[Khoái Xuyên] Lưu Ly

Quyển 3 - Chương 12: Những đêm không ngủ




Khu đóng quân của địch nằm trong một thung lũng phì nhiêu trên vùng mạn ngược dưới chân núi Nại Nhạn, cách thành phố Lý Nam chỉ một giờ bay. Ở đó có một sân bay dã chiến nhỏ đã được làm từ nhiều năm trước nằm tại phía tây lòng chảo có núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh. Đại tướng chỉ huy quân đội địch của toàn vùng phía bắc Naja Ford khi cho đóng chốt ở đây đã từng tự tin rằng nơi này là một căn cứ bộ binh không quân lý tưởng, chìa khóa để mở đường sang đến đế chế của tộc người Pá ở bên kia biên giới. Vậy nên quân địch quyết định biến nơi này thành một tập đoàn cứ điểm kiểm soát vùng mạn ngược, giám sát đường liên thông ra ngoại quốc tộc Pá, làm mồi nhử thách thức quân cách mạng tấn công. Theo dự định ban đầu của bọn chúng, quân cách mạng sẽ bị nghiền nát tại đây.

Chúng có tự tin lớn như vậy là bởi khối lượng vũ trang khổng lồ có trong tay được chi viện từ một quốc gia trung lập. Còn nếu chỉ dựa vào mình bản thân chúng, với số lượng chiến địa rải rác trên toàn thế giới trong cuộc tranh đấu thuộc địa giữa các nước đế quốc, chúng không có cơ sở để tồn tại được trên đất nước này. Sau khi bổ nhiệm Naja Ford làm tổng chỉ huy tối cao chinh phạt nơi đây, lão cho tiến hành xây dựng lực lượng cơ động lớn và mở rộng quân đội. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn bộ lãnh thổ đất nước có một lực lượng ngoại xâm áp đảo với nửa triệu binh lính trong đó 70% là người nước ngoài, 30% là người bản địa. Ngoài bộ binh chủng còn sở hữu khoảng 600 máy bay, 500 tàu và xe tăng thiết giáp, pháo binh số lượng không xác định. Đó là chưa kể đến 40 nghìn tấn vũ khí các loại đi kèm với 16 nghìn xe vận tải, đạn dược thoải mái sử dụng. Không ngoa khi nói lực lượng này vô cùng khủng bố, có thể bức chết bất cứ kẻ nào muốn đối đầu.

Trái ngược lại quân cách mạng nhân lực ít ỏi bằng hơn nửa số lính quân địch, có lác đác vài trung đoàn pháo binh, còn lại đều là bộ binh. Lượng vũ khí cung cấp cho toàn quân cũng nghèo nàn đến đáng thương khi chỉ có khoảng 20 nghìn tấn vũ khí. Tất cả vỏn vẹn từng ấy mà chẳng thêm được thứ gì đáng giá.

Ngay từ khi lực lượng cách mạng rục rịch hành động, quân địch đã bắt đầu kế hoạch tập trung binh lính để đánh chiếm toàn vùng mạn ngược. Sau vài lần đụng độ có khoảng 5000 lính đã có mặt tại thung lũng Nại Nhạn, hai ngày sau đường bay quân sự cũ cũng được hoàn thành sửa chữa, chính vì thế quân số được tăng lên liên tục bằng đường hàng không.

Sau khi có tổng lệnh hạ xuống, một đại tá tên Cerria Degard đã được cấp quyền tổng chỉ huy tập đoàn cứ điểm trong đó bao gồm ba quân khu với tổng cộng khoảng 50 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn, xung quanh chăng hàng rào thép gai và mìn chôn khắp nơi, có hầm trú chống đạn pháo, được trang bị hỏa lực rất mạnh để yểm trợ lẫn nhau.

Hằng ngày sân bay quân sự kết nối đường hàng không giữa khu cứ điểm với nguồn cung cấp hàng hóa từ dưới xuôi, ước tính mỗi ngày có gần 70 lần tiếp tế khoảng 200 tấn hàng vào khu đóng quân của địch. Những ngày ấy dù bay khắp nơi, tưởng như có thể lấp kín cả bầu trời bằng một màu trắng xóa.

