Khi ánh nắng mơn man nở rộ trên những cánh hoa đào cũng là thời điểm mùa xuân sắp về. Cái Tết năm ấy đến thật nhanh. Ngày 27 Tết, ánh nắng chan hòa chiếu xuống khắp nơi nơi, người dân đổ ra đường đông như trẩy hội. Khắp các cung đường, ngõ phố, nhìn đâu cũng thấy các dòng xe cộ tấp nập nối đuôi nhau đi. Nhất là các khu chợ, lúc nào cũng chật kín người. Thời điểm giáp Tết, mọi người tranh thủ đi mua sắm vật dụng để trang hoàng nhà cửa, mua thực phẩm về dự trữ cho mấy ngày lễ. Buổi sáng, như thường lệ, quán ăn nhà tôi rất đông khách, tôi ở nhà phụ anh trai bán hàng.
4h chiều, sau khi ngủ một giấc say sưa, tôi rời khỏi giường, sửa soạn quần áo một lượt rồi chạy xe đến nhà Lan – đứa bạn thân cùng lớp. Chúng tôi có hẹn đi chợ hoa cùng nhau, mục đích ban đầu là đi dạo phố, sau cùng là mua mấy chậu hoa đẹp đẹp để về trang trí trong nhà đón Tết. Bố mẹ tôi bận rộn nên gần như không quan tâm đến mấy chuyện này.
Tôi và Lan dạo quanh khắp các ngõ ngách trong chợ hoa. Muôn vàn màu sắc và kiểu dáng các loại hoa nhìn đẹp mắt, chúng tôi ngẩn ngơ, tưởng như mình đang lạc giữa một thung lũng hoa, những cánh đào phai nhẹ bay trong gió, những bông hoa ly đài các kiêu sa,… Tôi ngắm mãi, cuối cùng không biết mua hoa gì, ngắm thấy mấy chậu hoa nhỏ nhỏ xinh xinh, tôi nghĩ trang trí ở phòng khách hoặc phòng ngủ đều được, bởi vậy nên ghé vào mua 4 chậu hoa. Trên đường trở về nhà, khi đi qua đoạn ngã tư, tôi cầm lái, cái Lan ngồi sau ôm giúp tôi bốn chậu hoa nhỏ.
Bỗngg… rầmmm…
Tay lái tôi lảo đảo, xe bị nghiêng và đổ rạp xuống nền đường. Cái Lan ôm 4 chậu hoa bị ngã văng ra một đoạn. Tôi cũng nhanh chân lăn ra một chút nên may mắn cả người không bị sao. Cơ mà chiếc xe máy cà tàng của bố tôi thì có vẻ không ổn lắm. Chiếc yếm vỡ tan, bánh xe cũng méo mó. Trong lúc hoảng loạn, miệng tôi tru tréo lên, ánh mắt tôi nhìn xung quanh, đám đông bắt đầu chú ý đến sự va chạm này. Tôi phát hiện ra một thanh niên mặc bộ đồ thể thao màu xám nhạt, đôi giày thể thao cùng màu, cậu ta đi chiếc xe wave màu trắng, nhìn cao to, khôi ngô tuấn tú.. chiếc xe Wave màu trắng cũng đổ rạp xuống nền đường, bánh xe đang quay tròn, quay tròn…
Tôi nhìn sang cái Lan, thấy nó bình yên vô sự, nhưng bốn chậu hoa của tôi thì… hỡi ôi, nó vỡ tan tành hết. Miệng tôi bắt đầu gào thét:
— Anh kia, anh đi đứng kiểu gì thế hả? Ngày Tết, người đi lại rất đông, muốn qua đường thì anh phải chú ý chứ. Hôm nay may cho anh đấy, nếu như chúng tôi có mệnh hệ gì, anh có đền được không?? Hả?? Anh nói đi? Anh có đền được không?
Trước ánh mắt hiếu kỳ của mọi người, nữa là trước thái độ dữ dằn của tôi, cậu thanh niên đó lúng túng, ngập ngừng mãi mới dám đến gần và chậm rãi hỏi:
— Cậu có bị làm sao không? Chân tay có bị trầy xước, ch,ảy máu gì không? Xe cậu bị hỏng rồi, tôi sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa.
Tôi nghe vậy càng được đà quát lớn:
— Không chỉ riêng cái xe này bị hỏng đâu. 4 chậu cây của tôi cũng nát bét rồi. Cậu đền cho tôi đi.
