Khoa Tội Phạm Hình Sự Đại Thanh

Chương 1-1




Kinh thành.

Phủ Nội Vụ.

Sắc trời cuối thu đương còn quang đãng, trước cổng phủ trồng đầy những cây cổ thụ đã đến mùa rụng lá, vì đây là nơi trọng yếu nên thủ vệ trông coi rất nghiêm ngặt, thậm chí xe ngựa bình thường cũng không dám lảng vảng trước mặt đôi linh thú gác cổng.

Ngay cổng lớn sơn đỏ của phủ có một con đường dẫn về phía Đông, đi đến cuối đường sẽ thấy một cánh cổng tối tăm dưới gốc cây hòe - đại lao tiếng tăm lừng lẫy được đặt ở đây.

Bá tánh bình thường đều biết, phàm là những kẻ phạm trọng tội của triều đình mới bị bắt đến nơi này. Người lành lặn đi vào, một khi cánh cổng ấy đóng lại thì đều phải chịu cảnh máu thịt đầm đìa, còn sống mà ra thì cũng đã từng ghé qua Điện Diêm Vương một chuyến.

Lúc này, bên trong nhà lao, nước đang nhỏ tí tách xuống.

Bốn vách tường xung quanh treo đầy hình cụ và xiềng xích dính máu, có cả mấy vết bẩn trắng trắng đỏ đỏ hấp dẫn lũ muỗi bâu vào nữa.

Cách một bức tường bên trái, một nơi được xem là sạch sẽ hơn rất nhiều so với những địa phương khác trong tù, vang lên vài âm thanh trong không gian tù mù của ánh đèn dầu.

Người đàn ông bên trong nhà lao kiệt sức ngã vào chỗ tối, thân hình y cao gầy, trên lưng không có thương thích mà chỉ có vết thương trên nửa khuôn mặt sắp thối rữa gần lộ cả xương trắng.

Lại quan sát một phen, cánh tay người này gầy tong teo, đầu ngón tay đang chạm vào bấc đèn, song nhìn kỹ thì cổ tay áo y không hề hèn kém mà giống một người đàn ông trưởng thành ngồi ở địa vị cao đã lâu, khí thế bất phàm.

"Toong."

Một giọt nước nhỏ xuống mặt đất.

Trên đỉnh nhà lao, một con nhện đang sàn sạt giăng tơ.

Lấy thân phận người này, vốn y không nên có mặt ở đây.

Nhưng án người heo ở phủ Thuận Thiên lan truyền cực nhanh, người nọ không thể tránh khỏi liên quan nên mới bị giam ở nơi này.

Sát nhân người heo, tàn sát diệt môn.

Vụ thảm án đẫm máu này khiến bá tánh ở phủ Thuận Thiên hoảng loạn đến mức suốt đêm không ngủ. Ròng rã hai mươi bảy ngày trời, không những không phá được án mà còn khiến nhiều nạn nhân bị trả thù, chết thảm dưới tay người heo, cả kinh thành nhất thời khiếp sợ.

Mà nói cũng lạ, y mang tội ở tiền triều, lại chủ động đến ngồi lì bên trong đại lao. Ngoài việc mỗi ngày đọc quyển sách hướng dẫn chơi cờ cũ kỹ mà mình mang theo trước đó, ngày ăn ba bữa cơm thì không thấy y quan tâm thứ gì cả. Song hôm trước, y đột nhiên nói muốn gặp một người, cơ mà lại nhờ người khác truyền lời ra ngoài giùm.

Truyền lời xong, chả ai biết câu kia của y có ý gì.

Nhưng chưa đến hai ngày, thế mà người trong triều lại đến thật.

Lúc này, y ngồi bên ngọn đèn dầu, qua chốc lát thì một người đàn ông mặc áo vải đến đưa cơm xuất hiện. Sau khi bước vào, người này mở chiếc lồng cơm bằng gỗ đỏ có hoa văn cây phật thủ ra rồi bày thành ba hộp đồ ăn, lần lượt là thịt viên, lê xào gà và bánh kẹp phục linh cung đình, còn có cả rượu Đồ Tô nữa.