Trong khi ấy quân cách mạng phục kích xung xanh thung lũng tương đối ít ỏi với 11 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn công binh, 2 trung đoàn pháo binh với số lượng đại pháo, sơn pháo và súng cối mỗi loại có hơn 20 khẩu và 1 trung đoàn pháo phòng không sở hữu vỏn vẹn 24 khẩu pháo. Có thêm được 4 đoàn thanh niên xung phong hỗ trợ chiến đấu, vận tải và sửa đường. Tổng lực lượng quân chỉ có khoảng 100 nghìn người.

Vì không có phương tiện vận chuyển hiện đại, mọi nguồn cung cấp từ lương thực, vũ khí, thuốc men đều dựa vào sức người và những chiếc xe thồ, xe trâu, xe ngựa thô sơ. Giữa vùng núi cao hiểm trở, đoàn thanh niên vận chuyển phải dùng sức đẩy những khẩu đại pháo nặng vài tấn tiến về đại doanh, trên đầu là làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Cái khó khăn vất vả chồng chéo đè lên đội quân người lính cách mạng. Nhưng dù gian lao như thế, họ vẫn đưa tới chiến trường được đầy đủ các loại vũ khí và lương thực cho quân mình chiến đấu.

Những thời gian đầu, đạn pháo không nhiều, chỉ huy chọn cách đánh trận địa giả, tung lên những quả bộc phá rồi rút lui, máy bay trinh sát của kẻ địch sẽ tưởng ở đó có kẻ địch mà khai phát hỏa lực, gây thiệt hại về đạn pháo cho chính mình. Ngoài ra quân cách mạng còn thường đánh những trận nhỏ, tập kích vào sân bay, hủy hoại không ít máy bay ném bom của đối phương.

Nhưng chung quy lại quân đoàn phương tây kẻ mạnh người đông, lợi thế ở vùng đất cao, thêm trữ lượng đạn pháo dồi dào, có máy bay và tăng thiết giáp bổ trợ nên tổng quan những trận nhỏ tí kia tổn hại không đáng bao nhiêu, và bọn chúng vẫn liên tục phát tán hỏa lực khắp vùng thung lũng Nại Hà, biến nơi đây thành một cái trống đánh cả ngày lẫn đêm bằng bom thả trên trời.

Tình hình chiến địa hai bên càng trở nên căng thẳng.

Thời điểm dầu sôi lửa bỏng nhất, tin toàn bộ lãnh đạo thành Lý Nam bị tiêu diệt như một ngòi dẫn châm pháo mở ra cơ hội cho quân cách mạng. Ngay lập tức đại tướng chỉ huy họp bàn chiến lược, cùng dân quân bộ đội bố trí trận địa.



Theo kế hoạch đề ra ban đầu, quân cách mạng sẽ dùng phương pháp đánh nhanh thắng nhanh với lực lượng lớn để đàn áp địch. Nhưng giữa sự tương quan của hai bên chiến đấu, đại tướng chỉ huy đã quyết định thay đổi trận địa thay bằng phương án đánh chắc thắng chắc, không đánh xung phong trực diện mà đánh bóc vỏ, đào hào áp sát vây lấn tiêu diệt dần những khu phòng thủ của giặc cho đến khi chúng không còn đủ sức kháng cự, hạn chế tối đa thiệt hại của quân mình.

Chiến dịch được chia thành ba giai đoạn,dự tính diễn ra trong cả hai mùa thu đông.

Khi chuẩn bị hành động, quân phương tây phát hiện một lực lượng lớn chiến sĩ cách mạng tiến gần lại phạm vi thung lũng Nại Nhạn, Cerria Degard hạ lệnh giải tỏa từ xa, tạo nên nhiều cuộc đụng độ giữa hai bên. Tuy nhiên sau nhiều trận đánh thất bại, Cerria buộc phải cho quân tập trung lại, ra lệnh thu toàn bộ quân về đồng thời cho hai trung đoàn từ tỉnh bộ lân cận tiến vào Nại Nhạn đánh úp quân cách mạng từ phía sau.