— Cậu đứng dậy đi đã. Có gì chúng ta từ từ nói chuyện. Cậu cho tôi số điện thoại và địa chỉ nhà cậu, mọi chi phí sửa chữa xe, bố tôi sẽ liên hệ và gửi lại cho cậu, được chứ?
Cái Lan thấy cậu thanh niên kia thực sự có thành ý nên cất lời nói nhỏ với tôi:
— Vân, cậu đừng làm khó người ta nữa. Gật đầu đi để đám đông người ta giải tán.
Mọi người tiến lại gần và đỡ hai đứa con gái chúng tôi đứng dậy, họ dựng hai chiếc xe máy bị hỏng vào lề đường để giao thông đi lại thuận tiện hơn. Như sợ chàng trai đó lừa gạt, tôi mạnh dạn nói:
— Tôi cho cậu số điện thoại và địa chỉ nhà của tôi. Ngược lại cậu cũng phải cho tôi số điện thoại và địa chỉ nhà của cậu, được chứ?
Chàng trai kia nghe vậy liền gãi tai rồi gật đầu, sau đó lại ngơ ngác hỏi:
— Cậu xin số máy của tôi để làm gì? Tôi có số máy của cậu là được, bố tôi nhất định sẽ liên hệ cho cậu để đền bù thiệt hại.
— Cậu nghĩ tôi xin số cậu để làm gì? Cậu tưởng mình đẹp trai lắm hả? Tốt nhất đừng tưởng bở. Tôi xin số cậu là để đảm bảo rằng cậu không lừa tôi. Lỡ như bố cậu không liên lạc cho tôi và gửi tiền phí sửa xe thì tôi biết làm thế nào???
— Nếu cậu muốn, tôi sẽ cho cậu. Nhưng tôi dám khẳng định, bố tôi không phải kiểu người như cậu nghĩ. Ông ấy nhất định sẽ liên hệ cho cậu.
— Được rồi, không nói nhiều nữa.
Tôi hơi gắt lên, sau đó tôi và chàng trai kia trao đổi số điện thoại với nhau. Trong khi tôi và Hà loay hoay chưa biết phải về nhà bằng cách nào thì chàng trai kia tiến đến gần và hỏi thêm:
— Tôi… phải gọi tên cậu là gì?
— Cậu hỏi tên tôi làm gì???
— Lỡ như cậu gọi điện đến… tôi còn biết là mình đang nói chuyện với ai.
— Cậu yên tâm đi, nếu như bố cậu liên lạc với tôi, tôi nhất định không làm phiền đến cậu. Cậu không cần phải suy nghĩ nhiều quá.
— Cậu lưu tên tôi là Thành nhé. Tôi tên Thành.
Tôi không mảy may chú ý đến chàng trai tên Thành đó, nhờ một số người giúp đỡ, chiếc xe máy của tôi và cả Thành đều được đưa vào tiệm sửa chữa gần đó. Tôi và Lan dắt tay nhau đi trên vỉa hè, vừa đi tôi vừa than thở rằng hôm nay đen đủi, một buổi đi chơi thất bại, sợ nhất là về nhà bị bố mẹ mắng, hôm sau không cho chạy xe máy đi chơi nữa.
Đến tối hôm đấy, đúng như lời Thành nói, một số máy lạ gọi đến cho tôi, tôi do dự nghe máy, đầu dây bên kia truyền đến giọng nói ấm áp mà nghiêm nghị của một người đàn ông tuổi trung niên.
— Chào cháu, cháu là Vân phải không?
Tôi hơi ngạc nhiên, song vẫn lễ phép đáp:
— Vâng ạ. Cháu là Vân. Bác là ai thế ạ? Bác gọi cháu có việc gì không?
Giọng bác trai vọng lại đều đều:
— Bác là Việt. Là bố của Thành. Là người chiều nay đụng phải xe cháu gần chợ hoa thành phố. Bác nghe nói xe của cháu và Thành đều bị hỏng, mọi chi phí sửa chữa bác sẽ trả hết. Cháu yên tâm nhé.
Tôi lúc này mới nhớ ra, vội vàng đáp lời:
— Dạ, vâng bác. Con trai bác đi đường không chú ý gì cả. Đụng phải xe cháu. Cũng may là người không bị sao.