"Đã phiền ngươi dẫn đường."

Người đến thăm tù quay lại cảm ơn, định đưa tiền thưởng. Ngục tốt thấy vậy bèn từ chối rồi khách khí lui xuống, thế là xung quanh trở nên an tĩnh.

Người đàn ông cầm đèn lồng đứng bên ngoài đánh giá địa phương quỷ quái ngay cả ban ngày mà cũng lạnh lẽo chết người trước mặt, sau đó nhìn chằm chằm người trong ngục, nhíu mày nói: "Đưa thuốc tới cho huynh mà không chịu bôi, để mặt bị hủy hoại như vầy, rốt cuộc huynh định chà đạp bản thân đến khi nào... Tất cả đều đã được định đoạt, huynh tra tấn bản thân thì cũng không thể xoay chuyển chuyện đó được."

"Lần nào huynh cũng tự cho là mình có thể giải được câu đố kia, nhưng lại không nghĩ đến việc huynh đã dấn thân vào đó rồi, muốn tránh cũng không khỏi, huynh thông minh cả đời vậy mà không hiểu ra ư? Tất cả mọi chuyện vốn không phải việc huynh và ta nỗ lực là có thể thay đổi."

Trong lời nói có tiếc thương, cũng có cả bực bội.

Hai người cùng triều nhiều năm, họ là đối thủ, là bạn bè, cũng là thần tử tận trung trước mặt Thánh Thượng. Hắn ta thán phục tài học và thủ đoạn của người này, cũng chính vì vậy, khi thấy bộ dạng sa đọa của y thì hắn ta rất phẫn nộ.

"Đạt Cáp Tô, huynh sai rồi, ta chưa từng oán trách bất kỳ ai." Người đàn ông nằm bất động trong ngục dứt lời thì nhắm mắt lại: "Từ trước đến nay, ta chỉ đổ lỗi cho bản thân mình."

"Huynh... huynh vẫn còn chấp nhất chuyện không bắt được tên người heo kia sao?" Sắc mặt của người được gọi là Đạt Cáp Tô không tốt cho lắm, hắn ta nhíu mày truy vấn.

"Cả đời này, chỉ cần ta còn sống thì ta nhất định phải phá được án. Cho đến ngày ta chết rồi xuống âm tào địa phủ, ta nhất định phải tróc nã tên hung thủ về quy án." Người đàn ông cố ý để người truyền lời cho hắn ta lãnh đạm nói.

Lời này rất giống một kẻ điên.

Nhưng trong thiên hạ này, cũng chỉ có kẻ điên trước mặt mới dám dõng dạc phát ngôn những lời cuồng vọng không sợ chết như vậy.

"Thánh Thượng nói, quan phục đã đưa huynh, huynh có thể mang trên người, dù muốn hồi triều bất kỳ lúc nào thì Nam Thư Phòng đều có một vị trí cho huynh. Nhưng ta hỏi huynh, huynh muốn mấy năm?"

Câu hỏi này khiến ánh mắt của kẻ điên đang nằm trong lao tù không thấy ánh mặt trời có đôi chút biến hóa.

"Năm năm."

Kẻ điên nhìn mạng nhện trên đỉnh nhà lao, dường như trước mắt hiện lên một bàn cờ và các quân cờ, y đáp như thế.

"Vậy trong năm năm đó, huynh sống thế nào?"

"Từ quan dưỡng bệnh, vân du bốn bể, huynh cảm thấy cái nào thích hợp với ta?" Đối phương hỏi.

"Nghe đều có vẻ hợp với quái thai như huynh, chi bằng chọn cả hai?"

"Được đấy, cứ vậy đi."

Dứt lời, người nọ che miệng ho khan một phen, suy yếu nhếch môi lên, dường như trong lòng đã có chủ ý gì đó.

Khi y nói câu này thì ván cờ trên trần đã phân định thắng bại.

Cờ trắng và đen, thế hòa.

***

Năm 13, Đại Nội.

