tuyết Ninh một chút, tỉnh ngộ: “Là vị cô nương này muốn xem đàn sao?” Khương Tuyết Ninh không nói lời nào. Yến Lâm tức giận nói: “Đừng nói nhảm nữa, đàn đâu?”

Đôi mày văn sĩ hơi nhíu, dễ dàng nhận ra vị trí của nữ tử này trong lòng Yến lâm không bình thường, lại không bởi vậy mà thu hồi ánh mắt, ngược lại còn nhìn Khương Tuyết Ninh thêm vài lần, mới quay người đi vào trong, lấy bốn cây đàn, ôm từng cây từng cây ra, xếp trên bàn, sau đó mở từng cái túi bọc ra, gọi Yến Lâm lại: “Vốn là tìm ra năm cây đàn, có một cây là Cố Bản Nguyên ở Giang Ninh mới làm ra, nhưng ta tới chậm, Cố Bản Nguyên đã tặng cho Tạ Cư An.”

Cố Bản Nguyên là chước cầm sư (người làm đàn) có danh khí lớn nhất hiện tại. Bình thường, trình tự làm đàn rất rườm rà, từ chọn lựa vật liệu gỗ đến xuyên dây đàn thử âm, làm xong phải mất gần một năm, nếu làm cẩn thận trau chuốt thì phải hơn hai năm thậm chí ba năm. Chước cầm sư cũng tính là nghệ nhân, dùng nó kiếm sống. Nếu hai năm mà chỉ làm một cây đàn đương nhiên sẽ chết đói, cho nên rất nhiều chước cầm sư sẽ chuẩn bị kỹ càng vật liệu gỗ, đồng thời chế tác mười hoặc hai mươi cây đàn, như thế trình tự dù vẫn cần hai năm như cũ, nhưng lại làm ra được rất nhiều đàn.

Cố Bản Nguyên năm nay đã sáu mươi mấy tuổi, sắp đến thất tuần, tinh lực không thể so với những chước cầm sư trẻ, không cách nào cùng lúc làm ra nhiều đàn nữa, cơ bản phải mất hai, ba năm mới làm ra một, hai cây đàn. Mà bản tính người đời lại ưa thích vật gì hiếm có. Hai năm này người dùng ngàn vàng để mua đàn nhiều vô số kể, nhưng đàn mới này chưa lộ diện, âm thanh còn chưa gảy ra, lão đầu tử lại đưa cho Tạ Nguy, khiến bao nhiêu người cắn răng ghen tức.

Yến Lâm tập võ, cũng không thích đàn, nhưng có nghe qua thanh danh Cố Bản Nguyên, nhất thời cũng sững sờ một chút: “Tặng?” “Ừ, tặng không.” Văn sĩ kia rốt cục cũng lộ ra mấy phần bất mãn, cười lạnh một tiếng, nhưng lại có mấy phần cười trên nỗi đau của người khác: “Mấy hôm trước không phải có mấy kẻ thuộc Bình Nam vương nghịch đảng ám sát mệnh quan triều đình ở kinh thành sao? Tạ Cư An làm một cây đàn đã ba năm, hôm đó ở chỗ ta tìm mấy dây đàn tốt, đang định rảnh rỗi thì xuyên dây thử âm, kết quả vừa trở về thì gặp thích khách ở Tầng Tiêu lâu. Người không sao, chỉ có cây đàn còn chưa xuyên dây xong bị chém một đao. Chậc, hắn có tức giận khó chịu hay không ta không biết, chỉ nghe nói hắn hai ngày liền không vào triều. Cố Bản Nguyên biết chuyện này, liền cho người từ Giang Ninh xa xôi đưa cây đàn lên kinh thành tặng hắn. Đây còn không ngược đời sao!”

Yến Lâm nói: “Ta tưởng ngươi quan tâm cây đàn?” Văn sĩ kia hừ lạnh một tiếng: “Ngàn vàng mua đàn xong ta liền bán lại cho ngươi kiếm một khoản, Tạ Cư An kia chặt đứt đường làm ăn của lão tử!”