— Bác cũng đã nhắc nhở Thành rồi. Thật may là không ảnh hưởng gì đến người, còn mấy ngày nữa là đến Tết, các cháu ra ngoài chú ý an toàn nhé. Chúc cháu và gia đình năm mới bình an, hạnh phúc nhé.
— Vâng ạ. Cháu cảm ơn bác. Cháu cũng chúc bác và gia đình năm mới thật nhiều sức khỏe, luôn thành công và gặp nhiều may mắn ạ!
Cuộc gọi kết thúc, không hiểu sao tôi thấy tâm trạng vui vẻ lạ thường. Cách nói chuyện của bác Việt khiến tôi cảm thấy kính trọng và quý mến. Dịu dàng và ấm áp, biết lắng nghe như vậy… chắc hẳn là một người làm công việc gì đó đức cao vọng trọng. Lúc đó tôi đã nghĩ như vậy.
Năm ấy, tôi đón một cái Tết thật vui và ấm áp bên người thân yêu của mình. Thời gian lại thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào chân ướt chân ráo thi vào mái trường chuyên của thành phố, giờ đây tôi đã sắp sửa rời khỏi nơi này, chuẩn bị bước vào một cánh cổng rộng lớn hơn, những ngày tháng sau này hứa hẹn sẽ nhiều điều bất ngờ và thú vị hơn nữa. Hôm ấy là buổi lễ tổng kết năm học, cũng là buổi chia tay của khối 12 với các thầy cô giáo cũng như bạn bè cùng trang lứa.
Khắp sân trường là một màu trắng, những tà áo dài trắng tung bay dưới ánh nắng vàng rực rỡ, những cô cậu học trò mải miết chụp ảnh kỷ niệm trước ngày chia ly. Những giọt nước mắt bịn rịn, lưu luyến, những cái ôm siết chặt như muốn níu giữ lại chút ký ức của tuổi học trò.
Mặc kệ mọi người loay hoay, bận rộn với những cảm xúc không tên, tôi ngồi lặng người ở cuối dãy, lơ đễnh quan sát mọi thứ đang diễn ra trước mắt. Khung cảnh này vừa ồn ào, lại vừa có phần nực cười. Tôi nghĩ vậy. Bởi tôi biết, có những người, khi còn học chung với nhau, trước mặt thì nói những lời hay ý đẹp, sau lưng lại bình phẩm, phán xét, thậm chí là nói xấu nhau rất tệ. Ấy vậy mà, vào thời khắc này, họ ôm nhau, cười nói với nhau, thậm chí còn rơi nước mắt và hứa hẹn đến một ngày gặp gỡ không xa…
Kỷ niệm của tôi dưới mái trường này không có gì đặc biệt. Tôi sinh ra ở quê nên cách ăn mặc rất giản dị, nữa là do điều kiện của gia đình nên tôi chỉ chăm chú đi học và lao vào giúp đỡ bố mẹ làm việc. Tôi không biết ăn diện là gì, cũng không biết xu hướng thời trang nào, những địa điểm ăn chơi nào được giới trẻ chú ý… Tất cả tôi đều không biết. Bởi vậy, khoảng cách giữa tôi và mọi người luôn có một giới hạn nhất định.
Mãi sau này, khi bắt đầu biết quan tâm người khác giới, tôi chú ý đến ngoại hình và cách ăn mặc hơn… Tuy có điệu đà hơn, nhưng giữa tôi và đám bạn con nhà giàu có vẫn không có cách nào dung hòa được. Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau, nhưng trong lòng tôi hoàn toàn không có ấn tượng gì với họ. Tôi bị ảnh hưởng tư tưởng của mẹ tôi, trong cuộc sống, nếu không có tiền thì sẽ rất khổ. Bà ấy đã phải nếm trải những ngày tháng cơ cực như vậy nên luôn nhắc nhở tôi phải ghi nhớ. Chính bởi vậy, tôi luôn quan niệm việc bản thân sẽ làm được gì, sau này như thế nào… quan trọng hơn việc đám bạn nhà giàu trong lớp đối xử và nhìn nhận tôi như thế nào.