Thời tiết nóng bức giữa hè khiến người ta khó chịu không thôi, một nhóm quan viên mồ hôi đầy đầu đang chờ bên ngoài cửa cung, mắt trông về phía Điện Dưỡng Tâm nơi xa, mong sẽ xảy ra động tĩnh gì đó.

Thỉnh thoảng có thái y và các cung nhân ra vào nội điện.

Hiện tại, ngoại trừ phi tần và Hoàng tử thì những người khác ở đây chỉ có thể là các lão thần đã đi theo Hoàng đế nhiều năm.

Nửa canh giờ trước, Đại thái giám ở Điện Dưỡng Tâm bưng canh hạt sen ướp lạnh cho chư vị đại nhân, nhưng chỉ có vài người muốn uống, còn lại thì mồ hôi đầm đìa chờ tình hình bên trong.

Từ khi đăng cơ đến nay, Đương kim Hoàng thượng nổi danh cần - chính, nào ngờ bệnh lại ập tới một cách kỳ quặc và nhanh chóng đến thế.

Ngày 21.

Hoàng đế loan giá trở về Đại Nội.

Lúc ấy chỉ nói là đột ngột sốt cao, nhưng hai ngày kế tiếp Thánh Thượng lại bệnh không dậy nổi, ngài hạ chiếu khẩn điều các thân tín trở về trong đêm. Các lão thần cũng là sau khi hồi triều mới biết Đương kim Hoàng thượng muốn làm gì.

"Trẫm phiền toái vì việc ngôi vị, nhân đây bí mật lập Thái tử, truyền ngôi vị Hoàng đế cho Bảo Thân Vương. Mặt khác, sau khi trẫm qua đời nhớ đại xá thiên hạ, ngoại trừ kẻ giết người và mưu nghịch bị nhốt trong ngục ra thì đặc xá cho trở về dân gian, không ai được ngăn cản."

Câu nói này là lời gửi gắm.

Từ khi Thánh Thượng lên ngôi thì sát phạt quyết đoán, song khi trở bệnh vẫn còn nhớ rất nhiều chuyện của tiền triều.

Chỉ là việc đại xá này không chỉ có phạm nhân bình thường, e có người cũng được tha tội. Trong triều đình biết Thánh Thượng coi trọng người nào đó nên không dám phản bác, đành để mọi việc được quyết định như vậy.

Ngày 28 tháng 08 năm 13.

Rốt cuộc Đương kim Thánh Thượng bệnh không dậy nổi, an táng tại Lăng Thanh Tây, miếu hiệu Thế Tông.

***

Năm đầu tiên của Tân đế.

Trong kinh nổi lên một giai thoại.

Vào những năm cuối đời, Hoàng đế Thế Tông đã chọn ra một vị tiến sĩ tiến cung, vị đại nhân trẻ tuổi nhất trong Nam Thư Phòng đương triều đột nhiên bị bệnh rồi biến mất ly kỳ trong kinh thành. Vị đại nhân này họ Đoàn, nghe nói là trang tuấn kiệt xuất thế.

Năm đó, đây là giai thoại kỳ lạ và nổi danh khắp kinh thành.

Có chuyện kể rằng, vào năm thứ tám của triều đại này có một gã quan tham ô ở tỉnh phía Nam, dù làm cách nào cũng không tìm được chứng cứ phạm tội của gã nên treo án ở đó.

Lại kể rằng, bình thường phủ đệ của tham quan kia vô cùng thanh liêm, không lầu các, không tiền bạc, xét nhà cũng không tìm thấy bất kỳ sổ sách hay chứng cứ rõ ràng gì. Lúc ấy Thánh Thượng tức giận, ngài muốn tìm ra lương thảo phục vụ chiến sự mà gã đã nuốt nhiều năm qua.

Bấy giờ, vị đại nhân này mới hai mươi tuổi, y nhận hoàng mệnh đến tỉnh phía Nam tra án.

Loại án này nếu là người thường thì sẽ dụng hình rồi phái người điều tra, song y thấy người đi trước không hỏi được thông tin gì thì chẳng thèm nháy mắt mà nói là muốn thay đổi phương pháp.