Đáng tiếc toán quân này không thể hoàn thành nhiệm vụ khi bị một đại đoàn của quân đội nhân dân phục kích và truy đuổi, sau cùng chỉ có hơn một trăm người sống sót.

Quân phương tây bị nước đi bất ngờ này phản kích mạnh, chỉ có thể ở trong thung lũng cố thủ ba quân khu của mình.

Đầu mùa thu năm ấy, chiến dịch của quân cách mạng chính thức mở đầu với cuộc tấn công ồ ạt vào quân khu địch ở phía bắc, nơi phòng thủ chính của chúng. Với mục tiêu bắt buộc phải thắng, lực lượng của trận đánh đầu tiên vô cùng đông đảo với 40 khẩu pháo và hàng loạt súng cối liên tục nã vào sở chỉ huy của một ngọn đồi tên Sa Luyên trong quân khu khiến tên thiếu tá chỉ huy trưởng cùng đồng bọn tử trận.

Sa Luyên bị mất liên lạc với quân khu tổng bộ, kho chứa xăng bốc cháy, trận địa của quân phương tây tê liệt hoàn toàn ngay từ đầu do trúng đạn pháo và súng cối. 18 máy bay đậu gần đó cũng bị phá tanh bành.

Suốt bốn giờ bắn liên tục, sử dụng đến hơn 2000 viên đạn pháo và hàng nghìn viên súng cối, đoàn quân đánh bộ xông lên như vũ bão. Trận chiến diễn ra ác liệt từ buổi chiều đến tận khuya mới kết thúc, toàn bộ cứ điểm Sa Luyên đã bị xóa sổ trong chưa đầy nửa ngày.

Tiếng pháo tạm dừng nhưng chẳng hề ngủ yên.

Trên trời thu cao không mây, sao sáng lấp kín màn đêm. Hoàng Xuân Tầm chạy giữa những người bị thương, hỗ trợ quân y băng bó. Ánh lửa đỏ bừng bừng phản chiếu lên gương mặt người thiếu niên, mồ hôi nhễ nhại, quân trang lấm lem bụi bẩn nhưng cậu chàng chẳng có vẻ gì là mệt mỏi.

Trải qua một trận chiến căng thẳng, đến giờ trong đầu cậu vẫn còn ong ong tiếng pháo. Nhiều người đã ngã xuống, nhưng cuối cùng bước đầu đã thành công.

"Cậu ngừng tay ăn chút gì đi rồi nghỉ ngơi, để anh làm thay cho." Có tiếng người vang lên phía sau, Hoàng Xuân Tầm quay đầu, thấy Sở Vân Chính mang theo một bịch vải băng đến thay cậu hỗ trợ quân y. Hắn trông cũng chẳng khác gì cậu, người dính đầy cát bụi, cái đầu trọc lốc mới cạo bóng loáng bên ánh lửa.

"Vâng." Hoàng Xuân Tầm ngừng tay, ra một chỗ khác nơi các anh em tụ tập, lục tìm trong balo hành quân của mình chút lương khô, ăn tạm qua bữa.

Ở bên này mọi người không có bị thương nặng, thắng trận đầu nên tâm trạng rất tốt, đang nghêu ngao hát một bài ca cách mạng. Tiếng ca vang mừng chiến thắng tin vào một tương lai độc lập.

Hoàng Xuân Tầm cũng vui, thỉnh thoảng sẽ cất tiếng cùng ca một đoạn. Trăng trên trời khuyết còn tí xíu cũng phải cố chui lên thật cao trên đỉnh đầu của mấy anh chiến sĩ để nghe hát.

Đêm không ngủ tưởng dài lại thành ngắn, mới đó trời đã rạng đông.

Sáng hôm sau, quân địch bổ sung một tiểu đoàn dù vào thung lũng Nại Nhạn. Còn về phía quân cách mạng đã di chuyển từ đồi Sa Luyên nhập vào một đại đoàn mới tiến đến sang phục kích đồi Keo Mác trong quân khu phía bắc, yên tĩnh suốt cả một ngày.