Đang suy nghĩ miên man, bỗng, tôi cảm giác có ai đó đang chăm chú nhìn mình. Chột dạ, tôi khẽ quay người lại. Khoảnh khắc ấy, vô tình tôi chạm phải ánh mắt của một chàng trai nhìn rất quen. Người đó… không phải là người đã đụng xe tôi hôm 27 Tết ở gần chợ hoa sao?? Suy nghĩ một lát, tôi nhìn lại vị trí ngồi của các lớp. Thanh niên ấy học lớp D, tôi học lớp A. Hóa ra học chung trường với nhau bao lâu, vậy mà hôm nay tôi mới chạm mặt cậu ấy. Khoảng thời gian từ dịp Tết nguyên đán đến giờ cũng hơn 4 tháng, tôi nghĩ, chắc cậu ấy cũng chả có ấn tượng gì với mình nên tôi quay mặt đi, vờ như không biết.
Tuy nhiên, vào khoảnh khắc tôi quay mặt đi, cậu thanh niên kia mạnh dạn cất lời:
— Tôi có cảm giác cậu rất cô độc!
Tôi ngơ ngác quay người lại nhìn. Lâu ngày nên tôi quên mất chuyện lúc trước, ngay cả tên gọi của cậu ấy tôi cũng không có ấn tượng. Tôi vội vàng mở điện thoại ra, tìm kiếm một lúc thì thấy số máy ngày nào vẫn còn lưu trong danh bạ. Anh chàng đẹp trai này tên Thành. Hừmmm, cậu ấy tên là Thành. Tôi thầm nghĩ.
Đoạn tôi quay sang nói với Thành:
— Cậu đang nói chuyện với tôi à?
Thành gật đầu hưởng ứng:
— Đúng, tôi đang nói chuyện với cậu đấy!
— Cậu nói tôi cô độc? Vậy cậu có nhìn lại mình không? Giữa một tập thể ồn ào, tôi cảm giác cậu cũng đang bị mọi người bỏ quên vậy!?
— Chúng ta giống nhau mà. Chính vì bị bỏ quên nên tôi mới phát hiện ra cậu cũng cô độc giống như tôi. Cậu còn nhận ra tôi chứ?
Tôi khẽ nhướng mày cười khẩy:
— Trái đất này tròn thật. Tôi không ngờ lại là bạn học cùng khóa với cậu!
— Xem ra chúng ta rất có duyên!
Thành đáp lời bóng gió.
— Không dám có duyên gì với cậu!
Bây giờ tôi mới chú ý, so với thời điểm đụng xe hôm Tết, dường như Thành ngày càng đẹp trai hơn. Đặc biệt là làn da sáng mịn, đôi bàn tay thon dài. Tôi thấy ghen tị với làn da của cậu ấy. Mái tóc hơi xoăn cá tính, đôi hàng mi cong vút tô điểm cho đôi mắt tròn to và sáng. Tôi thoáng ngây người, chỉ sợ trong phút giây bối rối sẽ bị ánh mắt kia làm cho đảo điên. Thành cũng chăm chú nhìn tôi. Hôm nay là ngày lễ tổng kết, tốt nghiệp cuối khóa nên tôi mặc áo dài trắng như bao bạn nữ khác. Tôi cao 1m65, body của tôi luôn được bình chọn vào top nuột nà nhất của lớp… nên lúc này tôi rất tự tin ngồi thẳng lưng, hơi ưỡn ngực về phía trước và khoe khéo ba vòng hút mắt.
Im lặng một lát, Thành lại nói thêm:
— Sắp tới cậu dự định thi ngành gì?
— Tôi thi ngành gì cũng không có nghĩa vụ phải giải trình với cậu.
Tôi đỏng đảnh đáp lời Thành. Thấy tôi có vẻ không vui, Thành vội giải thích:
— Tôi không nghĩ rằng, từ sau chuyện đụng xe ngày hôm đó… ấn tượng của cậu về tôi lại tệ như vậy. Chúng ta không thể nói chuyện như những người bạn được sao?
— Tôi và cậu, có thể làm bạn được ư??
— Tại sao không thể??
— Tôi cảm thấy chúng ta không hợp để trở thành bạn bè!
Nói rồi tôi ngoảnh mặt quay đi, liền sau đó tôi đứng dậy và bước về phía khán đài, chụp hình kỷ niệm với đám bạn cùng lớp. Tuy rằng tôi không có quá nhiều điều tiếc nuối tại ngôi trường này, nhưng tôi nghĩ, tối thiểu vẫn nên có một vài tấm hình lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ tại đây. Để sau này nhìn lại, tôi có thể mỉm cười mà nói rằng, thanh xuân của tôi tại ngôi trường này rất tuyệt!