Phương pháp này nghe mới mẻ nhưng cũng kỳ lạ.

Nghe đâu mỗi ngày ngục tốt buộc gã tham quan kia ăn một loại bánh bột trắng được làm từ đất Quan Âm, sau đó cho uống nước lạnh. Người thường không biết đất Quan Âm là gì, chỉ xem đây là thứ tốt.

Thật ra đây là món dùng trong nạn đói, khi bá tánh bình dân sắp chết đói mới ăn. Người bình thường ăn vào không thể tiêu hóa mà chất đống trong bụng, cuối cùng trướng bụng đến mức không nói nên lời, trong vòng mười ngày sẽ bể bụng mà chết.

Gã tham quan tham ô nhiều năm như vậy, ngốn nhiều đồ cứu tế và vàng bạc đánh giặc không chịu giao ra. Thế là mỗi ngày vị đại nhân kia đều phái người đút gã ăn đất Quan Âm của dân ăn khi chạy nạn khiến gã no căng đến mức ôm cái bụng lớn khóc chảy nước mắt, phân và nước tiểu đều nghẹn ở ruột đau không nói nên lời. Cuối cùng, gã cũng khai sổ sách đều chôn ở hoa sen ngay dưới ao cá vàng nhà mình, chỉ có cách đào bong bóng cá mới tìm được.

Đại án tham ô được giải quyết này sau được xưng là "Án Bong Bong Cá".

Cá là chỉ nơi cất giấu sổ sách, đồng thời cũng chỉ gã tham quan sống sờ sờ bị bể bụng chết. Sau đó, cậu thiếu niên vốn đảm nhiệm chức quan bình thường một bước lên mây, được Thánh Thượng trọng dụng xem là cận thần.

Về sau, Thế Tông từng tự mình đề bút thưởng cho y một chữ - Ngọc Hành.

Đoàn Ngọc Hành, ý chỉ sao Ngọc Hành, tán thưởng y mưu trí vô song, là kỳ tài đương thời khó tìm.

Song Tân đế vừa kế vị, ngài đại xá thiên hạ, chỉ duy nhất vị đại nhân này là không thèm để ý đến. Là chúng lão đại nhân ở Nam Thư Phòng thay y cầu tình nên Tân đế mới nói để y ở nhà năm năm tỉnh táo lại, khi nào tỉnh rồi thì bắt đầu dùng.

Nhưng hầu hết người trong dân gian nghe nói vị đại nhân trải qua hai triều này khi còn niên thiếu là một người phong lưu. Tâm nghĩ về dân chúng, tràn đầy khí phách thiếu niên, hoàn toàn không giống lời đồn tâm cơ thâm trầm như rắn độc, không dễ tiếp cận.

Chỉ là người như vậy, bây giờ không có cơ hội nhìn thấy.

***

Tháng mười, một chiếc xe ngựa với màn cửa cũ mèm ra khỏi cửa thành.

Người đánh xe là một ông lão, còn người bên trong thì mặc áo vải, trên tay cầm một quyển sách hướng dẫn chơi cờ, không còn quan phục hay mũ miện, lông công, trông y như một người bình thường vậy.

"Thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn, người học đạo càng phải nỗ lực. Nước chảy thành sông, dưa chín cuống rụng, người đắc đạo... mặc kệ thiên cơ."

Câu lẩm bẩm cuối cùng trong xe ngựa cũng là lời cáo biệt tạm thời kinh thành.

Vụ án người heo ở phủ Thuận Thiên từ đây thành án treo.

Anh tài cái thế lướt qua trong phút chốc, thế nhân đều đoán thiếu niên nghĩa khí đệ nhất kinh thành Đoàn Ngọc Hành rốt cuộc đã đi đâu. Song nhìn lại thì y tạm thời rời xa quan trường, một cây dù, một rương sách cũ, một mình dạo chơi dân gian.

Và một câu chuyện xưa xuất sắc truyền lại đời sau chính thức bắt đầu...