Đến đêm, tiếng súng khai màn nổ rền đánh thức cả một vùng trời. Quân cách mạng đánh vào đồi Keo Mác.

Lần này quân phương tây đã sớm có chuẩn bị, chúng cho xe tăng và máy bay ra hỗ trợ chiến đấu, cuộc chiến khó khăn hơn nhiều so với ngày đầu tiên.



Hoàng Xuân Tầm vác trên vai một khẩu súng đại bác, dẫn quân tiến sâu vào trong đồi. Trên trời pháo trắng sáng rực như ban ngày, mùi thuốc súng nồng nặc khắp không khí, nhưng cậu chẳng ngần ngại mà cứ tiếp tục tiến lên mở đường. Nơi đồi trống không có gì che chắn được, họ bò người trên nền đá sỏi, cỏ cháy rạp xám đen như nhọ nồi, bôi vào người những anh bộ đội ấy. Chẳng ngại khó và chẳng sợ hi sinh, trên chiến trận mạng như hạt cát, chỉ thắng mới có thể trở về.

Họ can đảm tiến nằm dưới nền trời rộng, nơi đỉnh đầu có những chiếc máy bay vù vù chạy qua. Nhiệm vụ của họ chính là tiêu diệt chúng.

Cánh quạt phành phạch đập liên hồi, lựu đạn thả từ trên cao xuống, nổ tanh bành mặt đất trống trơn. Những hàng cỏ khô hanh bắt lửa cháy rực lên, gió thổi khiến chúng lan ra khắp một vùng rộng lớn.

Đội của Hoàng Xuân Tầm lúp người sau những hòn đá tảng, chờ đợi thời cơ phục kích. Không có quá nhiều mệnh lệnh, chỉ một ám hiệu nho nhỏ mọi người đều đã hiểu ý nhau.

Cậu phẩy tay, cả đoàn tách ra thành từng nhóm nhỏ, mục tiêu tập trung là chiếc máy bay gần nhất.

Tốc độ của trực thăng không thể bay nhanh hay mở rộng phạm vi của mình vì trên bầu trời cũng có tới vài cái, chỉ bay quanh quanh một số khu vực.

Hoàng Xuân Tầm vác trên vai khẩu súng đại bác. Loại vũ khí này vừa lớn vừa nặng, khác hẳn với những thứ cậu thường dùng. Mà một phát bắn của nó uy lực cũng lớn hơn gấp trăm lần súng đạn cơ bản.

ĐOÀNG!

Âm thanh xé toạc trời quang vang lên, một tia pháo sáng bắn từ mặt đất lao thẳng đến chỗ phi cơ. Nối tiếp tia này lại có thêm tia kia, đạn lên như bão táp, găm vào thân sắt cứng ngắc của máy bay.

Đạn bắn liên hồi làm nó chao đảo, những cánh quạt có những lúc chạy chậm đi, tưởng chừng như sẽ rơi xuống. Nhưng thứ vật cứng đầu không chịu ngừng bay. Nó chuyển hướng về phía đạn tấn công xuất hiện, trên đường bay thả xuống không ít thuốc nổ.

Mặt đất bùng lên tan tác, vụn đất đá tung tóe bắn lên người các anh bộ đội. Máy bay vòng vòng ném lựu đạn trên đầu họ, nhìn trận địa chắc biết phen này là phải hy sinh rồi.

"Mạng muốn bỏ cũng không được để phí!" Hoàng Xuân Tầm gào lên, khẩu súng trên vai càng một chắc chắn. Cậu mặc kệ mưa đạn của kẻ thù, vươn mình trên hòn đá tảng oai dũng bắn đại bác về phía máy bay. Những người lính khác cũng đồng lòng đứng dậy, súng và thân thể như hòa làm một, từng phát bắn đều mang theo linh hồn, tựa chính họ lao đến phá nát con phi cơ.

