Khế Ước Con Tim

Chương 13: Nội ơi!




Mùa xuân bắt đầu, học sinh cả nước nô nức được nghỉ Tết. Cả gia đình đình Đông Anh lại quay về Quảng Bình để ăn Tết với ông bà, dòng họ. Những ngày cuối năm mọi người đều bận rộn không thôi , Đông Anh phải dọn dẹp, phụ mẹ cúng kiến. Hoàng An ở trong Nam thì cũng tất bật với công việc, bởi lẽ những ngày này là những lúc cậu kiếm được nhiều tiền nhất.

Đêm giao thừa bà nấu cho cậu mấy món ăn ngon, bà phải ngủ sớm nên chỉ mình cậu thức cúng giao thừa. Đang ngồi trầm tư trong màn đêm tĩnh mịch thì cậu nhận được tin nhắn, đến từ Đông Anh.

"Lớp trưởng, anh có đang đón giao thừa không?"

"Có!" Cậu trả lời.

Đông Anh gửi cho cậu một bức ảnh, trong đó chụp bình hoa tuyết mai nở trắng xóa, nhìn rất rực rỡ.

"Em chăm tuyết mai nở đẹp nhất đúng dịp luôn nè!"

Hoàng An vô thức cười cười, cậu nhấn thả tim vào bức ảnh.

"Lần đầu tôi thấy tuyết mai nở nhiều như vậy". Cậu trả lời Đông Anh.

"Là vì em chăm đó!" Đông Anh gửi cái icon mặt cười sang cho cậu.

"Lớp trưởng và bà nội có gói bánh chưng không?" Cô hỏi.

"Không, nội tôi ngủ rồi". Cậu trả lời.

"Vậy sáng mai nội thức lớp trưởng chúc nội năm mới vui vẻ giúp em nhé!"

"Được!" Anh trả lời cô đơn giản.

Thấy đồng hồ đã gần điểm 0 giờ, cậu bỏ điện thoại xuống bày bánh trái ra bàn trước sân. Thắp nhang cúng bái. Hoàng An chỉ cầu cho bà nội khỏe mạnh, cầu cho cậu kiếm được nhiều tiền để lo cho nội.

Sau khi cắm nhang xong cậu lại ngồi ở đó, cậu cầm điện thoại lên xem thì thấy rất nhiều tin nhắn của mọi người gửi trong nhóm lớp. Bên cạnh đó còn có tin nhắn riêng của Đông Anh.

"Chúc lớp trưởng năm mới vui vẻ, học hành thuận lợi, sức khỏe an khang, bình an hạnh phúc nhé".

Tin nhắn được gửi lúc 0 giờ 0 phút. Cậu gõ gõ bàn phím gửi trả lời cô.

"Chúc Đông Anh năm mới vui vẻ, mọi chuyện đều thuận lợi và suôn sẻ. Chúc gia đình Đông Anh sức khỏe dồi dào!"

"Cảm ơn lớp trưởng!" Đông Anh trả lời nhanh chóng còn kèm theo icon trái tim màu đỏ.

Hoàng An nhìn dòng tin nhắn đến ngẩn ngơ. Tiếng nhịp tim của cậu đã hòa vào âm thanh pháo hoa từ ti vi của nhà cạnh đó.



Mùng một Tết, Hoàng An ở nhà với bà, cậu cùng bà nấu những món đặc biệt cùng ăn với nhau. Đông Anh có gửi cho cậu xem mấy bức ảnh phong cảnh ở Quảng Bình nhân lúc cô đi chúc Tết dòng họ.

Cậu chỉ xem rồi thả tim mọi thứ mà cô gửi sang, Đông Anh cũng chỉ gửi một vài tin chứ cũng không có làm phiền cậu.

Ban đêm, bà cụ ngồi trên giường gọi Hoàng An lại gần, bà đưa cho cậu một hộp thư cũ kỹ. Bà cười hiền hòa nói.

"Nè, bà đưa cái này cho con. Con nhớ giữ gìn rồi tìm lại gia đình của con nghe không?"

Hoàng An nhìn cái hộp rồi lại nhìn bà, cậu hỏi.

"Nội là gia đình của con rồi mà?"

"Ừ, con cũng là gia đình của nội, nhưng nội không ở với con được cả đời".

Hoàng An im lặng không trả lời, bởi đó chính là điều cậu lo sợ nhất.

"Nội vẫn tin rằng ba con vẫn sẽ luôn đi tìm con". Bà cụ đưa cái hộp cho cậu rồi xua tay bảo cậu ra ngoài cho bà ngủ.

Hoàng An cảm xúc thăng trầm ôm theo cái hộp ra trước hiên nhà mở ra xem. Thú thật thì sau từng ấy năm vốn dĩ cậu cũng đã quên đi giương mặt của ba mẹ mình.