“Khục.” Yến Lâm ho khan một tiếng, rất muốn nói “Nhìn bản thế tử dễ bị lừa vậy sao”, nhưng suy nghĩ một chút vẫn là không nói thì hơn. Tạ Nguy chính là thiếu sư thái tử, bây giờ lại chủ trì nhật giảng trong cung, coi như nửa tiên sinh của hắn. Đối phương thì khác. Văn sĩ này chính là chủ nhân U Hoàng quán, vốn là tiến sĩ đồng khoa với Tạ Nguy, lại còn cùng là nhân sĩ Kim Lăng, họ Lữ tên Hiển, tự Chiếu Ẩn. Một đường thi cử, Tạ Nguy đứng đầu hắn thứ hai, Tạ Nguy giải nguyên hắn thứ hai, Tạ Nguy hội nguyên hắn thứ hai, đến mức khi vào Hàn Lâm viện cũng còn ở trên đầu hắn. Người đương thời đều nói đùa “Tạ nhất Lữ nhì”.*Truyện được dịch và đăng tại annguyet8797.wordpress.com mang đi xin ghi nguồn*

Lữ Hiển xuất thân hàn môn, càng không bằng Tạ Nguy càng muốn so. Tạ Nguy nhận tin báo nên từ quan về nhà chịu tang mất ba năm, Lữ Hiển bỗng nhiên thành thứ nhất, nhưng lại cảm thấy Hàn Lâm viện trở nên vô vị. Qua một năm, hắn trực tiếp từ quan. Nghe người ta nói hình như về Kim Lăng. Bốn năm trước Tạ Nguy  một lần nữa trở lại triều đình phò trợ đương kim thánh thượng Thẩm Lang; Lữ Hiển lại giống như không có hứng thú làm quan, mặc dù cũng trở về kinh thành, nhưng chỉ mở một cửa tiệm đàn, nhàn vân dã hạc.

Hắn từng vào Hàn Lâm Viện nay lại làm việc này, thật khiến người ta líu lưỡi. Những người quen cũ trong kinh cũng không dám tin, nhiều người còn đến xem. Không bao lâu tiệm đàn này vang danh khắp triều chính. Đương nhiên, dần dần liền có người phát hiện so với làm quan thanh chính, Lữ Hiển làm “Gian thương” lại không chút nào mập mờ, vụng trộm, có câu nói “Tiến sĩ bán đàn, không mua không được”, có thể thấy hắn làm ăn tốt bao nhiêu. Nói cách khác, Lữ Hiển cùng Tạ Nguy là chỗ quen biết cũ, mở miệng gọi một tiếng “Tạ Cư An” cũng không sao, nhưng Yến Lâm nghe Tạ Nguy giảng bài, nên phải cân nhắc “Tôn ti”.

Hắn nhìn bốn cây đàn trước mặt, hỏi: “Những cái này thì sao?” Lữ Hiển liền giới thiệu qua từng cây đàn, từ đầu tới cuối có gần nửa thời gian chỉ nhìn Khương Tuyết Ninh, rất nhiều câu là nói để nàng nghe, hiển nhiên biết “Trọng điểm” làm ăn hôm nay ở đâu. Chỉ là Khương Tuyết Ninh thực tế không yêu đàn. Kiếp trước lúc học đàn, các vị thế gia quý nữ đều ra sức nỗ lực để nổi bật trước mặt Tạ Nguy, duy chỉ có nàng ngại khổ ngại mệt, trước đó ỷ có Yến Lâm, sau thì ỷ vào Thẩm Giới, căn bản không đi nghe hắn giảng mấy lần. Nếu hỏi nàng thích cây nào. Nàng rất muốn trả lời: cây nào cũng không thích.

Cũng may Yến Lâm biết trước kia trong phủ nàng không học đàn, suy nghĩ một chút liền lấy cây cổ cầm hơn ba trăm năm trước, tên là “Tiêu Am”. Trên cây đàn in hằn dấu vết thời gian, đã phủ lên hoa văn như nước chảy, tán âm hùng hậu, phiếm âm thanh nhuận. Chỉ là giá tiền cũng đủ hù dọa người. Lữ Hiển khẽ mỉm cười đưa ra ba ngón tay, Khương Tuyết Ninh hít sâu một hơi.

Yến Lâm lại coi như bình thường, cho người cầm ngân phiếu trả tiền, tự tay bọc lại cây đàn, đưa cho Khương Tuyết Ninh, nói: “Ngươi vào cung tuy là làm thư đồng công chúa, Tạ tiên sinh đối xử với mọi người cũng coi như khoan hậu, nhưng về học vấn, đàn, sẽ không vì các ngươi là cô nương thì nhẹ nhàng bỏ qua. Cho nên Tạ tiên sinh dạy học, phải thật tập trung tích cực. Trong cung tiên sinh không thường đánh đàn, ta may mắn nghe qua mấy lần, là cực hay. Ngươi xưa nay không muốn học đàn, hẳn là do tiên sinh dạy đàn không tốt. Nay vào cung, biết đâu lại thích.” Cho nên, đàn tốt nhất định phải có.

