Người lớn làm thế nào, trẻ con nhìn theo học vậy. Phụ mẫu hiếu thuận với bề trên, bọn trẻ cũng học theo, khi làm việc về liền bưng nước, dọn ghế, đến bữa ăn thì bày biện bát đũa.
Chỉ cần lời dạy và tấm gương, thế là thành công rồi.
Cây ăn quả trồng từ năm ngoái, năm nay ra ít quả, nhưng những cây ba tháng tuổi trồng ở rìa đất chúng ta đã ăn qua một lượt, giờ lại có thêm dâu rừng.
Mỗi vùng có cách gọi khác nhau, nhưng hương vị thì chẳng khác gì.
Một khoảnh đất lớn, trồng từ năm ngoái, năm nay cây cối phát triển rất tốt, mỗi cây đều ra nhiều quả. Ba cháu trai của ta hái mang về nhà ăn, bọn trẻ trong làng thèm đến phát khóc, nhưng chúng cũng chia một ít cho biểu huynh biểu đệ trong nhà.
Người lớn hòa thuận, trẻ con cũng ít tranh chấp hơn.
Khi mang thai, điều khó chịu nhất chính là mùa hè, nóng nực, mồ hôi tuôn rơi không ngớt, ta lại thèm ăn.
Bụng to khiến đi lại thêm khó khăn, Trân Châu và Mã Não thay phiên quạt mát cho ta, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
Điều kinh khủng nhất là không thể chịu nổi mùi hôi thối nào.
Cơn ốm nghén cũng theo đó mà ập tới.
Người ta nói sinh con khó, nhưng mười tháng mang thai cũng chẳng dễ dàng gì.
Khó khăn lắm mới đến mùa thu, trời mát mẻ hơn, cuối cùng cũng có thể ngủ ngon giấc.
Năm nay lúa chín sớm, phụ thân nói đợi thu hoạch lúa xong sẽ lên núi hái tạo giác.
Người đông sẽ dễ trông chừng nhau, vì núi rừng nguy hiểm, nên gọi thêm mấy người biểu huynh, đường huynh khỏe mạnh, có tiền thì cùng nhau kiếm.
Kiếm được tiền rồi, lại vào rừng đốn củi, để lại một ít trong nhà, vì mùa đông cần rất nhiều củi.
Các huynh trưởng cũng bàn bạc, đến lúc đó sẽ vào núi đốt than, nhưng vào sâu trong rừng, nên phải có Tề Đại theo cùng.
Tề Đại không muốn đi, nhưng không thể từ chối.
Hàng ngày đều không vui vẻ chút nào.
Ngoại tổ phụ và ngoại tổ mẫu kiên quyết muốn về nhà, dù thế nào cũng không giữ lại được.
Bà nói: “Đợi sau mùa thu hoạch, ta với ngoại tổ phụ con sẽ lại tới.”
“Mùa thu hoạch là việc lớn, không thể trì hoãn dù chỉ một khắc.”
Ta đành gói một ít thức ăn, thịt xông khói cho bà mang về, chia cho mấy cữu cữu, còn bên các di mẫu, ta bảo Ngưu thúc tự mình chạy một chuyến.
Những ngày thu hoạch lúa rất bận rộn và vất vả, nhưng ai nấy đều cười rất tươi, bởi lúa là nguồn sống, là gốc rễ của cả gia đình.
Tề Đại làm việc rất chăm chỉ, từ sáng đến tối cứ đập lúa không ngơi tay, cũng chẳng nghe thấy hắn kêu mệt, khi nghỉ ngơi lại cười nhìn ta từ xa.
Vừa ngốc vừa thật thà.
Gia gia thì ngoài miệng nói muốn dưỡng lão, không làm gì cả, nhưng người bận rộn từ sáng đến tối vẫn chính là ông. Lưng đau đến không thẳng lên nổi, nhưng khuyên thế nào cũng không chịu nghỉ.
Vài đứa cháu cũng muốn ra đồng nhặt lúa sót.
Giáp, Ất, Bính, Đinh Mậu cũng muốn tham gia làm việc, Trân Châu với Mã Não vừa phải chăm sóc ta, vừa phơi lúa, còn Vương thẩm, Hàn thẩm thì lo liệu việc bếp núc.
Cả nhà chỉ có mỗi ta là nhàn rỗi nhất.
Đợi đến khi thu hoạch xong, cả nhà ai nấy như đã lột một lớp da. Lúa phơi khô, lại phải cân để nộp thuế.
Nhà ta có xe lừa, nhưng một chuyến cũng không kéo hết, Tề Đại lại đi lên trấn thuê thêm ba chiếc xe lừa, gom đủ bốn chiếc, chở cả lúa nhà ta và của nhà phụ mẫu lên trấn để nộp thuế.
Chuyện này trong thôn có người ghen tị, có người nói ra nói vào.
Nhưng xe lừa nhà ta cũng chẳng thể cho ai mượn bừa, lừa cũng cần được chăm sóc cẩn thận.
Ta bảo Tề Đại tìm tộc trưởng nói rõ chuyện này.
Nhà nào có ông bà già neo đơn, chỉ có cháu nhỏ, không có đàn ông trai tráng, chúng ta sẽ giúp họ chở lúa nộp thuế lên trấn miễn phí, còn những nhà khác thì không cho mượn.
Ai muốn nói gì thì nói, ai ghen tị mặc kệ.
Chính là như vậy.
Ở quê, lừa và trâu bò đều là thứ quý hiếm.
Phụ thân ta nuôi một con trâu, nhưng ông không nỡ để nó kéo lúa lên trấn, bởi vì sau khi từ núi về, nó còn phải kéo cày, cày ruộng để trồng lúa mạch, cải dầu, củ cải, bắp cải, hành.
Phải, ở đây, cải dầu có thể ép lấy dầu.
Sau khi thu hoạch lúa, cũng không để ruộng hoang.
Nhà ta có đến hai ba mươi mẫu đất, chỉ dựa vào một con trâu cày cấy, nó cũng rất vất vả.
Có người đến mượn trâu của phụ thân, nhưng ông đã từ chối.
“Huynh đệ này, con trâu ấy ta còn quý hơn cả bản thân mình. Sợ nó ăn không đủ, ta còn phải dành một mảnh đất để trồng cỏ cho nó ăn. Chuồng của nó ngày nào cũng phải dọn dẹp sạch sẽ. Sắp tới lại phải cày bừa, thật sự không nỡ để nó làm thêm việc nữa.”
Trâu là do phụ mẫu ta nuôi, phụ thân không nói giao cho chúng ta, ta hiểu rằng ông không nỡ, mà dắt trâu về cũng phải chăm lo chu đáo, chi bằng cứ để ông nuôi dưỡng.