Bên trong hộp cũ là nhưng mảnh giấy cũ đã lấm lem màu mực. Đây là nét chữ của bà, bà đã ghi lại.

"Tên Phan Thế Khôi, ba tuổi, bị lạc ở quán cà phê Quán Đa nơi xe đò hay dừng lại. Khi bị lạc mặc áo màu vàng, quần ngắn màu đen. Sau lưng có vết bớt đỏ bằng đầu ngón tay cái".

Đọc những dòng chữ cũ rích này mà mắt cậu đỏ hoe, cậu không còn nhớ được mọi chuyện nhưng cậu cũng thấy bi ai cho bản thân mình.

Bên trong còn có mấy tấm hình của cậu lúc đó, có cả ảnh chụp bộ quần áo, thậm chí cả đôi dép cậu mang bà cũng chụp lại. Ở cái thời đó muốn chụp hình cũng cần rất nhiều tiền, nhưng bà lại không tiếc mà chụp cho cậu rất nhiều.

Phía dưới còn có giấy khai sinh mới, giấy đổi tên, giấy nhận nuôi của bà làm cho cậu. Hoàng An như vô hồn ngồi nhìn vào hư không, có lẽ nếu cậu mủi lòng thì màn đêm đen tối kia có thể nhấn chìm cả con người của cậu mất.

Sáng hôm sau, Hoàng An thức sớm dọn dẹp nhà cửa. Cậu đi mua chút nấm và thịt để nấu canh cho bà. Khi đi chợ về cũng gần 8 giờ sáng như nội vẫn chưa dậy, cậu để đồ vào nhà bếp rồi gọi lớn.

"Nội ơi! Thức dậy đi nội ơi!"

Bên trong giường của nội không có động tĩnh, cậu lén nhìn vào sợ nội đã thức rồi đi đâu đó. Nhưng bà cụ vẫn còn nằm im mà ngủ. Cậu đến bên giường gọi bà.

"Nội ơi, nội ra nấu cơm với con nè nội!"

"Nội ơi!" Cậu gọi nhưng mà cụ không có động tĩnh.

Nhận thấy có gì đó không đúng, trái tim bên ngực trái đập một cách kịch liệt hơn. Hoàng An bán tính bán nghi mà mở mùng bà cụ ra lay bà.



"Nội ơi?"

Bà cụ nằm im không động đậy, tay chân bà đã lạnh ngắt, Hoàng An hoảng sợ vội vàng mở đèn lên.

"Nội ơi nội đừng làm con sợ, nội ơi".

Cậu hoảng loạn lay bà nhưng mà mãi không có động tĩnh. Cậu bỏ chạy sang đập cửa nhà hàng xóm.

"Chú Năm ơi chú Năm!" Cậu vừa gọi vừa khóc.

"Gì vậy bây?" Ông Năm vội vàng chạy ra, ông ở trần còn chưa kịp mặc áo vào.

"Chú Năm ơi nội của con bị gì rồi, chú Năm đưa nội ra bệnh viện với con đi chú Năm".

"Rồi rồi, mày đừng hoảng, tao qua liền". Ông Năm vào trong nhà lấy cái áo mặc vội vào rồi chạy sang nhà cậu.

Nghe tiếng cậu gọi lớn thì hàng xóm gần đó cũng chạy ra xem. Ông Năm vào nhà xem bà cụ thế nào rồi lại nhìn Hoàng An đang hoảng, ông kêu cậu lại gần.

Hoàng An tiến đến bên cạnh ông Năm. Trong lòng cậu đã biết chuyện gì đang xảy ra nhưng cậu không muốn tin. Ông Năm xoa đầu cậu rồi từ từ nói.

"Nội mày ngủ một giấc dài rồi con, đừng gọi nội dậy, cho nội nghỉ ngơi đi".

Hoàng An khóc, nhưng cậu kiềm chế không để mình khóc ra thành tiếng. Cậu tiến đến ngồi bên cạnh bà, tay sờ lấy mặt bà, cậu khẽ gọi.

"Nội ơi!"

Không có ai đáp lại cả.

Ông Năm lén lút lau nước mắt bước ra ngoài. Ở xóm này ai cũng biết gia đình của hai bà cháu nương tựa lẫn nhau, hàng xóm láng giềng bên nhau mấy mươi năm nói không buồn là nói dối.

Ông Năm đứng bên ngoài nói chuyện với mọi người gần đó, mọi người bàn bạc sẽ cùng nhau lo tang sự cho bà cụ.

"Thằng nhỏ đâu rồi?" Có người hỏi.

"Nó ở trong". Ông Năm trả lời rồi thở dài.

"Sáng nó còn ra chổ tui mua thịt, nói về nấu canh cho bà nội nó". Có người nói.

Có vài người cũng khóc thút thít. Tối mùng một, rạng sáng mùng hai Tết, có một người đã ngủ một giấc dài không tỉnh lại.