Những quả bom dưới mặt đất tru tréo lên cùng lúc với tiếng gào thét dữ dội của chiếc máy bay địch. Vụn sắt thép nổ tung giữa trời, bắn tung tóe khắp nơi. Những người lính cũng bị bom đạn đục tạc, da thịt trên thân cứ thế vơi rụng dần theo những lần bom nổ.

Đến cuối cùng máu đỏ nhuộm đẫm đất ẩm, còn cốt tro đã tán thành bụi nhỏ, bón vào mầm cây ngủ sâu dưới hoang tàn, chờ một ngày dang cành lá sừng sững giữa trời độc lập.

Một chiếc máy bay địch bị hạ, đổi bằng mười mạng người thiếu niên.

Chiến trận căng thẳng diễn ra cho đến rạng sáng. Dù rằng đã dốc hết lực lượng và vũ khí hạng nặng nhưng quân phương tây vẫn bị đánh bại vào lúc mặt trời mọc. Chỉ huy trưởng đồi Keo Mác bị thương nặng, binh lính sống sót đều bị bắt làm tù binh.

Cùng ngày hôm đó, chỉ huy pháo binh khu cứ điểm dưới trướng Cerria Degard sau hai đêm không thể hoàn thành nhiệm vụ cố thủ quân khu bắc đã tự sát trong hầm bằng lượng thuốc nổ cuối cùng.

Ba ngày sau, quân cách mạng rút quân dừng hoạt động. Trong quân khu bắc còn đồi La Chèo chưa bị tấn công, binh lính bắt đầu cảm thấy hoang mang, xôn xao lo sợ chúng đang bị quân cách mạng bao vây phục kích trong tầm ngắm, sớm muộn cũng sẽ bị đánh một trận thảm hại như ở bên Sa Luyên và Keo Mác.



Đóng quân ở La Chèo đa số đều là lính đánh thuê có xuất thân từ Ca Diệm, một đất nước trung lập cách đây không xa, chỉ cần vượt qua vương quốc của tộc người Pá là có thể trở về quê hương. Bọn họ vì lo sợ kết cục chết trên chiến trường, đến nửa ngày một đám người kéo đến gặp viên đại úy đồn trưởng chỉ huy đòi phân chia lương thực và giải tán cho họ về quê.

Đại úy vẫn đang căng thẳng vì chiến cục trước mắt, buộc phải ghìm giữ lực lượng trong tay, không những không đồng ý yêu cầu của lính đánh thuê Ca Diệm mà còn bắt quân di chuyển đến cứ điểm trung tâm. Nhưng binh lính không chịu nghe lời chỉ huy, trên đường hành quân tất cả ảo ào chạy về phía rừng thẳm.

Mặc dù đại úy đã kịp liên lạc với tổng bộ cho pháo bắn chặn đường đào ngũ của quân Ca Diệm, tiếc rằng cuối cùng pháo phí người cũng mất tăm.

Sau đó một trung đoàn quân cách mạng đã chiếm trọn được đồi La Chèo mà không tốn một viên đạn nào.

Kết quả sau 6 ngày chiến đấu cánh cửa phòng thủ phía bắc thung lũng Nại Nhạn của quân phương tây hoàn toàn sụp đổ, tổn thất thương vong có khoảng hai ngàn người tính cả hai bên, tuy nhiên quân cách mạng tổn thất nhỏ hơn rất nhiều vì dựa vào lợi thế địa hình mà thực hiện chiến thuật đúng đắn.

Trong suốt thời gian thực hiện chiến dịch, ngoài những chiếc máy bay bị phá khi đậu trên đường băng thì có tới tận 12 chiếc máy bay khác bị bắn rơi.

Mười ngày sau khi chiếm được La Chèo, hai sân bay quân sự của địch bị phá hỏng, từ đó quân phương tây chỉ có thể cung cấp lực lượng bằng cách thả dù, những máy bay vận tải cỡ lớn hoàn toàn mất hiệu lực.

Kết thúc, giai đoạn một thành công.

...----------------...

...[Hết chương 12- Thế giới thứ ba]...