Khương Tuyết Ninh nghe hắn nói những lời này khóe mắt hơi kéo ra: Không ai biết, nàng không muốn học đàn là bởi vì Tạ Nguy.

Bốn năm trước trên đường lên kinh, Tạ Nguy ôm đàn. Nàng còn tưởng rằng người này thật sự là bà con xa của Khương phủ, mặc áo vải trắng, trừ một cây cổ cầm thì không có gì cả, nhìn còn ốm yếu. Dù cùng nàng ngồi chung một xe, lại không thích tiếp xúc với người khác, phần lớn thời gian đều nhắm mắt dưỡng thần, chỉ có nửa đường lúc ngẫu nhiên dừng lại nghỉ chân, hắn sẽ dùng cây đàn kia gảy chơi vài khúc. Khương Tuyết Ninh nghe không hiểu, cũng nhìn hắn không thuận mắt.

Khi đó nàng mới biết được thân thế mình, lại biết trong nhà còn có một vị “Tỷ tỷ” người người tán thưởng, trên đường đi sợ bị vú già trong kinh tới đón xem nhẹ, dù không học quy củ, lại bởi vì nội tâm sợ hãi, càng thể hiện ra bộ dáng tiểu thư, cố giữ một phần “Tự tôn” hèn mọn đáng thương. Đại tiểu thư đều là cao cao tại thượng, vênh mặt hất hàm sai khiến. Cho nên nàng cũng cao cao tại thượng, vênh mặt hất hàm sai khiến người khác, “Người khác” này có cả “Tạ Nguy”.

Nàng lớn lên nơi hương dã, cũng không học quy củ, nhưng nhìn người này đi đứng ngồi nằm đều có quy tắc, mặc kệ là tư thái nâng đũa lúc cùng ăn, hay lúc ở trong xe ngựa nghỉ ngơi vẫn không loạn, khiến nàng khó chịu. Lúc ấy nàng cảm thấy người này cả người nghèo túng còn thích làm dáng; nhưng thật lâu sau mới thừa nhận, nàng sở dĩ khó chịu, là vì cho dù không hiểu, cũng có thể cảm nhận được sự cách biệt một trời một vực của một nha đầu lớn lên nơi hương dã với kinh thành phồn hoa nàng sắp tới kia.

Nhưng nàng không muốn thừa nhận. Cho dù về sau làm hoàng hậu, nàng cũng không muốn gặp Tạ Nguy, mà tên hắn lúc nào cũng gắn với đàn nên nàng cũng không muốn học. Thời gian nàng kinh hoảng khốn đốn nhất trong đời đã bị người này nhìn thấy, nên chỉ cần gặp hắn sẽ nhớ tới quá khứ. Mà đây là điều kiếp trước nàng kiêng kỵ nhất. Ai biết Tạ Nguy nghĩ nàng thế nào? Hoàng hậu nương nương hiện tại, lúc trước cũng chỉ là nha đầu vẽ hổ thành mèo mà thôi. Chỉ cần nhớ tới liền khó chịu, cho nên Khương Tuyết Ninh tới bây giờ chỉ coi như đoạn quá khứ này không tồn tại. Tạ Nguy thấu đáo lòng người ước chừng cũng biết ý nghĩ của nàng. Cho dù địa vị trong triều rất cao, ra vào cung đình thường xuyên, hắn cũng cực ít xuất hiện trước mặt nàng, chuyện quá khứ càng không nhắc tới. Về phần vết sẹo trên cổ tay, nàng mời thái y kê đơn, cẩn thận bôi thuốc hai năm đã tiêu tan sạch sẽ.

Lúc này, bà luật hương thoang thoảng trong tiệm, mang hơi thở cổ xưa mà xa xăm, khiến người tĩnh tâm. Khương Tuyết Ninh thất thần nhìn cây đàn “Tiêu Am” trong tay, bất chợt nghĩ: Nếu không phải vì Trương Già, có lẽ đến lúc nàng chết đi, cũng sẽ không nhắc với ai là nàng từng có ơn cứu mạng Tạ Nguy. Nhưng mà... hình như kiếp trước sau trận cung biến, trên tay Tạ Nguy dính máu, sau đó cũng không chạm vào đàn nữa.